Cn 18B (02.08) Ta Là Bánh Trường Sinh

 

TA LÀ BÁNH TRƯỜNG SINH…

 

Cn 18B (02.08) Ta Là Bánh Trường SinhSau biến cố Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn no nê; và đứng trước sự cuồng nhiệt của đám đông dân chúng chỉ muốn : “bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6 :15). Khi hoàng hôn buông xuống mà vẫn không thấy bóng dáng Đức Giêsu ; các môn đệ lục đục kéo nhau ra “bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phac-na-um” (Ga 6 :16-17).

Ca-phac-na-um là một thành phố trên bờ Tây-Bắc biển hồ Ga-li-lê. Một thành phố sầm uất, nhộn nhịp nối liền Damas và Ai cập. Dân cư làm nghề đánh cá và buôn bán. Ngoài Caphanaum còn có thị trấn Hippos, Sennabris, Tarichée, Tibêria, Magdala, Bếtsaiđa đều nằm thành một vành đai nhìn ra biển hồ.

Sau một thời gian với ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth và sau khi “đến sông Gio-dan gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình” (Mt 3 :13) Đức Giêsu – Ngài : ” bỏ Nazareth đến ở Ca-phac-na-um một thành ven Biển Hồ Galilê…và bắt đầu rao giảng (về) Nước Trời ” (Mt 4 :12..17). Kể từ khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ ; Ca-phac-na-um giờ đây không chỉ được gọi là thành phố của giao thương mà còn được mang tên “thành phố của huyền diệu”. Huyền diệu không chỉ bởi những phép lạ do Đức Giêsu đã ”chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 4 :23) nhưng còn bởi quyền năng trừ quỷ (Mc 1 :21) và hơn cả thế nữa đó chính là  những tác động về lời : “ rao giảng Tin Mừng Nước Trời ”(Mt 4 :23)  mà Ngài đã loan  truyền  trong cuộc hành trình truyền giáo. Chính những lời rao giảng đó đã khiến “ mọi người đều kinh ngạc (về một) Giáo Lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền ” (Mc 1 :27). Ca-phac-na-um – có thể nói tắt một lời – chính là “trung-tâm mục-vụ”  cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Thánh sử Matthew cũng đã hơn một lần trìu mến gọi đây là : ”Thành của Người” (Mt 9 :1).

Hôm nay, đoạn đường từ bờ Biển Hồ đến thành phố Ca-phac-na-um lại “dậy sóng”. Không chỉ dậy sóng vì “biển động và gió thổi mạnh” (Ga 6:18) mà còn dậy sóng bởi một làn sóng người ồ ạt : “xuống thuyền đi Caphacnaum tìm Đức Giêsu” (Ga 6:24).

“Tìm-Đức-Giêsu” – Đây không phải là lần đầu tiên họ đi tìm Ngài. Rất nhiều lần với nhiều lý do đã thôi thúc họ “ lũ lượt kéo đến đi theo Ngài ” (Mt 4 :25). Nhưng tệ thật ! hôm nay họ ‘’Tìm Ngài’’ với một lý do hết sức duy vật. Vâng, họ tìm Đức Giêsu ‘’không phải vì đã (được) thấy dấu lạ (mà)…vì đã được ăn bánh no nê’’ ; một thứ bánh mà Đức Giêsu đã gọi là thứ ‘’lương thực mau hư mất’’.

Không để cho họ có những suy nghĩ lệch lạc như thế ; Đức Giêsu thẳng thừng sửa chữa tư tưởng duy vật đó bằng lời tuyên bố rằng :’’Hãy ra công làm việc…để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh’’. Với tâm tình của một mục tử nhân lành ; Ngài nói tiếp với họ rằng :’’Con Người sẽ ban cho các ông’’ (Ga 6 :27).

một chút tâm tình.

Không nản lòng trước sự cứng lòng tin của dân Do-Thái khi họ vẫn một mực yêu cầu một ‘’dấu lạ… cho (họ) thấy để tin (lời) Ngài’’ – Đức Giêsu long trọng tuyên bố :’’ Chính tôi là bánh trường sinh’’. Lời tuyên bố này không chỉ đã được ‘’ghi dấu xác nhận (bởi) Thiên Chúa Cha’’ (Ga 6 :..27). Một ‘’Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’’ (Ga 3 :16). Vâng, nó còn được đóng ấn bởi những cây đinh đóng vào tay chân và mũi đòng đâm vào cạnh sườn Ngài trên đồi máu Canvê…

một phút suy tư.

Buồn thay ! có vẻ như hôm nay vẫn không thiếu những người cứng lòng tin như  người Do-Thái xưa kia ! Họ không thích loại ‘’bánh-bởi-trời’’ do chính Thiên Chúa ban tặng cho, dẫu rằng đó là loại ‘’bánh-có-đủ-mùi-vị-thơm-ngon’’… Trái lại họ ưa chuộng loại bánh có sặc mùi-vị-duy-vật-vô-thần. Họ thích nhai ngấu nghiến những chiếc hamburger kẹp đầy dục vọng. Họ nghiện nặng những loại bánh được nhồi bởi những loại bột dâm ô, bột phản trắc, bột bất trung, bột tham vọng, bột bất công và bạo lực ; chúng  được nướng trên những lò lửa chia rẽ và hận thù !!!

‘’Chính tôi là bánh trường sinh… ai đến… (và) ai tin’’ (Ga 6 :35). Hôm nay lời mời gọi tràn đầy tình yêu của Ngài Giêsu vẫn còn đó. Nó không chỉ dành cho Caphacnaum, cho Nazareth, cho Tiberia, cho Betsaida… mà còn cho cả Huế-Saigon-Hànội, cho Việt-Nam, cho Hoa-Kỳ, cho Paris, cho London, cho Bắc Kinh, nói chung là cho toàn thế giới…

‘’Ai đến với tôi … Ai tin vào tôi’’…

‘’AI’’ đấy ! phải chăng là có tôi ? ‘’AI’’ đây ! phải chăng là có cả quý bạn ? Chúng ta sẽ ‘’đến và tin’’ chứ !!! Vâng, nếu chúng ta đến và tin thì hãy cùng nhau cất tiếng nguyện xin với Đức Giêsu rằng :’’Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy’’.(Ga 6 : 34). Amen.

Petrus.tran

Trả lời