Con Cái Là Hồng Ân Của Thiên Chúa

Con Cái Là Hồng Ân Của Thiên Chúa

Thanh Nhã, OP.

Mỗi độ Noel về, người ta thường nhắc nhớ nhau Giêsu chính là quà tặng Thiên Chúa dành cho loài người, nhưng chẳng mấy ai nói với nhau rằng con cái là quà tặng vô giá từ Thiên Chúa, mỗi khi sinh nhật chúng. Người ta đều biết Chúa Giêsu là quà tặng vô giá của Thiên Chúa cho nhân loại, mấy ai biết tới món quà vô giá là người con Chúa gửi tới nơi mỗi gia đình. Bởi vậy khi mừng lễ Giáng Sinh họ hớn hở vui mừng, nhưng khi sinh con ra nhiều cha mẹ đã lo lắng, buồn sầu khôn nguôi. Lo vì rồi đây sẽ phải vất vả, phải hy sinh, phải mất mát nhiều thứ. Chẳng vậy, nhiều “món quà” đã bị vất bỏ, nhiều trẻ em đã bị giết đi vì sự có mặt của chúng ở trên đời này chỉ là phiền nhiễu, là gánh nặng, rắc rối cho cuộc đời và nhất là vì họ không cần chúng.

Tin Mừng tỏ lộ cho chúng ta một chiều kích mới, một thông điệp từ Thiên Chúa: con cái là hồng ân, là quà tặng vô giá của Thiên Chúa. “Này, con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.” (Tv 127, 3). Thực vậy, ngay từ thủa ban đầu, qua câu truyện tổ phụ Abraham, Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy giá trị vô song của con cái: Chúng là dấu chỉ của tình thương, phúc lành và sự trung tín của Thiên Chúa (St 15, 5). Ngược lại, tình trạng son sẻ hiếm muộn thường bị coi là sự ô nhục, là hình phạt (St 16, 2; 20, 18). Mặc dù quan niệm về hình phạt này ngày nay không còn nữa, nhưng xem ra việc không có con vẫn mãi là một nỗi buồn, một sự bất hạnh, tạo ra một khoảng trống cô đơn nơi các gia đình. Cha ông ta đã diễn tả tình trạng này thật tinh tế: Có chồng mà chẳng có con, khác gì hoa nở trên non một mình.

Quà tặng, tự bản thân nó bao hàm hai chiều kích: phúc lành và trách nhiệm. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là người con trong thánh gia thất của Đức Maria và thánh Giuse đã mang lại vinh quang danh dự cho các ngài. Đó là một ân huệ lớn lao vô song từ Thiên Chúa. Nhưng điều này cũng bao hàm một trách nhiệm bảo bọc, cưu mang, săn sóc và dạy dỗ bé Giêsu. Phúc lành càng lớn, trách nhiệm cũng tương xứng theo.

TRÁCH NHIỆM

Khi đứa trẻ được sinh ra, điều đầu tiên cha mẹ làm là đưa em đến nhà thờ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, trước mặt cộng đoàn. Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng, các em không thuộc về một gia đình thể lý nhỏ bé nào, không phải là tài sản của cha mẹ các em. Các em là những món quà Thiên Chúa gửi tới cho một gia đình rộng lớn hơn: gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận và rộng hơn các em thuộc về Giáo Hội, thuộc về “gia đình của Thiên Chúa”. Tất cả chỉ có một Cha, là Đấng hằng yêu thương, săn sóc con cái mình, ngự trên trời. Cha mẹ thể lý của các em chỉ là “cha mẹ nuôi”, là “người quản lý”  được Thiên Chúa trao những nén bạc, là những đứa con, để coi sóc, “làm lợi” cho Ngài. Để rồi đến thời đến buổi, Ngài sẽ hỏi các bậc làm cha mẹ về việc chu toàn bổn phận và thái độ đối với những “nén bạc” Ngài trao.

“Cha mẹ phải coi con cái mình như là con cái Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị”. Điều cha mẹ cần làm là tạo ra nơi gia đình một bầu khí thân thiện, yêu thương và đạo đức hầu giúp các em lớn lên và phát triển về mọi mặt thể lý, tinh thần và tâm linh. Đó là nơi các em có thể tìm lời giải đáp cho mọi vấn nạn của mình mà không sợ hãi. Hơn nữa, đó còn là nơi các em được hướng dẫn trong đức tin, để dần hiểu ra được món quà vô giá là sự sống mà Thiên Chúa đã tặng ban và ngày càng đến gần Thiên Chúa, là Người Cha đích thực của mọi người. Cụ thể, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã đề ra ba mục tiêu phải chú ý đối với các bậc làm cha mẹ :

– Dạy con cái dần dần về mầu nhiệm cứu độ, và vai trò đức tin trong biến cố đó;

– Giúp chúng học biết thờ phượng Thiên Chúa là Cha, trong tinh thần và chân lý, đặc biệt qua phụng vụ;

– Rèn luyện chúng sống ngay thẳng, thánh thiện trong đời sống hằng ngày.

PHÚC LÀNH

Này, con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.

Nghe câu này, có người sẽ phản ứng: Phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy tốn tiền, sức lực, thời gian; hy sinh vất vả là thế mà chỉ được toàn là những lo toan. Càng lớn càng khó bảo, chỉ gây toàn phiền phức; càng lớn, càng thêm lo. Họ phàn nàn chẳng sai.

Nhưng, Kinh Thánh nói rõ: Con cái là phần thưởng Chúa ban. Công Đồng Vaticano II cũng khẳng định: “Con cái là hồng ân cao quí nhất của hôn nhân, chúng sẽ góp phần lớn lao cho hạnh phúc của chính cha mẹ chúng” (MV 48). Thực vậy, con cái như những chồi non được Thiên Chúa trao cho các gia đình săn sóc và phần thưởng chính là hoa trái của những chồi non này. Một khi chúng trưởng thành, đơm bông kết trái, thì những hoa trái trĩu ngọt chúng mang lại sẽ lớn hơn công sức vun trồng, tưới tắm mà cha mẹ đã bỏ ra gấp bội lần.

Nói về việc này, cha Henry Nouwen gợi cho chúng ta một hình ảnh thật thú vị. Những đứa trẻ được ví như những vị khách quí Thiên Chúa gửi tới nơi mỗi gia đình. Ba vị khách lạ đã đến với ông Abraham tại cụm sồi Man-rê, sau khi tiếp nhận sự đón tiếp ân cần, sự săn sóc chu đáo của ông, đã tỏ lộ cho ông lời hứa chúc lành của Thiên Chúa. Những đứa trẻ cũng mang theo trên mình một lời hứa, một kho tàng mà chỉ có thể mở ra được qua giáo dục. Thật vậy, chỉ có qua việc giáo dục, dạy dỗ con trở thành những Kitô hữu trưởng thành thì kho tàng đó mới được mở ra, khi đó cha mẹ mới cảm nghiệm được niềm hạnh phúc lớn lao Thiên Chúa đã dành sẵn cho họ. Ngược lại, nếu không giáo dục con cho tốt thì kho tàng đó mãi chẳng mở ra. Các cụ từ kinh nghiệm sống của mình cũng cho chúng ta một đúc kết thật chí lý: sinh con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn.

“Triều thiên của người già là đàn con cháu” (Cn 17, 3). Thực vậy, còn niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui của người cha, người mẹ được sum vầy bên đàn con cháu hiếu thảo, đức hạnh. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt rạng rỡ của những bà mẹ trong ngày con mình tốt nghiệp hay khi được con mình đưa những đồng tiền lương đầu tiên tự chúng kiếm được, vâng chỉ những ánh mắt đó thôi cũng đủ nói lên tất cả. Những giọt nước mặt của các bà mẹ trong ngày con mình được Thiên Chúa chọn làm linh mục của Người cũng đủ để nói thay cho muôn lời sáo rỗng.

KẾT LUẬN

Con cái là một quà tặng vô giá từ Thiên Chúa. Cũng như những quà tặng khác, con cái là hồng ân đồng thời cũng đòi hỏi một trách nhiệm từ các bậc cha mẹ. Điều cần thiết là cha mẹ biết đón nhận chúng với lòng biết ơn và khiêm nhường, lo lắng chăm sóc và dạy dỗ chúng trở thành những người con trưởng thành của Thiên Chúa. Trong khi lãnh nhận sự chăm sóc từ cha mẹ, con cái cũng sẽ góp phần thánh hóa và mang lại hạnh phúc cho cha mẹ. Và khi đến thời đến buổi, chúng sẽ tỏ lộ cho cha mẹ chúng những phần thưởng, lời hứa mà Thiên Chúa dành sẵn cho họ. Sau cùng, chính Thiên Chúa sẽ chúc lành và thưởng công xứng đáng cho những người quản lý trung tín và khôn ngoan đã chu toàn bổn phận mà Ngài trao phó.

Trả lời