Cn Lễ Lá B: Tự do trong sự vâng phục ý Chúa

 

Tự do trong sự vâng phục ý Thiên Chúa

Tin mừng rước kiệu Mc11: 1-10 (or  John 12: 12-16)

Is 50: 4-7;   Pl 2: 6-11;   Mc 14:1- 15:47

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Cn Lễ Lá B: Tự do trong sự vâng phục ý ChúaThưa quý vị,

Đức Giêsu không phải là người đầu tiên vào thành Giêrusalem cùng với sự chào đón nồng nhiệt và uy nghi. Khi chiến thắng trở về, ông Giuđa Macabê đã có hai lần vào thành (1 Mcb 4,19-25; 5,45-54). Ông Simon, anh ông Giuđa, cũng được dân chúng reo hò, hát mừng tán dương và vẫy chào bằng những cành lá cọ (1 Mcb 13,49-51). Có ít nhất 12 lối vào thành Giêrusalem dành cho các anh hùng chính trị và quân đội.

Theo bản văn, Đức Giêsu chọn khởi hành theo lối riêng từ núi Ôliu. Ông Dacaria đã đoán trước được lối vào đó: “Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ôliu, phía đông Giêrusalem...” (Dc 14,4). Khi Đavít vào thành, ông cưỡi một con la và được dân chúng tôn làm vua. Kể từ điệu hát:“Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta”, dân Do Thái đạo đức nhận ra những lời tiên tri được hoàn trọn và họ sẽ được tràn ngập niềm vui và hy vọng khi chứng kiến cảnh Đức Giêsu cưỡi lừa con vào thành.

Việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem đã khơi lên cho dân những ký ức tôn giáo. Sự kiện này này cũng nhắc nhớ họ về những gì đã xảy ra cho các ngôn sứ – chịu đau khổ và bị loại trừ vì sứ điệp của mình. Đức Giêsu đang hoàn tất những gì các ngôn sứ đã hứa, và chúng ta có thể nghe thấy trong các bài đọc hôm nay những điều người ta thắc mắc về Ngài – yêu thương và chịu khổ vì chúng ta. Các ngôn sứ theo sự công bình của Thiên Chúa không có lấy một nhóm người nhiệt tình ủng hộ. Trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa là một lời mời gọi trung tín, cho dù phải trả giá bằng cả mạng sống. Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về sự thực này.

Quý vị có còn nhớ đoạn Tin Mừng thánh Máccô  (1,12) khởi đầu mùa Chay không? Đoạn Tin Mừng cho ta thấy Thần Khí Đức Chúa “đẩy” Đức Giêsu vào hoang địa, nơi Người chịu cám dỗ. Cũng chính Thần Khí ấy là sức mạnh luôn ở cùng và kiện cường sứ vụ công khai của Đức Giêsu và dẫn đưa Người qua các cổng Thành Thánh để hoàn tất sứ vụ qua sự đau khổ và cái chết  của Người.

Chính Thần Khí đó giúp chúng ta có thể cất bước “tiến vào” những nơi chúng ta được mời gọi để làm chứng. Chúng ta sẽ không chọn vào một thành quan trọng có đám đông sẵn sàng chào đón; nhưng quý vị có bao giờ phải đứng lên bênh vực cho quyền lợi của người khác chưa? Quý vị đã từng phải bước vào một căn phòng hay lớp học, chứ chưa nói đến một thành phố, để nói lên đức tin của mình chưa? Quý vị đã từng phải đứng trước ban giám đốc để kháng lại một thủ đoạn kinh doanh gây nguy hại cho người khác hay cho môi trường chưa? Còn những lần quý vị phải bước vào nhà mình khi có một thành viên bị phỉ báng thì sao? Nếu chúng ta nắm lấy vị thế khiến chúng ta dám đứng lên chống lại bất công thì chúng ta có Đức Giêsu, Đấng hôm nay vào thành Giêrusalem, như bạn đồng hành của chúng ta.

Từ những gì xảy ra sau khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem thì rõ ràng người ta đã bỏ lỡ ý nghĩa của ngày này và tầm quan trọng của Đức Giêsu. Điều chúng ta sẽ khám phá ra trong tuần này là việc dân chúng bỏ lỡ những lá cọ phất phới – Thiên Chúa chúng ta là Đấng yêu thương nhân hậu, Người giơ tay và ban cho chúng ta tình yêu vĩnh cửu, được biểu lộ trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Bất cứ hình ảnh nào về Thiên Chúa theo suy nghĩ của con người chúng ta như thờ ơ, xa cách và lãnh đạm thì đều bị phá hủy hoàn toàn bởi việc Đức Giêsu tự nguyện vào thành Giêrusalem và chấp nhận chịu khổ nạn và chết. Người có thể chọn đi hướng khác để tránh vào thành và thoát khỏi thiên mệnh. Nhưng, chúng ta lại khám phá ra những điều các ngôn sứ đã nói với chúng ta – Thiên Chúa chúng ta là Đấng yêu thương nhân hậu, Người sẵn sàng đến bất cứ nơi nào để giải thoát chúng ta khỏi tù ngục của tội lỗi và sự chia cắt tự mình đặt ra. Chúng ta lại học biết việc trở thành môn đệ của Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta điều gì, xét như những cá nhân và cộng đoàn, khi chúng ta chứng kiến tình yêu, sự phó thác và tự hiến của Đức Giêsu trong tuần này. Một lần nữa, việc theo Đức Giêsu có làm khơi lên nhiệt huyết của chúng ta để vác thập giá của Người và sẵn sàng chết cho cái tôi nhân danh Người hay không?

Nếu Tin Mừng Máccô đã dạy chúng ta điều gì về điểm này, thì ắt hẳn cho chúng ta thấy rằng nhiệm vụ thực hành và nói Lời Chúa sẽ gây ra sự khước từ và thậm chí bạo lực ngay tức khắc. Tin Mừng này không dành cho những người lãng mạn và người đã khuất bóng. Thực vậy, đó là một khế ước nghiêm túc, không giấu giếm hay tô vẽ những điều Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta.

Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn, chúng ta không thể theo Đức Giêsu chỉ bằng cách nghiến răng và bắt chước mẫu gương của Người. Vì Người được Thần Khí “thúc đẩy”, và chúng ta cũng phải được như thế. Chúng ta cần ơn của Thánh Thần đó vì sợ rằng chúng ta rời bỏ Đức Kitô khi gặp gian nan thử thách. Thần Khí sẽ xóa sạch những ảo tưởng trong đầu chúng ta và mở mắt cho chúng ta có thể nhận ra mình là ai và sẽ phải làm gì khi trở thành những môn đệ của Đức Chúa.

Đức Giêsu đã vào Giêrusalem cách nay rất lâu. Giờ đây, Người bước vào cuộc đời chúng ta mỗi ngày. Chúng ta chào đón Người bằng những lời tung hô: “Hoan hô Chúa trên các tầng trời”. Tiếp đến, chúng ta xắn tay áo để thực hiện những trọng trách Người đòi hỏi – có thể thực hiện được bằng Thần Khí Người ban cho chúng ta.

Xã hội chúng ta đề cao những người có mạnh mẽ và tài năng. Chúng ta thường soi vào những năng khiếu nổi bật của họ. Theo nhãn giới cá nhân, điều đó chẳng có gì sai cả. Nhưng hôm nay, thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ về một Thiên Chúa bị lăng nhục, Người đến với chúng ta trong tình trạng yếu hèn! Chúng ta không nhận ra điều này trong cuộc đời mình sao? Khi tôi nghĩ về người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên tôi, thì hầu hết họ đều không ngần ngại bày tỏ sự sai lầm và khiếm khuyết trong con người của họ. Nhìn vào họ qua nhãn quan Kitô giáo, tôi đã nhận ra điều Thiên Chúa có thể thực hiện qua sự yếu đuối của con người, vì họ cũng bộc lộ cho thấy niềm vui, sự hiến thân cho dân Chúa, tình yêu tha thiết dành cho người nghèo, nhận những khiếm khuyết của mình và hoàn toàn tín thác vào tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Vì tôi, họ hiến thân cho Tin Mừng, nhất là với bài thánh ca thánh Phaolô hát cho chúng ta ngày hôm nay. Thiên Chúa cũng nâng họ lên trong sự khiêm hạ.

Hôm hay, thánh Phaolô giải thích rõ ràng cho chúng ta. Ngài mời gọi cộng đoàn ở Philípphê đừng nên tự coi mình là đặc biệt hay có đặc quyền, mà “hãy làm cho thái độ của Đức Kitô trở thành của riêng anh em”. Họ không chú trọng vào những lợi ích của họ và ganh đua để được địa vị cao trong cộng đoàn. Trái lại, giống như Đức Kitô, họ trở nên tôi tớ cho mọi người. Chúng ta, những người có vị thế uy tín trong cộng đoàn tín hữu hôm nay, cần quả quyết rằng thư Philípphê (2,6-11) chính là bản “Tuyên ngôn Sứ vụ” hay những “Chỉ dẫn Hoạt động” của chúng ta.

Tâm điểm của đời sống chúng ta phải là Đức Giêsu, để cho tình yêu của Người dành cho nhân loại sẽ trở thành của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng con đường chúng ta đến với Thiên Chúa chính là qua việc phục vụ khiêm hạ. Chúng ta thực hiện điều này bằng việc lắng nghe Lời Chúa hôm nay và hành động theo những gì chúng ta được nghe. Vì theo chỉ dẫn của thánh Phaolô, tự do đích thực của chúng ta chính là nhờ vào sự vâng phục Thiên Chúa.

 

 


Trả lời