CN 19 TNB: Bánh Hằng Sống : Mầu Nhiệm đức tin


Bánh Hằng Sống : Đây là Mầu Nhiệm đức tin


CN 19 TNB: Bánh Hằng Sống : Mầu Nhiệm đức tinTrẻ mãi không già và trường sinh bất lão là điều ai cũng ước mơ. Hiện nay, nhiều nhà  khoa học trên khắp thế giới đang tiến hành một loạt các công trình nghiên cứu về quy trình chống lão hóa và nâng cao tuổi thọ.

Viện sĩ Vladimir Skoulatchev của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, trưởng khoa Công nghệ Sinh học của đại học Moscow đã dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu hiện tượng lão hóa.

Ông ta đã chế tạo được một loại thuốc được cho là có thể triệt tiêu sự lão hóa của tế bào. Viện sĩ Skoulatchev hy vọng trong vòng 5 năm tới, kết quả nghiên cứu này sẽ được công bố rộng rãi trước công chúng.

Trong khi đó,  tại Viện Kỹ thuật Massachusetts ở Boston (Hoa Kỳ) một nhóm nhà khoa học do giáo sư Leonard Guarente đứng đầu, cũng đang nghiên cứu về một loại gen có khả năng kéo dài tuổi thọ của tất cả các bộ phận cơ thể.

Giáo sư Leonard Guarente hy vọng có thể ứng dụng gen này trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm. Người ta hy vọng, trong một tương lai gần, các nhà khoa học sẽ “trình làng” một loại thuốc trường sinh.  (nguồn : internet)

Phải chăng, sự tiến bộ của khoa học sẽ đáp ứng được “giấc mơ” trẻ mãi không già và trường sinh bất lão? Xin thưa, không chắc lắm, bởi vì cho tới bây giờ, hết ngày dài lại đến đêm thâu, con người vẫn phải nức nở cất tiếng thở than “đêm nay lại một đêm nữa… giấc mơ chỉ là giấc mơ”.

Vâng, từ ngàn xưa, sinh-lão-bệnh-tử là quy luật muôn đời.

Đức tin Kitô giáo cũng đã dạy rằng “vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết… như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người”. (Rm 5, 12).  Tội ấy chính là tội nguyên tổ, tội bất tuân mà Ađam-Eva đã phạm. Và án phạt chính là con người phải “trở về với bụi đất” (St 3, …19).

Thế nhưng, Thiên Chúa là “Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8). Thật vậy, Thiên Chúa đã xóa “án tử” bằng cách “sai Con của Người đến thế gian… để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Và hễ ai “tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Belem của hơn hai ngàn năm trước đó, Con Thiên Chúa “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).

“Người phàm” đó chính là Đức Giêsu.

******

Vâng, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth, Đức Giêsu bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Bất cứ nơi nào Ngài đến giảng dạy, lập tức nơi đó đông đảo dân chúng kéo đến đi theo. Họ đến từ khắp mọi miền Palestina, từ Galilê, Giuđê, Giêrusalem và cả vùng phụ cận bên kia sông Gio-đan.

Họ đến không chỉ “để nghe Người giảng dạy” mà còn để xin Đức Giêsu “chữa lành bệnh tật”.  Thật vậy, khi “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ và xin Người cho họ…được khỏi” (Mc 6, 56).

Thế nhưng, theo là vậy, nghe là vậy…  không phải ai đến với Đức Giêsu cũng đều tin và đón nhận lời giảng dạy của Ngài.  Đã có một số người, điển hình là nhóm Pharisêu, luôn rình rập tìm dịp Đức Giêsu giảng những gì họ cho là “trái khoáy” hầu để chất vấn, công kích và phản đối.

Sự kiện Đức Giêsu chữa một người đau ốm ở bên hồ nước tại Bet-da-tha là một ví dụ điển hình. Hôm đó, sau khi Đức Giêsu chữa một người bất toại ba mươi tám năm được khỏi thì giữa Ngài và những người Do Thái đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt.

Có sự ganh tỵ giữa người được chữa lành và người không được chữa lành chăng?  Xin thưa, không thấy thánh sử Gioan nói tới và đó cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến việc tranh luận.  Nguyên nhân chính, đó là người Do Thái nuốt không trôi lời Đức Giêsu đã nói rằng, “Thiên Chúa là Cha của mình” (Ga 5, 18).

Vâng, thật khó để mà công nhận một người tự nhận là “Con Thiên Chúa” mà lại cứ vi phạm luật ngày sabát. Và tất nhiên, là họ tức giận, giận đến nỗi muốn “tìm cách giết Đức Giêsu”.

Sự tức giận đó âm ỉ như một lò thuốc nổ, để rồi ít lâu sau đó, tại Caphacnaum, sự tức giận đó nổ bùng lên,  khi họ, một lần nữa, lại phải nghe những lời mà họ cho rằng rất vô lý từ Đức Giêsu.  

Hôm đó, Đức Giêsu tuyên bố rằng “Tôi là bánh từ trời xuống”. Chẳng những thế, Ngài còn khẳng định rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.” (Ga 6, 51).

Một phút tâm tình và suy tư…

Khi nghe Đức Giêsu tuyên bố như thế, người Do Thái đã xầm xì với nhau rằng: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?.. Cha mẹ ông ta , chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 41-42). 

Ngày xưa, khi còn trong sa mạc, chỉ vì đói, chỉ vì khát mà cha ông họ  đã “xầm xì” trước mặt ông Môsê  “Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống… Chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16, …3) thôi thì cũng đành!

Còn hôm nay…  Ôi! Tệ thật… Đức Giêsu hứa sẽ cho họ ăn…  ăn một thứ bánh “từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết” thế mà họ lại “xầm xì phản đối”!!!

Kinh Thánh chép rằng, Thiên Chúa “chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi” (Tv 103, 9).

Vâng,  hôm nay, tại Caphacnaum, dù cho họ có xầm xì không tin, Đức Giêsu vẫn không tỏ lời trách cứ,  Ngài vẫn nói lên những lời nói tràn đầy tình yêu thương: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

*****

Đáng buồn thay! Hôm nay, vẫn còn không ít người mang danh là “Christian” nhưng lại “xầm xì” không tin lời  Jesus Christ đã tuyên phán được nêu ở trên!

Và còn buồn hơn nữa, buồn thật buồn… khi hôm nay, thế gian lại muốn dùng một thứ “thịt” khác để mưu cầu sống mãi. Họ đã không ngần ngại ăn “thịt thai nhi” nhất là những “thai nhi con so” để cải lão hoàn đồng, để trường sinh bất lão…

Không cần nói nhưng ai trong chúng ta cũng có thể hiểu rằng “thịt thai nhi” là một thứ ô uế hơn tất cả mọi thứ ô uế.

Là một Kitô hữu, “mọi thứ ô uế” – tông đồ Phaolô nói  “dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh” và thánh nhân tiếp lời rằng “không một kẻ ô uế – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa” (1Cor 5, ..5)

Một lần nữa, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu tuyên phán, “Tôi là BÁNH HẰNG SỐNG từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Giáo Hội Công Giáo luôn trung thành với niềm tin này. Trong thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội, qua vị linh mục, vẫn luôn cất tiếng loan báo cho mọi người biết rằng: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Bạn…  bạn có tin không?

Vâng, đừng quên, Đức Giêsu khẳng định “Thật, tôi bảo thật, ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6, 47)

Petrus.tran

 

 

Trả lời