Cn I Chay C : Cơn Cám Dỗ

 

CƠN CÁM DỖ

Cn I Chay C : Cơn Cám DỗĐể bắt đầu một cuộc hành trình. Hầu như mọi người trong chúng ta; ai nấy đều chuẩn bị cho mình một số hành trang nhất định.

Đức Giêsu cũng vậy. Sau ba mươi năm ẩn dật. Ba mươi năm sống kiếp “con người”. Trở về từ sông Giodan – và để bắt đầu cho cuộc hành trình truyền giáo – Ngài đã chuẩn bị cho mình một thứ hành trang. Một thứ hành trang thiêng liêng : đó là : “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,2).

Con đường vào hoang địa của Đức Giêsu; để sống một mình trong thinh lặng, chay tịnh và nguyện cầu đã làm nổi bật bản tính “con người” của Ngài.

Có thể nói khi chấp nhận “trở nên người phàm”. Ngài chấp nhận đương đầu chống chọi những chước cám dỗ như bất cứ phàm nhân nào cũng đã phải chống chọi.

Bốn mươi ngày chay tịnh và nguyện cầu đã dẫn Đức Giêsu vào một cuộc chiến. Một cuộc chiến của nội tâm. Giữa một bên là bả vinh hoa lợi lộc và quyền lực trần thế với bên kia là một Thiên Chúa quyền năng… một Thiên Chúa duy nhất và một Thiên Chúa chống cự kẻ muốn thử thách lòng người.

Quyền năng của Thiên Chúa không phải là thứ quyền năng mà “tên cám dỗ” tưởng là…

Quyền năng của Thiên Chúa là thứ quyền năng không phải để phục vụ cho tiện ích cá nhân bằng cách : “hóa hòn đá ra thành bánh” để mà ăn !!!

Sự duy nhất của Thiên Chúa không cho phép trước mặt Ngài : “có thần nào khác đối nghịch” (Xh 20,3).

Và một Thiên Chúa : (Ghét kẻ) “thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12)..

“Hoang địa” nơi Đức Giêsu bước vào có thể ví như vườn Eden thứ hai. Nơi đây Ngài đã không ngã gục bởi lời “phỉnh nịnh, xảo quyệt, lừa dối” của tên-cám-dỗ như Adam và Eva xưa đã gục ngã.

Trái lại – Đức Giêsu với sự : “tràn đầy Thánh Thần” – Ngài đã chiến thắng. Một chiến thắng làm thành một thứ hành trang cho cuộc hành trình thiêng liêng. Đó là cuộc hành trình về Giêrusalem. Nơi mà Đức Giêsu sẽ làm trọn “Mầu Nhiệm Vượt Qua” bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài.

một chút tâm tình…

Thật ra không phải Đức Giêsu “non-tay-ấn” không thể : “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” (Lc 4, 3). Đã có lần; chỉ với : “năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” (Ga 6,9) – Ngài đã hóa ra nhiều bánh để “cứu bồ” cho khoảng “năm ngàn người” ăn no nê. Phép lạ hóa bánh này chẳng qua là để : “củng cố lòng tin” cho mọi người.

Điều Đức Giêsu sẽ “truyền” đó là ngày Ngài sẽ “truyền cho ” tấm bánh nên “Mình Thánh” và chén rượu nên “Máu Thánh” Ngài. Một mầu-nhiệm-đức-tin để những ai lãnh nhận sẽ được sự-sống-đời-đời.

Biểu diễn một “màn xiếc” nhảy từ trên nóc đền thờ xuống đất có gì khó đối với Đức Giêsu. Không ! Ngài không đến thế gian để làm những trò ma thuật. Ngài đến để dạy : “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 12, 29).

một phút suy tư…

“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Đoạn Tin Mừng này kết thúc trình thuật : “Đức Giêsu chịu cám dỗ”.

Nhưng sự kiện : “quỷ bỏ đi… và chờ đợi thời cơ” thiết tưởng rằng nó vẫn chưa kết thúc. Có vẻ như “quỷ” đang trở lại mỗi lúc một đông… đông đến chóng mặt. Và dường như hôm nay đang là “thời cơ vàng” của bọn chúng.

Bổn cũ soạn lại. Tên-cám-dỗ vẫn dụ dỗ chúng ta – là những người tin Đức Kitô – bằng những chiếc bánh vẽ đẹp mắt… để chúng ta : “quỳ xuống bái lạy” những tên-cám-dỗ đó…

Tên-cám-dỗ dụ dỗ bằng một số “lương thực và tiền bạc” để chúng ta từ bỏ những lời làm chứng cho sự thật…

Tên-cám-dỗ dụ dỗ bằng một số “quyền lợi cá nhân” để chúng ta không-còn-muốn-lên-tiếng-về-những-việc-rất-cần-phải-lên-tiếng…

Hình ảnh Đức Giêsu – Thấy chí thánh – đứng trên “ngọn núi” dõng dạc cất tiếng : “Satan kia . Xéo đi”… có làm chúng ta “tỉnh cơn mê” !!!

Đừng quên rằng – chúng ta – là con cái CHÚA – chúng ta chỉ : “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của (chúng ta), và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).

Và hãy nhớ rằng – Đức Giêsu đã nói : “ĐƯỢC LỜI LÃI CẢ THẾ GIAN MÀ MẤT LINH HỒN NÀO ĐƯỢC ÍCH GÌ”(Mt 16, 26).

SAIGON – MÙA CHAY 2010- petrus.tran

Trả lời