Cn VI Phục sinh : Đừng Sợ


Đừng Sợ (Ga 14,23-29)

Lm An Phong op

Cn VI Phục sinh : Đừng SợBối cảnh của Tin mừng Chúa nhật 6 Phục sinh hôm nay là : Khi Đức Giêsu sắp sửa giã từ các môn đệ, Người không muốn để các ông “xao xuyến và sợ hãi”. Người hứa : “Đấng phù trợ là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy sẽ dạy các con mọi điều”. Người còn ban cho các ông bình an “không như thế gian ban tặng”, đồng thời Đức Giêsu cũng hứa sẽ trở lại với các ông sau này.

“Thầy ban bình an của Thầy cho các con không như thế gian ban tặng”. Sứ điệp chính yếu của Đấng Phục sinh chính là bình an.

Vào thời Đức Giêsu, “Pax Romana” – bình an của Roma – là câu nói nổi tiếng và là niềm kiêu hãnh của chính quyền Rôma. Chính quyền Rôma đã hãnh diện vì trong suốt gần hai thế kỷ họ đã “ban bình an của người thắng trận cho các nước chư hầu”. Họ đã giảm tối đa các cuộc xung đột giữa các nước chư hầu với nhau, đồng thời họ cũng dẹp bỏ được những cuộc nỗi loạn chống đối chính quyền Rôma. Đó chính là bình an dựa trên nỗi sợ hãi của các nước chư hầu, của các nước bị đô hộ. Đó chính là bình an của “quyền lực tối thượng” áp đặt để cho xã hội chư hầu luôn bị lệ thuộc. Đó chỉ là bình an vì sợ hãi, bình an “của thế gian ban tặng”.

Trong đời thường mỗi ngày, chúng ta có thể bắt gặp được thứ bình an này tại đây đó. Nó được thể hiện dưới muôn hình vạn trạng. Trong một thế giới “chiến tranh lạnh”, chúng ta ít thấy những cuộc xung đột vũ trang. Các quốc gia đã cố để thỏa thuận, dàn xếp bằng con đường ngoại giao. Trong một gia đình “bình an” theo kiểu này, nơi đó có thể có sự độc đoán của người gia trưởng làm cho mọi thành viên sợ hãi. Mọi người tránh né nhau để không gây đỗ vỡ. Họ không còn nói chuyện chân thành với nhau được.

Thật là sự bình an “chết chóc”. Chúng ta cũng có thể bắt gặp một người “bình an”. Họ cười đùa vui vẻ bên ngoài để che giấu những lo âu, khắc khoải bên trong… Sự bình an “bên ngoài” đôi khi chỉ là sự thinh lặng chết chóc, tuyệt vọng… , “bình an của nỗi thống khổ”.

Nhưng bình an của Đức Giêsu thì khác hẳn. Đó chính là bình an của tâm hồn. Sự bình an phát xuất từ niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa. Đó chính là bình an của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúng ta có thể bắt gặp được sự bình an này nơi những ai “yêu mến Thầy, giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (c. 23).

Một gia đình bình an, hạnh phúc sâu xa, dường như là nơi các thành viên trong đó thường mỉm cười với nhau, họ không cần “nhiều lời”. Họ vui hưởng những khoảnh khắc thinh lặng, ấm áp. Gia đình Thánh Gia là một điển hình. Nơi đó có sự bình an đích thực, sự bình an nội tâm sâu xa.

Nhưng để có được bình an này, chúng ta cần đến Chúa Thánh Thần. Người sẽ dạy dỗ và nhắc nhở chúng ta những gì Đức Giêsu đã nói. Đôi khi, chúng ta phải “trả giá”. Chính Đức Giêsu đã hứa ban bình an này cho các môn đệ khi Người loan báo thế gian sẽ ghét và bách hại các ông cũng như họ đã ghét và bách hại chính Người.

Phải chăng chúng ta chấp nhận “trả giá” để có được bình an của Đức Giêsu ?

Lạy Chúa,
Xin dạy chúng con biết thưởng thức thinh lặng của Chúa
khi bóng đen rập rình và ánh lửa tàn dần.

Xin cho lời cầu nguyện của chúng con
ấm cúng như căn nhà chúng con ở,
để bình an của Chúa cư ngụ nơi đây.

(Pierre Emmaud)

 


Trả lời