CN IV Vọng C: Em thật có phúc vì đã tin

 

Em thật có phúc vì đã tin

Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45

Lm. Jude Siciliano, OP.

Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ

Kính thưa quý vị,

CN IV Vọng C: Em thật có phúc vì đã tinLời ngôn sứ Mikha vọng lại với chúng ta từ một quá khứ xa xưa, tám thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh. Thành kiên cố Giêrusalem đang dưới ách thống trị của quân Átsiri. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ngôn sứ Mikha công bố một sứ điệp hòa bình. Đây không chỉ là một giấc mơ lãng mạn mang tính thi ca, một mong ước tươi đẹp cho tương lai, nhưng ngôn sứ nói nhân danh Đức Chúa. Chính Thiên Chúa đưa ra lời hứa hòa bình dường như không tưởng đối với những người đang nghe Mikha.

Ngày nay, cũng như thời của ngôn sứ Mikha, thế giới là một mớ hỗn độn với những mâu thuẫn khắp nơi trên địa cầu. Liệu chúng ta có tin lời hứa của ngôn sứ này: rồi sẽ có ngày một vương quốc hòa bình “trải rộng đến tận cùng cõi đất”? Không chỉ mình ngôn sứ Mikha nói đến điều này. Tất cả mọi ngôn sứ đếu lên tiếng nói về giấc mơ hòa bình; một ước mơ mà chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được. Trong bài Tin mừng, Êlizabét không chỉ nói với đức Maria, nhưng với tất cả chúng ta, những người tin Lời của Chúa, rằng “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Lời hứa của Thiên Chúa qua ngôn sứ Mikha đã thành hiện thực nơi Đức Giêsu, “Chính Người sẽ đem lại hòa bình”. Niềm tin của chúng ta nơi Đức Giêsu được diễn tả bằng chính quyết định hành động theo niềm tin và trở nên sứ giả hòa bình, như Đấng Của Lời Hứa đã mang đến. Giáng sinh đã cận kề, thời gian ấm áp và thoải mái. Có thể là đối với đám trẻ em của chúng ta.

Nhưng đối với người lớn, các sứ giả của lời ngôn sứ Mikha đã hứa, “người sẽ mang lại hòa bình”, đây chính là lúc chúng ta cử hành tinh thần Giáng sinh qua việc trở nên những người kiến tạo bình an – giống như đấng mà Mikha tiên báo và chúng ta sẽ sớm cử hành lễ mừng ở Giêrusalem. Nhìn xem, làm thế nào chúng ta có thể biến đức tin thành hành động? Chúng ta có thể nói lời tha thứ ở đâu và cho ai; làm thế nào để trở thành tác động hòa giải giữa những nhóm thù nghịch; nói năng nhẹ nhàng khi người khác đang la lối; hành xử chính trực khi những người thấp cổ bé miệng bị lợi dụng?

Có một chủ đề “bé nhỏ” trong bài đọc của ngôn sứ Mikha. Đó là một sứ điệp của Sách Thánh, thường được lặp lại, rằng sự hiện diện của Thiên Chúa thường tỏ ra bằng những cách thế xem ra bình thường. “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel…” Những người Israel thời ngôn sứ Mikha đang mong đợi hòa bình và chúng ta cũng thế. Việc kiến tạo hòa bình này bắt đầu từ những cách thức nhỏ bé và ngay trong tầm với của chúng ta.

Có vẻ chẳng có gì có ý nghĩa xảy ra trong bài Tin mừng hôm nay. Một thai phụ trẻ, đang gặp nguy hiểm vì có thai trước khi cưới, vội vã lên đường đến giúp người họ hàng lớn tuổi cũng đang làm mọi người ngạc nhiên vì mang thai. Đó là một khung cảnh bình thường. Có biết bao người phụ nữ mang thai đã cùng nương tựa nhau để hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ? Đây là lối nhìn của chúng ta về Cuộc Viếng Thăm nếu chúng ta không lắng nghe với một đôi đai của đức tin. Chúng ta nhìn lại trình thuật của thánh Luca và thấy rằng việc Êlizabét và Maria đến với nhau còn là việc hợp nhất hai Giao Ước. Lời hứa của vị ngôn sứ nay đã thành toàn.

Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa hai người nữ mang thai có vẻ hợp với bối cảnh hôm nay để rồi hai ngày nữa chúng ta thông dự vào cuộc sinh hạ của Đức Giêsu. Dù chúng ta đã gần sát lễ Giáng sinh, đây vẫn là câu chuyện của Mùa Vọng. Đức Maria vẫn là dấu hiệu để nhờ đó chúng ta nhìn quan sát và rút tỉa những bài học dành cho Mùa Vọng. Từ ngài, chúng ta học cách tín thác vào Thiên Chúa khi chờ đợi trong kiên nhẫn Lời của Thiên Chúa thành xác phàm cư ngụ giữa cuộc đời chúng ta, khi chúng ta trở nên: tử tế hơn, dịu dàng hơn, sẵn sàng tha thứ, bớt tham lam, bao dung và thương cảm hơn. Cùng với đức Maria, chúng ta mong chờ trong niềm tin kiễn vững, Lời Chúa sẽ được thực hiện trong chúng ta. Bà Êlizabét không chỉ nói với đức Maria nhưng còn nói với mỗi người ngày nay: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Thiên Chúa hiện diện với chúng ta bằng vô số cách thức khác nhau khi chúng ta cố gắng trở nên những sứ giả mang hòa bình – bắt đầu từ chính trong gia đình mình và cộng đoàn gần gũi của chúng ta. Đây không chỉ là sự bình an theo kiểu thế gian nhưng chính Thiên Chúa lưu tâm đến những nỗ lực của ta và ở cùng chúng ta, vì Thiên Chúa thực hiện ý định của Người nơi chúng ta bằng những cách thức giản đơn và nhỏ bé.Có hai lời nhắc nhở trong các bài Sách Thánh hôm nay: lời hứa của ngôn sứ Mikha về một ngôi làng Bêlem nhỏ bé như là nơi cho vị lãnh tụ thuộc dòng Đavít sẽ đến và những trao đổi riêng tư giữa bà Êlizabét, lớn tuổi, và đức Maria, trẻ tuổi.

Có bao nhiêu bức họa về cuộc viếng thăm của đức Maria với bà Êlizabét? Những bức họa ấy thật đáng yêu và thanh bình làm sao. Có bức nào thể hiện nỗi sợ hãi và căng thẳng phía sau câu chuyện hay không? Êlizabét bị cho là “son sẻ”. Điều đó có nghĩa rằng bà có lẽ đã bị xóm giềng chỉ trích, và thậm chí nhạo cười. Chồng bà có lẽ bị thất sủng, con cái, nhất là con trai được xem là ơn lành của Chúa. Vì thế, rõ ràng Êlizabét, chứ không phải Dacaria, bị Thiên Chúa trừng phạt. Con người gieo hạt, nhưng cánh đồng bị lên án nếu không sinh hoa trái.

Đức Mria có lẽ cũng bẽ mặt. Câu chuyện của ngài bắt đầu bằng một vụ bê bối. Việc lên đường đến nhà bà Êlizabét càm tăng thêm vụ bê bối ấy; một người con gái trẻ không bao giờ được ra ngoài một mình mà không có sự bảo bệ của một người nam. Đức Maria tự mình bỏ đi như thế có thể bị xem là có ý định đáng xấu hổ.

Làm sao chúng ta đặt mình vào câu chuyện nay? Chúng ta trong cùng cảnh với bà Êlizabét và đức Maria nếu chúng ta từng là: người ngoài cuộc; không được kể vào giữa “những người đạo đức xứng đáng”; có một dự định không được thực hiện hay bị hủy vì sự kiện nào đó; bị gia đình loại bỏ; không được người khác tôn trọng; không có khả năng nhận được những gì mà thế giới xem là “điều dễ thương”.

Trình thuật Cuộc Viếng Thăm mời gọi chúng ta lắng nghe và tín thác vào Tin mừng mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta. Lời Chúa trong chúng ta, “sống động và hữu hiệu” (Hr 4,12). Khi chúng ta đón nhận Lời này, sinh vào trong chúng ta trong mùa này, chúng ta sẽ làm cho những lời ấy nhập thể bằng việc chống lại cái xấu, cũng như bảo vệ những ai giống như đức Maria và bà Êlizabét, những người yếu thế trong cộng đoàn của ta.

Để đáp lại lời mời gọi của Tin mừng hôm nay, hãy lấy mẫu gương của đức maria như hướng dẫn chúng ta lên đường đến với: Êlizabét” – ai đó đang bên lề của mùa Giáng sinh: những người một mình nuôi con, mới nhập cư, những người bị tâm thần, những ai ở địa vị tận cùng của nấc thang công việc…. Hãy nhanh lên, với đức Maria, và đi thăm viếng!

 

 

 

Trả lời