Cn 32 a : Hãy sẵn sàng.

 

Cn 32 a : Hãy sẵn sàng.


Cn 32 a : Hãy sẵn sàng.Niềm tin Kitô giáo dạy rằng, Đức Giêsu “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. (Kinh Tin Kính).

Cách nay khoảng gần sáu tháng, thế giới xôn xao về lời tiên báo của nhà truyền giáo Harold Camping rằng, ngày 21.05.2011 sẽ là ngày tận thế. Là ngày trở lại và phán xét của Chúa Giêsu Kitô.

Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh. Cựu Ước lẫn Tân Ước. Harold Camping tiên tri rằng, vào ngày 21.05.2011 Chúa Jesus Christ tái lâm và song song với sự trở lại của Chúa Jesus, nhiều thiên tai như động đất xảy ra, khởi đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ bảy tại New Zealand (Tân Tây Lan) và cuộn theo từng múi giờ, sự tàn phá của thiên tai tràn ngập trên hành tinh của chúng ta. Kể từ ngày 21.05.2011 thiên tai tấn công liên tiếp, hủy diệt loài người trên trái đất cho đến tháng 10.2011, trái đất bị “hỏa thiêu”, trở thành quả cầu lửa, và trong số 6 tỷ người, chỉ có 200 triệu là được Chúa đón về thiên đàng.

Lời tiên đoán này đã được Harold Camping loan tin qua hệ thống 65 đài phát thanh, bằng 81 ngôn ngữ, và qua hệ thống Internet. Không dừng ở đó, ông ta còn tung ra mấy triệu Mỹ kim để đặt các bảng Billboards, tổ chức quảng cáo trên xe bus, và bằng những đoàn người mặc áo T-Shirt có dòng chữ “Judgment-Day May 21, 2011” hoặc chữ “RAPTURE May 21, 2011”.(trích nguồn : internet).

Sáu tháng đã trôi qua, những lời tiên đoán của Harold Camping đã chìm vào quên lãng.  

Tại sao lại có sự tiên đoán sai lầm như thế ! Thưa rằng, vì ông ta quên  Đức Giêsu đã phán rằng “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36).

……

Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu không chỉ loan báo Tin Mừng Cứu Độ, rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Đức Giêsu còn loan báo tin về một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác”(Mt 24, 30-31).  

Bất cứ lời loan báo nào, Đức Giêsu cũng dùng những ví dụ cụ thể hoặc những dụ ngôn rất đời thường để diễn giải cho mọi người.

Nếu lời loan báo về cái chết của Ngài được ví như xưa kia “ông Môse đã gương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy”.

Thì, khi nói đến ngày “Con Người sẽ đến”, Đức Giêsu đã ví ngày đó sẽ bất ngờ xảy ra giống như một tên “kẻ trộm” bất ngờ xuất hiện.

Với lời loan báo ngày “Con Người sẽ đến”, Đức Giêsu đã có lời dặn dò rằng “hãy canh thức và hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến”. 

Và để cho mọi người thấu hiểu thế nào là “canh thức” và thế nào là “sẵn sàng” Ngài đã kể một dụ ngôn. Đó là “dụ ngôn mười trinh nữ”.(Mt 25, 1-13). 

Dụ ngôn được kể rằng: “Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”.

Là người Việt Nam , chắc hẳn chúng ta sẽ khó hình dung ra cái đám cưới ngộ nghĩnh này. Nội chi tiết “cầm đèn” cũng đủ gây nhiều thắc mắc! Đám cưới vào ban đêm ư!

Thưa đúng, đó là phong tục của người Do Thái thời Đức Giêsu. Về phong tục cưới hỏi của người Do Thái, có lẽ không nhất thiết phải bàn ở đây.

Vấn đề cần tìm hiểu là, mười cô trinh nữ đó đã canh thức và đã sẵn sàng như thế nào ! Và rằng các cô đó đã làm gì đến nỗi để bị phân loại “có năm cô dại và năm cô khôn” !

Vâng, năm cô bị cho là dại vì đã “mang đèn mà không mang dầu theo”. Còn năm cô kia được cho là khôn nhờ đã “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”.

Chuyện được kể tiếp rằng : Bất ngờ “Nửa đêm có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi’. Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn”.

Than ôi ! Năm cô dại chẳng khác gì phải xỏ chân vào một đôi giày chật. “Chú rể kia” nhưng đèn của các cô “tắt mất rồi”. Hết dầu!  Xin không được. Các cô vội vàng đi mua… Vâng, năm cô này có khác gì là những kẻ không “sẵn sàng” để “canh thức” cho một đêm quan trọng của một đời người !

Sách có câu “cẩn tắc vô ưu”. Nghĩa là cẩn thận thì không lo lắng về sau.

Đúng vậy. Năm cô được cho là khôn, nhờ cẩn thân mang theo chai dầu nên đã có một đêm “canh thức” rất an nhàn. Khi “chàng rể tới” các cô  đã “sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”.

Rất nhẹ nhàng và rất đời thường. Chẳng có gì là ẩn ý trong dụ ngôn. Đức Giêsu khép lại câu chuyện bằng một lời nhắc nhở  “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).

Một chút tâm tình…

“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).

Vâng, tông đồ Phaolô cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh em,  về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ : ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”.

Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống tiết độ”(1Tx 5, …6).

“Sống tiết độ”. Vâng, đây quả là một lời khuyên hết sức quan trọng. Bởi tiết độ là một trong những hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22).   

Đời sống của Kitô hữu nếu không có “hoa quả của Thần Khí” thì chẳng khác gì “có đèn mà không có dầu” !

Một khi “có đèn mà không có dầu”, dẫu cho đã là một Kitô hữu, khi đến lúc “chàng rể Giêsu tới”, có phần chắc Ngài sẽ phán rằng “Tôi bảo thật, tôi không biết anh là ai” !!!

Một phút suy tư…

Cũng như các dụ ngôn khác. Hãy tự hỏi mình rằng “tôi là ai trong mười trinh nữ ” ?

Là năm cô dại “mang đèn mà không mang dầu” ? Vâng, rất có thể ! Rất có thể, bởi dù đã mang ngọn-đèn-Kitô-hữu nhưng lại không có dầu-Thánh-Thể và dầu-Lời-Chúa thì làm sao có thể thắp sáng ngọn đèn thập giá Chúa Kitô !!!

Ngọn đèn thập giá Chúa Kitô trong tâm hồn ta, lu mờ trước Thiên Chúa, thì làm sao  chúng ta được mời “dự tiệc Nước Trời” !

Vua David đã khẳng định rằng  “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước”(Tv 119, 105).

Thật vậy, Dầu-Lời-Chúa chính là phương tiện dẫn đưa chúng ta đến kho-dầu-Thánh-Thể.  Và một khi ngọn-đèn-Kitô-hữu được đổ tràn đầy dầu-Thánh-Thể.

Vâng, “ngọn đèn thập giá Chúa Kitô” trong ta sẽ bừng sáng lên.

Một khi “ngọn đèn thập giá Chúa Kitô” trong ta bừng sáng lên. Vâng. Sẽ không có trở ngại nào ngăn cản chúng ta được đi theo chàng rể Giêsu vào dự “tiệc cưới Con Chiên”.  

Chúng ta đã “sẵn sàng” để dự bữa tiệc có một không hai này !?  Nếu chúng ta đã “sẵn sàng” ! Vâng, hãy cùng nhau cất tiếng nguyện rằng : “MANARATHA. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 20, 20)

petrus.tran.


 

Trả lời