Cn 19a : Niềm tin phó thác.

 

 

Cn 19a : Niềm tin phó thác

 

Cn 19a : Niềm tin phó thác.Sự hoài nghi thường dẫn đến sự đổ vỡ. Sự hoài nghi dễ dẫn đến chia ly. Sự hoài nghi là bước đầu cho sự bất trung và bội phản.  Sự hoài nghi làm suy yếu niềm tin. Mà niềm tin vào Thiên Chúa phải là một niềm tin tuyệt đối. Bởi chỉ có niềm tin tuyệt đối mới dẫn đến một niềm tin phó thác vào Người.

“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. (Ga 3, 17).

Không có sự cảm nhận đó, khó có thể có được một  niềm tin phó thác nơi Đức Giêsu Kitô. Và ngược lại; muốn trở thành người môn đệ trung tín của Đức Giêsu, trước nhất và quan trọng nhất là phải có một niềm tin phó thác vào Ngài.

…………

Tin và đi theo Đức Giêsu, phải có một niềm tin phó thác. Thật vậy, suốt ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, niềm tin phó thác luôn là thông điệp Ngài gửi đến với các môn đệ. Mỗi một bài giảng hay mỗi một phép lạ chữa lành, Đức Giêsu luôn nhấn mạnh đến niềm tin phó thác.

Một ngày nọ, có lần Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng : “Hãy nhìn xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ?”. Và Ngài đã khuyến cáo rằng “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”.

Và cũng chính trong niềm tin phó thác, có biết bao bệnh nhân đã được Đức Giêsu chữa lành.

Ba năm theo Thầy Giêsu. Ba năm cùng ăn, cùng ở với Ngài. Dù đã chứng kiến biết bao điều kỳ diệu Đức Giêsu đã làm, như “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” kể cả những kẻ “bị quỷ ám”… Và dù đã thấy rõ Đức Giêsu đã “chữa người đàn bà băng huyết” nhờ vào “lòng tin phó thác” của bà ta… Thế nhưng,  các môn đệ dường như vẫn thiếu niềm tin tưởng phó thác nơi Thầy Giêsu ! Sự thiếu niềm tin phó thác nơi các ông đã bộc lộ không dưới một lần.

Lần thứ nhất đã xảy ra trong dịp các ông và Đức Giêsu cùng đồng hành trong một cuộc hải trình băng qua biển hồ Tiberia.

Chuyện được kể lại rằng : “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Các ông sợ hãi đến độ tưởng rằng Thầy và trò “chết đến nơi rồi…”. Chỉ đến khi Đức Giêsu “ngăm đe gió và truyền cho biển : Im đi. Câm đi…”. Lúc đó các ông mới cảm thấy “tẽn tò” trước lời trách cứ của Thầy mình : “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin”(Mt 8,26)…

Và hôm nay, sau biến cố Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, các môn đệ, theo lệnh truyền của Đức Giêsu, nhổ neo con thuyền, trực chỉ ra khơi để “qua bờ bên kia” Biển Hồ.

Chỉ là một cuộc hành trình như mọi cuộc hành trình khác. Có khác chăng là cuộc ra khơi lần này, không có mặt Đức Giêsu. Khi đó, “Người lên núi một mình và cầu nguyện” suốt đêm hôm đó.

Phải chăng, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện cho các môn đệ, khi biết rằng, con thuyền của các ông đang “bị sóng đánh vì ngược gió” ? Phải chăng Ngài cầu nguyện cho các môn đệ hãy có lòng tin phó thác vào Ngài ?

Không thấy nhân chứng Matthêu thuật lại chuyện này. Thay vào đó, ông ta đã thuật lại rằng : Vào khoảng canh tư. Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”.

Người đời thường nói : “Tâm ma mới gặp ma”. Tâm hướng về đâu, hồn sẽ hướng về đó. Tâm ma thì luôn nghĩ đến ma. Luôn nghĩ đến ma thì sẽ nhìn thấy ma. Luôn nhìn thấy ma thì sẽ dễ sống trong tâm trạng có ma bên mình.

Có vẻ như lời nhận định trên là đúng ! Hãy nhìn xem mười hai môn đệ của Đức Giêsu đang hiện diện trên con thuyền. Họ đã dám bỏ hết mọi sự để theo Ngài. Đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với Đức Giêsu. Hàng ngày luôn kề cận bên Đức Giêsu. Thế mà, than ôi ! Thân các ông bên Chúa nhưng tâm của các ông lại là “tâm ma” !!! Và phải chăng chính vì thế nên các ông đã không nhận ra Chúa !

Người nhân chứng Matthêu kể tiếp rằng “Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: Ma đấy !”.

Không khiển trách như lần trước. Lần này, Đức Giêsu có vẻ như thấu hiểu nỗi lòng của các ông. Nỗi lòng của những con người đang phải sống trong một xứ sở đầy dẫy những tên “ma đầu giáo chủ”. Nỗi lòng của những con người đang phải đối đầu với những tên biệt phái Phariseu luôn rình rập, chực chờ hãm hại Ngài cũng như các môn đệ của Ngài. Đức Giêsu củng cố niềm tin các ông bằng một lời nói đầy quyền uy. Ngài nói : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.

Vui mừng thay ! Tâm của Phêrô đã được định hướng lại, nên ông đã nhận ra được tiếng nói của  Đức Giêsu “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Ông đã dám bước ra khỏi thuyền. Ông đã xin  “cho ông đi trên mặt biển” để đến với Ngài.

Câu chuyện kết thúc có hậu. Không chỉ một mình thuyền trưởng Phêrô không còn sợ. Nhưng toàn thể thủy thủ đoàn cũng đã hết sợ. Nhân chứng Matthêu đã thuật lại rằng : “Khi Thầy trò đã lên thuyền… Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.

Một chút tâm tình…

Về trường hợp của Phêrô. Rõ ràng Đức Giêsu đã cho ông “đi trên mặt nước” để đến với Ngài. Thế nhưng chỉ vì “kém tin” nên ông sợ “khi thấy gió thổi tới”. Và vì “hoài nghi” vào quyền năng của Chúa nên ông đã nghĩ rằng, mình đang bị “con ma da” kéo chìm !!!

Thánh Vịnh 118, 5-6 có chép rằng “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.

Đúng vậy. Có một câu nói rằng “No Jesus – No life”. “Không Chúa Giêsu – Không có cuộc sống”. Có Chúa sẽ gặp được Chúa. Gặp Chúa sẽ biết phải làm thế nào để vượt qua những gian nan thử thách.

Chưa gặp Chúa, Phêrô “bắt đầu chìm”. Và khi Phêrô đã gặp Chúa với lời cầu khẩn “xin cứu con”. Vâng, lúc đó ông mới có thể cùng Thầy Giêsu bước “lên thuyền”.

Với phép lạ đi trên mặt nước, Đức Giêsu muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng, Ngài có quyền trên thiên nhiên. Ngài chính là Thiên Chúa của vũ trụ này. Và rằng, hãy vũng tin, đừng sợ. Vì Ngài chính là Con Thiên Chúa.

Một phút suy tư…

Trở lại câu chuyện “Đức Giêsu đi trên mặt nước”.  Vâng. Các môn đệ năm xưa, chỉ vì một “con ma” che khuất tầm nhìn, thế mà các ông đã  không thể nhìn thấy Đức Giêsu để mà đến cùng Ngài.

Với thời đại hôm nay. Chúng ta không chỉ phải đối diện với một “con ma”, nhưng là nhiều con ma rất đáng sợ. Rất nhiều bóng ma chập chờn quanh ta. Chúng luôn rình rập để xem “mặt ai méc-méc nhào ra bắt liền”.

Đó là những “con ma triết lý” đã nhào nặn biết bao học thuyết vớ vẩn, hầu tìm cách phỉ báng học thuyết Kitô giáo của chúng ta.

Đó là những “con ma bạo quyền” kết hợp với những “con ma truyền thông” ngày đêm ra rả tuyên truyền, bằng những thủ đoạn ma giáo, gian trá, hầu làm lu mờ hình ảnh “con thuyền Giáo Hội” hoặc tìm cách nhấn chìm những “Phêrô thời đại” của Giáo Hội hôm nay.

Chúng ta sẽ làm gì ? Phải chăng là run rẩy sợ hãi, là im lặng đồng lõa ? Hay hãy như tông đồ Phêrô, mà la lên rằng “Lạy Chúa ! Xin cứu Giáo Hội chúng con. Xin cứu những Phêrô thời đại của chúng con” !!!

Thật ra, điều đáng sợ hơn cả chính là “con ma lòng” của chúng ta. Nó không ở đâu xa. Nó ở ngay trong chính tâm hồn của chúng ta.

Ôi ! Con-ma-dâm-dục… Con-ma-hận-thù… Con-ma-ích-kỷ… Con-ma-phóng-đáng… Con-ma-bè-phái… Con-ma-ganh-tị. v.v..  Còn con-ma-men và ma-đề nữa chứ !

Chính những con ma này đã che khuất tầm nhìn của chúng ta. Nó đã làm cho tê liệt tâm hồn chúng ta. Làm cho chúng ta không còn nhận ra đâu là hình ảnh một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay được trích đoạn trong Tin Mừng Matthêu (14, 22-33) không ngoài mục đích khẳng định một lần nữa rằng, Đức Giêsu – Ngài quả thật là Con Thiên Chúa.

Đặt niềm tin vào Con Thiên Chúa, con-ma-bạo-quyền, dù có đầy đủ “quyền lực tử thần (cũng) sẽ không thắng nổi” Giáo Hội.

Trao phó trọn vẹn niềm tin nơi Con Thiên Chúa, cho dù chúng ta có vấp ngã bởi những con-ma-lòng. Vâng, hãy tin như thánh Phaolô đã tin, rằng, “Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, Ngài sẽ “giải thoát ta khỏi thân xác phải chết này” (Rm 7, 25).

Hãy nhớ rằng, xưa kia, tông đồ Phêrô, sau khi được Đức Giêsu “đưa tay nắm lấy ông”, thánh nhân mới có thể cùng Thầy của mình “bước lên thuyền”.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Đức Giêsu chỉ có thể giải thoát chúng ta khỏi những “con ma lòng” với điều kiện chúng ta phải có một niềm tin phó thác, phải để Ngài “chạm vào lòng chúng ta” và đừng quên có  một lời cầu khẩn chân thành “Lạy Chúa ! Xin cứu chúng con”.

Bạn đã để Chúa “chạm vào lòng” chưa ?  Nếu chưa thì chúng ta hãy cùng nhau cất tiếng ca nguyện mà xin với Chúa, rằng :

“Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.
Chạm lòng con, để con không xa Ngài.
Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.
Chạm lòng con để con say mê Ngài.

Vực con vươn lên khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng.
Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não.
Thì con sẽ hát, chúc tán ngợi khen danh Chúa.
Xin Thần Linh đến chạm vào con ngay Chúa ơi.

Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.
Chạm lòng con để con luôn tin Ngài
Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.
Chạm lòng con để con luôn yêu Ngài” (*)

Petrus.tran

………..

(*) trích “Chạm lòng con” – tác giả Nguyễn-Đình-Thôn.

 

Trả lời