CN 4TN C : Đức Giêsu, hồng ân của Chúa.

 

 

Đức GIÊSU: hồng ân của Chúa.

 

CN 4TN C : Đức Giêsu, hồng ân của Chúa.Sau sự kiện khủng bố ngày 11/09/2001 tại Hoa Kỳ. Cô Anne Graham, con của một vị giảng thuyết nổi danh được một đài truyền hình mời phỏng vấn. Người phỏng vấn đã hỏi cô gái ấy như sau:  “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như thế?”

Cô Anne đã trả lời rằng “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn về điều đó, ít nhất là Người cũng buồn bằng chúng ta. Từ bao lâu nay, chúng ta đã yêu cầu Người đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Thiên Chúa là người “quân tử” nên đã lẳng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Người ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn khoản xin Người để mặc chúng ta một mình?

Về những biến cố mới xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, hoặc là chiến tranh… tôi nghĩ rằng, mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý.

Rồi một người khác lại có ý kiến là, chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh đó dạy chúng ta ‘chớ giết người, chớ trộm cắp, hãy yêu thương tha nhân như chính mình v.v…’ thế mà chúng ta cũng đồng ý”.

**

Vâng, quả là một câu trả lời rất thâm thúy. Qua câu trả lời này, nó gợi cho chúng ta nhớ tới Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ đó mà được cứu độ, ấy vậy mà Ngài cũng đã hơn một lần bị người đời thời đó miệt thị, khinh khi, “yêu cầu” ra khỏi làng mạc của họ.

Chuyện đó đã xảy ra trong một lần Đức Giêsu đuổi quỷ vào đàn heo để cứu chữa một người bị “thần ô uế ám” ở Ghê-ra-sa. Một phép lạ chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa trước ma quỷ,  thế mà dân làng chỉ  vì lợi nhuận vật chất, họ lại “nài xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ” (Mc 5, 17)

Thế nhưng, đáng buồn hơn nữa, đó là Đức Giêsu đã bị chính người đồng hương của mình xua đuổi, thậm chí còn muốn giết chết Ngài.

Vì sao họ lại làm như thế! Vâng, chúng ta hãy trở về Nadarét, quê hương của Đức Giêsu.

Hôm đó, Đức Giêsu trở về Nadarét, vì là ngày sabat nên Ngài vào hội đường. Tại nơi đây, cũng như ở khắp vùng lận cận khác, người ta lại phải “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.

Người đã nói gì khiến cho mọi người phải thốt lên như thế! Xin thưa, khi được mời lên đọc Sách Thánh, Đức Giêsu đã đọc một đoạn trích sách ngôn sứ Isaia.

Lời ngôn sứ Isaia như một bản concerto ngân vang khắp hội đường, nó như nổ tung nơi cung lòng cử tọa một giai điệu của tình yêu, của hồng ân khi người nhạc trưởng Giêsu chấm dứt bằng một lời nói “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị  vừa nghe” (Lc 4, 21).

***

Nhưng than ôi! những lời tán thành và thán phục đó ngay lập tức vỡ tan như bọt bong bóng xà phòng.

Vì sao ư! Thưa rằng, vì họ chợt nhận ra một điều gần như là nghịch lý. Giêsu, người mà họ đang diện đối diện “Không phải là con ông Giuse đó sao?” Một ông Giuse thợ mộc sao lại có thể sinh ra một ông Giêsu được “Thiên Chúa xức dầu tấn phong” như chính ông ta đã nói “Hôm nay đã ứng nghiệm”!

Có vẻ như họ thất vọng. Thất vọng về gia thế của Đức Giêsu. Thất vọng vì chờ-mãi-mà-chẳng-thấy Đức Giêsu làm một dấu lạ nào như Ngài  “đã làm tại Caphacnaum”. Sự thất vọng biến thành sự phẫn nộ và thay cho những lời tán dương ca tụng lúc ban đầu là sự chống đối.

Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành”. Họ mưu toan giết Đức Giêsu bằng cách: “Xô Ngài xuống vực” (Lc 4,…29).

Thế nhưng, Đức Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”. Quả đúng như lời Ngài nói : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc 4, 24).

****

Thật đáng tiếc cho cư dân thành Nadarét. Tiếc là bởi họ đã không ý thức đúng về cái gì là giá trị, cái gì là quan trọng trong đoạn Kinh Thánh mà Đức Giêsu đã đọc cho họ nghe.

Cái giá trị và quan trọng đó không nằm ở những phép lạ, không nằm ở những lời thách thức xấc xược rằng, “những gì ông đã làm tại Caphacnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”.

Cái giá trị và quan trọng đó chính là  “Tin Mừng”, là Thiên Chúa đã “Ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1, …19)  bởi Con Một của Người là “Đức Giêsu: hồng ân của Chúa”.

*****

Trở lại với bài phỏng vấn, cô Anne nói tiếp rằng, “Bây giờ chúng ta lại tự hỏi là tại sao con chúng ta không có lương tâm, tại sao chúng không phân biệt được thiện ác, và tại sao chúng lại có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình.

Có thể sau khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta đi đến kết luận: chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy.

Thật kỳ lạ là con người có thể vứt bỏ Thiên Chúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi: tại sao thế giới biến thành địa ngục” (click để đọc câu chuyện)

Bạn… Thưa Bạn… Bạn có tin, cô Anne chính là sứ giả  của Vua Giêsu mà Ngài muốn gửi đến, để cảnh báo chúng ta rằng, thế giới hôm nay sẽ biến thành địa ngục nếu chúng ta từ chối đặt niềm tin vào Thiên Chúa?

Nếu tin. Vâng, hãy vứt bỏ ngay cái gọi là chủ thuyết hiện sinh, vô thần, vô tôn giáo, một thứ chủ thuyết sản sinh ra những con người thác loạn, những con người sống bằng bạo lực, những con người thích gian dối, những con người luôn gây hận thù, những con người lưu manh… và hãy  tìm đến “con đường trổi vượt”, con đường của đức tin, đức cậy và đức mến.

Nơi con đường này, chúng ta sẽ học được sự “nhẫn nhục,  hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cor 13, 4-6).

Một khi chúng ta “không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật”, có phần chắc, chúng ta sẽ có tình yêu thương. Mà ở đâu có tình yêu thương thì ở đấy có Đức Chúa Trời.  

Có Đức Chúa Trời, hãy tin, chúng ta sẽ nhận được tràn ngập “hồng ân của Chúa”.

Petrus.tran

 

Trả lời