Cn 31 a : Thực thi quyền lực và quyền hành !

 

 

Thực thi Quyền Lực và Quyền Hành !

 

Cn 31 a : Thực thi quyền lực và quyền hành !Dao và kéo là những vật dụng thiết yếu cho đời sống của con người. Khi đề cập đến những vật bén nhọn như dao kéo, chúng ta thường có những lời cảnh báo, nào là phải thật cẩn thận, đừng cẩu thả khi sử dụng những vật bén nhọn đó. Và nhất là đừng lạm dụng biến nó thành một thứ vũ khí để giết người.

Quyền lực hay quyền hành cũng vậy. Nó cũng được ví như một con dao hai lưỡi. Cũng sẽ phải thật thận trọng, đừng bất cẩn khi thừa hành nó. Bởi nếu quyền lực hay quyền hành bị lạm dung, nó sẽ xảy ra những thảm cảnh, không chỉ trên một vài cá nhân, mà còn có thể tác hại trên nhiều người.

Thực ra, quyền lực hay quyền hành tự nó chẳng tốt cũng chẳng xấu. Điều quan trọng là, khi thực thi quyền lực hay quyền hành, cần có động lực là tình yêu sự thật và đức hạnh, nếu không, sự thiệt hại cho người khác là điều tất yếu xảy ra.

…..

Quyền lực hay quyền hành. Đó cũng là điều Đức Giêsu rất quan tâm đến. Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, bên cạnh những lời giảng dạy về tình yêu thương, Ngài cũng đã để lại không ít lời giáo huấn cho những ai muốn trở thành “người làm lớn”.

Trong một lần đang trên đường lên Giêrusalem. Hai người con ông Dê-bê-đê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và xin Ngài cho họ được “một người bên hữu, một người bên tả” khi Ngài được vinh quang.

Giáo huấn mà  Đức Giêsu giảng dạy là “con Ngươi đến không phải để được người ta  phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

Chính vì thế, hôm đó, không chỉ hai anh em nhà Dê-bê-đê, mà là tất cả các môn đệ đã được Đức Giêsu dạy cho một bài học “muốn làm lớn”… muốn được ngồi bên tả bên hữu thì phải làm gì!

Vâng, Đức Giêsu đã nói “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”

Muốn trở thành nhà lãnh đạo ư !  “Nói phải làm”.

Muốn thực thi quyền lực  ư !

Đừng như những Phariseu và các kinh sư “Ngồi trên tòa ông Môse” hùng hồn giảng thuyết. Nhưng lại “nói mà không làm” !

Muốn thực thi quyền hành ư !

Đừng “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta…”.  Đừng “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy…”. Đừng “ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường…”. Đừng “ưa người ta chào hỏi ở những nơi công cộng…”. Và cũng đừng ham “được thiên hạ gọi là ‘rapbi’…”.

Đã không ít lần chứng kiến cách hành xử quyền hành thiếu tình yêu và đức hạnh của các nhà lãnh đão tôn giáo đương thời. Đức Giêsu có lời dạy bảo rằng “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).

Một chút tâm tình…

Chắc chắn Đức Giêsu không cấm chúng ta gọi những người dạy dỗ chúng ta là “thầy”.

Chắc chắn Đức Giêsu sẽ phiền lòng về một ai đó phủ nhận giá trị làm “cha” làm “mẹ” trong cuộc sống hôn nhân.

Và hẳn nhiên những vị trí quyền hành khác nhau trong xã hội như : Linh mục, Luật sư, Thầy giáo, Huấn luyện viên, Bác sĩ, Y tá điều dưỡng, Chủ xí nghiệp, những nhà lãnh đạo quốc gia, những bậc cha mẹ, những nhà lãnh đạo Hội thánh, Hội đồng giáo xứ v.v… là điều rất cần cho xã hội cũng như cho Giáo Hội ở trần gian này.

Khi Đức Giêsu nói “đừng để ai gọi mình là ‘rapbi’…” hoặc Ngài khuyến cáo rằng “anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha” chính là Đức Giêsu muốn mọi người biết rằng, tất cả quyến hành hay quyền lực ở trần gian này, nếu có, cũng là do Thiên Chúa mà ra, như sau này Đức Giêsu đã có lời đối đáp trước mặt Philatô rằng “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11).

Hẳn ai trong chúng ta đều biết, quyền lực hay quyền hành trong một quốc gia đều dưới quyền vị vua.

Vì thế tất nhiên, quyền lực và quyền hành dưới trái đất này phải thuộc quyền Vua vũ trụ này.

Và ai là Vua vũ trụ này! Vâng, lời Đức Chúa đã phán với Israel qua trung gian ông Malakhi rằng : “Chính Ta là Đức Vua cao cả”(Ml 1…14).

Vì thế, thật phải đạo khi chúng ta tin lời Đức Giêsu đã nói : “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời”.

Một phút suy tư…

Quyền lực hay quyền hành được thiết lập là để duy trì trật tự xã hội. Hay nói một cách khác, là để phục vụ con người.

Là một Kitô hữu. đừng bao giờ lạm dụng quyến hành hay quyền lực.

Gương vua David chính là bài học bổ ích cho mỗi chúng ta hôm nay.

David đã phải vượt qua một thử thách lớn khi sử dụng quyền lực của mình. David biết rõ về giới hạn của ông ta. Ông ta đã lắng nghe Avigagin và đã không giết chồng cô ta, cũng như mọi người liên quan với ông ta (1Sm 25, 32).

Rồi đến khi David có cơ hội để giết Saun, nhưng David thậm chí đã không làm mà còn ray rứt về tội đã cắt áo của vua. Kinh Thánh thuật lại rằng : “David áy náy trong lòng vì đã cắt vạt áo của vua Saun. Ông bảo cùng người của ông : Xin ĐỨC CHÚA đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong, là tra tay hại vua, vì người là đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong” (1Sm 24, 6-7).

Thế nhưng, chúng ta không thể không nhắc tới chuyện David đã lạm dụng quyền lực của ông ta qua câu chuyện bà Bat Seva.

Phải thú nhận rằng, mỗi chúng ta đều có thể vấp phạm sự lạm dụng quyền hành hay quyền lực, một lúc nào đó trong cuộc sống nếu không để Thánh Thần Chúa dẫn dắt trong mọi lúc, trong cuộc đời của chúng ta.

Lạm dụng quyền hành hay quyền lực sẽ làm cho phản tác dụng mọi lời rao giảng Tin Mừng Đức Kitô.

Là thành viên trong Giáo Hội, trong cộng đồng, trong gia đình, mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về mình trước mặt mọi người, và hơn hết trước mặt Đức Chúa Trời.

Làm sao chúng ta có thể không vấp phạm sự lạm dụng quyền hành hay quyền lực !?

Xin thưa. Tông đồ Phaolô có lời khuyên rằng ; “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4, 1-3).

Một khi chúng ta có “Thần Khí Chúa”. Một khi chúng ta “ăn ở thuận hòa với nhau”. Vâng, chẳng có gì xấu hổ để mà “hạ mình xuống” trước lợi ích của cộng đồng, của xã hội và hơn hết của Giáo Hội. .

Hãy nhớ lời Đức Giêsu dạy bảo “Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, …12).

Petrus.tran.

 

Trả lời