Cn 4 Chay : Cả Hai Đều Hoang Đàng

 Cn 4 Chay : Cả Hai Đều Hoang Đàng Cả

Giuse Đặng Chí San op

Cn 4 Chay : Cả Hai Đều Hoang Đàng

 

Chúng ta, người thì “ngoan ngoãn” ở yên trong nhà, kẻ thì ngu muội cứ nghe những tiếng gọi vi vu từ xa khơi gió lộng, vâng, cả hai chúng ta đều là những đứa con hoang đàng cả. Đứa con thứ, bỏ cha mẹ làng mạc mà lang thang tiếu ngạo giang hồ, thì đã rõ hắn là tên mất dạy, là đứa đi hoang. Nhưng anh con cả, đàng hoàng, đều đặn, tối sớm thứ tự nết na, quanh quẩn bên góc vườn xó bếp, ảnh cứ tưởng ảnh là trưởng tử ngon lành.

Không đâu ! chất đi hoang không tùy thuộc việc đàng hoàng đạo mạo trong nhà hay phiêu bạt tơi bời giữa giang hồ lộng gió. Đi hoang, là dù ở đâu, làm việc gì, mà vẫn không cảm nhận Tình Cha, và vì thế cũng đánh lạc mất hồn mình, đánh lạc mất bản chất cao quí của mình. Đi hoang, là không biết rằng Ánh Mắt Cha vô cùng ấm áp. Đi hoang, là chẳng biết Lòng Cha là một bầu trời mà mình bay mãi lặn mãi chẳng bao giờ có chỗ tận cùng. Và vì không biết Lòng Cha như thế, nên cũng quên mình là cậu ấm, là con giống cháu giòng, là tay qúi phái cao sang. Và càng không biết rằng mình đang được lượn múa giữa cả một Bầu Trời rất mới, rất êm, rất rộng….

Chao ôi, chất đi hoang nó nằm trong chúng ta sâu xa đến thế. Hầu hết chúng ta đều là những chàng con cả. Là con cả mà không sống như người con cả. Chúng ta lụi hụi lúi húi như một kẻ làm thuê. Chúng ta lấm lét dòm dỏ Cha như thằng ăn trộm. Chúng ta thu vén nhặt nhạnh tính toán như tên bần tiện bủn xỉn tầm thường. An thân trong bầu trời Lòng Cha mà sao chẳng thênh thang hạnh phúc.

Đôi thằng, cảm thấy tù túng ngột ngạt vì lối sống chật chội như thế, bèn bứt phá xông ra. Hắn thèm bầu trời. Hắn thèm sự sống. Hắn khát tình yêu. Hắn mơ cơn gió. Hắn đợi cơn mưa. Hắn nhớ những đồi cao lũng thấp. Hắn chờ đợi những buổi bình minh thức dậy tinh khôi và những chiều vàng hoàng hôn lẫm liệt. Hắn bèn cãi cự với Cha như đấu tranh với ông trưởng ngục. Hắn dành lấy cái tự do theo kiểu hắn, thứ tự do mà “Ông Già” lom khom kia đã tước đoạt của hắn tự bao giờ ! Và hắn lên đường. Áo quần tơi tả, tóc rối tung bay, bước chân chim nhảy nhót giữa ngàn phương mới lạ. A ha ! Tự do hạnh phúc cứ từng phút từng giờ mở phơi ra những chân trời viễn mộng đắm say. Thênh thang qúa, viễn mộng qúa, mới lạ mênh mông quá, đến vập mặt mình xuống máng cám heo ! Ngàn khơi gió lộng qúa, nên cả xác hồn được thổi tung tơi tả ! Những chập chùng phiêu lãng quá, nên gối mỏi chân rung, xương máu tan tành ! A ha ! Ta đã sống. Ta đã được sống. Nhưng cái sống ngất ngây này lại khiến thân tàn ma dại. Và bầu trời tự do quá rộng lại đưa đến nỗi hoang liêu trống vắng ghê hồn …

Cuộc sống đúng là tù ngục. Ở yên lơ láo an thân với nề nếp công việc mỏi mòn cũng là tù ngục. Mà ra đi dấn thân vào gió bụi giang hồ cũng là mỏi mòn tù ngục. Chất tù ngục nằm ở trong chính bản thân. Chất vong thân hoang dại đã từ kiếp nào nhiễm nặng vào máu thịt. Chạy đâu cũng chết. Sống kiểu nào cũng là bế tắc. Và bấy giờ, chỉ có một con đuờng duy nhất, đó là, dám thấy và dám để cho Cha đón rước mình như MỘT ĐỨA CON. Và cuộc Ra Đi đích thực nào cũng thế, dù là con thứ hay con cả, thì mỗi người vẫn cần phải Ra Đi, Ra Đi để Trở Về với Lòng Cha Nhân Hậu.

Đã từ bao đời mấy kiếp rồi đó nhỉ, chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta đã chỉ nói, chỉ nghe và chỉ sống như những người con cả. Chúng ta ràng rịt mình, ràng rịt nhau để lơ láo nép thân cách chật chội như người con cả. Chúng ta không bao giờ dám bứt phá ra đi. Nhưng bứt phá ra đi, là bứt phá với tâm thức lề luật, bứt phá với tâm thức nô lệ, bứt phá khỏi xiềng xích của những khuôn thứơc gíáo điều chật chội.

Chúng ta ở trong Nhà Cha nhưng lại chẳng cảm được sự mênh mông đích thực của Lòng Cha. E dè. Sợ hãi. Tính toán. Lập công lập phúc. Lo thưởng sợ phạt… Và cơ cấu, chức quyền, để rồi, ta gùn ghè ganh tị đo đếm với nhau. Ta đưa đôi mắt con buôn để đo đếm tính toàn từng li từng tí Tấm Lòng Người Cha Nhân Hậu. Có khi nào chúng ta nghe được những tiếng gọi xa khơi ? Có khi nào ta thấy trong lòng sự quyến rũ của mưa nguồn chớp bể ? Và chao ôi ! những tiếng gọi ấy, bầu trời ấy, tiếng vần vũ mưa nguồn chớp bể ấy, lại ở ngay trong Nhà Cha, trong Hồn Cha, và cũng là trong chính Lòng Ta, mà ta không biết…


Trả lời