Cớ gì không tỏ lòng sám hối!

 

Cớ gì không tỏ lòng sám hối!Theo lịch Phụng Vụ, chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Và, như chúng ta được biết, Mùa Vọng có bốn tuần lễ. Và, nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy trên cung thánh có trưng bày bốn cây nến tượng trưng cho bốn tuần của Mùa Vọng. Bốn cây nến này, ba cây màu tím và một cây màu hồng, lần lượt được thắp sáng theo thứ tự từ tuần thứ I cho tới tuần thứ IV.

Bốn cây nến này có ý nghĩa gì? Thưa, “cây nến thứ nhất  được ví như  cây nến của sự tiên tri và hy vọng. Cây nến thứ hai được ví như cây nến của con đường. Cây nến thứ ba được ví như cây nến của niềm vui. Cây nến thứ tư được ví như cây nến của hòa bình.” (nguồn: internet)

Đó… đó chỉ là về mặt hình thức. Về mặt tinh thần, đó là chương trình tĩnh tâm dành cho thiếu nhi, người lớn và giới trẻ, đã được niêm yết. Có nhiều chủ đề được dành cho mỗi giới. Và một trong những chủ đề không thể thiếu đó là sự sám hối. Không thể thiếu là bởi, đó chính là điều kiện tiên quyết để được hưởng ơn cứu độ.

Xưa kia, để bắt đầu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su không kêu gọi điều gì, ngoài việc kêu gọi “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Và, ông Gio-an, người mà ngày nay chúng ta gọi là Gio-an Tẩy Giả, cũng đã khuyến cáo, rằng:  “tỏ lòng sám hối” chính là bước đầu để “được ơn tha tội”.

**

Vâng, rất mạnh mẽ và quyết liệt. Lời khuyến cáo của ông Gio-an đã được thánh sử Mác-cô ghi lại như sau: “Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Mc 1, 4)

Những lời rao giảng của ông, cứ tưởng rằng, chỉ là những tiếng phèn la chập choãng, lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những lời của ông có sự truyền cảm, sự truyền cảm đó truyền đến tâm lòng nhiều người. Để rồi “Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem kéo đến với ông”. Thật… thật là kinh ngạc “họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-dan”. (x.Mc 1, 5)

***

Tưởng chúng ta nên biết, Ông Gio-an Tẩy Giả là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và mẹ của ông tên là Elisabeth, cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, mặc dù bà Elisabeth “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của ông Dacaria, Người đã cho bà sinh được một cậu con trai, một cách đặc biệt.

Cậu con trai đó, sau khi sinh được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên là Gio-an, thì người cha là Dacaria được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.” (Lc 1,76). Về điều này, ngôn sứ Isaia cũng có lời tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”.

Và, Chúa Nhật hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được biết đến ông Gio-an Tẩy Giả, biết đến ông không chỉ để biết đến một nhân vật “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, nhưng còn cần phải nhìn ông như một mẫu mực, một mẫu mục về một con người trung thực dám sống cho sự thật và chết cho sự thật như chính ông đã sống khi xưa.

Kinh Thánh cho biết… để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm thần quyền giả hình, đó là nhóm Phariseu và Sa-đốc. Ông nói, họ chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng xấu hổ của bạo chúa Hê-rô-đê.

Chưa hết, ngoài tấm gương về đời sống, chúng ta còn phải ghi khắc trong con tim mình, những gì ông đã loan báo và kêu gọi, bởi vì những lời loan báo và kêu gọi đó vẫn còn giá trị, giá trị cho chúng ta, là những kẻ đang chờ đợi Chúa Giê-su sẽ đến lần thứ hai. Chúng ta hãy nghe lời ông đã loan báo và kêu gọi, rằng: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

****

“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.  Vâng, thật dễ để hiểu rằng; “con đường của Đức Chúa” chính là bản thân của mỗi chúng ta. Thế nên, đó là điều mỗi chúng ta phải làm… phải dọn và sửa. Chúng ta sẽ “dọn” như thế nào? Và “sửa” ra làm sao? Thưa, muốn dọn và muốn sửa, trước hết chúng ta phải nhìn, phải xem “con đường” đó hiện trạng ra sao.

Nói rõ hơn, trước hết hãy nhìn xem bản thân của ta như thế nào? Hãy nhìn xem bản thân ta, con-đường-của-Đức-Chúa, có đang ngập ngụa rác rưới, những loại rác rưới “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép”?

Hãy nhìn xem bản thân ta, con-đường-của-Đức-Chúa, có đang gập ghềnh bởi những ổ gà, bởi những hố sâu, những hố sâu “hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị v.v…”?

Hãy nhìn xem bản thân ta, con-đường-của-Đức-Chúa, có đang bị tắc nghẽn và gãy khúc bởi những chướng ngại vật, những chướng ngại bởi say sưa, chè chén v.v…?

Vâng, hãy nhìn xem bản thân ta, vì con người là một sự bất toàn.  Đừng bao giờ nghĩ rằng, tôi chẳng làm gì gây ra tội lỗi, nên không cần ăn năn, tôi sống ăn-ngay-ở-lành, không làm gì nên tội vì thế cần “quái” gì phải sám hối… phải “dọn và sửa”…

Nghĩ như thế là một sai lầm lớn. Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân.

Hãy tự hỏi từ đáy lòng của chúng ta, có ai mà không hơn một lần có những ý tưởng xấu, như: quanh co dối trá, phóng đại tô màu, hứa cho nhiều rồi lại quên v.v…!

Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi tông đồ Phaolô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Roma 3, 23).

Với vua David, ông ta diễn tả rõ nét hơn thân phận của một “phàm nhân” đầy tội lụy: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7).

Lời David nói, phải chăng đó chính là tội “nguyên tổ”, bản chất tội lỗi di truyền! Vì thế, có gì để chúng ta không hiểu, rằng: Nguồn nước dơ bẩn dẫn đến một dòng sông dơ bẩn!

Bây giờ, chúng ta hãy nghe lại lời tường thuật của thánh Mác-cô: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Ai “hô” trong hoang địa? Thưa, ông Gio-an. Tiếng hô đó ai đã nghe? Thưa, chẳng ai nghe cả. Vì trong hoang địa có ai để mà nghe. Vâng, tiếng hô đó chỉ mình ngài Gio-an nghe. Ngài Gio-an nghe và Ngài chính là “người tiên phong” dọn-và-sửa con đường của Đức Chúa.

Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục sứ mạng ngài Gio-an đã làm? Tại sao không tiếp tục nhỉ! Nếu… nếu chúng ta không “dọn và sửa con đường của Đức Chúa”, nếu chúng ta không dọn và sửa chính bản thân ta,  đây… hãy nghe lời ngài Gio-an Tẩy Giả khuyến cáo: “Cây rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt và quăng vào lửa”.

Chưa hết đâu, ngài Gio-an Tẩy Giả còn cho biết: “Đấng đến sau tôi quyền thế hơn tôi… Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân, thóc mẫy thì thu vào kho lẩm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Vâng, đó là những điều sẽ xảy ra vào ngày Đức Giê-su sẽ đến thế gian lần thứ hai, ngày mà chúng ta tuyên xưng, “Người sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Biết được như thế, thế thì cớ gì chúng ta không “dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”!

Thánh Cyprian có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn rộng mở”. Biết được như thế, thế thì cớ gì chúng ta không “tỏ lòng sám hối”!

Petrus.tran

 

Trả lời