Cn 29 B : Đường đến vinh quang …

 

Cn 29 Tn B : Đường đến vinh quang …

Cn 29 B : Đường đến vinh quang …Sau ba mươi năm sống thầm lặng ở quê nhà. Đức Giêsu rời bỏ Nazareth và đến Caphanaum  bắt đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng với lời kêu gọi : ”Hãy sám hối, vì nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17).  Ngoài những lời mời gọi mọi người :”hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đức Giêsu còn giới thiệu đến mọi người một thứ :”giáo lý mới” – giáo lý về một Thiên Chúa là tình yêu – ”Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một , để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”(Ga 3,16). “Con của Người” chính là “Đấng Kitô” – Người sẽ  “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Sứ điệp này đã được chính Đức Giêsu công bố hôm ở Xêdarê Philipphê.

Hôm nay, khi :”đang trên đường lên Giêrusalem” – Một lần nữa – Đức Giêsu :”kéo riêng nhóm mười hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình”. Dù đã  hai lần được nghe Ngài tuyên bố về sự khổ nạn; thế mà lần này – lần thứ ba –   các ông vẫn cảm thấy :”kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi”. (Mc 10,32).

Nhưng dẫu cho các ông có kinh hoàng; Đức Giêsu vẫn :”dẫn đầu các ông… lên Giêrusalem”. Sự cương quyết của Đức Giêsu đã khiến các ông mạnh dạn tiến bước theo Ngài với niềm tin và hy vọng rằng : nước-Ngài-sắp-đến-rồi. Các ông nghĩ rằng chuyến lên Giêrusalem lần này Đức Giêsu sẽ thiết lập Triều đại mới – Triều Đại mà chính ông Thầy của mình thường nói rằng :”đã đến gần”  !!! Các ông vừa đi vừa mơ tưởng đến đặc quyền, đặc lợi của mình :”khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,…37).  Chính vì chỉ nghĩ đến “quyền và lợi” – tư tưởng các ông nảy sinh những tham vọng cá nhân. Để rồi tham vọng cá nhân đó đã gây ra sự bất hòa. Thánh sử Maccô không vui gì khi tường thuật lại cảnh sâu xé nội bộ giữa các ông rằng :”Mười một môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gio-an” chỉ vì hai anh em ông ta muốn-ăn-mảnh và đã “bỏ nhỏ” với Đức Giêsu xin :”một người được ngồi bên hữu; một người được ngồi bên tả Thầy” (Mc 10,37).

Một chút tâm tình.

Một lần nữa – có lẽ các môn đệ lại quên bài học khiêm nhường mà Đức Giêsu đã dạy hôm ở Caphanaum :”Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc9,35). Đúng là vì quên nên hôm nay các ông  mới có lời cầu xin thật là “nghịch nhĩ”. Nghịch nhĩ bởi mặc dù biết chuyến lên Giêrusalem của Thầy và trò lần này lành ít dữ nhiều. Nào là Thầy mình :”sẽ bị nộp… sẽ bị lên án xử tử… sẽ bị nộp cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng, khạc nhổ, sẽ đánh đòn và giết chết Người”.(Mc 10,33-34). Tình hình dầu sôi lửa bỏng như thế – thay vì đoàn kết một lòng cùng nhau “uống-máu-ăn-thề” quyết bảo vệ Thầy – các ông lại quay ra tức tối hục hặc với nhau về lời cầu xin đầy tham vọng của hai anh em nhà Dêbêdê.  Quả thật là đáng xấu hổ khi Đức Giêsu nói :”Các anh không biết các anh xin gì!”. Một cách nào đó –  có vẻ như Ngài  phản đối lời cầu xin khi hỏi họ rằng :” Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” (Mc 10,38).

Một phút suy tư

Tham, sân, si là cội rễ mọi thứ tội trên thế gian. Lịch sử đã chứng mình điều đó. Tham vọng của Adam và Eva muốn :”nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”; rốt cuộc chỉ đem đến cho hai ông bà :”sự sợ hãi, sự lẩn trốn và sự trở về với bụi đất” mà thôi ! Tham vọng của con cháu Noe :”muốn làm cho danh ta lừng lẫy, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất” kết quả chỉ là chuốc lấy thảm họa; con người trở nên :”không ai (còn) hiểu ai nữa” (St 11,4-7).

Kẻ có tham vọng :”dùng uy mà thống trị dân; lấy quyền mà cai quản dân…” Không ! – Đức Giêsu nói rõ rằng :”giữa anh em thì không được như vậy” (Mc 10,43). Ngài khẳng định rằng :”Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”. (Mc 10,45). Và để được vinh quang trong Vương Quốc của Ngài thì những :”Ai tự hạ… người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4).

Ơn Chúa; một  Phansicô Asisi – người anh-em-hèn-mọn – đã tự hạ mình vì biết rằng :”chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời’.

Ơn Chúa; một Mẹ Têrêsa Calcutta – được ví như hiện thân người Samari nhân lành của thế kỷ 20 – đã tự hạ mình :”làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường”.

Còn chúng ta – cũng là những môn đệ của Đức Giêsu – Lệnh truyền này có làm chúng ta “kinh hoàng và sợ hãi” ?  Hay chúng ta :”cũng sẽ uống, chén Thầy sắp uống…cũng sẽ chịu, phép rửa Thầy sắp chịu” ?

(Mc 10,…39). Nếu chúng ta sẵn sàng uống-và-chịu thì còn chần chờ gì mà không cùng hai anh em nhà Dêbêdê nói với Đức Giêsu rằng :”Thưa Thầy được ạ !”…

Petrus.tran

 

Trả lời