Có Đức Giê-su đang ở giữa chúng ta…

 

Có Đức Giê-su đang ở giữa chúng ta…Sứ vụ rao giảng Tin Mừng đó là sứ vụ đã được Đức Giê-su giao phó trước khi Ngài “được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Hôm ấy, Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (x.Mc 16, 15-16).

Hai ngàn năm qua, trước tiên là các tông đồ, và bây giờ là chính chúng ta, đã thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su. Nhóm Mười Hai đã “đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng” và hôm nay chúng ta cũng đã và đang tiếp tục sứ vụ này.

Có nơi và có lúc kết quả đạt được hết sức mỹ mãn. Thế nhưng, có nơi và có lúc kết quả thật đáng buồn. Buồn vì chẳng-ai-chịu-đón-nhận, không đón nhận mà còn chống đối, bắt bớ thậm chí giết chết những người đã loan báo Tin Mừng cho họ.

Vâng, chẳng có gì ngạc nhiên, không ngạc nhiên vì xưa kia Đức Giê-su đã có lời cảnh báo, rằng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.  Chính Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã phải hứng chịu sự “chối từ” của nhiều người. Đó là lần Ngài “về thăm Na-da-rét”. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Câu chuyện được kể rằng: Sau những ngày dong duổi khắp nẻo đường Palestina rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nơi quê quán của Người. Hôm đó, khi ngày sa-bát đến, theo luật Do Thái, Đức Giê-su đến hội đường nhóm thờ phượng.

Đến hội đường, Đức Giê-su “bắt đầu giảng dạy”. Tại sao lại là Đức Giê-su mà không phải là một thầy thông luật nào đó? Thưa, theo truyền thống, một buổi  nhóm của người Do Thái, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram . Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này. Hôm ấy, Đức Giê-su được xem như là một vị khách. Thế nên, việc Đức Giê-su “giảng dạy trong hội đường” không có gì đáng ngạc nhiên. Thế nhưng, lời giảng dạy của Ngài lại làm cho “nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên” (x.Mc 6, …2)

Và, sau vài phút ngạc nhiên, nhiều người bắt đầu lẩm bẩm: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?

Than ôi! Tại sao họ lại có những lời lẩm bẩm như thế nhỉ! Tại sao họ không như những người ở hội đường tại Ca-phác-na-um, khi nghe những lời giảng dạy của Đức Giê-su, những người ấy đã nói với nhau, rằng: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền”!

Không thấy thánh sử Mác-cô nói tới. Chỉ thấy ngài ghi rằng: “họ vấp ngã vì Người”.(x.Mc 6, …3) Vấp ngã có nghĩa là gì, phải chăng là họ đã “nghĩ xấu” về Đức Giê-su?

Kinh Thánh có chép rằng: “Ý kiến xấu làm cho suy nghĩ của họ đảo điên” (Hc 3, 24). Vâng, hôm đó, cử tọa vấp ngã chỉ vì tâm tư của họ trĩu nặng những ý nghĩ  tiêu cực về Đức Giê-su.

Vâng, hôm ấy, một rừng câu hỏi, những câu hỏi đầy hơi hám tiêu cực, nhảy múa trong tâm tư của nhiều người. Này nhé! Có tiêu cực không kia chứ, khi họ nói về Đức Giê-su, rằng: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa, và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”

Thói đời là vậy. Và, ngày nay cũng là vậy. Một tân Linh Mục khi về “xứ nhà” làm lễ mở tay, cũng đâu thoát khỏi lời dèm pha đàm tiếu của một ai đó, một ai đó nặng trĩu sự ganh tỵ: Ôi giời! tưởng ai! Cha nó, dân đạp xích lô! v.v…và v.v… Đó là sự thật, thưa quý vị!

Hôm đó,  nói theo ngôn ngữ @ ngày nay, toàn thể cư dân Na-da-rét lần lượt “ném đá”, những hòn đá thành kiến, về phía Đức Giê-su.   Những hòn đá thành kiến này, không chỉ giết chết đức tin, mà còn hủy hoại đức cậy và ngăn cản đức mến, nơi họ.

Đúng vậy, Đức Giê-su đúng là con bà Maria, nhưng với những hòn đá thành kiến, đôi mắt đức tin của họ đã bị lòa không thể nhận ra Ngài còn là “Con Một Thiên Chúa”, Ngài đến thế gian để ai tin thì được cứu độ.

Tại những nơi Đức Giê-su đến, Ngài luôn là nguồn cậy trông của “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền”, nhưng tại quê nhà Na-da-rét,  những hòn đá thành kiến đã hủy hoại niềm cậy trông, chính vì thế, Đức Giê-su “đã không thể làm được phép lạ nào tại đó”.

Và cũng chính những hòn đá thành kiến, nó đã ngăn cản đức mến, đã tạo ra một làn sóng “phẫn nộ” nơi cư dân Na-da-rét, phẫn nộ đến độ, (thánh sử Mác-cô không nói), nhưng theo lời kể của thánh sử Luca,  họ “lôi Người ra khỏi thành… kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” (x. Lc 4, 29-30).

Đức Giê-su chắc chắn là rất buồn. Và, nỗi buồn đó đã được Ngài thổ lộ bằng những lời rất dịu dàng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (x.Mc 6, 4). Kết thúc câu chuyện, thánh sử Mác-cô cho biết: Đức Giê-su, “Người lấy làm lạ vì họ không tin”.

“Người lấy làm lạ vì họ không tin”. Vâng, cư dân Na-da-rét xưa đã không tin, không tin vì họ nhìn Đức Giê-su chỉ như là một “bác thợ”, một bác thợ như bao bác thợ khác đang sinh sống đầy dẫy tại Palestin. Thế thì họ có gì để đáng trách!

Hôm nay, hơn hai ngàn năm trôi qua, Giê-su người Na-da-rét không còn được nhìn như là một bác thợ, nhưng là một Giê-su “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Thế nên, thật đáng “lấy làm lạ (nếu chúng ta) không tin”!

Qua câu chuyện “Đức Giê-su về Na-da-rét”, Lm. Charles E. Miller có lời chia sẻ: “Sự thật là Chúa Giê-su vẫn ở cùng chúng ta. Người nói với (chúng ta) khi lời Kinh Thánh được đọc lên trong phụng vụ, và dạy dỗ chúng ta bằng những giáo huấn khác của Giáo Hội.”

Ngoài những lời chia sẻ,  ngài còn cho chúng ta một câu hỏi, hỏi rằng: “Liệu chúng ta đôi lúc không muốn nghe vì sợ phải đổi thay cách suy nghĩ, cũng như cách hành xử của mình? Liệu chúng ta có xu hướng lẩn tránh các giáo huấn (hơi) khó hiểu, chống chế rằng đây là những vấn đề gây tranh cãi hay quá phúc tạp? Hay chúng ta có nhận ra mình đang hậu thuẫn các quan điểm thế tục hơn các giáo huấn của Đức Thánh Cha và các Giám Mục?”

Thánh Mác-cô không cho chúng ta biết tại sao cư dân Na-da-rét “vấp ngã vì Người”.  Tại sao ư! Tại “gia thế” của Đức Giê-su? Tại “bụt nhà không thiêng”? Vâng, về điều này, Lm Charles có lời chia sẻ:  “Giảng dạy như một ngôn sứ, Đức Giê-su làm dấy lên lòng thù ghét nơi các đồng hương… Ngôn sứ có thể làm mích lòng dân khi đưa ra một thách thức hay một lời kiển trách. Ngôn sứ luôn công bố sự thật. Những người hàng xóm của Đức Giê-su e sợ Người, và nỗi sợ ấy đưa đến việc bác bỏ Người”.

Tổng hợp lại những lời chia sẻ của ngài Charles, chúng ta có thể nói (và tin) rằng: Đức Giê-su hôm nay, Ngài vẫn “về thăm Na-da-rét”. Và, Na-da-rét đó chính là “Thánh Lễ”. Trong Thánh Lễ, qua vị linh mục chủ tế, Chúa Giê-su tiếp tục “giảng dạy”.  Trong Thánh Lễ, qua vị linh mục chủ tế, Chúa Giê-su tiếp tục làm phép lạ, phép lạ bánh và rượu trở thành “Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Ki-tô”.

Người vẫn về thăm Na-da-rét. Làng Na-da-rét hôm nay, là ngôi nhà Giáo Hội. Nơi ngôi nhà này,  Đức Giê-su, qua Giáo Hội, giảng dạy rằng: “phá thai là một tội ác ghê tởm” và cảnh cáo rằng: đó là “văn hóa sự chết” (x.Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội, số 51)

Là một Ki-tô hữu, là một cư dân của Giáo Hội, chúng ta sẵn sàng đón nhận và thực thi những điều Đức Giê-su, qua Giáo Hội, truyền dạy chúng ta?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đã là một Ki-tô hữu, chẳng lẽ chúng ta lại là “những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá” sao! Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, có lời nói với những-đứa-con-mặt-dày-mày-dạn, rằng: “Có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (x.Ed 2, …5)

Hôm nay, Thiên Chúa, qua Giáo Hội, Người sẽ nói với chúng ta, rằng: “Có Đức Giê-su đang ở giữa chúng ta”.

Petrus.tran

 

Trả lời