CN 2 TNC: Cana, dấu ấn tình yêu

 

Cana, dấu ấn tình yêu

 

CN 2 TNC: Cana, dấu ấn tình yêuMột trong những thách đố lớn nhất suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, đó là con người vẫn luôn tự hỏi rằng, có Thiên Chúa hay không và thực sự Ngài có là Đấng quyền năng?

Sự thật là có Thiên Chúa. Người không chỉ vẫn tồn tại mà còn đã sai Con Một của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.

Hơn hai ngàn năm trước, tai Belem miền Giuđê, một Hài Nhi đã sinh ra và được đặt tên là Giêsu và qua Đức Giêsu, quyền năng của Thiên Chúa đã được biểu lộ bởi những phép lạ cũng như dấu lạ Đức Giêsu đã làm.

**

Thật vậy, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nadarét, Đức Giêsu bắt đầu ra đi loan báo tin mừng, và ngay lập tức, tiếng tăm của Ngài được: “đồn ra khắp toàn vùng lân cận” (Lc 4, 14). Người ta không chỉ đồn đãi về những bài thuyết giảng của Ngài đầy những: “lời hay ý đẹp” nhưng còn loan tin rằng, Ngài đã làm nhiều phép lạ cũng như dấu lạ, vô tiền khoáng hậu, mang đậm dấu ấn tình người.

Một trong những dấu lạ đó đã xảy ra trong một buổi tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Chuyện được kể lại rằng, trong buổi tiệc cưới đó, ngoài “Đức Giêsu và các môn đệ được mời tham dự”, người ta còn thấy “có thân mẫu Đức Giêsu” (Ga 2, 1-2). Trong khi đôi tân hôn đang ngất ngây “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”. Còn toàn thể quan khách, nhóm thì “nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui”, nhóm thì vây quanh đôi tân hôn “mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương” (*)… thì hỡi ơi! nhà đám bỗng dưng nhốn nháo…

Hóa ra là: “Họ hết rượu”. Ôi! tệ thật! Vâng, tưởng chúng ta nên biết, đối với người Do Thái, trong việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày, họ không uống trà, nước ngọt, hoặc là bia. Họ uống rượu, một loại rượu được ép từ trái nho.

Ngày thường còn như thế, huống chi hôm nay là tiệc cưới, mọi người đang hò hét “nhấc cao ly này… hãy chúc ngày mai sáng trời tự do” mà lại hết rượu thì đúng là “vô tửu bất thành lễ” rồi!!!

Không thấy nói đôi uyên ương có biết việc hết rượu không, nhưng Đức Maria biết.Và khi Đức Giêsu được thân mẫu Người báo tin “Họ hết rượu rồi”, Người đã bảo các gia nhân đổ đầy nước vào sáu chum đá, một vật dụng dùng để thanh tẩy theo thói tục người Do Thái

Cuối cùng thì buổi tiệc cũng được tiếp tục trong niềm vui với một kết thúc có hậu. Câu chuyện kể rằng, những người gia nhân đã nghe theo lời Đức Giêsu “đổ đầy nước vào chum”. Và “Khi người quản tiệc nếm thử”, kinh ngạc thay, “nước đã hóa thành rượu” (Ga 2,9)…

***

Ngày nay, có một số người thắc mắc, có đúng là Đức Giêsu làm cho “nước đã hóa thành rượu” hay Ngài sai các gia nhân lấy “cồn” bỏ vào nước rồi khuấy đều lên để thành rượu rồi phao tin đó là “dấu lạ” ?

Thưa không, bởi nếu Đức Giêsu dùng thủ thuật này, có phần chắc, vị quản tiệc đã không “gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2, 10). Hơn nữa, nếu đó là rượu được chế biến từ “cồn”, với sáu chum, tương đương với 720 lít, chắc chắn mọi người trong bữa tiệc đó, sau khi uống sẽ đứt rưột mà chết mất…

Có người khác lại thắc mắc, tại sao Đức Giêsu không làm một phép lạ nào khác, mà Ngài lại làm phép lạ nước-hóa-thành-rượu? Phải chăng, Ngài và các môn đệ của Ngài là một “con sâu rượu”? Thưa không phải vậy. Với phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng.

Còn dưới lăng kiếng thần học, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn. Việc Đức Giêsu “hóa nước thành rượu” trước là để khẳng định rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” và sau là để “bày tỏ vinh quang của Người”, và cuối cùng là để các môn đệ “tin vào Người” (Ga 2, …12)

****

Tiệc cưới của Bạn có hết rượu, hết bia giữa chừng không? Chắc hẳn là không hết bia, hết rượu mà chỉ sợ, sau tiệc cưới, hết “tiền” phải không thưa quý Bạn! Nói vui vậy thôi. Trong đời sống hôn nhân, nếu có điều đáng sợ, đó là đôi tân hôn nên sợ, chỉ ít lâu sau đám cưới, anh và em “hết tình mặn nồng” không còn muốn “Góp hết tương lai vào tiếng. Yêu thương trao em một đời” (**)

Vâng, điều này rất dễ xảy ra khi “hai nửa của nhau” không còn là “của nhau” nữa, mà tự cao tự đại cho rằng “trời phú” cho mình “khôn ngoan” hơn, “hiểu biết” hơn, “thành công” hơn “nửa còn lại”, để rồi, khi nghĩ đến nửa-còn-lại chỉ còn là những tiếng thở dài “…oán trách nhau”!

Về những điều “trời phú”, thánh Phaolô nói “chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1Cor 12, 11). Ngài nói tiếp rằng, “Là vì ích chung”.

Thật ra, trong đời sống hôn nhân, không ai mà không gặp phải những vấn đề nan giải. Thế nhưng, nếu hôn nhân của chúng ta được liên kết bởi tình yêu trong niềm tin “thật sự” vào Thiên Chúa, chắc chắn, như đôi tân hôn ở Cana, chúng ta sẽ được Đức Giêsu ban cho một thứ rượu, nhưng không phải thứ rượu được hóa từ nước lã mà từ “Máu Thánh” của Ngài. Đó chính là “Mình-Máu-Thánh-Chúa” qua Bí-tích-Thánh-Thể. Một thứ rượu-yêu-thương, rượu-tha-thứ, rượu-chia-sẻ-và-quên-mình, rượu-xây-dựng-và phục-tùng, hơn thế nữa, một thứ rượu-hy-sinh-liều-mạng-sống-mình-vì-người-mình-yêu… Được uống loại rượu như thế, có phần chắc, gia đình của chúng ta sẽ là một Cana-mới, một Cana tràn đầy “dấu ấn tình yêu”.

 Petrus.tran

 

*****

(*) Ly rượu mừng       – tác giả Phạm Đình Chương.

(**)Bài không tên số 5 – tác giả Vũ Thành An.

 

Trả lời