Đây là Chiên Thiên Chúa…

Đây là Chiên Thiên Chúa…

Đây là Chiên Thiên Chúa…Theo lịch Công Giáo, hôm nay (19/01/2014) Phụng Vụ Thánh Lễ bước vào Chúa Nhật thứ 2 mùa thường niên.  Nếu được phép, có thể gọi, hôm nay là một ngày Chúa Nhật của những lời chứng thực, những lời chứng thực đem đến niềm hy vọng cho con người.

Thật vậy, nếu những tuần lễ của Mùa Giáng Sinh, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta chỉ được nhìn thấy Đức Giêsu trong hình hài một Hài Nhi, với lời loan báo của thiên sứ, đem lại cho con người niềm hy vọng, rằng  “một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra… Người là Đấng Kitô Đức Chúa”…

Thì, Chúa Nhật hôm nay, cũng qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, niềm hy vọng đó bừng sáng lên, sáng lên qua lời chứng thực của ông Gioan, người mà chúng ta quen gọi là Gioan Tẩy Giả. Những lời chứng thực của ông được ghi lại trong Kinh Thánh. (Ga 1, 19-34).

**

Vâng, theo những gì Kinh Thánh ghi lại, có thể nói rằng, đó là những ngày đầy thử thách và cam go đối với ông Gioan Tẩy Giả. Thật vậy, hôm đó, đứng bên sông Giodan, giản dị trong trang phục và mạnh mẽ với những lời kêu gọi sám hối, ông đã khiến cho một số thành phần trong dân chúng nghĩ rằng, ông là Đấng Kitô hay ít ra cũng là một ngôn sứ nào đó.

Thế nhưng, những luồng suy nghĩ đó đều bị ông Gioan bác bỏ. Không! Không! “Trăm không ngàn lần”  ông chỉ là kẻ dọn đường, như lời ông nói. Và rằng, vai trò của ông chỉ là chứng nhân. Ông chứng thực rằng “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”.

Sự kiện từng đoàn người “rồng rắn” đến xin ông làm phép rửa cũng không đủ yếu tố để khẳng định rằng, ông chính là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

“Đấng xóa bỏ tội trần gian” – ông nói, đó là  Đức Giêsu, người “đang tiến về phía ông”. Hôm đó, ông đã nói cho mọi người biết rằng, ông đã nghe rõ lời Đấng sai ông đi làm phép rửa trong nước, bảo ông “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

Đức Giêsu chính là người ông đã thấy. Ông đã thấy “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Chính vì thế, hôm đó; trước đám đông cử tọa, ông khẳng định: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.(Ga 1,34).

***

Trình thuật Tin Mừng còn kể lại rằng: “Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa”.

Có là nghịch nhĩ không! Đức Giêsu – Người-là-Đấng-Thiên-Chúa-tuyển-chọn… Là Thánh Tử Con Trời… Thế mà, tại sao ông Gioan ví Ngài như là một “Con Chiên”?

Thưa, với người Do Thái, chiên là một con vật được dùng trong tế tự.  Con chiên được dùng để tế lễ Thiên Chúa, làm của lễ toàn thiêu, làm của lễ hiến tế, và cũng để làm của lễ đền tội.

Chiên còn là vật người Do Thái giết để kỷ niệm lễ Vượt Qua. Chiên con là con vật mà cha ông của họ đã giết để ăn thịt và máu được dùng bôi trên cửa để đánh dấu cho thiên sứ vượt qua và không giết hại con đầu lòng của họ (x. Xh 12, 7-13).

Giáo lý cựu ước dạy rằng : “Nếu một người vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà ĐỨC CHÚA cấm làm… thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê (hoặc chiên) làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ…. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32).

Vâng,  giới thiệu Đức Giêsu là Chiên-Thiên-Chúa; ông Gioan muốn nói lên sứ mạng của Giêsu Con Trời. Người chính là Chiên-Con-Mới, đến thế gian, để hiến thân chịu chết và đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian.

Tác giả thư Do Thái cũng đã viết rằng: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Dt 10, 4-7).

Thánh Phaolô cũng đã xác tín như thế khi nói rằng: “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (I Corinto 5,7).

****

Là một Kitô hữu, chúng ta cũng thường được gọi là “con chiên”. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên hay trùng hợp. Đó cũng không phải là một sự “hạ nhục” như một số ít người không thích “đạo Chúa” nghĩ như thế. Đó là một ơn gọi.

Đức Giêsu có nói, “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Cho nên, nếu Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn để trở nên “Chiên Thiên Chúa”, thì chúng ta có lý nào không được trở thành chiên của Thiên Chúa!

Hơn nữa, khi đã tin Chúa và lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành chi thể trong nhiệm thể là Đức Kitô, và được hiệp thông nên một với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể. Chính nhờ ân sủng đó, chúng ta được thông dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu. Vì thế, việc chúng ta cũng được mời gọi trở nên chiên-của-Thiên-Chúa là điều hiển nhiên.

Vâng, hãy để một phút trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng, bao năm qua theo Chúa, bao năm qua tin Ngài, tôi đã thực sự là “Chiên của Thiên Chúa”?

Nếu đã là chiên-của-Thiên-Chúa, không có lý do gì để chúng ta từ chối việc cùng “hiến tế” với Chiên-Con-của-Người là Đức Giêsu.

Vâng, đừng sợ rằng, Đức Giêsu bắt chúng ta phải hiến tế giống như Ngài đã hiến tế trên đồi Golgotha năm xưa. Không! Nếu có hiến tế, Ngài sẽ mời gọi chúng ta hiến tế trên đỉnh đồi yêu thương nơi có cây thập-giá-bác-ái, cây thập-giá-khiết-tịnh, cây thập-giá-nhẫn-nhục, cây thập-giá-nhân-hậu, cây thập-giá-từ-tâm, cây thập-giá-trung-tín, cây thập-giá–hiền-hòa, cây thập-giá-tiết-độ…

Đó là một sự hiến tế vẹn toàn, một sự hiến tế xóa bỏ tội tham lam, ích kỷ, xóa bỏ tội bất trung bội phản, bội tín, và cuối cùng, một điều chắc chắn sẽ xảy ra, sự “hiến tế” đó đem lại cho ta danh hiệu trên mọi danh hiệu… Vâng, đó là danh hiệu “Chiên của Thiên Chúa”.

Petrus.tran

Trả lời