CN 34 C: Đức Giêsu sử dụng quyền lực như thế nào?


Đức Giêsu Kitô sử dụng quyền lực như thế nào?

 

2 Sm 5,1-3; Tv 122; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43

 

Lm. Jude Siciliano, O.P.

 

Kính thưa quý vị,

CN 34 C: Đức Giêsu sử dụng quyền lực như thế nào?Từ chương 9, thánh Luca đã kể về hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem. Các môn đệ đi theo Đức Giêsu hy vọng những điều lớn lao một khi Người đến nơi đó. Thoạt đầu, khi họ đến nơi, mọi thứ có vẻ tốt lành như mong đợi, vì đám đông lớn tiếng tung hô Đức Giêsu khi Người vào thành (Lc 19,28-40). Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Nếu mọi thứ suôn sẻ theo như các môn đệ hy vọng, thì hôm nay chúng ta sẽ đọc bài đọc về sự tôn phong của Đức Giêsu trên đất nước Israel. Nhưng đây, chúng ta lại tìm thấy Đức Giêsu được tôn phong trên thập giá.

Đức Giêsu chịu đóng đinh với hai tội phạm. Nhưng những người lãnh đạo không quan tâm đến các tội phạm đó đang bị treo hai bên Đức Giêsu. Sự nhạo báng của họ nhắm thẳng vào “Vua dân Dothái.” Những kẻ hành hạ Đức Giêsu chỉ muốn chứng kiến Người chết. Một khi Người chết rồi, thì sự đe dọa cho cấp trên của họ không còn nữa, và họ sẽ tiếp tục những âm mưu hợp tác với quân Rôma. Bởi lẽ, Đức Giêsu không còn có mặt ở đó nữa để làm sụp đổ những mẫu người được đặt lên nhằm bảo vệ sự yên ổn của họ.

Những người bình dị đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu thì lại thấy niềm hy vọng của mình phai mờ đi theo từng nhịp thở yếu dần của Đức Giêsu trên thập giá, nhưng Người đã làm cho họ có khả năng cảm nhận được lòng trắc ẩn tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Những ai đi theo và chào đón Đức Giêsu với lòng nhiệt thành khi Người tiến vào Giêrusalem đều nhiều lần nhún vai tỏ vẻ thất vọng trong cuộc sống. Đấng “cứu tinh” khác mà họ đặt niềm hy vọng đã đến và ra đi.

Khi nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá, họ băn khoăn không biết Thiên Chúa đang ở đâu. Liệu Đức Giêsu có phải là ngôn sứ của Thiên Chúa hay không? Lẽ nào Người lại không được trao quyền chữa lành và tha tội? Chẳng phải Người đã chữa lành và tha tội nhiều lần cho họ đó sao? Sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu bị bắt, hành hạ và bị treo trên thập giá? Thế cuối cùng Thiên Chúa đứng về phía nào? Phải chăng Thiên Chúa đã đứng về phía những người bị lãng quên như Đức Giêsu đã rao giảng? Nếu quả thật như vậy, tại sao Thiên Chúa không lập tức ra tay hành động để giải cứu Đức Giêsu? Một lần nữa, tại sao lại để cho kẻ xấu xa đánh bại một tâm hồn hiền lành và cao quý?

Những câu hỏi của họ dễ dàng được nêu lên trong thời đại chúng ta. Có những thứ chẳng thay đổi gì nhiều đó sao? Bởi lẽ, bóng tối vẫn còn ngự trị; những người vô tội vẫn bị bắt nạt; kẻ mạnh thế vẫn áp bức người cô thân.

Nhưng ngay trong cơn hấp hối, kẻ phạm tội bên cạnh Đức Giêsu đã biết trông mong vào Người và hy vọng được Người đón nhận vào nước Chúa. Ắt hẳn đó là sự biểu lộ ân sủng của Thiên Chúa qua công việc Người thực hiện. Quả thật, Thiên Chúa không vắng mặt như ta tưởng. Chỉ khi Thiên Chúa xuất hiện rõ ràng nhất với những gì đang xảy ra, và ngày đen tối ập đến do những việc xấu xa gây nên, thì chính bằng chứng về thân thế của Thiên Chúa lại được thể hiện nơi kẻ phạm tội đang đau đớn rằng, “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi.”

Tất nhiên, Đức Giêsu sẽ nhớ đến ông ta. Đức Giêsu luôn luôn tỏ lòng hiếu khách với những ai không được nơi nào tiếp đón. Tại bàn ăn của Đức Giêsu, những người không cùng địa vị đều được ngồi vào chỗ danh dự. Bất cứ khi nào, Đức Giêsu đều đáp ứng cho kẻ nghèo khó và lầm lũi biết tìm đến Người để xin được chữa lành và tha thứ tội lỗi. Những điều Người đã thực thi trong suốt hành trình sứ vụ, thì Người vẫn tiếp tục thực hiện trên thập giá, đó là tha thứ và đón nhận kẻ xa lạ vào vương quốc của Người.

Phía trên đầu thập giá của Đức Giêsu có một bảng hiệu nhằm phản đối Người ghi rằng: “Đây là vua dân Dothái.” Những người lính Rôma chế nhạo và khích bác Người rằng: “Nếu ông là vua dân Dothái thì hãy tự cứu lấy mình đi.” Dường như họ muốn nói rằng: “Đây là điều mà chúng tôi trừng phạt đối với những ai chống lại luật Rôma.” Một trong hai tên tội phạm lại sỉ vả Đức Giêsu khi dùng một danh hiệu khác để gọi Người rằng: “Ông không phải là Đấng Kitô sao?” Có nhiều danh hiệu dành cho Đức Giêsu như muốn tung hô Người; Nhưng chẳng có danh hiệu nào trong số đó tỏ lòng kính trọng hoặc tin tưởng khi tuyên xưng. Những danh hiệu đó là: “Đức Kitô của Thiên Chúa,” “Đấng đã được tuyển chọn,” “Vua dân Dothái.”

“Đức Kitô của Thiên Chúa” là cùng với chúng ta trong nỗi đau khổ. “Đấng đã được tuyển chọn” chia sẻ địa vị đặc biệt của Người với chúng ta, và nhờ đó, chúng ta cũng được tuyển chọn. “Vua dân Dothái” cai trị từ trên thập giá, được tìm thấy giữa những tội nhân, và chia sẻ cùng thân phận với họ. Một trong những tội phạm đó đã ý thức được tội lỗi của mình và của đồng bọn, nên mới nói rằng: “Quả thật, chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái.” Ông ta biết mình sẽ chịu xét xử về những gì mình đã gây ra. Kế đến, ông quay sang Đức Giêsu, rồi chân thành và thẳng thắn nói với Người, chứ không cần dùng một danh hiệu nào rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi.”

Ông xin được vào vương quốc mà Đức Giêsu đã công bố trên đường lên Giêrusalem. Đức Giêsu vẫn công bố vương quốc đó từ trên thập giá; chính nơi vương quốc đó sự tha thứ được trao ban cho bất cứ ai biết cầu xin, đặc biệt tội nhân đang hấp hối. Thế tội nhân kia đã làm gì xứng đáng để lãnh nhận ơn tha thứ? Xin thưa, ông ta chẳng phải làm gì cả, mà chỉ đơn thuần biết khẩn cầu tha thứ.

Có bao giờ cuộc hội nghị đã đạt tỉ lệ tán thành thấp hơn như thời đại ngày nay hay không? Tiến trình chính trị của chúng ta là một trong những cuộc đấu tranh đầy thế lực. Những cuộc đấu tranh mang tính quyền lực đó cũng được thể hiện trên thương trường và trong các mối quan hệ với người khác. Kẻ quyền thế lại bành trướng ý định của họ, lãng quên những ai không có khả năng bảo vệ bản thân, nhưng lại lớn tiếng bênh vực cho quyền lợi của mình.

Ngày nay chúng ta vẫn tìm thấy Đức Kitô đang hấp hối trên thập giá. Những loại quyền lực đó là gì vậy? Làm sao Người thu hút được dân chúng từ nơi bất lực như thế? Thánh Luca nói với chúng ta rằng: “Dân chúng thì đứng nhìn…” Họ không sẵn sàng để theo một vị lãnh đạo bị thất bại như thế. Đức Giêsu không chứng tỏ được một loại quyền lực mà nhờ đó trở thành nguồn trợ giúp cho họ khi có nhu cầu.

Nhưng Người không có bất cứ một loại quyền lực nào khác. Ngày nay, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng, trong Đức Kitô, “Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái, trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” Thay vì thống trị trên chúng ta, quyền lực của Đức Giêsu được chứng thực khi Người đem chúng ta vào cộng đoàn mà Người gọi là Vương quốc của Thiên Chúa. Trong vương quốc đó, có những mối quan hệ mới về bình đẳng, công lý, tha thứ và lòng trắc ẩn. Trong vương quốc Đức Vua của ta, các mối quan hệ chúng ta rộng khắp trên toàn thế giới, vì chúng ta làm công việc hòa giải và mang bình an đến giữa các dân tộc.

“Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” “Hôm nay”, ngay cả một tên tội phạm cũng có thể thay đổi, nhìn chằm vào Đức Kitô, và xin được đón nhận vào vương quốc của Người ngay “hôm nay.” Đó là cách mà Đức Vua sử dụng quyền lực của mình để thống trị từ trên thập giá.

Chúng ta sử dụng quyền lực của mình như thế nào? Liệu chúng ta có theo đường lối Đức Vua của chúng ta chính là Đức Kitô, và làm việc để xây dựng cũng như duy trì các mối quan hệ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau hay không? Chúng ta có điều khiển quyền lực của mình để duy trì thế giới quanh ta như trái đất, tôm cá, động vật, chim trời và không khí chăng? Nói cách khác, chúng ta có sử dụng quyền lực của mình để giúp đỡ, khuyến khích, chữa lành, an ủi và trao quyền hành cho những ai bị loại bỏ hay không? Nếu có, thì chúng ta đều là những công dân trong cùng một vương quốc mà Đức Giêsu đã công bố trừ trên thập giá với tên tội phạm đang hấp hối bên cạnh.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời