CN I Mùa Chay C: Lời Chúa: niềm tin chiến thắng

 

Lời Chúa: niềm tin chiến thắng

 

CN I Mùa Chay C: Lời Chúa: niềm tin chiến thắngTheo bạn, điều gì chi phối chúng ta nhiều nhất trong mỗi ngày! Phải chăng chính là sự cám dỗ?

Đúng vậy, sự cám dỗ là một vấn nạn mà ai trong chúng ta cũng đều phải đối diện. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.

Có những cơn cám dỗ hết sức nhẹ nhàng làm cho ta mất phương hướng không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật, cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong lôi thẳng chúng ta xuống tận cùng địa ngục.

Có thể nói, càng thêm tuổi, sự cám dỗ càng nhiều, nhiều đến độ, Ông Gióp, một nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, đã nhận định rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Trong nhiều nỗ lực, con người tìm đủ mọi cách để vượt qua sự cám dỗ. Thế nhưng, trước sự yếu đuối, con người, vẫn cứ làm-điều-không-muốn-làm, còn điều-muốn-làm-lại-không-làm… để rồi suốt một kiếp người, con người cứ phải thở than: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”

Thánh Phaolô, với sự từng trải, Ngài đã nói “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25)

Đúng vậy, Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Và chính trong những cơn cám dỗ đó, Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, một bài học làm thế nào để vượt lên trên sự cám dỗ.

**

Hồi đó, Đức Giêsu, sau ba mươi năm ẩn dật tại Nadarét, Ngài bắt đầu thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Khởi đầu cho cuộc hành trình truyền giáo, Đức Giêsu “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa… suốt bốn mươi ngày”.

Vào hoang địa, Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc sống “chay trường” và chính cuộc sống chay trường này đã làm nổi bật bản tính “con người” nơi Đức Giêsu.

Chuyện kể rằng “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói”.

Vâng, với bản tính con người, đói thì ăn, khát thì uống là lẽ thường tình, nhưng với Đức Giêsu, hôm đó, Ngài đã gặp phải một thách thức lớn, nói đúng hơn, Đức Giêsu đã phải đương đầu với một sự cám dỗ hết sức tinh vi và xảo quyệt của Xa-tan.

Xa-tan, với bản chất là xảo quyệt, nó muốn đưa Đức Giêsu vào một mê hồn trận, một mê hồn trận của quyền phép, quyền hành, và quyền lợi.

Về quyền phép, Xa-tan muốn dụ Đức Giêsu xuất chiêu, nên đã gợi ý rằng, “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”

Về quyền hành, Xa-tan đã “đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý”.

Ôi! Trời ạ. Lời đề nghị này quả là “của người phúc ta”. Thật vậy, Xa-tan không biết, mà có biết chắc hẳn nó giả quên rằng, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha trao ban toàn quyền trên trời dưới đất, để “ai tin vào Ngài thì được sống” vậy thì, Xa-tan có gì để mà yêu cầu Đức Giêsu “Bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”?!

Vâng, người ta thường nói “quá tam ba bận”. Lần thứ ba, Xa-tan đưa “quyền lợi” ra làm mồi câu nhử Đức Giêsu. Không biết Xa-tan có phép thuật “kinh công” hay không, thế mà từ hoang địa, chỉ một chớp mắt, Xa-tan đã “đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đến Thờ”.

Nếu được hỏi… nếu được hỏi Xa-tan làm nghề gì? Vâng, chúng ta có thể đoán mò rằng, y làm ông bầu gánh xiếc. Tại sao lại đoán như thế! Xin thưa, là bởi Xa-tan đã muốn Đức Giêsu biểu diễn màn “nhào lộn trên không” qua lời đề nghị rằng “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi”.

Có thể nói, cơn cám dỗ thứ ba là cơn cám dỗ nặng ký nhất, nặng ký là bởi đây là lần thứ hai Xa-tan đánh trúng huyệt của Đức Giêsu, “Nếu ông là Con Thiên Chúa”…

Là Con Thiên Chúa thì sao đây? Phải chăng, là Con thì Thiên Chúa phải cho cái này, cái khác ư! Phải chăng, là Con thì Thiên Chúa phải cho “thiên sứ đến” để “tay đỡ tay nâng” khi Đức Giêsu biểu diễn màn phi thân từ nóc Đền Thờ xuống đất?

***

Ba lời thách thức nặng ngàn cân không thua gì ba mũi đòng mà Đức Giêsu, sau này, sẽ phải đối diện trên đồi Golgotha. Và Ngài đã chiến thắng. Sự chiến thắng của Đức Giêsu không chỉ phụ thuộc ở sự tràn đầy Thánh Thần nhưng còn ở sự nhận biết “Lời Chúa”.  

Thật vậy, không phải Đức Giêsu non-tay-ấn không thể dùng “quyền phép”: “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” (Lc 4, 3).  Nhưng điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.

Vâng, Đức Giêsu không đến thế gian để mở trường dạy những trò ma thuật. Ngài đến để dạy “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Đói ăn, đói mặc ư! Đừng sợ. Có sợ thì hãy sợ đói-Lời-Thiên-Chúa. Vâng, hôm đó, Đức Giêsu bác bỏ lời dụ dỗ của Xa-tan bằng một lời Kinh Thánh, rằng “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. Ngài đến là để tái khẳng định với mọi người rằng, sự sống của con người “còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”

Vết chàm từ chối Thiên Chúa làm chủ đời mình của nguyên tổ Adam và Eva không dễ gì tái hiện nơi Đức Giêsu, người vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”. Con là Con của Cha có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người. Con là Con của Cha thì chỉ “phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Xa-tan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn thuộc loại “mãi võ sơn đông”. Đức Giêsu không sập bẫy trước những lời khiêu khích của Satan. Ngài vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Cũng không phải để biểu diễn một vài màn xiếc nhào lộn trên không trung. Vào hoang địa, Đức Giêsu đã mở một trường “dạy Kinh Thánh”.

Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã cho mọi người thấy đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là sự thật và là sự sống”; và một khi con người bước đi trên con Đường của Sự Thật và Chân Lý, có lẽ nào Thiên Chúa lại không truyền cho “Thiên Sứ gìn giữ Bạn” có lẽ nào Thiên Sứ lại không “tay đỡ tay nâng”!

Nói tắt một lời, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc rằng, Lời Chúa chính sức mạnh, để con người có được “niềm tin chiến thắng” trước những cơn cám dỗ.

****

Kết thúc màn “căng đài” giữa Xa-tan và Đức Giêsu “quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”(Lc 4, 13). Hơn hai ngàn năm trôi qua, hôm nay, có vẻ như “thời cơ” của Xa-tan lại đến. Vẫn là những chiêu thức cám dỗ cổ điển, “nói dối và phỉnh gạt”, vẫn là những màn tung hứng bằng học thuyết này, chủ thuyết kia, ngôn từ nọ, đại loại rằng, Thiên Chúa đã chết rồi… Hãy thay trời làm mưa… Tôn giáo chỉ là thuốc phiện… Hãy tự do luyến ái… Hãy đòi quyền được phá thai… Hãy đòi quyền được ly dị… Hãy đòi quyền được hôn nhân đồng tính v.v…

Quả đúng là Xa-tan thời đại @ có khác, đã biết “cập nhật hóa sự cám dỗ” cho hợp với xu thế thời đại. Phải cảnh giác. Đó chỉ là những cái bẫy, một loại bẫy làm cho chúng ta tê liệt tâm hồn, tê liệt lương tâm, tê liệt sự tin tưởng, tê liệt tình yêu thương.

Phải cảnh giác. Những chủ thuyết quái đản đó, tưởng chừng như đem lại hạnh phúc và sức sống cho con người, giống như lời dụ dỗ ngọt ngào của tên-cám-dỗ ở vườn Eden năm xưa… “Chẳng chết chóc gì đâu !” nhưng thực tế đã cho thấy chỉ là đường dẫn đến thung lũng âm u nghi ngờ của chết chóc.

Thực tế đã chứng minh điều đó. Càng thay trời làm mưa lại càng mất mùa đói kém. Càng tự do phá thai lại càng nảy sinh những tên sát thủ giết người có bằng cấp. Càng tự do ly dị lại càng thấy những tội phạm tuổi “ô mai” v.v…

Cho nên, phải coi chừng! Coi chừng ! sau khi “bái lạy” những chủ thuyết quái thai đó, sau khi “tôn thờ” những học thuyết phỉnh gạt nêu trên, mắt-mình-lại-nhìn-thấy-mình… thấy mình “AIDS” giai đoạn cuối, thấy mình “vô sinh”… thấy mình bất an v.v…

*****

Đức Giêsu chỉ dùng có ba câu “Lời Chúa” là đủ để hạ “nốc ao” tên cám dỗ. Thưa bạn, bạn có nhớ ba câu “Lời Chúa” đó không?

Nếu bạn đã nhớ, vâng, thánh Phalô có lời khuyên rằng, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm, 10, 8). Bởi vì, chỉ khi Lời Thiên Chúa ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, chúng ta mới có thể có được “niềm tin chiến thắng” trước những cơn cám dỗ của thời đại hôm nay.

Petrus.tran  

 

Trả lời