Cửa hẹp tình yêu hay đường rộng bạo lực

CN 21 năm C

Chọn cửa hẹp tình yêu hay đường rộng bạo lực ?
Luca 13: 22-30

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp


Cửa hẹp tình yêu hay đường rộng bạo lựcKhông biết anh chị em đã đọc loạt sách nhan đề “Bị Bỏ Lại” (Left Behind) hay chưa? Đây là loạt 16 quyển tiểu thuyết của tác giả Tim LaHaye & Jerry B. Jenkins. (Cũng có một loạt sách dành cho trẻ em nữa.) Những quyển sách này nói đến Ngày Tận Thế, trình bày cái được gọi là viễn cảnh Kitô giáo vào những ngày cùng tận của thế giới. Ba quyển trong số những tiểu thuyết này đã được dựng thành phim. Cách đây 10 năm thì 4 trong số những tiểu thuyết này từng giữ vị trí hàng đầu trong danh mục “Sách bán chạy nhất” (Best seller). Lời lẽ trong sách dựa trên những bản văn khải huyền của cả Tân Ước lẫn Cựu Ước. Loạt sách “Bị Bỏ Lại” lấy theo nghĩa đen những hình ảnh hão huyền trong Sách Thánh với những hình ảnh hết sức thi vị. Ý nghĩa của quyển sách nhằm “trả lời” cho những thắc mắc về kết cục lịch sử của hầu hết chúng ta – Có một trật tự luân lý nào trong vũ trụ hay không? Liệu rằng công lý có được thực thi và ánh sáng có thắng được bóng tối hay không ?

Dùng lời Sách Thánh như bằng chứng, Những quyển “Bị Bỏ Lại” phỏng đoán về một kết cục “hoan hỉ” sẽ đến. Nó sẽ xảy đến nhanh như chớp; Đức Giêsu sẽ trở lại và đón chỉ một số tín hữu về thiên đàng, chỉ những người tốt thật sự, những kẻ khác sẽ bị bỏ lại. Sẽ chỉ có một ít người được hạnh phúc viên mãn, còn đại đa số sẽ phải khốn khổ vô vàn – những kẻ bị bỏ lại. Cô dâu bị bỏ lại ở ngay bàn thờ; Các gia đình than khóc vì người mẹ bị bắt đi; hàng trăm hành khách trên máy bay khóc la cho đến chết trong khi chỉ viên phi công được nhấc lên và được cứu thoát, … Vì con người chán ngấy với những đau khổ và sự dữ trên thế giới nên loạt sách “Bị Bỏ Lại” có vẻ như mang lại cho con người sự an ủi và khích lệ: Hãy kiên tâm vững trí, đừng bỏ cuộc, cái thiện sẽ chiến thắng.

Anh chị em có thể thấy ngay cả các môn đệ của Đức Giêsu cũng có những bận tâm tương tự về việc ai sẽ được ở bên trong và ai sẽ bị loại ra bên ngoài nước Thiên Chúa. “Lạy Thầy, những kẻ được cứu thoát thì ít, có phải không?” Có thể các ông hỏi câu này vì chính các ông đang gặp quá nhiều sự chống đối. Có lẽ các ông ngạc nhiên và thất vọng vì người ta không quan tâm gì đến việc đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu. Có thể các môn đệ cũng giống như chúng ta chán nản vì tình trạng bi đát của thế giới “sắp đến ngày tận thế”.

Với câu hỏi như thế, các môn đệ dường như nghĩ rằng họ là những người trong số ít ỏi được chọn; trong câu hỏi của các ông âm vang tiền đề của loạt sách “Bị Bỏ Lại” rằng người được chọn sẽ được cất nhắc đi, trong khi đó những kẻ còn lại sẽ bị loại ra và bỏ lại. Các môn đệ có thể đã muốn Đức Giêsu giảng một sứ điệp mạnh mẽ hơn về địa ngục và sự trừng phạt để thức tỉnh dân chúng, làm cho họ sợ hãi mà quay lại ăn năn hối cải và đón nhận Người – cũng như cả các môn đệ nữa. Thế nên xưa nay, sợ hãi cũng là cách giúp người ta biến đổi.

Nhưng chúng ta có nghĩ rằng đó là cách Thái Tử Hòa Bình sẽ trở lại? Phải chăng Thiên Chúa chồng chất những sợ hãi lên những kẻ ngoan cố như những quyển tiểu thuyết “Bị Bỏ Lại” mô tả? Chúng ta sẽ hoán cải quay về với Thên Chúa theo kiểu nào nếu vì sợ, chứ không phải vì yêu mến? Và thêm nữa, liệu chúng ta có tin rằng chỉ có người Kitô hữu mới được cứu hay không? Giáo Hội không dạy chúng ta như thế.

Vì thế, khi các môn đệ Đức Giêsu hỏi về việc “chỉ có một số ít” được cứu, Người phủ nhận câu hỏi và nói rằng con số không phải là vấn đề then chốt. Nhưng, còn có một vấn đề đáng lưu ý khác dành cho các môn đệ của Người: Các ông có nghĩ là các ông sẽ được xét xử tử tế chỉ đơn giản vì các ông được cho rằng đã bắt chước Đức Giêsu hay không? Có phải tự nhiên các ông cho rằng mình được chọn vì các ông đã cùng ăn với Người và Người giảng dạy giữa các ông hay không? Câu trả lời của Đức Giêsu khiến con cái Giáo hội không được dễ chịu, vì Người nói cũng các ông, “Nếu nghĩ mình đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” Anh chị em biết rằng Đức Giêsu đã thức tỉnh các môn đệ của Người cũng như những kẻ có cái nhìn thiển cận và tự cho mình là đạo đức. Nhưng thực tế thì chính những người được cho là “nhiệt thành đạo đức” lại là người đã chối Đức Giêsu.

Đức Giêsu và môn đệ của Người đang đi lên Giêrusalem. Chúng ta biết quyển sách này sẽ kết thúc như thế nào, không phải là với một “trạng thái sung sướng ngất ngây” chiếm lấy Đức Giêsu và miễn cho Người khỏi những khốn khó. Thiên Chúa sẽ không vượt thắng sự giữ bằng bạo lực và sự phá hủy, nhưng bằng chính thập giá của Đức Kitô. Qua việc chịu đau khổ và bị đánh gục, lòng thành tín của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa và tình yêu Người dành cho chúnh ta sẽ thứ tha và cứu thoát thế giới. Có thể “cánh cửa hẹp” mà Đức Giêsu bảo chúng ta “phấn đấu” để đi qua là chúng ta cần phải tiếp tục yêu thương – ngay cả những người đối nghịch với chúng ta và cố tình hãm hại chúng ta – vì đó chính là cách Chúa Giêsu đã hành xử như thế.

“Cánh cửa hẹp” là hình ảnh về cuộc đời của Chúa Giêsu và ân sủng Người trao ban là hy sinh chính mình cho tha nhân. Đây chính là sự đau khổ đặc biệt và hiến tế chính mình mà Người mời gọi chúng ta bước vào: tha thứ là một cánh cửa hẹp; phục vụ và tặng ban của cải, thời gian cho những ai đang cần cũng là một cánh cửa hẹp; tạm gác lịch trình và thời biểu của mình qua một bên để dành thời gian lắng nghe những nỗi đau của người khác cũng là cánh cửa hẹp; sống cẩn trọng và thanh đạm, sở hữu ít đi để người khác có thể có nhiều hơn đó cũng là cánh cửa hẹp; lên tiếng thay cho những ai bé cổ thấp họng, thậm chí điều đó khiến chúng ta trở thành bất thường, cũng là một cánh của hẹp;

Đức Giêsu nói rằng những người đến bên cửa và nài xin ân huệ vì những người này biết Người và thậm chí gọi Người là “Chúa” thì không hẳn nhiên được vào. “Tôi không biết các anh từ đâu đến.” Người sẽ nhận ra nhưng con người này ngay cửa nếu như Người nhận thấy chính Người bên trong họ, nếu Người thấy nơi họ: ánh mắt của Người – ánh mắt nhìn thấy những gì bị ẩn dấu; thấy môi miệng của Người nơi họ – môi miệng dám lên tiếng thay cho những kẻ bé nhỏ trong xã hội; thấy đôi tay của Người – đôi tay chìa ra chăm sóc và cảm thông; đôi tai của Người – đôi tai biết lắng nghe những người không được ai nghe đến. Khi Chúa Giêsu mở cửa để xem coi ai đang gõ cửa, Người muốn thấy sự tương đồng trong gia đình – những anh chị em của Người.

Vậy thế giới sẽ kết thúc như thế nào? Tương lai nào Chúa dành cho chúng ta? Điều đó đã được quyết: hòa bình thì mạnh hơn bạo lực. Vậy liệu đời sống hiện tại của chúng ta có ảnh hưởng đến tương lai mà ta hy vọng không? Chúng ta sẽ chọn “cánh cửa hẹp” của tình yêu hay lại chọn con đường rộng thênh thang của bạo lực? Nỗi sợ hãi địa ngục của coon người đã giúp bán được mười triệu quyển sách. Nhưng Thiên Chúa đã chọn cánh cửa hẹp; đã bước vào thế giới của chúng ta bằng cánh của hẹp của tình yêu và mở rộng cánh của ấy cho chúng ta bước vào.


Trả lời