Cn 31 C : Đức Giêsu luôn thấy kẻ tìm kiếm Người

 

Đức Giêsu Luôn Thấy Kẻ Tìm Kiếm Người,
Lc 19: 1-10

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp

Cn 31 C : Đức Giêsu luôn thấy kẻ tìm kiếm NgườiCn 31 C : Đức Giêsu luôn thấy kẻ tìm kiếm NgườiĐiều gì đã khiến chúng ta khựng lại ? Gần đây ở Raleigh, nơi tôi sống, một đại lý xe hơi bắt đầu bán loại xe Maserati. Giá khởi điểm cho mỗi xe là 100.000 Mỹ kim – hoặc hơn nếu như quý vị muốn thêm những phụ kiện. Tờ báo địa phương có đăng tải bức ảnh của một trong những chiếc xe hơi đắt tiền, bóng bảy màu đỏ này. Giả như một chiếc Maserati chạy xuống đường phố của quý vị, liệu hình ảnh đó có khiến cho những khách bộ hành khựng lại dòng suy nghĩ của mình hay không. Có phải nó bắt mắt không? Gần đây, tôi đi cùng với chị tôi ngang qua một cửa hàng. Tôi thấy một cậu bé hai tuổi đang bám lấy áo khoác của mẹ. Thấy thế, chị tôi dừng lại, reo lên “Ôi, dễ thương quá đi thôi!”Rồi chị khen bà mẹ đó. Ngay cả lúc chúng ta đang vội vã thì một vài thứ cũng tóm lấy chúng ta và khiến chúng ta khựng lại.

Bài Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng đức Giêsu “cố ý” đi ngang qua Giêricô. Nhưng Ngài dừng lại. Không phải vì một cỗ sa mã nhanh nhất và hiện đại nhất chạy ngang qua. Cũng chẳng phải vì một cậu bé hai tuổi cực kỳ dễ thương đã gọi Ngài – dù có Ngài dừng lại vì điều đó. Nhưng là một vị trí ngớ ngẩn của một người trưởng thành, một người lớn giàu có, đang ở trên một cây sung – tất cả chỉ có thế! Những người khác cũng bận tâm đến hình ảnh của Giakêu ở trên cây. Có lẽ họ đã nhìn lên ông đầy khinh bỉ. Dân chúng trong vùng chắc là chẳng ưa gì ông – ông “đứng đầu những người thu thuế”.

Những người thu thuế là người Dothái nhưng lại đi thu thuế cho người Rôma. Họ biết rõ hoàn cảnh địa phương nên biết cánh đồng nào thu hoạch được nhiều, và dân chúng có bao nhiêu chiên, dê. Họ biết làm thế nào để tận thu từng đồng Seken (tiền của người Dothái)- tất cả để phục vụ cho quân đội, cho sự đàn áp của Rôma và để tiế tục đô hộ những người láng giềng Dothái của họ. Thế nên, người dân trong vùng đã chẳng thích Giakêu một tí nào, và người ta có thể không ngần ngại chỉ vào Giakêu ở Hội đường và nói toặc ra với nhau rằng “Hãy nhìn tên thu thuế này, và tất cả tiền bạc của hắn ta, và hắn đang hành xử như một tên ngốc”.

Nhưng khi đức Giêsu nhìn thấy Giakêu, Ngài đã dừng lại. Ngài có lẽ đã nhìn thấy người đàn ông giàu có ăn mặc đẹp. Ngài có thể nhìn thấy một kẻ phản bội dân tộc của Ngài. Dĩ nhiên, Ngài nhìn thấy những gì láng giềng của ông ta nhìn thấy – người đàn ông đó đang cử xử như một tên ngốc. Tại sao Giakêu lại làm hành vi ngờ nghệch như vậy nơi công cộng? Kinh thánh nói ông đang: “tìm cách để xem Đức Giêsu là ai.” Đó là điều khiến Đức Giêsu dừng lại. Giakêu là một người tìm kiếm; ông bước ra ngoài để tìm gặp Đức Giêsu.

Có lẽ Giakêu muốn thấy liệu Đức Giêsu có thứ mà ông đang tìm kiếm hay không. Đó có thể là gì? Có phải ông đã chán ngấy lối sống của ông? Có phải ông chán dù có nhiều tiền của và tất cả mọi thứ đều được cung cấp nhưng vì khi ông có mọi thứ ông muốn thì ông lại không thể có thứ ông cần – một cuộc sống chân thật. Ông cũng không được bà con láng giềng tôn trọng. Phải chăng gia đình ông cũng bị tẩy chay?  – “Có vợ và các con của người thu thuế không tốt đó.” Ông ta biết mình làm giàu trên công sức của những người láng giềng. Ông ta cũng biết mình đã quay lưng lại với Đức Chúa, vì ông đã giúp đỡ ủng hộ người ngoại bang. Ông “đứng đầu những người thu thuế” như thánh Luca cho chúng ta biết. Ông có rất nhiều vàng bạc trong túi nhưng lại chẳng có một tẹo Thánh Thần. Vì thế, chúng ta thấy ông chạy ra ngoài để cố gắng gặp đức Giêsu.

Ý định của Giakêu có thể không hoàn hảo. Chúng ta cũng không nhất định phải hoàn hảo để được Thiên Chúa chú ý hay quan tâm. Có phải chính cuộc sống bất tiện của ông đã đưa ông ra bên ngoài ngày hôm ấy?  Có lẽ đức Giêsu đã thấy sự bất mãn hay khốn khổ trên gương mặt Giakêu. Có phải có cả sự tò mò trong đó nữa? Và Đức Giêsu có lẽ cũng thấy sự căm thù và khinh bỉ trên nét mặt của những người hàng xóm của Giakêu. Trong khi ông ta không phải là mẫu người cần được tha thứ (vì Ngài chẳng gọi ông ta ra để nhận sự tha thứ), tuy nhiên Đức Giêsu đã dừng lại và tác động đến ông ta, Ngài tự mình vào nhà kẻ tội lỗi.

Điều gì khiến cho dân chúng thấy buồn vì Đức Giêsu vào trong nhà của Giakêu? Bởi vì trong thế giới Trung Đông của Đức Giêsu, bước vào nhà một người, “bẻ bánh” cùng với họ, là bước vào một không gian linh thánh và riêng tư. Ngay cả nhà của một kẻ nghèo cũng là nơi thánh. Kẻ thù không được phép vào. Bước vào trong nhà, như Đức Giêsu làm, là trở nên thành viên của gia đình đó. Nếu kẻ thù được mời vào trong nhà để bẻ bánh, dùng bữa, thì đó được xem như hành động hòa giải. Nghĩa là, quá khứ được bỏ qua, và tương quan mới được dựng nên.

Thánh Thể đến từ truyền thống Trung Đông, nơi đó khi kẻ thù ăn uống cùng nhau  thì được hòa giải. Đó là điều mà chúng ta cần nghĩ đến trong mỗi thánh lễ chúng ta tham dự. Ai là người chia sẻ cùng một bữa tiệc với chúng ta? Nhìn xung quanh, đón nhận, và hành động trong sự hòa giải với những gì đang xảy ra.

Đức Giêsu nhìn thấy kẻ tìm kiếm và đã đi bước trước. Ngài chẳng quan tâm xem Giakêu đã tự chuẩn bị nhiều như thế nào. Ngài cũng chẳng cần ông phải công khai bày tỏ đức tin, hay “ăn năn cách trọn”.  Đức Giêsu lấp đầy chỗ trống và chỗ thiếu và bước vào nhà ông Giakêu cũng như chính cuộc đời của ông. Đức Giêsu bảo Giakêu: “hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này”. Tất cả mọi người trong gia đình đều được hưởng ơn phúc khi mà chỉ mình người này mời Đức Giêsu vào cuộc đời ông. Chúng ta biết đến kinh nghiệm như thế khi mà một người có đức tin trong gia đình có ảnh hưởng đến tất cả những người khác xung quanh họ… khi mà một người tin thì phúc lành đổ xuống cho tất cả mọi người sống dưới cùng một mái nhà đó.

Giakêu không hoàn hảo, ông ta cũng bất tất, linh tinh và chưa đâu vào đâu. Thế mà Thần Khí của Đức Chúa đã đánh động ông để hôm ấy ông rời nhà mình và trở thành kẻ tìm kiếm. Ông ta nghĩ mình sẽ nhìn Đức Giêsu bằng cặp mắt thể lý của mình. Nhưng việc xảy ra cho ông còn nhiều hơn thế: khi Đức Giêsu nhìn thấy Giakêu, Ngài khựng lại và đón nhận ông như chính ông, rồi bước vào cuộc đời của ông và cuộc sống của gia đình ông.

Giống như Giakêu,  tất cả chúng ta cũng được Thánh Thần thúc đẩy. Thực ra, sự thúc đẩy này bắt đầu ngay từ khi chúng ta được rửa tội, khi chúng ta được thanh tẩy để bước vào cuộc sống thần linh. Và chúng ta được tác động luôn mãi. Được tác động khi chúng ta gặp một người cần chúng ta giúp, hay cần chúng ta chia sẻ, lắng nghe. Được thúc đầy khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng mùa đông và vẫn cố gắng đến nhà thờ. Được thúc đẩy khi chúng ta đứng lên bảo vệ cho những người áp bức hay bị bỏ rơi. Được Thánh Thần thúc đẩy khi chúng ta tình nguyện đến nhà thờ để “giúp một chút xíu” và điều đó biến thành rất nhiều – và chúng ta thích làm thế!  Được thúc đẩy khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua những thử thách và đau khổ. Được thúc đẩy để phá vỡ những thói quen mà dường như chúng ta cảm thấy không thể thay đổi, và chúng ta đã làm được.

Còn những cách khác mà chúng ta kinh nghiệm được sự thúc đẩy của Thánh Thần. Chúng ta nhận ra rằng tinh thần của chúng ta đang đói và chúng ta bắt đầu tìm kiếm thức ăn. Có lẽ chúng ta tham dự tĩnh tâm cuối tuần; đọc sách thiêng liêng do một người bạn đề nghị; nói đến linh hướng, đặt mua báo về đời sống thiêng liêng; tìm kiếm trên Internet những chủ đề về cầu nguyện, … Khi chúng ta đáp lại những thúc đẩy như thế, chúng ta giống như Giakêu, người đã trèo lên trên cây. Chúng ta trở thành kẻ tìm kiếm và nóng lòng muốn lấp đầy cơn đói khát bên trong chúng ta. Chúng ta nhận ra mình đang ở khúc ngoặt của cuộc đời mình và muốn nhìn thấy Đức Giêsu.

Nhưng lại giống như Giakêu, khi chúng ta còn đang tìm kiếm Đức Giêsu thì Ngài đã dừng lại vì chúng ta rồi. Ngài luôn nhìn thấy chúng ta, dù chúng ta còn lâu mới hoàn hảo và còn bất toàn, linh tinh, điên cuồng hay tội lỗi. Ngài biết chúng ta đang tìm kiếm và Ngài đáp lại chúng ta, với chính con người của chúng ta. Ngài muốn vào nhà chúng ta, như vào nhà ông Giakêu, theo cách đầy ngạc nhiên và mới mẻ. Và chúng ta cũng muốn những gì xảy ra cho Giakêu thì cũng xảy đến cho chúng ta: là cả gia đình chúng ta đều được chúc phúc: bỏ qua một bên quá khứ đau buồn, mọi thành viên trong nhà được hòa giải và  trái tim bao dung hơn với nhau.

Có một khoảnh khắc trong câu chuyện của Giakêu khi quý vị chứng kiến việc trao đổi ánh mắt giữa ông Giakêu với Đức Giêsu. Cái nhìn trao đổi đó cũng xảy mỗi khoảnh khắc trong mọi ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì khi cảm nghiệm ánh mắt của Ngài nhìn chúng ta. Chúng ta có đang tìm kiếm Ngài không? Tại sao chúng ta lại không nói với Đức Giêsu như cách chúng ta mời khách vào nhà chúng ta… “Xin mời vào. Hãy cứ tự nhiên như ở nhà. Rất vui được gặp anh/chị”.


Trả lời