Cn I mùa Vọng : Sự trông mong và niềm hy vọng.

Cn I mùa Vọng :

Sự trông mong và niềm hy vọng


Cn I mùa Vọng : Sự trông mong và niềm hy vọng.Chỉ còn vài tuần nữa sẽ tới ngày Lễ Giáng Sinh và bước sang năm mới của Tây Lịch… Có thể nói rằng cả thế giới đang háo hức chờ đợi ngày lễ trọng đại này.

Chắc hẳn rằng nhiều người sẽ mua sắm, chưng diện, tiêu xài không thương tiếc cho một tuần cuối cùng của năm cũ. Chắc hẳn rằng nhiều người sẽ chờ đợi, trông mong và hy vọng sẽ nhận được những món quà quý giá từ người thân gửi tới. Và cũng chắc hẳn rằng có rất nhiều người đang chờ đợi, trông mong và hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cuộc đời của mình.

Với người Kitô hữu. Một năm mới không phải được bắt đầu bằng ngày mùng một tháng giêng nhưng được  khởi đầu bằng một danh từ thân quen : “Mùa Vọng”. Mùa Vọng chính là mùa của chờ đợi, trông mong và hy vọng.

Sự  chờ đợi, trông mong và hy vọng của người Kitô hữu không chỉ dừng lại ở những sự việc liên quan đến cuộc sống vật chất nơi trần gian. Người Kitô hữu còn hướng tới những sự việc liên quan tới tinh thần, tâm linh.

Thật phải đạo khi người Kitô hữu chờ đợi ngày đó để tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đấng Cứu Thế giáng trần.

Ngày mà có một “vì sao xuất hiện bên phương Đông” báo tin có một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”(Mt 2,2). Vị Vua đó được đặt tên là Giêsu. Ngài chính là “Emmanuel , nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(Mt 1,23).

Ngày mà muôn dân muôn nước tái lập lại lời ngợi ca : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”(Lc 2,14). Vâng, quả là “Phước cho nhân loại Chúa ta ra đời”…

Không chỉ chờ đợi để tổ chức một  lễ kỷ niệm ngày giáng trần của Đức Giêsu một cách long trọng; người Ki tô hữu hôm nay còn trông mong và  hy vọng về một ngày Đấng Cứu Thế sẽ đến lần thứ hai.

Sự trông mong và hy vọng đó được dựa vào chính lời Đức Giêsu đã tâm tình cùng các môn đệ  trong bữa tiệc ly rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

“Thầy sẽ gặp lại anh em”. Đó chính là trọng tâm của Mùa Vọng mà hôm nay toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng bắt đầu cử hành.

Một chút tâm tình…

Khi nói : “Rồi ít lâu nữa …”. Đức Giêsu không khuyến khích người Kitô hữu tin vào lời bàn của những “Mao Tôn Cương thời đại” rằng thì là mà hôm nay… ngày mai …tháng này… năm tới… Thầy-sẽ-tái-lâm !!!

Khi Đức Giêsu nói : “Rồi ít lâu nữa”… Phải chăng đó là một hình thức nói nhấn mạnh !!! Và phải chăng chính cách nói đó đem lại cho chúng ta nhận thức rõ về việc phải luôn-sẵn-sàng và luôn-tỉnh-thức !!!

Qua bài diễn từ cách chung; Đức Giêsu đã hé mở cho mọi người biết ngày Con Người quang lâm sẽ diễn tiến như thế nào.

Ngài đã khuyến cáo rằng : “Thời ông Nô-e thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” . Là một Kitô hữu; chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết rõ câu chuyện Đức Giêsu nêu trên…

Chỉ có một “cửa” duy nhất để chúng ta không nằm trong số “người bị bỏ lại” khi Đức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…

Vâng, đó chính là “hãy canh thức, vì (chúng ta) không biết ngày nào Chúa của (chúng ta) đến”. Và “hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút (chúng ta) không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 42… 44).

Một phút suy tư…

Bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Phụng Vụ Lời Chúa trích Tin Mừng Matthew đoạn 24 từ câu 37 đến câu 44.

Đọc qua đoạn Tin Mừng này… Nào là “khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi tất cả”. Nào là “một người được mang đi, một người bị bỏ lại”… Quả là một bầu khí đầy bi quan và tang tóc !!! Phải chăng  Mùa Vọng là… Mùa Tận Thế !!!

Thưa không, với những suy nghĩ trên, phải nói rằng, đó là cách suy nghĩ của những kẻ đọc Tin Mừng theo kiểu “cắt xén”… Mùa Vọng phải được gọi là Mùa của sự trông mong và niềm hy vọng.

Hãy trở lại trích đoạn Tin Mừng nêu trên. Đức Giêsu có nói rằng : “Con Người sẽ đến”. Đó chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng chờ đợi, trông mong và hy vọng về ngày Đức Giêsu quang lâm !!!

Trong bài diễn từ cáo biệt; Đức Giêsu đã nói rằng : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3).

Nếu lần thứ nhất; nơi hang đá Belem ; Con-Người-đã-đến; để trở thành nguồn ánh sáng và ơn cứu độ cho muôn dân. Thì lần thứ hai; Con-Người-sẽ-đến “đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm” (Kh 22,12).

Chúng ta tin như thế !?  Vâng, nếu chúng ta tin; hãy mừng vui và hãy ngước lên trời cao mà khẩn nguyện rằng : “Maranatha ! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

Petrus.tran


Trả lời