CN II MC C: Hãy vâng nghe lời Người

 

 

Hãy vâng nghe lời Người

St 15, 5-12, 17-18; Tv 27; Pl 3, 17-4:1, Lc 9, 28b-36

Lm. Jude Siciliano, OP.

 Kính thưa quý vị,

CN II MC C: Hãy vâng nghe lời Người“Này, ai chịu trách nhiệm chính ở đây vậy?” Đây là một mệnh đề, không mang tính trách cứ, của một người đang cần sự giúp đỡ. Có thể ai đó đi vào trong một tiệm sửa chữa và xem ra chăng ai thèm quan tâm gì hết. Các công nhân quá lơ đễnh hoặc đang bận tâm đến nhiệm vụ của mình. Còn có thể nói gì khác hơn laf hỏi: “Thế ai phụ trách chính ở đây?” Chắc chắn sẽ có người nghe thấy và giúp đỡ.

Vì hậu quả của tội lỗi mà thế giới này trở nên một nơi hỗn độn và chẳng ai biết phải làm gì nữa. Con người sao nhãng và chỉ quan tâm đến thế giới riêng của họ. Thậm chí các quốc gia cũng lạnh nhạt với những nỗi đau của đám đông dân chúng. Chúng ta không chịu nổi và phải hỏi một câu hỏi lớn: “Ai chịu trách nhiệm đây?” Chúng ta hỏi câu hỏi đó bằng nhiều cách khác nhau: “ Cuộc chiến này đã bắt đầu ra sao?” “Tại sao có quá nhiều người nghèo đói trên thế giới?” “Ai đã làm xáo trộn môi trường?” “Tại sao chúng ta phải chi khá nhiều tiền cho những thứ vũ khí quân sự?” “Tại sao quá nhiều người trước đây vẫn đi nhà thờ nay lại bỏ không đi nữa?” Chúng ta phải làm gì với vấn nạn nghiện ngập và cuộc sống của những bạn trẻ đang bị chúng huỷ hoại?” “Ai chịu trách nhiệm thế?”

Chính Thiên Chúa Đấng nói với chúng ta hôm nay qua Sách thánh cũng đang tiến đến và mời gọi chúng ta đáp lại trong vâng phục và tín thác. Liệu chúng ta có thể chấp nhận lời mời đó cũng như luật lệ của Người hay không? Nếu có thể , ít là một lần trong đời khi chúng ta hỏi: “Thế ai chịu trách nhiệm ở đây?” chúng ta có thể trả lời bằng chính lời của mình và hành vi của đời mình: “Thiên Chúa chứ ai”.

Ápraham bắt đầu hiểu ra rằng Thiên Chúa có một kế hoạch dành cho nhân loại đang sống trong tình trạng hỗn độn do tội lỗi gây nên. Thiên Chúa đã gọi Ápraham và hứa rằng ông và Sara sẽ có con cái đông đảo và trở thành “một đất nước vĩ đại” (St 12,1-2). Câu chuyện Sách Sáng Thế hôm nay đã bắt đầu hé lộ cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa sẽ được hoàn tất ra sao.

Trước hết, Ápraham và bà Sara không hề tin vào lời Thiên Chúa hứa với họ; họ không phải là những siêu mẫu về đức tin, ít là vào lúc ban đầu. Người ta có thể nghĩ rằng nếu thực sự Thiên Chúa muốn hoàn thành một điều vĩ đại, như Ngài hứa, Thiên Chúa nên chọn những ứng viên sáng giá hơn để khởi đầu cho tiến độ của mình. Nhưng ngay cả người tốt nhất cũng không thể nào xoá sạch được những xáo trộn của thế giới; chỉ Thiên Chúa mới có thể làm điều đó. Chính Thiên Chúa đã đi bước trước khi bước vào cuộc đời của Ápraham và Sara.

Sự tỏ hiện cho Ápraham bao phủ ông trong một “sự tối tăm kinh hãi”. Trong Sách thánh khi Thiên Chúa tỏ hiện với con người, thường thì phản ứng trước tiên của họ là sợ hãi. Điều đó cũng đúng với những gì xảy ra trong Tin mừng; như được chứng tỏ trong câu chuyện Biến hình hôm nay. Một đám mây bao phủ trên ba Tông đồ và khi bước vào khung cảnh ấy họ hoảng sợ. Quý vị có sợ không? Đó là nỗi sợ của con người đơn thuần trước Đấng Toàn Năng và Đấng Thánh.

Thánh Phaolô (Rm 4,3) sẽ suy tư về sự đáp trả của Ápram (mà sau này gọi là Ápraham). Như được nói trong Sáng thế: “Ápraham đặt niềm tin nơi Đức Chúa, và Người gọi ông là công chính”. Một người trở nên công chính bằng cách dấn thân và bước vào trong tương quan với Thiên Chúa.Chính lòng tín thác khiến cho Ápraham được nên công chính trước mặt Thiên Chúa; ông tin những gì Thiên Chúa hứa và nay trong mối tương quan thâm tín nơi Thiên Chúa. Ông sẽ đi đến cùng, tin tưởng rằng lời hứa dành cho ông đã được thực hiện.

Giao ước giữa Thiên Chúa và Ápraham chỉ là khởi đầu cho những lời hứa tương tự Thiên Chúa sẽ thực hiện với những con người khác. Điều yêu cầu nơi con người trong mỗi giao ước là tin tưởng vào lời hứa và thực thi những điều ấy – dẫu cho nó chưa thực sự hoàn trọn. Các Môn đệ của Đức Giêsu cũng làm tương tự: bước vào trong tương quan yêu thương với Đức Giêsu và thay đổi cuộc đời của mình để cho thấy sự dấn thân của họ cho những gì đã cam kết.

Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng đi với Đức Giêsu lên núi để cầu nguyện. (Trong phần này của Tin mừng Luca, Đức Giêsu lưu tâm đến một nhóm nhỏ các môn đệ). Luôn luôn, trong Tin mừng Luca Đức Giêsu là hình ảnh của một con người cầu nguyện; đặc biệt là trước khi Người sắp quyết định một điều lớn lao. Trong bài Tin mừng hôm nay dường như các môn đệ cũng ở đó để cầu nguyện. Môsê và Êlia ở đó để nói về   “cuộc vượt qua” của Đức Giêsu – một hình ảnh gợi nhớ việc dân Israel được giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Xuất hành cũng ám chỉ đến việc Đức Giêsu chịu chết tại Giêrusalem; một cuộc giải thoát cho chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi.

Thế giới xáo trộn vì tội lỗi. Thiên Chúa lãnh trách nhiệm này và, trong Đức Giêsu, Người đã bước vào để can thiệp. Nếu có bất kỳ nghi ngại nào về việc Thiên Chúa sẽ hoàn tất hành động này ra sao thì tiếng nói phát ra từ đám mây loan báo cho các môn đệ: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Các môn đệ “đang ngủ say” nhưng lại “hoàn toàn tỉn thức” khi vinh quang của Đức Giêsu chiếu toả và Môsê với Êlia hiện ra với Người. Một lần khác, các môn đệ cũng lại mê ngủ khi Đức Giêsu trải qua cơn hấp hối trong vườn Cây Dầu. Biến cố Biến Hình là hình bóng cho thấy vinh quang phục sinh và đưa ra hứa hẹn rằng các Tông đồ sẽ mãi là những môn đệ trung tín của Đức Kitô.

Những thất bại của các môn đệ cũng được nêu ra trong suốt Tin mừng. Thậm chí ngay trong bối cảnh này, Phêrô cũng không hiểu được tầm quan trọng của những gì ông đang chứng kiến. Ông muốn dựng ba chiếc lều cho Đức Giêsu, Êlia và Môsê. Dường như ông cho rằng cả ba đều cùng một cấp độ. Ông cũng muốn dừng lại đôi chút. Nhưng Đức Giêsu muốn những kẻ theo Người cùng hành trình lên Giêrusalem với Người. Người có việc phải làm và các môn đệ cũng sẽ tiếp tục công việc đó sau khi Người phục sinh và ban Thánh Thần cho các ông. Tiếng nói: “Đây là Con Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”, phải làm sáng tỏ sự việc cho các môn đệ. Đức Giêsu không chỉ là người ra lề luật như Môsê hay đơn thuần là ngôn sứ như Êlia. Nhưng, kế hoạch của Thiên Chúa hầu chữa lành con người khỏi vết thương do tội lỗi sẽ được thực hiện nơi Đức Kitô, Đấng trong tương quan đặc biệt với Thiên Chúa như tiếng nói ấy đã loan báo.

Tiếng nói đó cũng tỏ cho thấy Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa về dòng dõi, đông như sao trên trời, mà Người đã hứa cùng Ápraham và Sara. Những người “lắng nghe” Đức Giêsu sẽ được kể vào số những con cái của dòng dõi này. Trong Sách thánh “lắng nghe” hay “nghe” ám chỉ bước kế tiếp sau khi nghe – tin tưởng vào người nói và hành động theo những gì vừa nghe.

Chúng ta đang cùng với Đức Giêsu và ba môn đệ đi xuống núi. Nhưng nếu như kinh nghiệm trên đỉnh núi có chút nào ý nghĩa với các Kitô hữu hiện đại, thì điều đó cũng mạc khải Đức Giêsu cho chúng ta và vinh quang mà chúng ta sẽ được chia sẻ với Người khi chúng ta được sống lại. Trong khi chúng ta “đang lắng nghe” những gì Người nói với các môn đệ xưa kia cũng là nói với chúng ta về lời mời gọi vác lấy thập giá và theo Người trên con đường tự phục vụ, trao hiến chính mình cho người khác, như Người đã làm.

Thường thì những của lễ mà tư tế dâng trong Đền Thờ cũng như những hành vi vâng phục làm co một người nên “công chính”. Nhưng với trường hợp của Ápraham và những gì chúng ta nghe được trong trình thuật Biến Hình trên núi, thì chính đức tin mới đưa chúng ta vào trong tương quan đích thực với Thiên Chúa và tha nhân. Căn bản của sự công chính nơi chúng ta chính là niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và lời của Người.

Lắng nghe lời của Đức Giêsu lúc đầu có thể cảm thấy lúng túng và khó hiểu. Nhưng một khi chúng ta nghe Người nói những lời an ủi và đảm bảo về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, thì đáng để chúng ta dành cả đời cho vị thế đáng giá của người môn đệ. Nếu chúng ta muốn chia sẻ vinh quang của Người, chúng ta cũng phải chia sẻ đau khổ của Người nữa. Chúng ta không chỉ đón nhận những đau khổ này cách đơn thuần như việc tự khinh chê mình, một hình thức của khổ chế. Nhưng, chúng ta trao hiến chính mình như người phục vụ dành cho những kẻ đau khổ sống xung quanh.

Những thực hành Mùa Chay cho chúng ta biết rằng, như những môn đệ trên núi, chúng ta cũng đang mê ngủ trong những trách nhiệm của người Kitô hữu, buồn ngủ và mộng tưởng về chính mình. Nếu như vinh quang của Đức Kitô có thể thấy được ngay bây giờ thì chúng ta thấy được ngay bên dưới những đau khổ. Mùa Chay mở mắt và đánh thức chúng ta để đáp lại lời mời gọi: “hãy vâng nghe lời Người”. Những gì chúng ta nghe được nơi Lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ tha nhân.

Sau khi tiếng nói được phát ra, thánh Luca cho chúng ta biết “chỉ còn lại một mình” Đức Giêsu. Nơi Người có trọn vẹn cả hai vai trò: Môsê đại diện cho luật pháp và Êlia đại diện cho ngôn sứ. Tin tưởng vào Đức Giêsu giúp chúng ta thực thi luật và làm cho chúng ta trở nên công chính; lắng nghe và làm theo những lời ngôn sứ của Người, như các ngôn sứ đã làm, giúp chúng ta lắng nghe được tiếng kêu than của người nghèo.

Vì thế, chúng ta nhìn quanh và hỏi: “Ai chịu trách nhiệm ở đây?” Trong sách Sáng Thế và Tin mừng Luca, chúng ta lại được nhắc cho biết: “là chính Chúa”. Đức Giêsu là dấu chắc chắn nhất cho thấy Thiên Chúa đã thực thi sự tha thứ, chữa lành và hiệp nhất. Nếu những dấu chỉ ấy đã được nhìn ra ngay trong thế giới của chúng ta, là những môn đệ của Người, pải nghe được lời Người nói và làm cho lời ấy thành hiện thực bằng chính hành động của chúng ta. Như tiếng nói phát ra trên núi: “Hãy vâng nghe lời Người”.

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

 

 

Trả lời