Cn II mùa Vọng : Hãy giục lòng sám hối…

 

Hãy giục lòng sám hối…


Cn II mùa Vọng : Hãy giục lòng sám hối…Phụng vụ Thánh lễ bắt đầu tuần thứ hai Mùa Vọng. Ngoài bốn tuần chuẩn bị cho đại lễ mừng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu giáng trần. Giáo Hội còn dành riêng ba ngày; thường được gọi là tuần-tam-nhật; để tổ chức những buổi tĩnh tâm giảng phòng; hầu kêu gọi mọi thành phần tín hữu hãy xem xét lại tâm hồn mình trước ngày lễ trọng đại đó.

Khi nói tới những buổi tĩnh tâm giảng phòng; không thể không nhắc tới những nhà thuyết giảng. Có thể nói rằng; ngoài ơn Chúa tác động; vai trò của các nhà thuyết giảng rất quan trọng. Họ chính là chất xúc tác; tác động tâm hồn các tín hữu qua những lời thuyết giảng của mình.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, bất cứ ở thời đại nào, cũng đều xuất hiện những nhà thuyết giảng lừng danh. Nếu xưa kia là Thánh Phaolô; thì những thế kỷ sau này có Thánh Bernado… Thánh Vincentê… Thánh Inhaxio v.v.. Với ơn Chúa, các vị thuyết giảng này đã khiến cho biết bao con tim phải ray rứt mở lòng ra ăn năn sám hối.

………

Có một nhà thuyết giảng lừng danh khắp mọi thời đại. Và cứ đến Mùa Vọng; Giáo Hội không thể không nhắc đến tên ông ta. Vị thuyết giảng đó chính là Gioan Tẩy Giả.

Mùa Vọng đầu tiên; nếu có thể được gọi là như thế… Ông Gioan mà người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả. Từ miền hoang địa trở về. Không vào Hội Đường… Ông đứng bên sông Giodan với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu và rao giảng rằng : “Anh em hãy sám hối…”. (Mt 3,2).

Vâng, kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất trung, con người mất hết ơn lành. Con người  “bị trục xuất ra khỏi vườn Eden ”. Con người trốn chạy Thiên Chúa. Từ  “bụi đất con người sẽ trở về bụi đất”.(St 3, 19). Thế nhưng, dẫu cho con người đã bất trung và bội phản. “Thiên Chúa (vẫn luôn) là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (Thánh vịnh).

Tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua từng thời kỳ. Bắt đầu từ Ông Noe. Một “giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất (đã được) Thiên Chúa phán với ông Noe” (St 9, 16).  Rồi từ Ap-ra-ham và trải qua các thời kỳ ngôn sứ. Một sứ điệp mới đã được loan báo rằng : “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử. Để rồi hôm nay, sứ điệp đó; sứ điệp về một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”; được  ông Gioan Tẩy Giả lớn tiếng rao giảng rằng “nay đã đến gần”.

Những lời rao giảng đó cứ tưởng rằng chỉ là những tiếng kêu lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những tiếng hô vang của Gioan đã vang đến tận “Giêrusalem và khắp miền Giuđê…”. Nó đã lôi kéo nhiều người đến với ông.  Trước một rừng người vây quanh ông; như một ngôn sứ; ông đã cất tiếng cảnh báo  rằng : “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”… Và ông nhấn mạnh rằng : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi…”(Mt 3,10).

Những lời cảnh báo đó như xé toạc tâm hồn họ; đã thôi thúc họ “thú tội” và đã khiến cho tâm hồn họ “giục lòng sám hối”…

Dòng sông Giodan một phen dậy sóng… Không phải sóng nước; mà là làn-sóng-người bước xuống sông Giodan; để ông Gioan “làm phép rửa cho họ…”

Một chút tâm tình…

“Còn Đấng đến sau tôi. Quyền thế hơn tôi… Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”.(Mt 3,11).

Đây là một thông điệp không chỉ dành riêng cho Israsel xưa nhưng cũng dành cho chúng ta là những Kitô hữu hôm nay.

Thật vậy, “Đấng đến sau tôi” theo lời Gioan nói; nay đã đến. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,11).

Ngài cũng kêu gọi mọi người rằng :  “anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).

Ngài cũng đã khẳng định rằng phải-tái-sinh. “Thật, tôi bảo thật… không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,3).

Sẽ thật là thảm hại nếu chúng ta chưa thanh tẩy bằng chính phép-rửa-trong-Thánh-Thần !!! Bởi vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).

Một phút suy tư…

Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta !? Mười… Hai mươi… Ba Mươi… Năm mươi ! Và đã bao lần chúng ta thực thi thông điệp “hãy sám hối và hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” !!!

Thiết kế một Hang đá với những ngọn đèn lung linh ! Có tượng thiên thần bé nhỏ quỳ bên tượng Chúa Hài đồng Giêsu ! Có cây thông cao vút với những trái châu lung linh muôn sắc muôn màu !!! Vâng, đó là một cử chỉ truyền thống tốt đẹp.

Thế nhưng, để thật sự tốt đẹp hơn nếu chúng ta thiết kế một hang-đá-tâm-hồn với ngọn đèn Lời Chúa, với những ánh lửa Thánh Thần và với một tinh thần sám hối thực sự.

Chỉ khi chúng ta  thực hiện như thế. Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh mới thật sự là niềm vui có “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Một khi chúng ta “dọn sẵn” một hang-đá-tâm-hồn như thế. Hãy tin rằng không chỉ hôm nay Đức Giêsu đã ngự trị trong chúng ta. Mà ngày Ngài “ngự đến trong vinh quang”; niềm trông mong được ở “trong lòng tổ phụ Apraham” của chúng ta sẽ trở thành hiện thực.

Vâng, hãy giục-lòng-sám-hối như lời Gioan Tẩy giả kêu gọi. Kẻo Thiên Chúa nổi giận mà biến “hòn đá này trở nên con cháu ông Apraham” !!

Petrus.tran


Trả lời