Cn 30 B : Xin cho tôi nhìn thấy được…

 


Cn 30 B : Xin cho tôi nhìn thấy được…


Cn 30 B : Xin cho tôi nhìn thấy được…Chúng ta thường nghe nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Khi nói tới đôi mắt, về mặt thẩm mỹ,  ai trong chúng ta lại không muốn trên khuôn mặt của mình sở hữu một đôi mắt đẹp, đẹp như mắt bồ câu, được khen mắt như mắt nai, mắt nhung, mắt huyền v.v… và ai trong chúng ta lại không tự ti, mặc cảm nếu trên khuôn mặt của mình hiện hữu một đôi mắt xấu, như mắt ti hí, mắt lươn v.v…

Tuy nhiên, dù đôi mắt ta có thiếu thẩm mỹ đi chăng nữa, cũng chẳng có gì đáng ngại, chỉ cần vài nét trang điểm, đôi mắt ta  rất có thể trở thành “Đôi mắt cô em như say như đắm. Như buồn in hình ảnh giấc mơ xa” (Thế Lữ)…

Vâng, điều đáng ngại là, chẳng may đôi mắt của ta bị bệnh, nhất là những căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa,  chẳng ai muốn đôi mắt của mình bị mù. Thế mà, tôi lại bị rơi vào trường hợp đáng ngại này, có buồn không kia chứ!  

Cách đây vài năm, chính xác là khoảng cuối năm 2009, đôi mắt của tôi tầm nhìn mỗi ngày một giảm, nhìn mọi vật như qua một lớp kính mờ, kiểm tra thị lực đôi mắt, buồn thay! chỉ còn 2/10 và 3/10. Sau nhiều lần tái khám, bác sĩ cho biết đôi mắt của tôi bị đục thủy tinh thể, hay còn được gọi theo lối nói bình dân là “mắt cườm”, rất nặng.

Theo y học “thủy tinh thể là một bộ phận của nhãn cầu, là một thấu kính hai mặt lồi, trong suốt, dày 4 mm và rộng 9 mm, được bao bởi một màng bán thấm đối với nước và chất điện giải. Thủy tinh thể có chức năng điều tiết để vật thể bên ngoài mắt dù gần hay xa cũng đều có ảnh xuất hiện trên võng mạc. Thủy tinh thể bị đục cũng giống như tấm kính bị mờ không nhìn rõ được bên ngoài. Nếu bị đục hoàn toàn, hình ảnh sẽ không vào được võng mạc, gây mù” (nguồn: sức khỏe và đời sống).

Sau khi được bác sĩ giải thích như trên, giải pháp tốt nhất mà tôi phải thực hiện, đó là phẫu thuật. Và tôi đã phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, thị lực đo lại là 10/10, cả hai mắt. Kết quả thật khả quan, mọi sự vật tôi nhìn thấy thật là sống động, màu sắc thật là rực rỡ, một niềm vui mừng khó tả trong tôi, tôi chỉ kịp thốt lên rằng “Ôi! Lạy Chúa… mọi sự vật nhìn thấy đẹp quá! mọi sự vật nhìn thấy thật là tuyệt diệu”.

Thật lòng mà nói, sau giây phút ngất ngây đó, tôi nghĩ rằng, chỉ mới là mắt bị cườm, thế mà khi đã được chữa khỏi, tôi đã vui mừng biết bao, vậy, đối với những người đang bị mù, nếu có phương cách nào làm cho họ được sáng mắt, chắc hẳn niềm vui mừng của họ còn lớn hơn tôi gấp bội phần. Ôi! Phải chi họ được chữa lành như anh mù ở Giêrikhô thuở xưa đã được lòng thương xót của Chúa Giêsu chữa lành, thì tốt quá!

Vâng, câu chuyện anh mù ở Giêrikhô là một câu chuyện đầy kịch tính xoay quanh nhiều hạng người với nhiều tâm tư khác biệt, kẻ có lòng tin, người thì trịch thượng và đặc biệt nhất, đó là lòng thương xót của Đức Giêsu. 

**

Câu chuyện anh mù ở Giêrikhô đã được kể lại rằng: Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu, ngoài việc giảng dạy, Ngài còn  chữa bịnh cho nhiều người.

Có lúc, Đức Giêsu tìm đến với bệnh nhân, như hôm Ngài đến nhà ông Simon và An-rê, ở đấy, Đức Giêsu đã chữa cho nhạc mẫu của Phêrô dứt hẳn cơn sốt đang hoành hành trên cơ thể của bà ta, và có khi, chính người nhà khiêng bệnh nhân đến tìm gặp Ngài, như trường hợp một người bị bại liệt được bốn người khiêng đến cho Đức Giêsu chữa trị.

Riêng về anh mù ở Giêrikhô thì chẳng ai tìm ai, chỉ là một sự tình cờ. Tình cờ trên một con lộ, con lộ của một ngôi thành, đó là ngôi thành Giêrikhô. Tại đây, anh ta đã gặp Đức Giêsu khi “Ngài cùng với các môn đệ và môt đám người khá đông ra khỏi thành” (Mc 11, 46).

Nói tới thành Giêrikhô, trong quá khứ, người ta đã nhiều lần được chứng kiến quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa  thực hiện cho dân Israel, nhờ vào đức tin của họ.  Lịch sử Israel đã ghi lại rằng “Nhờ đức tin, tường thành Giê-ri-khô đã sụp đổ, sau khi dân Israel đi vòng quanh trong bảy ngày.” (Dt 11, 30).

Người ta lại càng không thể không nhớ đến quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho “nước hóa lành” khi mà ở Giêrikhô “địa thế của thành thì tốt, nhưng nước thì độc và xứ sở bị nạn vô sinh”. Phép lạ đó đã hồi sinh dân thành Giêrikhô. (2V2, 21-22).  

Hôm nay, cũng là Giêrikhô, một lần nữa, người ta lại một phen sửng sốt khi chứng kiến quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, qua người Con Một của Người, là Đức Giêsu.  

Vâng, hôm đó, khi nghe những tiếng xôn xao nói rằng, có một người đang đi qua, người đó là  “Đức Giêsu Nazareth”, một anh mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường vội vàng ngồi bật dậy và lớn tiếng kêu “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48).

Anh mù đó tên là Batimê. Anh ta đã nức nở van xin Đức Giêsu rằng “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”

Một phút tâm tình và suy tư…

Ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói lên lòng thương xót của Ngài, khi tuyên bố rằng, “Con Người đến là để tìm và cứu”.

Nhưng, thật đáng tiếc ! Hôm ấy, khi Đức Giêsu biểu lộ lòng thương xót của Ngài với anh mù Batimê, thì “đám người khá đông” đi theo Ngài đã hành xử một cách thiếu lương thiện.  Họ đã lớn tiếng “quát nạt bảo anh ta im đi”.

Nếu… nếu “đám người khá đông” kia, nhớ đến lời ngôn sứ Giêrêmia đã nói “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ … quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng” (Gr 31, 7-9)!

Và, nếu “đám người khá đông” kia nhớ tới lời ngôn sứ Isaia đã được  Đức Giêsu lớn tiếng đọc vào một ngày sabat, trong một hội đường tại Nazareth, rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…” và sau đó, Ngài nhấn mạnh “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”!

Vâng, nếu đã nghe và nhớ, chắc hẳn đám-người-khá-đông đó sẽ không thắc mắc khi Đức Giêsu bảo họ “gọi anh ta lại đây” và chắc hẳn họ sẽ cảm thông khi Đức Giêsu nói với anh mù rằng “anh muốn tôi làm gì cho anh?”

Thực hiện đúng như những gì đã công bố “cứ xin thì sẽ được”, hôm đó, trước lời khẩn khoản nài xin và trước lòng tin của anh mù Batimê, Đức Giêsu đã chữa lành anh ta.

Câu chuyện kết thúc thấm đậm lòng thương xót của Đức Giêsu, Ngài đã cho “anh ta nhìn thấy được” (Mc 11, …52).

***

Y học ngày nay đã có nhiều tiến bộ, những bệnh có thể gây mù, lé, nhược thị ở trẻ em thường gặp nhất, đó là: bệnh ROP, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bướu nguyên bào võng mạc,  nếu được phát giác và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được mù lòa, giảm thiểu biến chứng.

Thế nhưng, vẫn có một loại virus nếu nhiễm phải vẫn có thể gây cho đôi mắt ta “mù”. Đó chính là virus “H6”.

Dường như chúng ta nghe đâu đó có tiếng bàn tán rằng, virus H5N1 hay virus HIV thì ai cũng biết, còn virus “H6” là loại virus gì, sao chẳng thấy nhà khoa học nào công bố nhỉ?

Thậy ra con virus “H6” đã có từ thời rất xa xưa, nó đã xâm nhập vào thế giới loài người, nó đã  gây ra biết bao cảnh chết chóc, chết chóc không chỉ cho từng cá nhân mà còn cho cả những quốc gia hùng mạnh.  

Thời Đức Giêsu còn tại thế, Hêrôđê là một vị vua rất “háu sắc”. Vâng, thưa quý vị, “háu sắc” là tên gọi bình dân của con virus “hát sáu”(H6), chính vì bị con virus”háu sắc” xâm nhập,  đôi mắt của Hêrôđê đang sáng bỗng trở nên “mù… mù quáng”! Đôi mắt “mù quáng” của ông ta đã kéo theo căn bệnh “mù tâm hồn” để rồi ông ta đã gây ra một loạt tội ác, cướp vợ của anh mình, và khủng khiếp nhất chính là giết Gioan tẩy giả chỉ vì một điệu múa dâm dật của một cô gái làm cho ông ta vui thích.     

Xa xưa hơn một chút, cũng lại là chuyện của một ông vua –  vua David – một vị vua được mệnh danh là “Vua Thánh”. Ấy thế mà, khi con virus “háu sắc” xâm nhập vào đôi mắt của ông ta, ông ta cũng trở nên “mù… mù quáng” như vua Hêrôđê.

Quả đúng như lời Kinh Thánh đã dạy “Đừng nhìn chòng chọc vào nàng trinh nữ, kẻo con sa ngã mà bị phạt cùng nàng” (Hc 9, 5). Đôi mắt David đã  nhìn-chòng-chọc vào một “người đàn bà đang tắm, nàng nhan sắc tuyệt vời”, nàng tên là Bát Seva…

Ôi! Nhan sắc của nàng Bát Seva đã biến thành con virus “háu sắc”, nó xâm nhập vào đôi mắt của David, để rồi lương tâm của ông ta hóa “mù”, hậu quả là ông ta tìm cách chiếm đoạt bà Bát Seva, bằmg một thủ đoạn hạ cấp, ông ta thuyên chuyển Urigia, chồng của Bát Seva, ra tiền tuyến với lời căn dặn “hãy đặt Urigia hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”…  và Urigia đã chết tức tưởi, không bởi sự nhát đảm, mà bởi chính con virus “háu sắc”vô tri vô giác!!!  

Còn chúng ta hôm nay, chúng ta có dám khẳng định rằng “tôi chưa bao giờ nhiễm phải con virus “H6” chết tiệt đó?

Vâng, qua hai câu chuyện nêu trên, thật phải đạo khi chúng ta chiên nghiệm lại lời Đức Giêsu đã dạy rằng “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy, nếu mắt anh sáng, thì toàn thân thể anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân thể anh sẽ tối. Vậy, nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào” (Mt 6, 22-23).

Hãy như Đức Maria mà “suy đi nghĩ lại” điều này trong lòng. Bởi một lúc nào đó, có thể chúng ta sẽ, như lời thánh Phaolô nói, “lầm lạc và yếu đuối” trước những quyến rũ trần gian, để rồi chúng ta“mù quáng” trước sức lôi cuốn của sắc dục, của quyền lực, của tiền tài và danh vọng, của sự tham lam và ích kỷ.

Vì thế, hãy lấy câu sau đây làm châm ngôn cho cuộc sống đức tin của chúng ta “mù mắt sáng hồn –  hơn mù hồn sáng mắt”.

Cuối cùng,  hãy dành một phút, để cho tâm hồn trở về trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng: tôi đang mù mắt sáng hồn hay  tôi đang mù hồn sáng mắt?

Nếu chúng ta sáng-mắt-mù-hồn!  Hãy đến với Chúa Giêsu và nguyện rằng “Lạy Chúa, xin mở mắt tôi biết nhìn kỳ công của Ngài”, để tôi nhận  biết rằng “Ngài đã thương tôi, thế mà tôi đâu có hay”.

Vâng, Lạy Chúa! “Xin cho tôi nhìn thấy được…”  Amen.

 Petrus.tran

 

Trả lời