Cứ để cả hai cùng lớn…

 

Cứ để cả hai cùng lớn…Thế giới hôm nay, nói không sợ sai, là một thế giới đầy hỗn loạn và hỗn tạp. Hỗn loạn bởi cái thiện có vẻ như đang bị cái ác lấn át tiêu diệt. Hỗn tạp bởi thật khó để phân biệt, để nhận ra đâu là người tốt, đâu là người xấu.

Nhìn sơ qua một vài sự kiện đang xảy ra trên thế giới, đại loại như sự kiện ông George Perry Floyd, một người Mỹ gốc Phi, đã bị ngộ sát do việc  hành sử quá tay của một viên cảnh sát tại Powderhorn ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota – Hoa Kỳ, nó đã làm cho chúng ta không thể không thốt lên rằng: quá hỗn loạn và quá hỗn tạp, chẳng biết ai là kẻ tốt, ai là kẻ xấu…

Thật vậy, vào trang Wikipedia chúng ta đọc được bản tường trình, rằng: “Sau cái chết của Floyd, nhiều cuộc phản đối và biểu tình đã xảy ra ở khu vực Minneapolis–Saint Paul, ban đầu diễn ra trong ôn hòa. Nhưng rồi sau đó, các cuộc biểu tình trở nên bạo động, một văn phòng cảnh sát và hai cửa hàng đã bị đốt cháy, nhiều cửa hàng bị cướp phá và hư hỏng. Một số người biểu tình đã giao tranh với cảnh sát, dẫn đến việc cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su. Các cuộc biểu tình bổ sung được phát triển tại hơn 400 thành phố trên khắp 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, cũng như quốc tế”. (nguồn / internet)

Rồi, nhân danh Black Lives Matter, nhiều tượng đài, đời cũng như đạo đã bị phá hủy, nhiều nhà thờ đã bị đốt cháy. Gần đây nhất, theo bản tin trên VietCatholicNews, vào rạng sáng thứ bảy 11/07/2020, hai ngôi nhà thờ tại Florida và Los Angeles đã bị đốt phá. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ tấn công ở nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình tại Ocala, Florida trong đó hung thủ đã cố ý phóng hỏa để thiêu sống anh chị em giáo dân bên trong ngôi nhà thờ.

Trong tình cảnh ngày càng bi thảm, trang web của Hội Dòng Nữ Đa Minh Gò-Vấp đã ghi một  lời cầu nguyện rất tha thiết, nguyện rằng: “Nguyện xin Lòng Chúa Xót thương thế giới trong cơn bạo loạn của phong trào BLM…  Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội chúng con – Hai nhà thờ bị đốt, nhiều tượng Đức Mẹ bị phá”. (nguồn: daminhgovap.org)

Đọc tới đây, có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ hỏi rằng, tàn bạo như thế, sao không theo gương hai tông đồ Gio-an và Gia-cô-bê, xin Chúa cho chúng ta có thể  “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó”, ngay lập tức?

Vâng, nếu… nếu chúng ta cầu xin như thế, Chúa có nhận lời! Thưa, có phần chắc, Chúa sẽ không nhận lời. Không nhận lời là bởi: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (x.Kn 12, 19)

Đúng vậy, Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh cho biết: “Người là Đấng từ bi, nhân hậu, chậm giận và hay tha thứ ”. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, chí ít là kiên nhẫn cho đến ngày phán xét.

Vâng, Thiên Chúa kiên nhẫn cho đến ngày phán xét, và điều này đã được Đức Giê-su trình bày qua nhiều dụ ngôn, rõ nét nhất,  đó là ‘dụ ngôn cỏ lùng’.

**

Vào một ngày nọ, trên một con thuyền neo đậu bên ven Biển Hồ Tiberia, Đức Giêsu đã trình bày cho mọi người nghe dụ ngôn cỏ lùng, như sau: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.”

Với những lời mở đầu như thế, Đức Giê-su đã để lại nơi mọi người một cái nhìn lạc quan, lạc quan rằng, với những hạt giống tốt, chắc chắn sẽ sinh hoa trái tốt,   đến ngày gặt, người chủ ruộng sẽ gặt hái được những hạt lúa tốt chắc mẩy.

Thế nhưng, sự đời… sự đời mấy ai học được chữ ngờ. Đúng, thật không ngờ, chuyện kể tiếp rằng: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa và đi mất.”

Kẻ thù của ông chủ là ai, không thấy thánh sử Mát-thêu cho biết, chỉ biết, sau một thời gian, “Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”.

Đối với một nông gia, đây là điều hết sức phẫn nộ. Sự phẫn nộ đó biểu lộ qua thái độ của người đầy tớ, khi anh ta đến gặp ông chủ  mình và nói: “Thưa ông, ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”

Cứ sự thường, phải gom lại. Phải “nhổ” sạch cái đám cỏ lùng. Thế nhưng,  thật khó để làm công việc này, khó là bởi, hình dáng cỏ lùng và lúa mì rất giống nhau.

Thật vậy, theo sách vở ghi lại, cỏ lùng là một loại cỏ ở vùng Trung Đông, hình dáng rất giống cây lúa mì đến nỗi người địa phương gọi cây cỏ lùng này là cây lúa mì hoang.

Thế nên, thật khó để gom chúng lại. Bởi vì, làm sao nhận diện… Ngộ nhỡ nhận lầm thì sao đây!

Hôm ấy, với sự khôn ngoan, ông chủ ruộng nói: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Chính vì thế, ông ta đã đưa ra một quyết định, đó là: “Cứ để cả hai cùng lớn lên…”.

***

Dụ ngôn này đã được Đức Giê-su giải thích như sau: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần”.

Hình ảnh “Người gieo giống, đồng ruộng,  hạt giống tốt, cỏ lùng, kẻ gieo cỏ lùng, mùa gặt, thợ gặt….” Vâng, chỉ là những hình ảnh rất đời thường, nhưng qua lời giải thích, Đức Giêsu đã trình bày cho mọi người thấy một chân lý ngàn đời, đó là: “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 103, 8-10)

Cho nên, đừng ngạc nhiên khi Đức Giêsu khuyên “Đừng nhổ!”. Nhưng khuyên “đừng nhổ” không có nghĩa là không nhổ. Không nhổ là vì: “Chúa nương tay với muôn loài” (Kn 12,…16). Và rằng: Thiên Chúa nếu có muốn trừng phạt, thì “Ngài trừng phạt chúng từ từ cho chúng có cơ may hối cải” (Kn 12,10).

Thế nên, đừng để mình lung lạc niềm tin khi thấy “con cái Ác Thần” làm mọi điều gian ác, làm gương mù gương xấu, thế mà vẫn không bị “nhổ bỏ”, vẫn không bị “quăng vào lò lửa”, ngay hôm nay.

Đừng ganh tị khi ta thấy họ vẫn có một cuộc sống hưng thịnh, giàu sang. Kinh Thánh có chép rằng: “Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ, phường gian ác có đua nở khoe tươi, cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn” (Tv 92,8).

Điều quan trọng đó là, hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: “tôi là cỏ lùng hay là hạt giống tốt?” Tại sao lại phải hỏi như thế! Thưa, là bởi, có thể hôm nay ta là hạt giống tốt, nhưng biết đâu, ngày mai ta lại là cỏ lùng.

Làm thế nào để chúng ta không trở nên cỏ lùng? Thưa, thánh Phaolô có lời khuyên cho chúng ta, rằng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì là hoàn hảo” (x.Rm 12, 2).

Đúng vậy, đừng có rập theo đời này. Đừng thấy luật đời cho phép phá thai, thế là chúng ta thoải mái phá thai. Đừng thấy luật đời cho phép hôn nhân đồng tính, thế là chúng ta ủng hộ hôn nhân đồng tính v.v…

Phải biến cải con người chúng ta. Biến cải những thói xấu, như: “nóng giận, ganh tỵ, bè phái, tranh chấp, say sưa chè chén”, (là nguyên nhân làm cho chúng ta không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa), thành những đức tính tốt, đó là: “đức bác ái, đức nhẫn nhục, đức nhân hậu, đức hiền hòa”.

Còn làm thế nào để  “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa!” Thưa, Kinh Thánh. Kinh Thánh chính là Lời Chúa và đó chính là nơi chúng ta nhận ra ý-của-NGÀI.  Cuối cùng,  đừng quên lời Đức Giê-su khuyên dạy: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ chẳng qua đâu”.

Vì thế, ngay hôm nay, hãy ghi khắc trong con tim mình lời Đức Giê-su truyền dạy, qua dụ ngôn cỏ lùng, lời truyền dạy rằng: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào hồ lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ.”

Dụ ngôn đến đây đã được chấm hết. Và, có lẽ, không ai trong chúng ta lại muốn mình trở nên cỏ lùng, không ai trong chúng ta lại muốn mình “phải khóc lóc nghiền răng” mà, tất nhiên là muốn được “chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha”, phải không, thưa quý vị!

Trở lại với tình hình của thế giới hôm nay, một thế giới đã được Đức Giê-su ví là ruộng – “ruộng là thế gian”, ôi! quả đúng là… đúng là ‘thửa ruộng’ mà chúng ta đang sống, cỏ-lùng-lẫn-với-lúa-mì quá nhiều, không sao phân biệt được.

Thế nhưng, đừng vì thế mà chúng ta ngã lòng. Và, để không ngã lòng, chúng ta hãy theo lời thánh Phao-lô truyền dạy, đó là cầu xin “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn…”.  Với sự trải nghiệm của mình, thánh Phao-lô chia sẻ: “Thiên  Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân… theo đúng ý Thiên Chúa” (x.Rm 8, 27).

Vâng, ý của Thiên Chúa, hôm nay, vẫn là: “Cứ để cả hai cùng lớn lên…”.

Petrus.tran

 

Trả lời