CN 21 TNC: Ai là người được cứu thoát?

 

Ai là người được cứu thoát?
Is 66,18-21; Tv 117; Hr 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30

Lm. Jude Siciliano, O.P.

 

Kính thưa quý vị,

CN 21 TNC: Ai là người được cứu thoát?Đức Giêsu tỏ ra nghiêm khắc trong Tin mừng hôm nay. Chúng ta không quen với một người động lòng trắc ẩn mà lại nói năng theo kiểu này, trừ khi giới lãnh đạo tôn giáo giả nhân giả nghĩa. Họ thực sự nổi giận với Đức Giêsu, đặc biệt khi họ lên kế hoạch gài bẫy Người. Nhưng hôm nay Đức Giêsu có vẻ gắt gỏng với một người như muốn đi theo làm môn đệ, người đó gọi Đức Giêsu là “Chúa” và hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”

Điều gì đã khiến cho một người đặt câu hỏi như thế? Và hơn thế nữa, điều gì đã làm cho một trong những người theo Đức Giêsu hỏi như vậy? Phải chăng chính người đó cũng đang cảm nhận về đường lối mà đôi khi chúng ta cũng suy nghĩ về cuộc đời của mình? Có rất nhiều cái sai tệ hại về những gì chúng ta nhìn thấy và nghe được trên thế giới này: khủng bố và chiến tranh, bạo loạn và đụng độ được biết đến trên truyền hình, những thành viên trong gia đình đã ra đi vĩnh viễn, bách hại tôn giáo, những quốc gia tranh chấp nội bộ gay gắt gây chia rẽ,v.v… Quá nhiều thứ nằm ngoài vòng kiểm soát. Vậy, nếu chúng ta là những người tín hữu thì trong tất cả những trường hợp này Thiên Chúa đâu rồi và tương lai của chúng ta sẽ như thế nào? Chúng ta lắc đầu và tự hỏi liệu thế giới này có thoát khỏi tình trạng “rơi xuống địa ngục trong một chiếc giỏ xách tay hay không?” Vì thế, chúng ta có thể hiểu câu hỏi mà người kia đã đặt ra cho Đức Giêsu khi ông ta cảm thấy khó chịu với thế giới và tình cảnh của địa phương rằng: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”

Nhưng có lẽ người đặt câu hỏi này đang chất vấn vì ông ta cảm thấy rằng dường như một số người “trong nhóm” đó được an toàn. Hôm nay đoạn Tin mừng được bắt đầu qua lời kể rằng Đức Giêsu giảng dạy trên đường lên Giêrusalem. Kẻ đặt câu hỏi cho Đức Giêsu dường như xem Người là vị thầy đạo đức. Bao quanh nơi Đức Giêsu sinh sống là thế giới ngoại giáo, những người Rôma, có một người sùng đạo nghĩ rằng họ và những người không phải ngoại giáo đang đi trên con đường ngay chính và được quyền vào một nơi xứng đáng trong nước Thiên Chúa. Sau cùng, họ dành thời gian cho một lịch trình bận rộn để đi nghe Đức Giêsu giảng dạy. Thêm vào đó, người đặt câu hỏi đã tỏ lòng mộ mến của mình bằng cách gọi Đức Giêsu là “Chúa.” Vì danh hiệu đó chỉ được gọi sau khi Đức Giêsu phục sinh, ở đây thánh Luca có thể đang bày tỏ mối quan tâm đến cộng đoàn Kitô hữu của ngài.

Vì thế, nghe có vẻ như một “người trong cuộc” đang hỏi xem ai là người được vào và ai là người phải ở lại ngoài cửa. Cách thức mà câu hỏi được đặt ra làm cho quý vị có ấn tượng là người hỏi như thể biết hết đường đi nước bước vậy. Đó là điều đáng sợ, vì có lần Đức Giêsu nói rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu!” (Mt 7,21).

Câu trả lời của Đức Giêsu sẽ làm cho chúng ta trở thành những “tu sĩ,” nhưng những người tín hữu trong giáo hội như chúng ta cảm thấy khó chịu với cách trả lời đó. Đức Giêsu luôn đánh giá cao người môn đệ biết động lòng trắc ẩn, nhưng câu trả lời của Người hôm nay không ám chỉ rằng Người đang nói về người môn đệ như thế. Rất có thể chính nhân vật cảm nhận về đường đi nước bước là người trong cuộc thuộc nhóm của Đức Giêsu, vì người trong cuộc mới cảm nhận được như vậy, còn người khác không thể biết được.

Quý vị cần biết rằng Đức Giêsu sẽ tức giận với người quay gót ra đi. Người có thói quen bảo những người đạo đức là đừng có vênh vang; thực ra, những người được gọi là “nhiệt thành và đạo đức” thì lại chối từ Đức Giêsu. Người chỉ trích gay gắt những vị lãnh đạo tôn giáo hay lên án người khác, những vị lãnh đạo này chính là những kẻ đã kết án Người tại Giêrusalem, nơi Người định đến và cũng là nơi Người yêu cầu chúng ta đi theo.

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” Cụm từ “cửa hẹp” là hình ảnh về lối sống và phương thế tự hiến tế của Đức Giêsu mà Người đòi buộc chúng ta noi theo. Đức Giêsu vội vã lên Giêrusalem và Người bất ngờ nói về những kẻ sẽ không được vào Nước trời. Thậm chí cả những ai nói rằng: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài”, những người có quyền tuyên bố là thuộc nhóm của Đức Giêsu cũng không được vào.

Đức Giêsu kêu gọi nhiều thành viên khác nữa đáp ứng yêu cầu khi theo Người. Đó chính là việc lựa chọn “cửa hẹp.” Vậy chúng ta có hành động theo như những gì ta tin hay không? Hành động đó được ngụ ý trong câu trả lời của Đức Giêsu là những câu hỏi được đặt ra cho chúng ta ở chỗ: “Quý vị tin là Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho quý vị, thế quý vị có tha thứ cho người khác hay không?” “Quý vị tin là Thiên Chúa phù trợ và chăm sóc cho mình, thế quý vị có giúp đỡ những người thân thiết với mình đang chờ ngoài cửa hay không?” “Quý vị tin là Thiên Chúa dưỡng nuôi mình trên bàn thánh, liệu quý vị có bắt chước Người mà cho kẻ đói ăn hay không?”

Bài đọc của chúng ta trích từ sách ngôn sứ Isaia gồm những câu gần phần cuối. Dân chúng vừa trở về từ nơi lưu đày lâu năm. Những câu văn này nói về một thị kiến đầy hy vọng việc Chúa ngự đến. Người ta có thể mong đợi cuốn sách kết thúc với những lời cảnh báo gay gắt với dân chúng là không được đi sai đường một lần nữa, vì sợ rằng họ sẽ bị trừng phạt đến một nơi lưu đày khác. Sau nhiều năm dân được Chúa chọn trải qua đau khổ, Thiên Chúa hứa sẽ đến “tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.” Thiên Chúa có kế hoạch cứu độ, không chỉ một số nào đó mà cứu độ tất cả mọi người.

Nghe bài đọc Tin mừng hôm nay, ta thấy câu hỏi được đặt ra cho Đức Giêsu là: “Những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Nhưng không phải cứ theo những lời cuối của Thiên Chúa trong sách Isaia mà trả lời. Thiên Chúa đã loan báo rằng các ngôn sứ sẽ được sai đi đến toàn thể quốc gia, vì các môn đệ của Đức Giêsu được sai đi đến toàn thể trái đất.

Vì thế, “vinh quang” này là gì mà Thiên Chúa bảo dân chúng sẽ làm chứng nhân? Họ đã trở về với một Giêrusalem bị phá hủy sau khi ở chốn lưu đày lâu năm và họ đã chịu đựng thử thách suốt thời kỳ tái thiết. Những gì không thể làm được thì Thiên Chúa đã giúp cho họ hoàn thành: Đó là Giêsusalem được tái thiết. Điều đó xảy ra như thế nào? Họ phải kết luận rằng điều đó chỉ có thể xảy ra khi Thiên Chúa trợ giúp. Họ đã nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang đó là một thực tế rất cụ thể mà ta nhìn thấy được, đó là Giêrusalem được dựng lên từ đám tro tàn. Thành phố được tái thiết sẽ là dấu chỉ về quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện trên người đại diện của họ. Đây là tin vui mà những sứ giả sẽ mang đến cho các quốc gia; tin vui đó sẽ đem toàn thể nhân loại về với Thiên Chúa của Israel.

Những sứ giả này được chọn từ những người nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa và sau đó họ được sai đi đem sứ điệp đến với những ai “chưa hề được nghe nói đến Ta, và chưa hề thấy vinh quang của Ta.” Những ai nói về Thiên Chúa cho một người thân cận, hoặc cho một ai mà chưa hề được nghe đến Thiên Chúa là những người có tầm ảnh hưởng nhất nếu họ nói về đức tin và kinh nghiệm gặp Chúa của cá nhân mình. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói trong thông điệp “Evangelii Nuntiandi” nổi tiếng của ngài rằng người ta lắng nghe nhiều về những chứng nhân hơn là thầy dạy.

Đức giáo hoàng Phaolô thật có lý khi ngài nói: những sứ giả có tài thuyết phục nhất cho niềm tin của chúng ta là những người nói về kinh nghiệm cá nhân của mình trong việc gặp Chúa, họ là những chứng nhân sống động. Có lẽ họ đau ốm và được Thiên Chúa chữa lành, hoặc Người ban cho họ sức mạnh và lòng kiên nhẫn. Đời sống hôn nhân của họ theo một lối mòn và khóa học cuối tuần về Thăng tiến hôn nhân đã giúp họ hồi sinh đời sống lứa đôi. Bởi lẽ, họ đã đánh mất thói quen sinh hoạt của mình và công việc của họ chiếm quá nhiều thời gian, nên họ đã dần chiếu cố lại những sinh hoạt trong gia đình mình. Họ đã về hưu sau một sự nghiệp lâu năm và không còn cai quản nữa và người ta đã nhờ họ dạy tiếng Anh cho người nhập cư. Họ là những người đơn thân và cô độc, và rồi họ đã gặp được một người nào đó để chia sẻ mục tiêu và đức tin của mình.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

 

Trả lời