Cn 32 năm C : Bên Kia Thế Giới

 

BÊN KIA THẾ GIỚI…


Cn 32 năm C : Bên Kia Thế GiớiSách Giảng Viên có chép rằng : “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. : một thời để chào đời, một thời để lìa thế” (Gv 3,1-2). Thật vậy; trải qua suốt dòng lịch sử con người. Mọi người đều có sinh và có tử. Lần đầu tiên sự chết đã được nhắc đến chính là lúc sự sống của con người bắt đầu xuất hiện.

Thánh Kinh thuật lại rằng : “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật… Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn NGƯƠI SẼ PHẢI CHẾT”. (St 2,7…16-17).

Con người đã ăn và con người đã phải chết. Sự trừng phạt cho tội bất tuân chính là cái chết. Đức Chúa đã phán với con người rằng : “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,…19).

Sự chết đã ám ảnh suốt chiều dài lịch sử của con người. Để rồi với tâm trạng khắc khoải không nguôi; con người luôn tự hỏi rằng : “Ðiều gì xảy ra sau khi tôi chết?”

Mỗi thời đại; tùy theo niềm tin của mình;  con người đã có những câu trả lời khác nhau cho nan đề nêu trên. Một nhà thơ Việt Nam; khi nghĩ tới cái chết đã nghẹn ngào thốt lên rằng : “Hãy nói về cuộc đời; Khi tôi không còn nữa… Sẽ lấy được những gì ! Về bên kia thế giới….” (Thơ Du Tử Lê).

…….

“Về bên kia thế giới…. Sẽ lấy được những gì ! Khi tôi không còn nữa…”… Vâng, trong ba năm rao giảng Tin Mừng Cứu Độ; Đức Giêsu; qua các bài giảng bằng các dụ ngôn; Ngài đã giải tỏa những thắc mắc, những nan đề về một thế giới bên kia; thế giới của sự chết…

Dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” đã hé mở cho mọi người thấy chuyện gì đã và đang xảy ra ở  “thế giới bên kia” !!

Chính dụ ngôn này Đức Giêsu đã gửi đến mọi người một thông điệp rằng “có sự sống đời sau”. Bởi nếu không có sự sống đời sau; chết là hết…; thì làm gì có chuyện anh Lazaro “được thiên thần đem vào lòng ông Apraham” sau khi anh ta đã chết !!

Thế nhưng; ở vào thời đại nào; vẫn có người không tin có sự sống đời sau. Hôm đó “có mấy người… đến gặp Đức Giêsu”. Họ là ai ? Thuộc nhóm nào !? Và đến gặp Ngài để làm gì !?

Thưa rằng : Họ thuộc nhóm Sadoc. “Nhóm này chủ trương không có sự sống lại” (Lc 20, 27)…. Họ đến chất vấn Đức Giêsu. Có lẽ họ nghe được lời Đức Giêsu tuyên bố rằng : “Tôi là bánh trường sinh… Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” Và rằng : “…Tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết”(Ga 6, 54). Vâng, với lời tuyên bố trên; làm sao Đức Giêsu có thể thoát khỏi “tầm ngắm” của họ.

Khi đã diện đối diện với Đức Giêsu. Họ lên tiếng rằng :  Giả sử một cô gái có bảy đời chồng… Bảy lần tái giá với bảy anh em trai; đúng luật Mose; bảy đời chồng chỉ vì hết người anh chết; đến người em chết… Lần lượt bảy người đều chết; mà chưa kịp có con. Rồi đến lượt nàng cũng về bên-kia-thế-giới.

Ai ! Ai sẽ là chồng cô ta trong ngày kẻ chết sống lại !!!  Nhóm Sa doc… Họ… họ muốn “triệt buộc” Đức Giêsu qua câu hỏi đó…

Thật ra thì không cần trả lời câu hỏi của nhóm Sadoc này. Ngay tự bản thân, họ đã không tin có đời sau; không tin có sự sống lại; thì nói như câu nói được Đức Giêsu đặt vào câu chuyện dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro” thì đúng là : “người chết có sống lại, (về nói cho họ biết người-đàn-bà-ấy-sẽ-là-vợ-ai), họ cũng chẳng tin”… Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn hé mở cho họ biết rằng; cuộc sống đời sau; không còn chuyện “cưới vợ cũng như lấy chồng”. (Lc 20,35).

Một chút tâm tình…

“SADOC…”  Nguyên ngữ Do Thái là  tsaddiqim, có nghĩa những người công chính. Tên gọi Sadoc lấy từ tên thượng tế Zadok thời vua David ngự trị. (1V 1:26). Trong thời điểm đó; có rất nhiều  nhiều người trong nhóm Sadoc là tư tế.

Thời Đức Giêsu; họ là những người giàu và có thế lực; ở lãnh vực chính trị cũng như tôn giáo. Hội đồng tôn giáo của đền thờ Giêrusalem cũng như Hội Đồng dân sự Do Thái đều bị chi phối bởi thế lực và tiền bạc của nhóm Sadoc. (trích nguồn : internet).

Là tư tế trong Đền Thờ. Đương nhiên họ phải tin rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacop”(Lc 20,37). Chỉ tiếc là họ chỉ công nhận “ngũ kinh”; năm cuốn đầu bộ Cựu Ước. Phải chi họ đọc toàn bộ sách cựu ước !!!

Kinh Thánh có chép rằng : “Con người là chi; mà Chúa cần nhớ đến. Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy”(Tv 8,5-6).

Nếu… nếu cuộc sống đời này Đức Chúa “cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy; ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên; cho làm chủ công trình Chúa sáng tạo; đặt muôn loài muôn sự dưới chân”. Thì ở đời sau “với những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau”; chẳng có gì ngăn cản Đức Chúa; Ngài sẽ cho con người được “ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,36) .

Nếu nhóm Sadoc đọc đoạn Thánh Vịnh trên. Và nếu họ đọc sách Macabe. Vâng, chắc hẳn họ sẽ không có cuộc tranh luận ngớ ngẩn với Đức Giêsu.

Sách Macabe có kể rằng  “Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ”. Vua Antiokho bắt họ phải “ăn thịt heo là thức ăn luật Mose cấm”(2Mcb 7,1). Đối với người Do Thái; luật Mose chính là luật của Đức Chúa. Chính vì thế bảy anh em không thi hành lệnh vua. Thế là vua ra lệnh giết họ. Một người trong bảy anh em trước khi chết đã lớn tiếng nói rằng : “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7, 9).

“Sống lại để hưởng sự sống đời đời”…  Nếu nhóm Sadoc đọc toàn bộ Kinh Thánh. Vâng, chắc hẳn họ sẽ tin có sự sống đời sau và chắc chắn họ sẽ  “dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại”(2Mcb 7,14).

Một phút suy tư…

Là một Kitô hữu; chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã hơn một lần tuyên xưng rằng : “Tôi tin sự sống lại. Và sự sống đời sau”.

Với  nhóm Sadoc xưa và những người vô thần duy vật thời nay, thì niềm tin vào sự-sống-lại-và-sự-sống-đời-sau chỉ là một huyền thoại; một niềm tin mơ hồ…

Giống như nhóm Sadoc xưa; những vị “sadoc thời @” hôm nay cũng ra sức tìm cách đạp đổ … bới-lông-tìm-vết… vạch-lá-tìm-sâu…  cắt xén lời nói… tuyên truyền xuyên tạc v.v…  để hạ bệ niềm tin đó…

Và có thể nói rằng; sự bùng phát của internet đã giúp cho thế và lực của những vị “sadoc@” hôm nay mỗi lúc một “quái” hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn… Phải nói rằng những thủ thuật “photoshop” đã khiến không ít Kitô hữu chao đảo niềm tin của mình…

Để niềm tin được tồn tại và không bị “cuốn theo chiều gió”; những làn gió văn-hóa-độc-văn-hóa-của-sự-chết… chúng ta sẽ phải làm gì !?

“Ơn Chúa đủ cho chúng ta”.. Thánh Phaolô khẳng định tiếp rằng : “Chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô… Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta”.(2Tx 2,16).

“Thánh Thể và Thánh Kinh” chính là kho tàng “ân sủng” đó. Thật vậy, khi lãnh nhận “Thánh Thể” chính là lúc chúng ta lãnh nhận “Mình-và-Máu-Thánh-Chúa” – Đấng đã chết và đã Phục Sinh vinh hiển. Đấng đã phán hứa rằng : “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời. Và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Và khi suy niệm Thánh Kinh; chính là lúc chúng ta nghe rõ tiếng nói của Thầy Chí Thánh – Ngài chính là “niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” của chúng ta. (2Tx 2,16).

Chúng ta đã nghe Lời Chúa nhưng đã đặt lòng tin nơi Ngài chưa!? Nếu đã đặt lòng tin nơi Ngài. Vâng, một lần nữa hãy cùng toàn thể Hội Thánh mà  cất tiếng tuyên xưng rằng : “Tôi tin sự sống lại. Và sự sống đời sau”. Amen.

Petrus.tran


Trả lời