CN I Vọng C: Thiên Chúa không thất hứa bao giờ

 

Thiên Chúa không thất hứa bao giờ

Gr 33, 14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36

Lm. Jude Siciliano, OP.

(Học viện Đaminh chuyển ngữ)

 

Kính thưa qúy vị,

CN I Vọng C: Thiên Chúa không thất hứa bao giờThế là chúng ta đã bước vào một năm phụng vụ mới. Quý vị cũng thấy là ta đã chuyển từ Tin mừng thánh Máccô qua Tin mừng thánh Luca. Ngài viết Tin mừng này vào khoảng những năm 80-90 và mở đầu Tin mừng (1,1-4) với việc nhận rằng mình không phải là một trong những người “ngay từ đầu đã chứng kiến và phục vụ Lời”. Sau khi tra cứu cẩn thận dựa trên những gì học được, thánh sử “đã quyết định tuần tự viết ra để kính tặng Thêôphilô”.

Không giống như văn phong súc tích của Máccô, thánh Luca đã viết một trình thuật dài hơn để độc giả có thời gian và khhông gian mà suy tư về những gì ngài đã viết. Trong Tin mừng này, một trong những chủ đề chính yếu là cầu nguyện; Tin mừng này được đặt trong bối cảnh cầu nguyện. Từ từ suy tư về Tin mừng này có thể là “lời chúc tốt lành Đầu Năm” khi chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ. Một bản văn giàu ý tưởng như thế có thể đạt được một trong những mục tiêu mà thanh Luca muốn nhắm đến cho độc giả của mình: khơi lên và đào sâu trong ta một tinh thần cầu nguyện và tiến triển trong vai trò người môn đệ khi chúng ta đồng hành với Đức Giêsu trên đường lên Giêrusalem.

Nói như thế nhưng, chúng ta có một khởi đầu bất ngờ với với thánh Luca qua bài Tin mừng hôm nay. Thật đáng sợ! thế giới mà thánh Luca mô tả đang sụp đổ, những cảnh hãi hùng và khuyến cáo chúng ta “vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất”. Rồi thánh Luca nhắc chúng ta “…hãy cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”. Vậy còn đâu là Tin mừng!

Năm phụng vụ mới này không khai mở với những chương đầu của Tin mừng thánh Luca, như chúng ta mong đợi, nhưng là một đoạn trong phần sau của Tin mừng. Rồi sao nữa? Đây là Mùa Vọng nên thái độ chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức là một trong những chủ đề nổi bật. Trong suốt mùa này, chúng ta được mời gọi tránh lười nhác, lơ đễnh nhưng hãy luôn tỉnh thức. Bài Tin mừng hôm nay thuộc thể văn khải huyền và là một lời nhắc nhở chúng ta rằng thế giới, chung cũng như riêng, rồi sẽ đến ngày cùng tận, vì thế chúng ta phải không ngừng tỉnh thức và tin tưởng kiên vững.

Cơn đại hồng thủy sẽ chấm dứt thời của vũ trụ và sẽ ảnh hưởng đến không chỉ thế giới quanh ta, nhưng cả mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Điều đó có nghĩa rằng tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng và những biến cố này sẽ khiến mọi người kinh hãi (“dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang”). Thánh Luca mô tả những dấu hiệu khải huyền mà những người đọc Cựu Ước sẽ nhận ra. Dân có lẽ đã mong chờ rằng Con Người ngự đến (Dn 7,13-14) sẽ bắt đầu một thời trừng phạt. Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là sự trung thành của các môn đệ, những người không dao động niềm tin và vẫn luôn tỉnh thức. Họ sẽ được chứng nghiệm ơn cứu chuộc hằng chờ mong.

Một tuần trước lễ Tạ Ơn tôi đã thấy cây thông Giáng sinh và cây Noel (cây trạng nguyên) trong trung tâm thương mại gần nhà. Bầu khí Giáng sinh đã rộ lên và có thể dễ dàng khiến chúng ta xao nhãng về Mùa Vọng sẽ cử hành trong suốt bốn tuần tới. Đó là điều những bài đọc hôm nay muốn nói với chúng ta. Những bài đọc này đánh thức, nhìn thẳng vào chúng ta và nói: “Thức dậy! Hãy chú tâm, nếu không quý vị sẽ bỏ lỡ tin vui của Mùa thánh này:. Hoặc, như Đức Giêsu nói hôm nay “Hãy tỉnh thức luôn…”

Tất nhiên chúng ta cần chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, nhưng cũng cần lưu ý sống giây phút hiện tại và đừng để những nhộn nhịp, chộn rộn khiến chúng ta bị đảo ngược thái độ đối với những ngày nghỉ chưa tới. Với tất cả những giây kim tuyến, kệ băng đĩa nhạc và cảnh trẻ em xếp hàng chờ xem ông Già Noel, thì việc sống trong tâm tình Mùa Vọng xem ra có vẻ chẳng dễ dàng. Khi mua quà và thiệp Giáng sinh để gửi cho gia đình và bạn bè, chúng ta đang tỉnh thức nghĩ đến những người đặc biệt và biết ơn về sự hiện diện cũng như quà tặng mà họ đã trao tặng chúng ta quanh năm.

Những người chúng ta yêu thương là tảng đá an toàn và chắc chắn cho chúng ta trong một thế giới thay đổi không ngừng. Khi thế giới chao đảo và khi những gì tưởng chừng như an toàn (như mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao) không còn an toàn cho ta nữa, thì những người thân thiết nhất: người thân ruột thịt, bạn bè và cộng đồng tôn giáo sẽ giúp chúng ta “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” để đón Đức Kitô đang đến.

Một bà góa cho hay rằng sau khi chồng chết, bà chẳng còn thiết tha gì đến chuyện cầu nguyện nữa. Nhưng bà vẫn đến nhà thờ và để mặc cộng đoàn tham dự Thánh lễ xung quanh bà cầu nguyện và hát xướng. Bà nói có lẽ họ không thể biết họ đã giúp bà như thế nào đâu. “Sự tỉnh thức” của họ nâng đỡ bà khi tâm hồn bà đang héo hắt. Chính lời cầu nguyện của họ là sức mạnh giúp bà vượt qua những “gian nan khốn khó”. Việc đứng chung với những người môn đệ trung tín đã giúp người đàn bà đau khổ này “đứng vững trước mặt Con Người”.

Vào thời điểm này trong năm và nhất là vào những lúc bi đát, chúng ta dễ quên rằng Đức Kitô luôn hiện diện với chúng ta. Sinh nhật của Người sẽ được mừng vào Lễ Giáng sinh, nhưng qua bí tích Rửa tội chúng ta đã đã cảm nghiệm sự hiện diện của Người ngay tại lúc này. Chính dòng nước không ngừng canh tân trong bí tích Rửa tội giúp chúng ta đáp lại lời Đức Giêsu nói: “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”.

Bài đọc trích sách Giêrêmia hôm nay ngắn gọn nhưng ý nghĩa. Dân Giuđa, phía Nam của vương quốc, cần một niềm hy vọng vì họ hàng thân thích của họ ở phía Bắc đã bị xâm lược và quân Babylon đang tiếp tục tràn về phía Nam. Dân chúng ngày càng lo sợ; khi nào Thiên Chúa mới đến giúp họ? Vì ngày giờ Thiên Chúa can thiệp không được nhắc đến cụ thể nên sứ điệp của Giêrêmia phần nào khả nghi.

Giêrêmia không thích suy đoán về những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai; ông là ngôn sứ và ngôn sứ thì chỉ nói lời Đức Chúa cho thế hệ hiện tại. Việc nói đến vương quốc phí Bắc (Israel) và phía Nam (Giuđa) nhắc nhở họ về lời Chúa hứa sẽ cho xuất hiện một vị vua thuộc dòng dõi Vua Đavít. Chúng ta có thể nghe thấy trong lời hứa về “chồi non công chính”, một vị vua “sẽ trị vì theo lẽ công bình chính trực”. Vị vua mà dân hằng mong đợi sẽ dẫn dắt họ đi đúng đường lối của Chúa. Họ đang tuyệt vọng và vua của họ chẳng làm gì để giúp họ khỏi phải thờ ngẫu thần mà hoán cải trở về với giao ước của Chúa. Vì sự bất lực về chính trị và sự phán đoán kém cỏi mà những nhà lãnh đạo đất nước đã khiến cho quân Babylon đến xâm chiếm và cai trị họ.

Giêrêmia đang loan báo một đất nước được tái hợp và được vị vua công chính, một “chồi non công chính”, dẫn dắt. Khi Người ngự đến và dân thay đổi đường lối của mình, thì Giêrusalem được phục hồi sẽ mang một tên mới: “ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta !” Mặc dù dân đã chạy theo các thần ngoại bang và đã gây nên sự đổ vỡ, thì Đức Chúa, như Giêêmia hứa, là Đấng công chính cũng sẽ đến và chữa lành cho dân đồng thời tha thứ tội lỗi của họ

Giêrêmia khỏi đầu Mùa Vọng cho chúng ta bằng cách mời gọi mỗi người nhìn lại những bất trung và những sai trái hiện tại cũng như trong quá khứ và hy vọng vào lời hứa: Thiên Chúa đang đến để chữa lành chúng ta, không phải vì chúng ta tốt lành, nhưng vì sự công chính của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ thực hiện. Mùa Vọng này, chúng ta hãy cầu nguyện, như tên thành Giêrusalem được thay đổi, cuộc đời của chúng ta cũng sẽ làm chứng cho một Thiên Chúa quảng đại và, từ kinh nghiệm này, chúng ta cũng được gọi bằng một tên mới: “ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta !” Thiên Chúa làm cho chúng ta nên công chính; Thiên Chúa không thất hứa bao giờ.

 

 

 

 

Trả lời