Cn 33C : Hãy Kiên Tâm Chờ Đợi

HÃY KIÊN TÂM CHỜ ĐỢI
Luca 21: 5-19

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp

Cn 33C : Hãy Kiên Tâm Chờ ĐợiBài đọc ngắn trích sách ngôn sứ Malachi khiến tôi thở dài luyến tiếc– thở dài vì sự trì hoãn. Đó là tiếng thở dài khi chúng ta phải chờ đợi quá lâu cho một biến cố quan trọng xảy đến – một biến cố quan trọng đối với cuộc đời của chúng ta cũng như của những người chúng ta yêu mến. Đó là sự luyến tiếc của những người có lòng tin khi chúng ta nhìn vào những hoàn cảnh tàn khốc thế giới xung quanh. Chúng ta thấy có quá nhiều thứ bất tất; có quá nhiều nỗi đau và bạo lực dường như chẳng bao giờ nguôi ngoai. Thực ra, hiện nay, chúng ta cảm thấy rằng mọi thứ đang ngày càng trở nên tồi tệ, thế giới đang lao mình về phía trước và mù quáng đâm đầu vào ngày tận thế. Chúng ta chỉ còn hai tuần nữa là bước vào mùa vọng, một mùa của những nuối tiếc và hy vọng. Chúa Nhật này dường như là sự chuẩn bị cho mùa đó.

Chúng ta không biết Malachi là ai, và cũng chẳng biết ông ta từng tồn tại hay không. Nhưng cái tên “Malachi” có nghĩa là “người đưa tin của tôi”, vì thế ông là ai thì không quan trọng bằng việc chúng ta ta là ai. Thực ra, chúng ta có phải là người đưa tin hay không? Phải, chúng ta cách nào đó là những người đưa tin. Nhưng chúng ta đưa tin gì hay công bố điều gì cho người khác? Chúng ta nhận thông điệp đó từ đâu? Hay đó chỉ là sự lập lại của những tham lam, thờ ơ, ngờ vực và tranh chấp của thế gian?Hay chúng ta là hiện thân của những thông điệp Sách Thánh mà chúng ta nghe hàng tuần: quảng đại, tha thứ, quan tâm đến những người thiếu thốn, tình yêu và sự kiến tạo hòa bình? Nói cách khác, chúng ta có dùng Lời Chúa để biến đổi tâm hồn và được biến đổi biến những lời ấy thành lời nói và hành động của chúng ta hay không? Liệu chúng ta có phải là kẻ đưa tin của Thiên Chúa hay không?

Sách Malachi khép lại bộ Cựu Ước. (Quyển tiếp theo trong Sách Thánh của chúng ta là Tin Mừng Mathêu). Malachi là sách ngôn sứ chú trọng đến những chủ đề kinh thánh như: sự chân thành trong các thực hành tôn giáo, và giống như những sách ngôn sứ khác, sách nhấn mạnh đến công bình (3,5) và việc Chúa đến.

Thông điệp của Malachi dành cho những ai thấy những tình trạng của thế giới và có kết luận rằng những kẻ xấu thì thịnh vượng, trong khi người nghèo bị bắt phải sống thiếu thốn chật vật và đau khổ. Vì thế, sách Malachi nhắc nhở chúng ta về sự chối bỏ công bình của Thiên Chúa như thế. “Ngày ấy” sẽ đến, đang đến, khi Thiên Chúa chúng ta ấn định mọi sự một lần cho tất cả. Malachi không phủ nhận rằng kẻ xấu hiện giờ đang sống thịnh vượng, nhưng cũng không quên nhắc chúng ta rằng tất cả những bằng chứng đó thì chưa là gì cả. “Ngày ấy” sẽ đến khi Thiên Chúa thiết lập sự công bình của Ngài.

Hầu hết những bản văn của các ngôn sứ mang phong cách thơ ca cả về ngôn ngữ lẫn hình thức. Bản văn Malachi hôm nay cũng không ngoại lệ. Ông mở đầu thế này: “Nhìn kìa, ngày ấy đến cháy như hỏa lò, khi mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều ác sẽ nên như rơm rạ”.  Chẳng nhẽ những điều đó không khiến những kẻ ý thức về chuyện làm điều dữ và điều bất chính lại chẳng lưu tâm hay sao? “Ngày Của Chúa” là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm ngôn sứ. Trước đó, ngôn sứ Amos xem ngày đó như ngày kinh hoàng và tối tăm, là lúc Thiên Chúa phán xét Israel, những người đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Sau này, trong sách Malachi, ngày “đó” trở thành ngày hy vọng cho những kẻ tin, ngày mà Thiên Chúa ân thưởng người công chính và giáng phạt kẻ tội tỗi.

Trong khi những kẻ làm điều ác có thể được thịnh vượng, những kẻ tin tưởng được làm cho mạnh sức trong lối nhìn của Malachi. Với sự tin tưởng vào viễn tượng đó, chúng ta sẽ không bị ném vào trong sự tuyệt vọng hay bi quan khiến chúng ta từ bỏ chính mình, thế gian hay giáo hội bất tất và bị tổn thương của chúng ta. Nhất là chúng ta sẽ không từ bỏ Thiên Chúa. Chúng ta “quyết tâm” – tiếp tục cố gắng lập lại trật tự trong thế giới. Nhưng chúng ta không phải là những người cố gắng cách ngờ nghệch hay rập khuôn như robot; nhưng chúng ta làm việc với sự chú tâm hoàn toàn vào những gì chúng ta phải thực hiện. Trong khi đó, chúng ta cũng chú tâm đến “ngày” mà người đưa tin Malachi kêu gọi chúng ta hướng đến “Ngày Của Chúa”, khi Thiên Chúa của chúng ta sửa sai mọi sự và thiết lập luật của Ngài trên Trái Đất này. Trong khi đó, chúng ta được nên mạnh mẽ vì chúng ta tin tưởng vào những lời ngôn sứ Malachi nói với chúng ta hôm nay, “…mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo những tia sáng chữa lành bệnh”.

Thánh vịnh hôm nay diễn tả sự đáp lời của chúng ta với thông điệp của Malachi. Đó là lời cầu nguyện của niềm hy vọng: “Đức Chúa đến cai trị bằng đức công bình”. Đó không chỉ diễn tả niềm hy vọng, trước hết đó là sự mong ước rằng chúng ta sẽ thấy “ngày” mà sách Malachi hứa với chúng ta khi, “…mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo những tia sáng chữa lành”.

Thế giới không phải là một chốn dễ dàng. Đối với nhiều người, đó là một ngôi nhà hết sức khắc nghiệt, nơi của những xung đột và lan man hàng ngày; đầy những lo lắng, sợ sệt và khiếp kinh. Khi tôi viết những điều này, dịch bệnh đang diễn ra ở Haiti. Chẳng lẽ những con người khốn khổ bần cùng này chịu đựng chưa đủ hay sao? Vào tháng Giêng, họ bị động đất và mười ngàn người vẫn đang phải sống trong cảnh khốn cùng và bẫn thỉu không tưởng nỗi. Họ không có nước sạch và giờ đây lại thêm cơn dịch bệnh khiến họ càng khốn khổ hơn. Một chị nữ tu Đaminh mới nói chuyện với tôi sau chuyến viếng Haiti lần thứ tư: “Những nỗi thống khổ ở đây thật không tưởng tượng nổi! Chỉ nguyên mùi hôi thối thôi cũng gần như không chịu đựng nổi rồi !”

Qua bao năm tháng chịu đựng cảnh khốn cùng, người ta chỉ mong ngóng cho thế giới khốn khổ này mau kết thúc. Những ngôn sứ giả thậm chí đã loan báo sự tận cùng của thế giới và ngày giờ chính xác của Ngày Quang Lâm. Những người coi đó là nghiêm trọng thì bỏ bê công việc, bỏ cửa bỏ nhà và cứ thế chờ đợi, ..chờ đợi.

Chúng ta cũng đang chờ “ngày ấy”, nhưng Đức Giêsu cảnh báo chúng ta, trong những diễn từ về ngày cánh chung của Người rằng, ngay cả khi mà những sự phá hủy tồi tệ nhất như: “động đất, đói kém và dịch bệnh” có xảy ra thì ngày ấy vẫn chưa đến. Các môn đệ cũng sẽ phải đối mặt với tất cả những thử thách, ngay cả bị gia đình phản bội. Nhưng đó vẫn chưa phải là dấu chỉ của ngày tận cùng của thế giới và ngày Đức Giêsu trở lại. Đối với tất cả những thời kỳ khó khăn ấy hay sự tận cùng của cái này, điều kia thì Người khuyên chúng ta hãy kiên tâm.

Có những sự kết thúc lớn, như những thành phố bị phá hủy do sóng thần, động đất, chiến tranh và xung đột sắc tộc. Cũng có những kết thúc mà chúng ta trải qua cách riêng tư hơn khi thế giới của chúng ta đi đến kết thúc. Ai trong chúng ta chưa từng trải qua cảm giác của những thiên tai cá nhân – “động đất, đói khát và dịch bệnh” – cách này hay cách khác. Sự ra đi của người thân yêu; kết thúc một hôn nhân; mất nhà hoặc mất việc; bị người mà ta hết lòng tin tưởng phản bội; yếu nhược, …. Người ta sau khi trải nghiệm những tai họa ấy sẽ nghĩ “Thế giới của tôi thế là hết.”

Nhưng, sự chữa lành và đời sống mới có thể xảy ra, dù có vẻ như không thể vào lúc ấy. Nhưng chúng ta không thể tự mình tạo nên một thế giới mới. Chúng ta cũng chẳng có đủ sức mạnh để kiên vững trong niềm tin và niềm hy vọng chỉ với sức mạnh ý chí trong những lúc khó khăn ấy. Chúng ta hôm nay cũng nghe Đức Giêsu hứa với chúng ta. Sau những tai ương và thử thách, “Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình”. Làm sao có như vậy được? Chắc chắn là không chỉ do chúng ta.

Đức Giêsu, Đấng luôn cầu nguyện và tin tưởng vào Thiên Chúa, ngay cả khi thế giới của Người sụp đổ, đã hứa với chúng ta. Người sẽ không bỏ chúng ta mồ côi, nhưng sẽ gửi Thánh Thần đến cho chúng ta. Chúng ta nhận lãnh Thần Khí đó khi chịu Phép Rửa. Thần Khí đó là một Thần Khí kiên vững và cầu xin trong chúng ta. Điều đó giúp chúng ta tin tưởng dù cho thế giới có kết thúc nơi chúng ta. Thánh Thần giúp chúng ta tràn đầy hy vọng khi trước mắt chúng ta hoàn toàn mờ mịt và đầy thử thách.

Khi chúng ta đang đến gần với Mùa Vọng và thương cảm cho anh chị em của chúng ta, những người đang chịu khốn khó: vì nội chiến như Irap và Afghanistan; những cô nhi vì dịch AIDS ở Châu Phi; vì dịch bệnh và những hậu quả của cơn động đất ở Haiti; những người thất nghiệp và vô gia cư ở trong đất nước của chúng ta; những người nghiện ma túy và gia đình khắc nghiệt của họ, (những nạn nhân của đợt lũ lụt ở miền Trung), chúng ta trung thành với Đức Giêsu và lời hứa của Người cũng như khao khát và trông chờ luồng khí mới của Thánh Thần.

Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ và cử hành mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Giêsu trong Tiệc Thánh này. Lời hứa từ sách Malachi đã nên hoàn trọn nơi Đức Giêsu, Đấng là “…ánh sáng công chính mang theo tia sáng chữa lành bệnh”. Người đã dãi sáng trên chúng ta, những con người đổ vỡ, và Người vẫn luôn là ánh sáng soi  cho chúng ta trong một thế giới đen tối này.


Trả lời