Cn 27 Tn : Lòng tin bền vững…

 

Cn 27 Tn : Lòng tin bền vững…


Cn 27 Tn : Lòng tin bền vững…Chúng ta thường nghĩ rằng; lòng tin vào Chúa là chấp nhận tin vào một số tín điều được Giáo Hội dạy dỗ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Lòng tin vào Chúa còn phải  tin rằng : Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu; chúng ta được cứu độ; được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa và là môn đệ của Ngài.

Không có sự cảm nhận đó; khó có thể có được một lòng tin bền vững nơi Đức Giêsu Kitô. Và ngược lại; muốn trở thành người môn đệ đích thực của Ngài; trước nhất và quan trọng nhất là phải có một lòng tin bền vững.

Một “lòng tin bền vững”. Đó cũng là điều những môn đệ xưa của Đức Giêsu luôn âu lo và trăn trở. Thật vậy, suốt ba năm ròng theo Thầy Giêsu. Dù các ông được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với Ngài. Dù đã chứng kiến biết bao điều kỳ diệu Đức Giêsu đã làm; như “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” kể cả những kẻ “bị quỷ ám”… Và dù đã thấy rõ Đức Giêsu “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”…

Thế nhưng, các môn đệ dường như vẫn yếu lòng tin; để rồi thiếu sự tin tưởng nơi Thầy Giêsu !!! Sự yếu lòng tin và thiếu tin tưởng nơi các ông đã bộc lộ trong dịp các ông và Đức Giêsu cùng đồng hành trong một cuộc hải trình băng qua biển hồ Tiberia.

Chuyện được kể lại rằng : “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Các ông sợ hãi đến độ tưởng rằng Thầy và trò “chết đến nơi rồi…”. Chỉ đến khi Đức Giêsu “ngăm đe gió và truyền cho biển : Im đi. Câm đi…”. Lúc đó các ông mới cảm thấy “tẽn tò” trước lời trách cứ của Thầy mình : “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin”(Mt 8,26)…

Người ta thường nói “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Vâng, có lẽ chỉ các môn đệ mới có thể cảm nhận được điều Đức Giêsu đã trách móc mình.

Chắc hẳn các Tông Đồ cảm nhận được điều Thầy Giêsu trách cứ là đúng… Chắc hẳn các ông đã có một buổi “kiểm điểm” với nhau; và cảm thấy nhóm mười hai của mình lòng tin còn kém hơn “người đàn bà băng huyết đã mười hai năm”.

Làm sao các ông có thể quên được người đàn bà đó. Khi bà ta “sờ vào tua áo của Đức Giêsu. Tức khắc máu ngừng chảy”. Và làm sao các ông quên được lời Thầy Chí Thánh của mình nói với bà ta rằng : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Lc 8,48). Vâng, chắc hẳn các ông đã có một cuộc “tĩnh tâm” với nhau; để thẩm định lại niềm tin của nhóm mình.

Vì thế hôm nay, nhóm mười hai các ông đến gặp Đức Giêsu; không phải để xin được “ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, khi Thầy được vinh quang”; mà chỉ xin “THÊM LÒNG TIN” cho các ông…

Một chút tâm tình…

Đức Giêsu đã không “thêm lòng tin” cho các ông. Trái lại, Ngài cho rằng điều các môn đệ cần; đó là “có lòng tin” và lòng tin đó chỉ cần “lớn bằng hạt cải”…

Đức Giêsu không đòi hỏi lòng tin đó lớn bằng “hột xoàn.. hột ngọc” hay là “hột kim cương”; những thứ mô tả sự giàu sang sung túc nhưng thiếu sự sống !!!

Ngài chỉ cần lòng tin đó lớn bằng hạt cải. Vì hạt cải “tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả hạt giống”; một vật rẻ tiền; nếu không muốn nói là chẳng giá trị gì; nhưng nó lại có sự sống…

Thật vậy, khi sự sống đó vươn lên : “thì lại là thứ lớn nhất, nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13, 32).

Lòng tin cũng vậy; cần phải vươn lên; cần phải lớn lên. Một lòng tin theo như Tông đồ Phao lô nói : “Mặc dù không còn gì trông cậy, (nhưng) vẫn trông cậy vững tin” (Rm 4,18).

Một lòng tin – cũng theo lời thánh nhân nói : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)

“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải”… Vâng, chỉ cần bằng-hạt-cải thôi. Anh em sẽ không chỉ  “bảo cây dâu này : Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6). Nhưng hơn thế nữa “anh em sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,…10).

Một chút suy tư…

Trước một xã hội; theo như lời Đức thánh Cha Benedicto 16 nói “đang dung tục một cách hung hãn”… Là một Kitô hữu; chúng ta sẽ làm gì ?

Tạ ơn Chúa. Qua tông đồ Phao lô; chúng ta có được lời khuyên thật hữu ích rằng : “anh em hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hòa cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (2Tm 2,22).

Trước một xã hội với những phương tiện truyền thông lấn át; luôn muốn “tiêu diệt Kitô giáo bằng những trang Web công kích, chống đối hàng Giáo phẩm, tạo ra sự kinh miệt hàng giáo sĩ”…

Vâng, là một Kitô hữu, chúng ta hãy tiếp tục nghe lời thánh Phaolô : “Những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn (đó), anh em hãy gạt ra một bên, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ”.

Và thánh nhân dạy tiếp rằng : “(hãy) lấy lòng hiền hòa mà giáo dục những kẻ chống đối; biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẩy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó” (2Tm 2, 25-26).

Thật không dễ dàng để thực thi nhưng điều Phao lô đã khuyên nhủ nếu chúng ta : “nhát đảm… kém lòng tin”…

Và nếu chúng ta thực sự  nhát-đảm-kém-lòng-tin thì đừng ngại ngùng; hãy theo gương các môn đệ xưa mà đến với Chúa Giêsu mà thưa với Ngài rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”(Lc 17,5).

Hãy đến cùng Thiên Chúa “xin thêm lòng tin” và hãy nhớ rằng : “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (2Tm 1,7).

Được “đầy-sức-mạnh-tình-thương-và-biết-tự-chủ” thì lo gì chúng ta không có một “Lòng tin bền vững”.

Petrus.tran

Trả lời