Công bố thông điệp mới của Đức Thánh cha

 

Công bố thông điệp mới của Đức Thánh chaTrưa Chúa nhật, 4/10/2020, thông điệp mới của Đức Thánh cha Phanxicô về xã hội đã được công bố tại Roma, sau khi được ngài ký cạnh mộ của thánh Phanxicô Assisi, lúc 4 giờ chiều, liền sau thánh lễ đơn sơ ngài cử hành tại đây, chiều thứ Bảy trước đó, ngày 3/10. Đây là lần đầu tiên từ 206 năm nay, một vị Giáo hoàng ký thông điệp ở ngoài Roma.

Thông điệp thứ ba của Đức Thánh cha Phanxicô có tựa đề là: “Fratelli tutti”, tất cả anh chị em, về tình huynh đệ và tình bạn xã hội.

Văn kiện dài 100 trang hay hơn 200 trang khổ nhỏ (237.209 từ), gồm 287 đoạn, và ngoài phần nhập đề và lời cầu nguyện kết thúc, được chia làm tám chương.

Chủ đích thông điệp của Đức Thánh cha

Trong phần nhập đề, sau khi nhắc đến tấm gương và giáo huấn của thánh Phanxicô Assisi mà ngài đặc biệt lấy hứng để soạn thông điệp “Laudato sì” và thông điệp thứ ba này, “Fratelli tutti”, Đức Thánh cha viết:

“Những vấn đề liên quan đến tình huynh đệ và tình bạn xã hội vẫn luôn là những quan tâm của tôi. Trong những năm gần đây, tôi đã nhiều lần nhắc đến các vấn đề ấy và tại nhiều nơi. Tôi muốn thu thập trong thông điệp này điều tôi đã nói theo chiều hướng đó và nay đặt chúng trong một bối cảnh suy tư rộng rãi hơn… Ngoài ra, thông điệp này thu thập và phát triển những đề tài lớn đã được trình bày trong Văn kiện mà tôi đã ký kết với Đại Imam Hồi giáo Ahmad Al-Tayyed, tại Abu Dhabi. Trong thông điệp này, tôi cũng đón nhận, trong ngôn ngữ của tôi, nhiều văn kiện và thư từ mà tôi đã nhận được từ bao nhiêu người và nhóm ở các nơi trên thế giới” (n.5).

Đức Thánh cha cho biết: “Những trang trong thông điệp này không chủ trương tóm tắt đạo lý về tình yêu huynh đệ, nhưng dừng lại về chiều kích đại đồng của nó, về sự cỏi mở đối với tất cả mọi người. Tôi trao thông điệp xã hội này như một đóng góp khiêm tốn cho việc suy tư, để đứng trước nhiều cách thức hiện nay, loại trừ hoặc cố tình không biết đến người khác, chúng ta có thể phản ứng bằng một ước mơ mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, không chỉ giới hạn vào lời nói mà thôi. Tuy viết thông điệp này đi từ những xác tín Kitô của tôi, những xác tín linh hoạt và nuôi dưỡng tôi, nhưng tôi cố gắng trình bày làm sao để suy tư này cởi mở đối thoại với tất cả những người thiện chí”. (n.6)

Đức Thánh cha kể rằng ngài đã bắt đầu soạn thông điệp, thì xảy ra đại dịch Covid-19 đột nhập vào cộng đồng nhân loại: “Nó cho thấy những an ninh giả tạo của chúng ta, và những câu trả lời mà nhiều nước đề ra càng cho thấy khả năng không thể cùng nhau hành động của con người. Mặc dù rất liên hệ với nhau, nhưng ta thấy có một sự phân hóa càng cho chúng ta nhận thức: thật là khó giải quyết các vấn đề có liên hệ tới tất cả mọi người” (n.7). Từ đó có ước mơ càng lớn hơn, đó là “nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, chúng ta có thể làm tái sinh nơi mọi người khát vọng của toàn thế giới về tình huynh đệ… Chúng ta mơ ước như một nhân loại duy nhất, như những người lữ hành được hình thành bằng cùng một thân thể con người, như con của cùng một trái đất đón nhận tất cả chúng ta, mỗi người với sự phong phú của tín ngưỡng liên hệ, hoặc những xác tín riêng, mỗi người có tiếng nói riêng, nhưng tất cả đều là anh chị em của nhau”. (n.8)

Chương I: Những bóng tối của một thế giới khép kín (nn. 9-55)

Đức Thánh cha dành 46 đoạn trong Chương I của thông điệp để nói về những biến dạng, các vấn đề lớn của thế giới ngày nay: Những lèo lái và bóp méo những ý niệm, như dân chủ, tự do, công lý; sự mất cảm thức về xã hội và lịch sử; sự ích kỷ và không quan tâm đến công ích, ưu tiên theo đuổi tiêu chuẩn lợi lộc trong nền kinh tế thị trường và văn hóa gạt bỏ; nạn thất nghiệp, kỳ thị chủng tộc, nghèo đói; sự chênh lệch quyền lợi và những sai trái như nạn nô lệ, buôn người, phụ nữ bị đè nén và buộc phải phá thai, nạn buôn bán cơ phận con người (nn.10-24). Đó là những vấn đề hoàn vũ đòi phải có những hoạt động ở bình diện hoàn cầu.

Đức Thánh cha cũng báo động chống lại “một thứ văn hóa bức tường”, tạo điều kiện cho sự lan tràn các tổ chức bất lương mafia, nuôi dưỡng sợ hãi và cô đơn (nn.27-28). Ngoài ra, ngày nay có tình trạng suy thoái về luân lý đạo đức (n.29): một cách nào đó, có sự góp phần của các phương tiện truyền thông, làm suy giảm sự tôn trọng tha nhân và loại trừ mọi thứ liêm xỉ, tạo nên những cái vòng tiềm thể bị cô lập và tự tham chiếu chính mình, trong đó tự do là một ảo tưởng và đối thoại không có tính cách xây dựng (nn.42-50).

Chương II: Gương người Samaritano nhân lành (nn.56-86)

Ngược với các bóng đen trên đây, trong Chương II, với tựa đề “một người xa lạ trên đường”, Đức Thánh cha nêu gương của người Samaritano nhân lành trong Phúc âm. Ngài khẳng định rằng trong một xã hội bệnh hoạn, quay lưng lại với đau khổ và “dốt nát” trong việc săn sóc những người yếu thế và mong manh (nn.64-65), tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên “tha nhân” đối với người khác (n.81), vượt thắng những thành kiến, tư lợi, những hàng rào lịch sử hoặc văn hóa. Tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội biết bao gồm, hội nhập và nâng đỡ những người bị ngã hoặc đau khổ (n.77). Đối với các Kitô hữu, Đức Thánh cha đặc biệt khuyên nhủ hãy nhận ra Chúa Kitô nơi khuôn mặt của mỗi người bị loại trừ (n.85).

Chương III: Suy tư và kiến tạo một thế giới cởi mở (nn.87-127)

Trong Chương III của thông điệp, Đức Thánh cha mời gọi chúng ta ra khỏi bản thân và cởi mở đối với tha nhân, theo tinh thần bác ái thúc đẩy chúng ta hướng về một “sự hiệp thông đại đồng” (n.95). Tầm mức tinh thần của một đời sống con người, được xác định tùy theo tình thương có chiếm chỗ thứ nhất hay không và có thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt nhất cho đời sống của tha nhân, xa tránh mọi thứ ích kỷ hay không (nn.92-93).

Một xã hội huynh đệ là xã hội huynh đệ cổ võ giáo dục về đối thoại để đánh bại “virus cá nhân chủ nghĩa cao độ” (n.105) và để mỗi người có thể chứng tỏ điều tốt đẹp nhất của mình.

Chương IV: Một con tim mở rộng đối với toàn thế giới (nn.128-153)

Đức Thánh cha dành Chương IV của thông điệp để bàn vế vấn đề di dân và tị nạn. Bao nhiêu người di dân và tị nạn có cuộc sống bị “xâu xé” (n.37), phải trốn chạy chiến tranh, bách hại, thiên tai, rơi vào tròng của những kẻ buôn người vô lương tâm, bị tước khỏi các cộng đoàn nguyên quán của họ. Cần phải đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập họ. Cần tránh những cuộc di cư không cần thiết, bằng cách kiến tạo những điều kiện sống xứng đáng tại các nước nguyên quán, nhưng đồng thời Đức Thánh cha cũng bênh vực quyền được tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nơi những nước người di dân tìm đến, cần có một sự quân bình chính đáng giữa sự bảo vệ quyền lợi của các công dân và sự bảo đảm một sự tiếp đón và trợ giúp người nhập cư (nn.38-40).

Đức Thánh cha cổ võ sự cộng tác trên bình diện quốc tế về di cư, nhân danh một sự phát triển liên đới của mọi dân tộc, dựa trên nguyên tắc nhưng không. Nhờ đó, các nước có thể suy tư “như một gia đình nhân loại” (nn.139-141). Những người khác với chúng ta là một món quà và là một sự phong phú cho tất cả mọi người, vì những khác biệt có thể là cơ hội giúp tăng trưởng (nn.133-135).

Chương V: Một nền chính trị tốt đẹp hơn (nn. 154-197) 

Đức Thánh cha tái khẳng định trong Chương V của thông điệp rằng chính trị là một trong những hình thức quí giá nhất của đức bác ái vì phục vụ cho công ích (n.180) và nhận biết tầm quan trọng của dân chúng (n.160).

Đức Thánh cha đặc biệt phê bình chủ trương mị dân, nhắm thu hút sự ủng hộ của dân chúng để lợi dụng họ phục vụ cho mình và nuôi dưỡng sự ích kỷ để gia tăng sự nổi tiếng và sự ủng hộ của nhân dân đối với mình (n.159). Nền chính trị tốt là chính trị bảo vệ công ăn việc làm, là chiều kích thông thể từ bỏ được của đời sống xã hội, và cố gắng bảo đảm cho mọi người cơ hội phát triển khả năng của họ (n.162).

Trong chương này, Đức Thánh cha nhắc đến nghĩa vụ của chính trị là tìm ra giải pháp cho tất cả những gì làm thương tổn các quyền con người, như tình trạng bị loại trừ khỏi xã hội, nạn buôn bán cơ phận của con người, võ khí và ma túy, nạn khai thác tình dục, cưỡng bách lao động như nô lệ, nạn khủng bố và tội phạm có tổ chức. Đức Thánh cha mạnh mẽ kêu gọi loại trừ vĩnh viễn nạn buôn người, là một ô nhục cho nhân loại, loại trừ nạn đói, vì được lương thực là một quyền bất khả nhượng của con người (n.188-189).

Đức Thánh cha cũng chống lại nạn tham nhũng, sự thiếu hiệu năng và lạm dụng quyền hành, thiếu tôn trọng luật pháp (n.177). Cần thực thi một nền chính trị qui trọng tâm vào phẩm giá con người và không phải phục tùng tài chánh, vì thị trường một mình không thể giải quyết mọi sự.

Chương VI: “Đối thoại và tình bạn xã hội” (nn.198-224)

Trong chương này, Đức Thánh cha đề cập tới ý niệm về cuộc sống như một “nghệ thuật gặp gỡ” với tất cả mọi người, cả với những “vùng ngoại ô” của thế giới và với những dân tộc bản địa, vì “từ tất cả mọi người ta có thể học được điều gì đó và không ai là vô ích” (n.215). Thực vậy, đối thoại đích thực là cuộc đối thoại giúp tôn trọng quan điểm của người khác, những lợi ích hợp pháp của họ, và nhất là sự thật về phẩm giá con người. Thái độ duy tương đối không phải là một giải pháp, vì nếu không có những nguyên tắc phổ quát và qui luật luân lý cấm điều ác nội tại, thì các luật lệ trở thành những áp đặt độc đoán (n.206).

Đặc biệt, Đức Thánh cha nhắc đến “phép lạ của sự tử tế”, một thái độ cần được phục hồi vì đó là một “ngôi sao giữa đêm đen” và là “một sự giải phóng khỏi sự tàn ác nhiều khi lẻn vào trong các tương quan giữa con người, giải thoát khỏi sự lo lắng khiến ta không nghĩ đến người khác, khỏi sự khẩn trương bị phân tâm làm ta không biết rằng cả những người khác cũng có quyền được hạnh phúc”. Một người tử tế tạo nên một sự sống chung lành mạnh và mở ra những con đường tại những nơi mà thái độ giận giữ, tức bực, phá hủy các cây cầu (n. 224).

Chương VII: Những hành trình của cuộc gặp gỡ mới (225-270)

Trong Chương VII của thông điệp, Đức Thánh cha suy tư về giá trị và thăng tiến hòa bình. Hòa bình gắn liền với chân lý, công lý và lòng thương xót. Hòa bình vượt thắng sự trả thù và nhắm hình thành một xã hội dựa trên sự phục vụ tha nhân và theo đuổi sự hòa giải, phát triển hỗ tương (nn.227-229).

Gắn liền với hòa bình, có sự tha thứ: cần yêu thương tất cả mọi người không phân biệt ai, và yêu thương một kẻ áp bức có nghĩa là giúp họ thay đổi và không để họ tiếp tục áp bức tha nhân. Đúng hơn: người chịu một bất công phải mạnh mẽ bảo vệ quyền của mình để bảo tồn phẩm giá của mình như hồng ân của Thiên Chúa (241-242).

Tha thứ không có nghĩa là không trừng phạt, đúng hơn là công lý và ký ức, vì tha thứ không có nghĩa là quên, nhưng là từ bỏ sức mạnh tàn phá của sự ác và ước muốn trả thù. Không bao giờ quên những kinh hoàng của cuộc diệt chủng Do Thái, những vụ bỏ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, những cuộc bách hại và tàn sát chủng tộc.

Trong Chương VII, Đức Thánh cha cũng dành một phần để lên án chiến tranh, như một sự thất bại của nhân loại. Ngài cũng kêu gọi bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới. “Kẻ sát nhân vẫn không mất phẩm giá làm người của họ, Thiên Chúa là vị bảo đảm phẩm giá ấy”.

Chương VIII: Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trên thế giới (271-287)

Trong Chương VIII và cũng là chương cuối cùng của thông điệp, Đức Thánh cha tái khẳng định rằng bạo lực không có căn bản nào trong một xác tín của tôn giáo nào, nhưng là trong sự thoái hóa, lệch lạc của tôn giáo. Những hành vi đáng kinh tởm, như khủng bố, không do tôn giáo, nhưng là do sự giải thích sai lầm các văn bản tôn giáo và do các chính sách đói kém, nghèo đói, bất công và đàn áp. Không được hỗ trợ khủng bố bằng tiền bạc, võ khí, các trình thuật truyền thông, vì đó là một tội ác quốc tế chống lại an ninh và hòa bình thế giới và phải bị lên án với tư cách đó (nn.282-283).

Đức Thánh cha cũng nhấn mạnh rằng một hành trình hòa bình giữa các tôn giáo là điều có thể và vì thế, cần bảo đảm tự do tôn giáo, là quyền cơ bản của mọi tín hữu (n.279). Ngài cũng nói về vai trò của Giáo hội: Giáo hội không đẩy sứ mạng của mình vào lãnh vực riêng tư, không ở ngoài lề xã hội, và tuy không làm chính trị, Giáo hội không từ bỏ chiều kích chính trị của cuộc sống.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến vai trò của các vị lãnh đạo chính trị là “những người trung gian chân thực” dấn thân xây dựng hòa bình. Đức Thánh cha nhắc lại Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại phục vụ hòa bình thế giới và sự sống chung, ký kết ngày 04/2/2019, tại Abu Dhabi giữa ngài và đại Iman Ahmad Al-Tayyeb của Đền thờ Hồi giáo Al-Azhar, Cairo, Ai Cập. Tuyên ngôn này là một cột mốc trong cuộc đối thoại liên tôn.

Thông điệp kết thúc với lời nhắc nhớ Mục sư Martin Luther King, Đức Tổng giám mục Anh giáo Nam Phi Desmond Tutu, Mahatma Gandhi, và nhất là thánh Charles de Foucauld, mẫu gương cho mọi người về sự đồng hóa với những người rốt cùng để trở thành “người anh em đại đồng”. (286-287)

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

 

Trả lời