Cuộc đời Thánh Martinô

Cuộc đời Thánh Martinô

Giuse Ngô Văn Công O.P

Cuộc đời Thánh MartinôChào đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt – thậm chí có thể nói là bi đát và thương tâm – giữa thế kỷ mười sáu (ngày 9/12/1579), cậu bé Martinô de Poret đã sớm chứng tỏ cho mọi người thấy : lòng yêu mến không cần phải có điều kiện, hay hoàn cảnh thuận lợi.

Mang trong mình dòng máu hiệp sĩ của người Cha Don Juan de Poret, Martinô đã vượt qua những rào cản của kỳ thị, của những khinh miệt và nhiễu nhương của thời cuộc để sống tâm hồn đơn sơ, phó thác, và tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Nhờ dòng máu của người mẹ da den Anna velasquez, Martinô đã sớm thấu hiểu thế nào là bị ruồng bỏ, bị khinh chê và phải hứng chịu bất công của xã hội. Nhưng hoàn cảnh đau buồn ấy không làm cho cậu bé Martinô nổi loạn hay chống đối xã hội. Trái lại, cậu đã dùng những bất công, kỳ thị và thiệt thòi ấy của bản thân để chứng minh cho mọi người thấy rằng “mọi sự đều có thể sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa”. Không những, Martinô đã vượt qua hoàn cảnh bất lợi của mình, mà cậu còn sống đẹp và thật hữu ích cho mọi người, trở thành bài ca bác ái vang mãi đến tận hôm nay và sau này nữa.

Thiếu vắng tình thương của người cha, Martinô không oán đời hay trách người, cậu vẫn giữ lòng hiếu thảo và trọng kính với cha, nhờ vào việc cậu đã thấu cảm tình thương vô biên của Thiên Chúa là CHA THẬT của hết mọi người, không phân biệt sang hèn, đen trắng… Cậu đã khám phá và xây dựng cho mình một triết lý sống : “Tất cả mọi người đều là anh em với nhau trong Chúa, vì là con một Cha trên trời.”

Vì thế, cậu đã quên đi cái nghèo, cái bất hạnh của mình để đến với mọi người. Từ những cụ già bị hành hạ, đói lả trên đường, hay những bệnh nhân đau đớn sống dở chết dở, cho tới những chú mèo, chị chuột… tất cả đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của cậu.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Khi biết cha bề trên lo buồn vì những món nợ khổng lồ của tu viện, nguyên nhân dẫn đến những món đồ trong nhà lần lượt đội nón ra đi, Martinô đã cầu nguyện rất nhiều và mong muốn làm được chút gì đó để chia sẻ gánh nặng với cha bề trên và cộng đoàn. Một lần, Martinô đang quét hành lang thì thấy cha bề trên tất tả ra đi với hai gói lớn. Thoáng nhìn vẻ mặt mệt mỏi của ngài, Martinô cảm thấy lòng dâng lên một nỗi cảm thông dạt dào.

Đoán biết sự việc, cậu chạy vào phòng ăn kiểm tra lại, thì thấy hai bức tranh trên tường đã biến mất. Martinô cảm thấy tiếc hai bức tranh đẹp, và chưa biết xử trí ra sao, thì một tia sáng chợt lóe lên trong đầu. Cậu lật đật đuổi theo cha bề trên, vừa thở hổn hển vừa nói :

“Thưa cha bề trên, cha không cần phải bán hai bức tranh này. Xin cha hãy đem con đi bán ! Con khỏe mạnh, có chút chữ nghĩa và biết làm nhiều việc. Như thế, cha có thể bán con với giá cao, chừng đó, chẳng những cha có dư tiền để trả nợ mà còn có thể mua thêm vài bức tranh nữa. Thật là đơn giản, thưa cha”.

Cha bề trên há hốc miệng tỏ vẻ kinh ngạc, vì cha vừa được nhìn ngắm vào tận đáy tâm hồn trong suốt của người giúp việc da đen này, cha cảm thấy nỗi mệt mỏi tan biến và hai gói hàng nặng dưới tay cha trở nên nhẹ bổng. Cha đặt hai bức tranh xuống đất, ôm chầm lấy Martinô và nói : “Không ! Martinô ! Con không nên nghĩ như thế. Con quí giá hơn mọi vẻ đẹp trên thế gian này !”

Một trong những ơn riêng Thiên Chúa ban cho Martinô, là ơn làm cho bánh hóa nhiều. Mỗi sáng Martinô thường ăn uống thật vội vã để có giờ tiếp đón hàng trăm người nghèo đang đứng đợi thày ngoài cổng. Bởi vì Martinô hiểu được sự thật này : phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa Kitô, thế nên thày không muốn để Ngài phải đợi lâu ngoài cửa.

“Xin Chúa chúc lành và gia tăng của ăn này để làm no lòng những người đến đây”.

Đó là lời “truyền phép” đơn sơ của thày Martinô trên giỏ lương thực. Trong khoảng một giờ đồng hồ, Martinô đứng ở cửa tu viện phân phát thức ăn, và dưới con mắt đức tin, thày thấy những bàn tay đang giơ ra kia là những bàn tay của Chúa. Nghĩ như thế, nên không bao giờ thày nhìn xuống giỏ thực phẩm để tính toán. Thức ăn vẫn tiếp tục còn trong giỏ bao lâu thày muốn. Đến khi mọi người đã no nê, Martinô đóng cửa lại, thày thu góp những mảnh vụn và thực phẩm dư thừa, rồi đi về phía chuồng bò để lo cho các chú chuột đang chờ thày ở đó được ăn. Lời thày đã hứa là hứa thật, dù là hứa với đám chuột.

Khi trái đã chín thơm và khi đóa hoa đã tỏa hương thơm ngát, chính là lúc được Thiên Chúa hái về để điểm tô thiên giới, và trở thành khí cụ chuyển thông ơn Thiên Chúa xuống cho những ai tin tưởng và đặt hy vọng vào Người..

Ngày 3-11-1639, chỉ một cơn đau nhẹ, thày Martinô qua đời, vào ngày mà thày đã báo trước cho anh em trong Dòng. Người đã từng cứu chữa các bệnh nhân, làm cho người chết sống lại và thực hiện bao nhiêu phép lạ khác đã không cứu chữa chính mình. Năm ấy, thày Martinô tròn 60 tuổi.

Lòng thương cảm người khổ đau của thày Martinô không chấm dứt sau khi quả tim đã ngừng đập. Khi thi thể thày còn được quàn tại tu viện, nhiều người bị bệnh nan y đến chạm vào thày và đã được lành bệnh.

Những người khiêng linh cữu của thày Martinô đến huyệt không phải là các thày Dòng, mà là hai Giám mục, cùng với Tổng trấn Lima và Quan chánh án hoàng gia. Đông đảo dân chúng theo sau cầu nguyện và cất cao giọng hát : “Chúa hạ bệ kẻ kiêu căng và tuyên dương người khiêm hạ”.

Thật không còn lời nào đúng hơn để chúc tụng người tôi tớ da đen hèn mọn của Chúa, bởi vì họ đang từ giã một con người đặc biệt, mà mỗi nhịp đập nơi trái tim người ấy, đều hòa nhịp với trái tim của Thiên Chúa, của con người và của vạn vật.

Năm 1837, đức Grêgorio XVI suy tôn thày Martinô de Porres lên hàng chân phước. Ngày 6-5-1962, đức Gioan XXIII ghi tên ngài vào sổ các hiển thánh.

Chúng con nguyện xin Thánh Martinô chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con biết theo gương thánh nhân, hát lên “bài ca bác ái”, Lời Yêu Thương trong đời, để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa, đã luôn dùng mọi sự để sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.

 

Trả lời