CN IV PSA: Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi

Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi

Cv 2,14a.36-41; Tv 23; 1 Pr 2,20b-25; Ga 10,1-10

Lm. Jude siciliano, o.p.

Kính thưa quý vị,

CN IV PSA: Chiên của Tôi thì nghe tiếng TôiChúng ta đang trong mùa Phục Sinh và tập trung vào mầu nhiệm sống lại của Đức Kitô. Tuy nhiên, việc cử hành mầu nhiệm phục sinh Chúa, vốn là trọng tâm của Đức tin chúng ta, không chỉ kéo dài có bảy tuần mùa Phục Sinh này, mà trải dài suốt cả năm phụng vụ. Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15, 14). Nói cách khác, giả như Đức Kitô đã không trỗi dậy thì Người cũng chỉ là một trong những bậc hiền triết hay thầy dạy luân lý được nhớ đến trong lịch sử nhân loại mà thôi. Chúng ta hẳn sẽ trích dẫn những lời của Người để dạy bảo con cái và định hướngđời mình theo một lối sống đúng đắn. Tất cả chỉ có thế.

Nhưng nền tảng đức tin của chúng ta hệ tại ở việc Con Thiên Chúa đã chết vì chúng ta và đã trỗi dậy từ cõi chết. Vì vậy, khi chúng ta hướng đến sự sống lại trong mùa Phục Sinh, thì đó như là một lời nhắc nhở rằng tất cả sự sống và mọi sự chúng ta tin đều đặt nền trong niềm tin phục sinh.

Trong suốt những Chúa Nhật mùa Phục Sinh, chúng ta nghe những câu chuyện phục sinh về ngôi mộ trống, các thiên thần, những phụ nữ than khóc, những môn đệ không tin và những cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Kitô. Tin Mừng hôm nay xem ra phá vỡ khuôn mẫu đó. Đây không phải là câu chuyện hiện ra, nhưng là một bài giáo huấn ở phần giữa Tin Mừng Gioan. Tin Mừng hôm nay không nói về những lần hiện ra của các thiên thần hay những tảng đá bị lăn ra, nhưng nói về con chiên và những mục tử tốt và mục tử xấu. Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể lắng nghe đoạn Tin Mừng này trong “Chúa nhật IV Phục Sinh” mà lại không dựa trên nền tảng mầu nhiệm Chúa sống lại? Làm sao chúng ta có thể nghe một đoạn Kinh Thánh, mà lại bị tách ra khỏi niềm tin phục sinh?

Khi tôi ngẫm nghĩ đoạn Tin Mừng hôm nay qua lăng kính phục sinh, thì những nhân vật trong đoạn Tin Mừng này toát lên một ý nghĩa đặc biệt. Tôi xin trở lại quá khứ một chút. Trước đây, tôi có một người bạn cao niên trong viện dưỡng lão và tôi thường đến thăm bà ấy. Mỗi khi chuẩn bị đi xa để giảng phòng trong vòng hai tuần, tôi thường nói với bà: “Hẹn gặp lại bà khi tôi trở lại”. Bà luôn luôn đáp lại cùng một câu với một giọng bình thản: “Tôi hi vọng là không”. Mặc dù đã biết câu trả lời, nhưng tôi vẫn hỏi: “Tại sao vậy? Bà sắp phải đi đâu sao?” Lần nào bà cũng chỉ lên trời mà nói: “Tôi sẽ đi về nhà”.

Cho dù nói về cái chết, nhưng bà chẳng tỏ ra chút sợ hãi nào. Phải thừa nhận rằng những lúc ấy tôi đã muốn lảng tránh sang “chủ đề” khác và bây giờ cũng thế, không đủ bình tĩnh để nói về chuyện “về nhà” như bà. Tôi cũng từng hiện diện với nhiều người lúc họ lâm chung. Cho dù có những kinh nghiệm này, tôi vẫn chưa có sự chuẩn bị cho cái chết một cách bình tĩnh như bà bạn tôi. Văn hóa chúng ta không thích nói đến cái chết. Trong ngôn ngữ hằng ngày, chúng ta không nói ai đó đã chết, mà nói rằng họ đã “ra đi”. Chúng tôi không nói về cái chết trước mặt trẻ con. Chúng ta tránh né đề tài này.

Những nền văn hóa khác xem ra không e dè khi nói về cái chết. Người Mêxicô tổ chức ngày 02/11 hằng năm là “ngày của người chết” (dia de los Muertos). Các gia đình đến viếng mộ những người thân và mang theo thức ăn mà những người quá cố đã từng yêu thích. Họ dọn dẹp ngôi mộ và ngồi chung quanh để dùng bữa gia đình, “tựa như những ngày nào” khi người thân yêu còn hiện diện bên cạnh họ. Mặc khác, chúng ta cũng chẳng mấy hài lòng về tuổi già và sự chết. Chúng ta có những loại vitamin đặc biệt, các loại thực phẩm, các phương thức trị liệu và các bài tập thể dục, nhằm giúp bản thân không chỉ có một cuộc sống mạnh khỏe, mà còn “trẻ mãi không già”

Trước đây không lâu, tôi tham dự một buổi thuyết trình của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Có tám ngàn người hiện diện trong khán phòng để lắng nghe con người thông thái và thánh thiện này. Ông nói về tình trạng mất cân bằng và sự phân biệt trên thế giới giữa người giàu và người nghèo, giữa những người có tầm ảnh hưởng và người dân bình thường, giữa những quốc gia phát triển và những quốc gia nghèo khổ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có hai phạm vi mà tất cả chúng ta luôn bình đẳng với nhau, đó là: chúng ta được sinh ra và sẽ chết.

Giữa những hình thái sự sống trên trái đất, con người chúng ta là sinh vật duy nhất nhận thức về sự chết. Chúng ta tránh né, che đậy hoặc không muốn nói về nó. Nếu ta thật sự nói về sự chết và đối mặt với thực tại này trong cuộc sống hằng ngày, thì chúng ta có thể trở nên khôn ngoan hơn, giống như đức Đạt Lai Lạt Ma, như người bạn cao niên của tôi trong viện dưỡng lão và giống như các tác giả Thánh Kinh.

Tin Mừng hôm nay không phải trình thuật về sự phục sinh, nhưng tôi cần đọc và nghe đoạn Tin Mừng này theo nhãn quan phục sinh. Các chuyên gia phụng vụ chọn lựa các bài đọc hẳn đã có ý này, dù có hay không có chủ đề phục sinh, thì đoạn Tin Mừng này cần phải được giải thích trong bối cảnh phụng vụ hiện tại. Chúng ta đang sống trong mùa Phục Sinh. Hôm nay, tôi xin giải thích về “những kẻ lạ mặt”, “những kẻ trộm và những kẻ cướp”, tựa như những hình ảnh nói về sự chết. Những kẻ này làm những điều mà sự chết đang cố gắng thực hiện: đe dọa chúng ta, đánh cắp sự tin tưởng của chúng ta vào cuộc sống và cướp đoạt niềm hi vọng của chúng ta vào Đức Kitô. Đức Giêsu đã bước vào cuộc sống và chia sẻ kinh nghiệm của đàn chiên. Người chia sẻ những hiểm nguy và khó khăn của chúng ta, và chấp nhận bị chế ngự bởi sức mạnh đã đánh bại chúng ta – tức là sự chết.

Nước rất quan trọng cho đoàn tín hữu của chúng ta. Nước, những nguồn nước hằng sống tuôn trào từ bí tích Thánh Tẩy, liên kết chúng ta với vị Mục Tử. Chúng ta được nhắc nhở về mối liên kết này với Đức Kitô, ngay khi chúng ta bước vào nhà thờ và đón nhận nước thánh tẩy của sự phục sinh. Xuyên qua những hành trình khác nhau, chúng ta tiến đến “nguồn nước trong lành” này (xc. Thánh vịnh đáp ca). Chúng ta gặp thấy sự chết ẩn núp dưới nhiều hình thái ngụy trang của nó. “Dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khó vì có Chúa ở cùng.” Nơi đây, chúng ta tìm thấy chốn nghỉ ngơi và an toàn. Chúng ta được dẫn vào đồng cỏ xanh tươi và được cung cấp thức ăn và nước uống.

Những nẻo đường đưa dẫn chúng ta qua vùng đất tối tăm. Tại bữa tiệc này, chúng ta lắng nghe một lần nữa lời của Vị Mục Tử, lời hứa chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ hoàn tất hành trình qua “thung lũng âm u.” Vì lời hứa này bảo đảm, mà chúng ta không còn cảm thấy sợ hãi sự dữ khi cất bước lên đường, và tin chắc rằng sẽ lại được liên kết với những người thân yêu của chúng ta.

Một lần nữa, tôi nghe thấy lời người bạn cao niên của mình trong viện dưỡng lão. Tôi thấy bà chỉ tay lên trời với lòng tín thác. Bà đầy tin tưởng và được giọng nói của vị Mục Tử hướng dẫn; vì vậy, bà có thể tin tưởng nói rằng: “Tôi đang đi về nhà.”

Cách đây khoảng 15 năm, ông Anthony O’Hear đã than thở trong “Nhật báo Tài hính và Kinh tế” rằng, thế giới đang thiếu đi sự thinh lặng. Ông trích dẫn lời của Blaise Pascal: “Tôi từng nói rằng nguyên nhân duy nhất làm cho con người mất hạnh phúc là con người không biết cách giữ thinh lặng trong phòng.” Pascal đã nói câu này vào thế kỉ XVII. Ông sẽ nói gì về sự huyên náo trong thế giới ngày nay? Mỗi người có thể liệt kê một danh sách dài những tác nhân gây ồn ào khi chúng ta đi lại hay nghỉ ngơi. Ông O’Hear cũng nói thêm rằng, thiếu thinh lặng và tán gẫu suốt ngày nối dài thêm danh sách những tác nhân làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Hãy tưởng tượng như mình đang đọc thấy lời van xin sự thinh lặng và yên ắng trong nhật báo “Tài chính và Kinh tế” kia. Chúng ta biết rằng mọi thứ đã không yên lặng hơn trong suốt 15 năm kể từ khi mục báo này xuất hiện. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nghe theo lời khuyên của ông O’ Hear và tìm cách giữ thinh lặng mỗi ngày?

Thật vậy, dưới ánh sáng Tin Mừng ngày hôm nay, chúng ta có thể nghe được tiếng của vị Mục Tử gọi đích danh chúng ta, dẫn chúng ta ra khỏi thung lũng tối tăm và giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của tử thần.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời