Cn II PS : Sự bình an và lòng thương xót.

Cn II Phục Sinh :

Sự bình an và lòng thương xót.


Cn II PS : Sự bình an và lòng thương xót.Hai ngày sau vụ xử ông Giêsu người Nazareth với mức y án tử hình.  Giêrusalem tràn ngập những tin đồn. Có tin đồn cho rằng; ngôi mộ nơi mai táng ông Giêsu đã trở thành ngôi mộ trống. Lại có tin cho rằng xác ông Giêsu chẳng biết  : “ai đó đã đem đi khỏi mộ…”. Thần quyền lẫn thế quyền với mãnh lực của đồng tiền cũng đã  tiếp tay vu khống rằng : “Các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13).

Bị bao vây bởi những tin đồn, lại là những tin đồn thất thiệt đầy ác ý. Các môn đệ của Đức Giêsu không khỏi hoang mang và sợ hãi. Một bầu không khí u buồn ảm đạm phủ kín “nơi các ông ở”. Chẳng những thế các ông còn đóng kín các cửa lại vì : “các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19).

Làm sao các ông không hoang mang và lo sợ cho được ! Tính từ hôm thứ sáu, ngày ông Thầy của mình thọ nạn. Hôm nay là : “ngày thứ nhất trong tuần”…  trời lại đã xế chiều. Sắp hết ba ngày rồi ! Thế mà lời phán hứa của Thầy rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31)… Ôi ! Giavê ơi ! sao vẫn chưa thấy ứng nghiệm !!!

Đang lúc Phêrô và các môn đệ đặt nghi vấn cho rằng chuyện bà Maria Macdala nói rằng : “Tôi đã thấy Chúa” chỉ là chuyện vớ vẩn thì… một điều không tưởng đã xảy ra. Mặc dầu nơi các ông đang ẩn náu “các cửa đều đóng kín”. Thế nhưng Đức Giêsu đã hiện đến : “đứng giữa các ông và nói rằng : Bình an cho anh em” (Ga 20, 19).  Sự hoang mang và ngờ vực, sự sợ hãi và lo lắng của các ông được nhường chỗ cho : “niềm vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20).

Làm sao không vui cho được khi các ông tận mắt chứng kiến hình ảnh Đức Giêsu phục sinh. Chính : “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng. Những dấu tích mà tám ngày sau Tôma đã phải quỳ mọp xuống khi Đức Giêsu bảo với ông rằng : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). 

Kết từ “nếu” đã biến khỏi não bộ của Tôma. Thay vào đó là một lời tuyên tín đầy xúc động : “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”…

Một chút tâm tình…

Thật ra thì không phải đợi đến hôm nay Đức Giêsu mới có lời chúc bình an cho các môn đệ của mình. Cũng vào một buổi chiều. Buổi chiều của bữa tiệc ly – sau khi rửa chân cho các môn đệ – trong bài huấn từ, Ngài đã chẳng nói rằng : “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến và cũng đừng sợ hãi đó”. đó sao !!!

Ba lần với chỉ một lời chúc : “Bình an cho anh em”; nó đã tác động vào tâm hồn các ông. Sự bất an đã nhường chỗ cho sự bình an. Sự bình an đó trở thành  sức mạnh cho vai trò chứng nhân của các ông. Nó được biểu lộ rõ nét trong ngày lễ ngũ tuần sau khi các ông “nhận lấy Thánh Thần Chúa”.  

Một phút suy tư…

Nếu ở buổi chiều của bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã để lại cho những kẻ tin Ngài một dấu ấn của tình yêu : đó chính là  “Bí Tích Thánh Thể”. Thì buổi chiều của ngày thứ nhất sau khi Ngài đã Phục Sinh. Đức Giêsu – một lần nữa – Ngài đã để lại một dấu ấn của lòng thương xót. Lòng thương xót đó chính là : “Bí Tích Hòa Giải”. Qua các tông đồ – những thừa tác viên đầu tiên của Hội Thánh –  Đức Giêsu đã : “thổi hơi vào các ông và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai , thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Hai buổi chiều của tình yêu và lòng thương xót.   

Qua hai buổi chiều đáng nhớ ấy. Câu chuyện của vị tông đồ Tôma phải chăng  vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta hôm nay ?

Hôm nay, khi đọc lời truyền phép – vị Linh Mục đã cho chúng ta thấy : “Đây là Mình Máu Thánh Đức Giêsu Phục Sinh”.

Hôm nay, khi đọc lời tha tội – vị Linh mục ngồi trong tòa giải tội – đã cầu nguyện cho chúng ta rằng : “Xin Chúa dùng tác vụ của HỘI THÁNH mà ban cho con ơn tha thứ và bình an”.

Vâng, chúng ta không nhìn thấy Đức Giêsu Phục Sinh trong các bí tích. Song có phải vì thế mà chúng ta cũng như Tôma xưa mà nói rằng : “Nếu tôi không thấy… nếu tôi không xỏ… nếu tôi không đặt bàn tay vào… thì tôi chẳng tin” ?

Tất cả những tác vụ – qua thừa tác viên của Hội Thánh Chúa – vẫn tiếp tục được thực hiện qua mọi thời đại, vẫn mang lại ân phúc cho cuộc đời chúng ta.

Vẫn mang lại Bình An cho chúng ta. Dẫu cho chúng ta không nhìn thấy sự hiện diện của Đức Giêsu trong các bí tích. Đừng quên lời Đức Giêsu Phục Sinh đã nói : “Phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20, 21).

SAIGON – Phục Sinh 2010
Petrus.tran


Trả lời