CN 20 năm C: Hãy thắp bùng lên…

 

Hãy thắp bùng lên…

 

CN 20 năm C: Hãy thắp bùng lên…Hơn hai tuần qua, thế giới Kitô giáo không ngừng nhận được những tin tức xấu. Bản tin thứ nhất được VietCatholic gửi đi vào ngày 13/08/2013 cho biết, “Một đám đông 4.000 người Hồi Giáo cướp phá các doanh nghiệp của các tín hữu Kitô trong thị trấn Bani Ahmed, ngoại ô thủ đô Cairo của Ai Cập, và đốt cháy nhà cửa của họ. Giáo phận Chính Thống Coptic địa phương đã cho biết như trên…”

Sau đó, bản tin viết tiếp “Sáng hôm sau, một đám đông bao vây nhà thờ Chính Thống Coptic, ngăn chặn không cho các Kitô hữu vào tham dự phụng vụ thánh. Hôm 9 tháng 8, giáo chủ Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập là Đức Tawadros Đệ Nhị đã phải hủy bỏ một buổi gặp gỡ với các tín hữu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô ở thủ đô Cairo vì sợ cộng đoàn của ngài bị tấn công.Theo dự trù ban đầu Đức Tawadros Đệ Nhị sẽ trao đổi về Thánh Kinh và trả lời thắc mắc của các tín hữu trong buổi học hỏi Thánh Kinh do ngài chủ tọa.”

Bản tin thứ hai, được giật “tít” thê thảm hơn, “Ngày 14 tháng 8: Ngày kinh hoàng của các tín hữu Kitô tại Cairo – 23 nhà thờ bị người Hồi Giáo tấn công. Cuồng tín Hồi giáo tấn công 23 nhà thờ Thiên Chúa giáo ở thủ đô Cairo và khu vực lân cận vào ngày thứ Tư 14/8, một ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập cho biết, trong 23 nhà thờ bị tấn công 7 ngôi nhà thờ là thuộc Giáo Hội Công Giáo, 15 thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic và một thuộc Tin Lành. Cha Greiche nói rằng các Kitô hữu Ai Cập đang sống trong sợ hãi vì bạo lực Hồi giáo. Ngài đã chỉ trích các phương tiện truyền thông phương Tây đã lờ đi không tường trình về các cuộc tấn công nhắm vào các Kitô hữu.”

Cùng là người Ai Cập, tại sao họ lại hành động như thế? Tại sao họ lại đối xử với đồng hương của họ như vậy? Phải chăng là vì họ ghét những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô?

Nhắc đến điều này không phải để khơi thêm ngọn lửa hận thù nhưng là để thấy rằng, đúng như những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ khi xưa, “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51).

**

Vâng, một hôm, sau khi đã dùng dụ ngôn để cảnh báo các môn đệ về ngày giờ “Con Người sẽ đến”, Đức Giêsu tiếp tục cảnh báo các ông về những khó khăn, về những gian nan sẽ đến với các ông cũng như với những ai đón nhận đức tin, chân lý và sự thật.  

Những khó khăn và những gian nan đó đã được Đức Giêsu thẳng thắn loan báo rằng, “Từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

***

Hiểu thế nào về những điều Đức Giêsu đã nói? Phải chăng những lời nói đó ngược lại với những gì Đức Giêsu giảng dạy? Phải chăng, những lời nói đó tố cáo Đức Giêsu là một con người hiếu chiến? Phải chăng những lời nói đó như là một lời tuyên chiến với thế giới con người!

Xin thưa, hiểu như thế chẳng khác nào thầy bói mù xem voi, hiểu như thế là hiểu một cách lệch lạc về thông điệp mà Đức Giêsu muốn công bố.

Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã rao giảng những gì! Thưa, Ngài luôn rao giảng một thứ Tin Mừng cứu độ. Và thông điệp mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho nhân loại đó chính là thông điệp về tình yêu. Tình yêu mà Đức Giêsu nói đến, đó là một thứ tình yêu thương “người liều mạng sống vì người mình yêu”, tình yêu mà Ngài nói đến còn là một thứ tình “yêu thương kẻ thù nghịch”.

Không chỉ nói về tình yêu thương, Đức Giêsu còn nói đến lòng tha thứ. “Anh em đã nghe dạy rằng: ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em; đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38).

Và đây, chính cái chết của Đức Giêsu trên đồi Golgotha, với lời cầu nguyện rằng “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” đã chứng thực cho những lời Ngài giảng dạy.

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Đúng, Đức Giêsu đã nói như thế và nếu gọi đây là một lời tuyên chiến thì sự tuyên chiến mà Đức Giêsu đưa ra chính là tuyên chiến với Satan, với tội lỗi và với những gì thuộc về nó.

Nói tắt một lời, sự chia rẽ mà Đức Giêsu “đem tới”, không phải là để chia rẽ giữa con người với con người mà chính là để “rẽ” con người ra khỏi Satan, “rẽ” con người ra khỏi bóng tối tội lỗi, điều mà một khi con người vướng phải, họ sẽ không thể thực hiện những ước mong, ước mong ngọn lửa đức tin sẽ bùng cháy lên, nhờ đó, họ sẽ có thể, như lời tác giả thư Do Thái đã nói, “cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”(Dt 12, ..1)

****

Như vậy, giờ đây, điều mà chúng ta cần hỏi, cần biết, đó là, chúng ta đã “rẽ” ra khỏi Satan, ra khỏi “gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”? Nếu chưa, chúng ta sẽ phải làm gì?

Tạ ơn Chúa, cũng qua thư Do Thái, Thiên Chúa đã cho chúng ta một lời chỉ dẫn, một lời chỉ dẫn có thể xoay chuyển cục diện đời ta, có thể đem ta ra khỏi thung lũng âm u nghi ngờ của chết chóc. Vâng, lời chỉ dẫn rằng, “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”

Đừng chủ bại mà nghĩ rằng, thế giới hôm nay, xã hội hôm nay đầy cám dỗ và quyến rũ, đầy mưu ma chước quỷ, để thực thi những điều trên, quả là điều bất khả thi.

Vâng, chỉ là người trần mắt thịt, cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã thực thi trọn vẹn “những ước mong” mà Đức Giêsu đã nói với các môn đệ năm xưa.

Mười ba năm “tù không tội” với chín năm biệt giam chỉ thấy máu và nước mắt, ấy thế mà Ngài chưa một lần khơi dậy ngọn lửa hận thù, trái lại, qua Ngài, người ta đã thấy “ngọn lửa tình yêu”, ngọn lửa tình yêu đó đã “bùng lên” nơi con tim Nguyễn Hoàng Đức, một đảng viên CS, người đã từng là cán bộ phòng tôn giáo của bộ công an.

Qua bài viết “Con đường đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận” của anh ta, nó như là một lời chứng, chứng thực cho việc cố hồng y Thuận đã thực thi hoàn hảo tình yêu thương và lời mời gọi tha thứ mà Thầy Giêsu đã giảng dạy.

Nói cách khác, cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chính là bàn tay nối dài của Đức Giêsu để “ném lửa vào mặt đất”, không phải ngọn lửa hận thù mà là ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa đó đã “bừng lên” không chỉ nơi nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, mà còn nơi nhiều người khác nữa.

*****

Thật ra, sự chia rẽ hay sự chống đối, trong gia đình hay ngoài xã hội chỉ vì để bảo vệ đức tin, chân lý hay sự thật không có gì quan trọng vì đó là điều tất yếu phải xảy ra trong đời sống của một người môn đệ đã tin và theo Đức Giêsu.

Điều quan trọng, đó là, trong việc tranh luận để bảo vệ đức tin, chân lý hay sự thật, chúng ta có làm cho thế giới này, xã hội này, qua chúng ta, nhân loại thấy rõ dung nhan một Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” hay không!

Hãy nhớ, Kinh Thánh có chép rằng “Trong anh em cần có sự tranh luận để biết ai là kẻ đức độ”. Đức độ! Vâng, đó chính là dầu để thắp lên ngọn lửa tình yêu, một ngọn lửa, xưa kia, Chúa Giêsu đã ước mong phải chi các môn đệ của Ngài “hãy thắp bùng lên”

 

Petrus.tran  

Trả lời