CN XVIII A: Hãy “đem lại đây cho Thầy!”

Hãy “đem lại đây cho Thầy!”

CN XVIII A: Hãy “đem lại đây cho Thầy!”Lòng trắc ẩn nghĩa là gì? Thưa, lòng trắc ẩn là một biểu lộ của tình cảm, của lòng thương xót trước cảnh đau khổ của nhân loại. Lòng trắc ẩn biểu lộ sự quảng đại và lòng bao dung. Lòng trắc ẩn không ngần ngại cho đi một cách nhưng không. Lòng trắc ẩn không ngần ngại tận hiến.

Trong Kinh Thánh, lòng trắc ẩn và lòng thương xót có một mối tương quan mật thiết với nhau. Để có thể hình dung ra lòng trắc ẩn và lòng thương xót của Thiên Chúa, Kinh Thánh đã dùng đến hình ảnh tình yêu thương của một người mẹ dành cho đứa con sơ sinh của mình.

Giữa đêm khuya, đứa bé sơ sinh khóc. Có bà mẹ nào mà không vội choàng dậy! Có bà mẹ nào được ngủ say! Có bà mẹ nào mà không phân biệt được tiếng khóc khát sữa của con! Và cho dù đứa bé khóc vì bất cứ lý do gì, có người mẹ nào mà không đáp ứng, có người mẹ nào mà không cầm lòng!

Lòng trắc ẩn và lòng thương xót của người mẹ đối với con ruột mình là một trong những tình cảm tha thiết nhất của con người. Tuy nhiên, lòng trắc ẩn và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người còn cao hơn thế nữa, như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15).

Với Thiên Chúa, quả thật Người “chẳng quên ta bao giờ” và Đức Giê-su, Con Một của Người, chính là người đã thể hiện lòng trắc ẩn và lòng thương xót một cách hoàn hảo trong những ngày Ngài còn tại thế.

Thật vậy, hơn hai  mươi thế kỷ trước, Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ngài tên là Giêsu, người ta gọi Ngài  là Giêsu người Nazareth.

Đức Giê-su, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Ngài bắt đầu khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng. Có thể nói rằng, sự xuất hiện của Ngài đã gây một tiếng vang lớn. Tiếng vang đó đã được đồn vang khắp xứ Xyri. Người ta đồn rằng, Ngài không chỉ có những lời giảng dạy đầy uy quyền, nhưng còn đầy lòng trắc ẩn và lòng thương xót.

Thấy kẻ ốm đau tật nguyền, Đức Giê-su chữa lành. Thấy kẻ bị áp bức, bị xử sự một cách bất công, Ngài lớn tiếng bênh vực. Chính vì thế, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu, lập tức dân chúng tìm mọi cách đến để đi theo Ngài. Dù có phải vất vả bằng những chuyến bộ hành gian nan, họ vẫn tìm đến với Ngài.

Một ngày nọ, dù đã biết “Đức Giêsu đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt”. Nhưng dân chúng vẫn cứ đổ xô “từ các thành đi bộ mà theo Người”.(Mt 14,13).

Hôm đó, cứ tưởng rằng dân chúng tìm gặp Đức Giê-su để chia buồn về việc người anh họ của Ngài là Gioan Tẩy giả, vừa mới bị bạo chúa Hêrôđê chém đầu, chỉ vì đã ngăn cản ông ta làm một điều xấu.

Thế nhưng, sự thật thì không phải vậy. Dân chúng tìm đến Ngài chỉ vì trong cộng đồng của họ có một số các bệnh nhân cần được chữa lành. Phần Đức Giê-su, khi “Ra khỏi thuyền, Ngài trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương xót”.

Vâng, Thiên Chúa là tình yêu. Hôm đó, tình yêu thương của Thiên Chúa đã được thể hiện qua Giêsu-Con-Một-Người. Có thể nói rằng, hôm đó, lòng trắc ẩn và lòng xót thương của Thiên Chúa đã được Đức Giêsu thể hiện một cách trọn vẹn qua Đức Giê-su. Kinh Thánh thuật lại rằng, Đức Giê-su đã “chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, …14)

Cứ sự thường, sau những phép lạ, đoàn dân lại lũ lượt kéo nhau ra về. Thế nhưng, lần này, chiều đã tàn, mà  đoàn dân có vẻ như chưa muốn giải tán. Các môn đệ của Đức Giêsu không khỏi bối rối và lo lắng. Một bản tường trình ngắn gọn đã được các ông thưa lên Đức Giê-su với lời gợi ý , rằng: “Nơi đây hoang vắng… vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào làng mạc mua lấy thức ăn”.

Quá đúng. Theo đúng “logic” thì nên giải tán đám đông, phần ẩm thực cho họ tự túc, nhẹ gánh nặng, Thầy và trò còn có thời gian nghỉ ngơi sau nhiều ngày mệt nhọc. Hợp lý quá đi chứ!

Thế nhưng, Đức Giê-su  lại truyền cho các ông rằng: “Họ không cần đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”. 

“Chính anh em hãy cho họ ăn”.  Vâng, một khẩu lệnh gần như bất khả thi. Chỉ có “vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”… Ai ăn ăn nhịn đây, thưa Thầy!

Ai ăn ai nhịn ư! Không, với Đức Giê-su, Ngài đã có kế hoạch, không một người nào phải nhịn ăn. Tất cả mọi người sẽ được no đủ.

Như xưa kia ngôn sứ Isaia nói với dân Do Thái về lòng thương xót của Đức Chúa với dân của Người, rằng “Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị”. Hôm đó, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Đem lại đây cho Thầy”.

Vâng, chỉ cần một sự vâng nghe của các môn đệ, một chiều hoàng hôn tím như bừng sáng lên. Từng “nút thắt” của nan đề đã được Đức Giê-su tháo gỡ một cách ngoạn mục. Từng băn khoăn lo lắng của các môn đệ đã được Ngài hóa giải một cách nhẹ nhàng.

Chỉ với năm-chiếc-bánh-và-hai-con-cá. Đức Giêsu đã thỏa mãn cơn đói cho “năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,21).

Hãy để cho trí tưởng tượng bay bổng về chốn hoang vắng năm xưa, nơi hơn năm ngàn người “ai nấy đều ăn và được no nê”. Vâng, hãy tưởng tượng rằng, họ vừa ăn vừa cất cao tiếng hát “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng lo sợ gì ”.

Cũng hãy để cho trí tưởng tượng hướng về nhóm mười hai. Chắc hẳn, nhìn hơn năm ngàn người được ăn no nê, lại còn dư “mười hai giỏ bánh đầy”, các môn đệ không thể không cảm nhận được quyền năng của  Đức Giêsu. Và chắc hẳn, giờ đây, các ông đã nhận ra “lòng trắc ẩn” của Đức Giêsu, khi Ngài nói với các ông rằng, dân chúng “không cần đi đâu cả” và hãy lấy năm chiếc bánh và hai con cá mà “đem lại đây cho Thầy”.

Qua phép lạ này, người viết chợt nhớ đến một bài thơ của  một thi nhân tên là “TT.C”, rằng: “Bánh của người nghèo; Chia cho bạn nghèo. Bánh của tình yêu… Nhân loại vẫn thiếu. Bánh Chúa bẻ ra; Quy tụ cả nhà. Bánh ăn đi đường – Để về quê hương”

**

Thánh sử Mát-thêu khi thuật câu chuyện Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều, có viết rằng: Đức Giêsu “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng”.(Mt 14, 19)

Tại sao? Tại sao Đức Giê-su không gọi  một ông hay một bà nào đó trong đám đông dân, như là một người đại diện, để trao của ăn  cho dân chúng? Vâng, “trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng ”, có phần chắc, Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ, rằng,  trong tương lai, họ chính là những người thừa kế vai trò và sứ mạng coi sóc và chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

Người môn đệ, hay nói đúng hơn, người mục tử của Đức Giêsu không có chuyện, chỉ vì “nơi đây hoang vắng” và chỉ “có năm chiếc bánh và hai con cá” mà để chiên của mình “tản lạc không người chăn dắt”…

Người mục tử của Đức Giêsu phải là cánh tay nối dài của Ngài.  Phải tiếp tục dang rộng đôi tay “Chăm sóc chiên con của Thầy”. Phải tiên phong trong việc “Chăn dắt chiên của Thầy”.(Ga 21,16-17). Nói tắt một lời, người môn đệ phải là người cộng tác tích cực với Chúa trong chương trình cứu độ.

Vẫn biết rằng, bất cứ thời điểm nào, người môn đệ của Chúa cũng đều phải đối diện với những nan đề của thời đại. Nhưng có phải vì thế mà người môn đệ thoái thác sứ vụ của mình!

Hãy nhìn ngôn sứ Êlisa. Ngài chính là một mẫu mực cho vai trò của người mục tử. Tuy chỉ có “hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị”, nhưng nhờ tin tưởng vào Lời Thiên Chúa phán “Họ sẽ ăn và sẽ còn dư”, nên ông ta đã bảo tiểu đồng “Cứ phát cho người ta ăn”. Và quả thật “họ đã ăn và vẫn còn dư, như lời ĐỨC CHÚA phán” (2V 4,44).

Cũng vậy với người mục tử hôm nay, hãy tin tưởng vào Lời Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào Lời Đức Giêsu. Hãy mang tất cả những nan đề của thời đại, những “gian trân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” v.v… mà đem lại đây cho Thầy Giêsu.

Chỉ khi mang tất cả mọi nan đề, đem-lại-đây-cho-Thầy-Giêsu, vâng, khi đó, người mục tử mới có thể tràn đầy hy vọng rằng, sứ vụ của mình sẽ “toàn thắng”. Tất nhiên, sự toàn thắng đó là “nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 37).

***

Trở lại câu chuyện  “Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều”, có lẽ nhiều người trong chúng ta, sau khi đọc xong câu chuyện này,  cũng sẽ lại như những người dân chúng xưa kia, tiếp tục  xuýt xoa về những dấu lạ Đức Giêsu đã làm, về quyền năng mà Ngài đã thực hiện, để rồi tìm cách “bắt Ngài đem đi mà tôn làm vua” như xưa kia người ta cũng đã dự định như thế..

Nhưng, nếu chỉ có thế thì có lẽ nên “chấm hết” bài suy tư này. Chúng ta nên nhớ rằng, hành động bắt Ngài đem đi mà tôn làm vua của người Do Thái xưa đã dẫn đến kết cuộc là,  Đức Giêsu phải “lánh mặt…” (Ga 6, ..15)

Vâng, qua biến cố này, Đức Giêsu không chỉ chứng tỏ quyền năng của Ngài trên đời sống của nhân loại, nhưng Ngài còn muốn gửi đến mọi người một thông điệp về lòng trắc ẩn, về tình liên đới, lòng quảng đại và tình bác ái.

Thật vậy, việc không tán thành ý kiến của các môn đệ về việc để dân chúng “vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” chính là bài học về lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng quảng đại, tình bác ái mà Đức Giêsu muốn dạy dỗ cho mọi người ở mọi thời đại.

Đức Dalai Lama đã nói: “Yêu thương và lòng trắc ẩn là những thứ thiết yếu, không phải xa hoa. Không có yêu thương và lòng trắc ẩn, nhân loại không thể tồn tại”.

Từ lời nói của Đức Dalai Lama, chúng ta có thể nói rằng: lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng quảng đại và tình bác ái chính là “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”.

Người cha, trong “dụ ngôn người cha nhân hậu” nếu không có lòng trắc ẩn, lòng quảng đại”, có phần chắc, người con thứ sẽ không có cơ hội để đón nhận “niềm hy vọng của sự sống” cho chính bản thân của anh ta.

Điều thật đáng tiếc của thời đại hôm nay, đó là, vẫn còn đó một số người, vẫn luôn tìm cách triệt tiêu “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”, cách này cách khác.

Có một số phụ huynh, chỉ vì thiếu lòng trắc ẩn và lòng xót thương trước người con ngổ ngáo, quậy phá, họ đã không ngần ngại đưa người con đó vào cái gọi là “trường giáo dưỡng”. Than ôi! họ đã không biết rằng, những nơi đó chính những nơi giáo dục con em mình bằng dùi cui, bằng cơ bắp, bằng những tiếng chửi thề… những nơi đủ khả năng để triệt tiêu “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”

Không chỉ ngoài xã hội mà trong giáo hội vẫn còn một số ít người vô tình chôn vùi “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”.

Thế giới của chúng ta đã bước vào thế kỷ hai mươi mốt, thế mà một cô gái lỡ làng lại phải quỳ gối trước mặt cộng đoàn trong nhà thờ để mà thú nhận tội “có thai ngoài giá thú” của mình…

Xin hỏi, phải chăng vị “thẩm quyền” của ngôi nhà thờ đó không có lòng trắc ẩn và sự bao dung?  Phải chăng vị “thẩm quyền” đó chưa một lần đọc Phúc Âm thánh Gioan – đoạn thứ tám, từ câu thứ nhất đến câu thứ mười một?

Lòng trắc ẩn, tình liên đời, lòng quảng đại, tình bác ái, sự bao dung không dung dưỡng tội lỗi nhưng là nhịp cầu để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Cứ thử tưởng tượng, nếu chúng ta đem tất cả những điều nêu trên làm kim chỉ nam cho cuộc sống hôn nhân gia đình… Vâng, chắc chắn rằng, lời hứa “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời” là điều luôn được tôn trọng. Chắc chắn rằng, không có người vợ hoặc người chồng nào phải đau khổ mà cất tiếng ca “Biết bao lần em (anh) đã hứa. Hứa cho nhiều rồi lại quên. Anh (em) biết tin ai bây giờ”…

Là một người Kitô hữu, có thể Chúa gọi tôi làm giám mục hoặc linh mục hoặc tu sĩ,  có thể Chúa gọi tôi làm cha, làm mẹ trong một gia đình v.v… Dù là ơn gọi nào, vâng, thánh Phaolô có lời khuyên rằng “anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi…” Ngài nói tiếp  “… để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4, 4).

Không phải chia sẻ niềm hy vọng nào khác, mà chính là chia sẻ “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”.

Vâng, khi ta chia sẻ “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người” chính là lúc ta đã nối dài cánh tay của Đức Giê-su bằng chính cánh tay của ta.

Đừng nghĩ rằng, để nối dài cánh tay của Đức Giê-su bằng chính cánh tay của ta, chúng ta phải giàu có như Bill Gates, như Rockefeller, như những ông hoàng Ả-rập v.v… Và phải tin chắc rằng, Đức Giêsu không khuyến kích cái ý nghĩ điên rồ của cô Katie-Ann Lamb, 21 tuổi, sinh viên Đại học Newcastle. Đã cùng với mười hai nữ sinh khác, chụp những bức ảnh nude nghệ thuật cho các báo ở Anh và Australia , in thành sách ảnh, lịch để bán và chuyển tiền vào quỹ ủng hộ cho các bệnh nhân.(nguồn internet).

Hãy nhớ lại coi. Bà góa chỉ với “hai đồng bạc” dâng cúng, thế mà đã được Đức Giêsu cho rằng “đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”(Mc 12, 43).

Vấn đề không phải là “con số”. Nhưng vấn đề là chúng ta có cầm hai-đồng-bạc mà “đem đến cho Chúa” không! Các môn đệ xưa đã cầm năm chiếc bánh và hai con cá mà “đem đến cho Thầy Giêsu”. Kết quả ra sao, chúng ta đã rõ.

Còn chúng ta hôm nay… Nếu chúng ta cũng cầm những gì, dù là nhỏ bé nhất, dù chỉ là một nụ cười, dù chỉ là một sự thứ tha, dù chỉ là một chút hy sinh, của chúng ta, mà “đem đến cho Chúa”… Hãy tin rằng, không chỉ là năm ngàn người, nhưng sẽ còn hơn thế nữa, họ sẽ được no nê, không chỉ no nê cơm bánh, mà họ còn no nê lòng trắc ẩn, lòng xót thương, lòng quảng đại và lòng bao dung của chúng ta.

Xưa, các môn đệ đã vâng lệnh Chúa truyền mà đem năm cái bánh và hai con cá “lại đây cho Thầy”. Nay, chúng ta cũng đem những tấm lòng nhận hậu của mình “lại đây cho Chúa” chứ!

Vâng, đừng chần chờ gì nữa, hãy vâng lệnh truyền của Chúa mà “đem lại đây cho Thầy”

Petrus.tran

Trả lời