Cn 23 B : Lòng Trắc Ẩn

 

Chúa nhật 23 B : Lòng Trắc Ẩn

Cn 23 B : Lòng Trắc ẨnSau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth; Đức Giêsu bắt đầu công khai sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Gọi là công khai nhưng những cuộc hành trình truyền giáo của Ngài hầu như đều diễn ra âm thầm lặng lẽ, không ồn ào náo nhiệt, không múa mõ khua chiêng.

Bất cứ nơi nào Đức Giêsu đến – Ngài đều :”không muốn cho ai biết”. Thế nhưng, dù có lên non hay xuống biển; dù ở đồng bằng hay trên núi cao; và dù rằng những cuộc hành trình đó “hầu như bí mật” – nhưng chẳng hiểu vì sao vẫn “không thể dấu được” mọi người. (Mc 7:24). Vâng, đó là hôm “Đức Giêsu … đến địa hạt Tia” (Mc 7:24) – một vùng đất của dân ngoại; dù Người đã kín đáo “vào một nhà nọ” . Nhưng không thoát khỏi đôi mắt của một người đàn bà. Bà ta “có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Đức Giêsu…(bà ta) liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà”.(Mc 7:25-26). Làm sao bây giờ ? Trước sự năn-nỉ-ỉ-ôi và trước sự đối đáp khôn ngoan của bà ta; Đức Giêsu động lòng trắc ẩn, vì thế Ngài không thể từ chối lời nài xin đó. Căn nhà mà Đức Giêsu đang hiện diện lập tức trở thành “Bệnh-viện-Dã-chiến” của tình yêu và lòng thương xót. Đốc-tờ-Giêsu, chỉ một lời nói : ”Bà cứ về đi”. Chuyện kể tiếp rằng :Khi bà ta ” về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất” (Mc7:30).

Hôm nay – Khi cái Bệnh-Viện-Dã-Chiến đó rời bỏ : “vùng Tia, đi qua ngã Siđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập tỉnh” (Mc7:31). Như một hiệu ứng “domino” do bởi tiếng lành đồn xa. “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu” (Mc 7:32).

Ôi ! Thật là tiến thoái lưỡng nan… Vào thời đó, một người con nhà “bình dân học vụ” như Đức Giêsu mà làm những việc nổi tiếng thường hay bị gây khó dễ; công việc làm sẽ bị cản trở và gia đình cũng bị chê cười. Điều này đã được minh chứng qua suốt những năm tháng Ngài đi rao giảng Tin Mừng. Điển hình như hôm Đức Giêsu chữa người bại liệt. Nhóm kinh sư khi nghe Ngài nói với người bại liệt rằng :”… Con đã được tha tội”. Họ liền nhao nhao lên nói :” Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng”.(Mc 2:7). Hoặc như nhóm Pharisêu vẫn thường “canh me” xem Đức Giêsu có chữa bệnh trong ngày sabát không; “hầu có cớ để tố cáo Ngài”.(Mt 12:10). Ngay cả chính đồng hương của Đức Giêsu, họ cũng đã từng dè bỉu Ngài mà nói :”Hắn chẳng phải là con lão thợ mộc Giuse đó sao ?” (Lc 4:22).

Kệ !!! Mặc cho lời-ong-tiếng-ve; Đốc-tờ Giêsu : ”kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông…”. Một cuộc hội-chẩn-bỏ-túi lập tức được tiến hành. Và một lần nữa; vẫn chỉ là một lời nói:” Ephata – Be Open”. Vâng… “Hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”.(Mc 7:35). Lòng trắc ẩn của Đức Giêsu như một cơn sóng thần; cuốn phăng những lời đàm tiếu… những lời nói vu vơ…ấm-ớ-hội-tề.

Một chút tâm tình.

Thật ra – trong ca “tiểu phẫu” cho anh bệnh nhân vừa điếc vừa ngọng này – Đức Giêsu còn dùng một vài “thủ thuật” nho nhỏ như :”đặt ngón tay… nhổ nước miếng… rên một tiếng…” (Mc 7:33-34). Vâng, phải chăng những cử chỉ này giống như trò ma thuật của những thầy phù thủy !!! Thưa không – theo quan niệm vào thời đó – nhổ nước miếng là một hành vi chống lại thần dữ. Và cử chỉ “rên lớn tiếng” như một cách làm cho người ta tin rằng : sức-mạnh-là-ở-chính-trong-lời-nói-của-người-chữa-bệnh. Nhưng có cần thiết không để mà “soi xét” từng chi tiết, từng cử chỉ mà Đức Giêsu đã thực hiện về hai “ca” chữa lành nêu trên !!! Có lẽ vấn đề cần chú ý đó là căn bệnh của bệnh nhân. Theo hồ-sơ-bệnh-án thì : một người bị quỷ ám; còn người kia thì vừa điếc vừa ngọng… Có vẻ như đó không phải là sự tình cờ của người kể lại. Tác giả Macco đã thật hữu ý khi xếp hai “ca” bệnh này theo một trình tự hết sức lớp lang. Quỷ ám – điếc – ngọng !!! Nó như một tam-đoạn-luận. Nếu chúng ta phân tích tam đoạn luận này theo nhãn giới tâm linh. Vâng, thật là ý nghĩa làm sao…

Một người bị “quỷ ám” – hay nói cách khác – bị sa chước cám dỗ – làm sao thính giác còn đủ minh mẫn để mà nghe Lời Chúa !!! Và một khi điếc Lời Chúa thì thật khó để mà nói về Chúa và tôn vinh Ngài !!

Trường hợp Adam và Eva minh chứng cho tam đoạn luận đã được nêu trên là đúng. Sẽ không là thừa thãi nếu chúng ta cùng xem lại tấn bi kịch mà hai ông bà tổ tiên đã vấp phạm. Adam và Eva sau khi đã sa vào bẫy cám dỗ của con rắn – đôi tai của ông bà liền bị điếc và lời Thiên Chúa đã bảo :”Các ngươi không được ăn, không được đụng tới, kẻo phải chết” (St 3:3)…Vâng, lời Chúa đã bảo còn đó; nhưng thính giác của ông bà mất khả năng tiếp thu !! Một phản ứng phụ do căn bịnh điếc xảy ra – ông bà ngọng nghịu khi phải đối chất với Thiên Chúa :”Con nghe tiếng Ngài… con sợ hãi … vì con trần…. như nhộng”.Tệ thật ! “con…trần… truồng…” (St 3:10).

Một phút suy tư.

Ở thế kỷ 21 này vẫn không thiếu những người bị khiếm thính. Nhưng với tiến bộ của y học và khoa học, máy trợ thính và computer như là một công cụ hữu ích cho những người khiếm thính thể lý. Nhờ thế mà đã có người khiếm thính trở thành giáo sư, nhạc sĩ, thậm chí là linh mục. Bản tin ở BOSTON được đánh đi hôm 23/05/2009 như là một “hot news” – nó khiến cho cộng đồng dân Chúa niềm vui khôn tả. Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá của Tổng Giáo Phận Boston, Đức Hồng Y Sean P. O’Malley đã truyền chức Linh Mục cho sáu tân chức trong đó có một vị bị câm điếc và một người Việt Nam. Đặc biệt tân Linh Mục Shawn Carey là người bị câm điếc bẩm sinh và là vị Linh Mục câm điếc thứ 11 của toàn Giáo Hội Hoa Kỳ .(click vào link này sẽ xem được toàn bộ bản tin http://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=10685).

Nhưng thật buồn thay ! chính nền văn minh của thế kỷ 21 này lại làm cho nhiều người “khiếm-thính-tâm-linh” !!! Hôm nay vẫn còn nhiều người rơi vào tấn bi kịch này !!!

Có nguy hiểm không kia chứ !!! Khi những con virus-văn-hóa được khoác lên bởi những danh xưng mỹ miều như : tự-do-luyến-ái; phò-lựa-chọn; duy-vật-chất v.v… nói tắt một lời những loại virus-văn-hóa-sự-chết… Vâng, một khi nó “rủ-rỉ-rù-rì’’ vào đôi tai chúng ta. Ôi ! Trời ạ !! thật khó để mà còn có thể nghe những gì là chân lý và sự thật… Một khi những con vi khuẩn tham lam, ích kỷ lần mò vào đôi tai chúng ta và “quậy tưng” tâm hồn chúng ta !!! Hỏi làm sao chúng ta không điếc công bằng và tình yêu thương !!! Một trăn trở lớn cho xã hội và cũng là cho Giáo-Hội hôm nay : đó là “câm điếc hôn nhân”… Nhiều ông chồng – bà vợ không hề “câm điếc” với người ngoài, nhưng khi về nhà thì lại “câm điếc” với nhau !! Chuyện ly dị chỉ còn là yếu tố thời gian…

Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tự hỏi rằng : Tôi :”có mắt mà như mù, có tai mà như điếc” không ? (Mt 13:13). Nếu có… Vâng, nếu có thì cũng đừng chìm đắm trong tuyệt vọng. Lời Chúa qua môi miệng ngôn sứ Isaia đã nói rằng :”Ta sẽ chữa chúng cho lành”.(Mt 13:…15). Chúng ta sẽ cùng nhau :”đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay” chữa chứ !! Chúng ta sẽ đến ? Vâng, nếu chúng ta đến, còn chần chờ gì mà không cất tiếng cầu xin :”Lạy Chúa ! xin mở môi tôi ca ngợi tình thương của Ngài. Ngài ơi ! xin mở tai tôi nghe lời hằng ban sức sống… Biết rằng Ngài đã thương tôi, thế mà tôi đâu có hay”. Vâng…THẾ MÀ TÔI ĐÂU CÓ HAY !!! (Trích nhạc phẩm : Ephata – tác giả LM..Thành Tâm)

Petrus.tran

Trả lời