CN 17 TNB: Hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất


Hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất

2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15

Lm. Jude Siciliano, OP.

Học viện Đaminh chuyển ngữ

Kính thưa quý vị,

CN 17 TNB: Hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhấtQuý vị có để ý bao nhiêu lần những từ như “hiệp nhất” và “nên một” được nhắc đến trong bài đọc trích thư Êphêxô hôm nay và tuần trước hay không? Quý vị có thấy nghi ngờ điều gì đó đang xảy ra tại cộng đoàn Êphêxô cho nên từ này mới được nhấn mạnh thế không? Ngoài ra, cũng đừng quên những từ như “kêu gọi / được kêu gọi”, vì những từ như “hiệp nhất”, “nên một” và “kêu gọi” dẫn chúng ta đi vào trọng tâm của lá thư này.

Thư Êphêxô không được gửi cho cộng đoàn do thánh Phaolô thành lập và đây cũng là bản tóm tắt những giáo huấn của ngài. (Người ta cho rằng lá thư này được viết sau khi thánh Phaolô đã từ trần, có thể do một trong các môn sinh của ngài viết). Cộng đoàn Êphêxô bị tan rã vì giáo lý sai lạc (4,13-16) và lá thư này kêu gọi họ trở lại với những điều căn bản trong đức tin của mình; sự kết hợp với Đức Kitô và với nhau qua Phép Rửa – lá thư này tập trung vào Đức Kitô và Hội thánh.

Phần đầu của thư Êphêxô (chương 1-3) là phần giáo lý. Phần thứ hai (chướng 4-6) trình bày những kết quả của những gì chúng ta nghe ở phần thứ nhất. Dựa trên những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Kitô, chúng ta nay cũng được thúc đẩy nên một. Tóm lại, vì chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, “Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.,” nên chúng ta cũng sống tinh thần hiệp nhất. Nhưng hãy nhớ, ân sủng của sự hiệp nhất đến trước, rồi nhờ kết quả của ân sủng này, chúng ta có thể duy trì và xây dựng trên sự hiệp nhất qua việc “lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà…”

Trong phần thứ nhất, tác giả cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa là muốn quy tụ tất cả mọi sự trong Đức Kitô (1,10) và hòa giải dân Dothái với dân ngoại. Nối kết các nhóm khác biệt này quả là điều vô cùng khó khăn, vì những ác cảm xã hội và tôn giáo đã quá lâu dài và sâu sắc. Tuy nhiên, tác giả cho rằng kết hợp không phải là sự đồng nhất. Liệu có một đức tin đồng nhất trên toàn thế giới này không? Những ân sủng khác nhau và độc nhất của chúng ta khiến chúng ta trở nên phong phú hơn và có thể vươn ra thế giới phong nhiêu này tốt hơn bằng nhiều cách thế khác nhau.

Những khác biệt dẫn đến xung đột, những ý kiến kịch liệt, ngờ vực, ghen tuông và thoái lui, va chạm giữa các phe phái… Theo như thư Êphêxô, ân sủng của Thiên Chúa đã tạo nên tất cả những khác biệt ấy, vì ân sủng này quy tụ chúng ta và giúp chúng ta thực hiện công trình tốt đẹp mà cuộc sống trong Đức Giêsu mời gọi chúng ta (2,10). Chúng ta chia sẻ cùng một niềm hy vọng và vì thế những ai được Thiên Chúa kêu gọi sẽ sống theo niềm hy vọng đó cũng như làm tất cả những gì cần thiết để duy trì “một thân thể và một Thần Khí”.

Liệu hiện nay, có giáo xứ, cộng đoàn hay giáo phận nào mà không có nguy cơ bị chia rẽ hay không? Thay đổi người lãnh đạo gây nên mối bất đồng chia rẽ ngay trong hàng ngũ. Một bản dịch mới của bộ lễ vừa được phổ biến và gây nên sự bực bội, tức tối cả phía giáo dân lẫn những người trên bàn thánh. Những người Kitô hữu chúng ta phải ngả theo phía nào trong cuộc chạy đua dành chức tổng thống Mỹ? Tại sao những người trẻ không đón nhận đức tin và truyền thống mà “thế hệ chúng ta” nâng niu? Chúng ta có nên trưng bày Mình Thánh Chúa 24/24? Chúng ta có nên cho người đứng ngoài nhà thờ sau mỗi Thánh Lễ để xin chữ ký cho những nguyên nhân này khác?…

Chúng ta không mong có được câu trả lời cụ thể từ những đoạn kinh thánh cho những vấn đề trên và những vấn nạn khác làm căng thẳng tấm vải hiệp nhất của chúng ta, đúng không? Nhưng, tinh thần của họ tăng sức và hướng dẫn chúng ta. Trong mỗi thế hệ, Giáo hội của chúng ta xảy ra những rạn nứt và cũng đã phấn đấu để gắn kết lại với nhau. Tác giả thư Êphêxô viện dẫn công trình mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta trong Đức Kitô. Chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và ban ơn để sống ơn gọi đó. Nhắc cho chúng ta về ân sủng đó, thư gửi tín hữu Êphêxô nay thúc đẩy chúng ta sống cuộc đời mình sao cho có thể duy trì được sự hiệp nhất mà đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô gắn kết chúng ta.

Chúng ta như chiếc tàu trong cơn bão tố. Mọi người đang chạy lên chạy xuống nháo nhào. Một số người bên dưới không biết sự gì đang xảy ra ở phía trên, lập tức la lên: “sao không đoàn kết lại?” Có người trên boong, nhìn thấy mọi sự rõ hơn, liếc quanh và trả lời rằng: “dĩ nhiên là được, với điều kiện có Chúa giúp.” Chúng ta nhìn quanh thấy gió lớn và sóng dữ xô dạt Giáo hội của chúng ta. Một số người lo lắng, “sao không đoàn kết lại?” Dùng lăng kính của thư Êphêxô, chúng ta trả lời “Được chứ, với ơn Chúa giúp.”

Chúng ta rút tỉa được gì từ thư Êphêxô? Chúng ta biết rằng có nhiều điều bất đồng giữa người này và người kia, nhóm này và nhóm nọ. Nhưng chúng ta hãy mặc lấy sự ôn hòa trong ngôn từ của mình, và bỏ đi những gươm giáo của việc kết án, những thái độ cá nhân hay việc dán nhãn – “Kitô hữu chính danh” hay “Kitô hữu giả hình”. Lá thư này kêu gọi chúng ta hãy kiên nhẫn và sẵn lòng lắng nghe người khác bằng tình thương hơn là sự hẹp hòi. Thư Êphêxô cho thấy rõ rằng, tất cả những sự đa dạng của chúng ta đều được dựng nên bởi một Thiên Chúa duy nhất, “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.”

Có một bé trai trong bài Tin mừng hôm nay sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho những người đang đói – Thánh Gioan không hề nói rằng chú bé đã bán bánh và cá cho các môn đệ. Một số nhà chú giải có lối nhìn khác về bài Tin mừng không như chúng ta thường nghe. Dù có khác, nhưng thử nghe xem thế nào. Họ cho rằng phép lạ thực sự của việc hóa bánh và cá ra nhiều là do Đức Giêsu tác động lên đám đông và khích lệ họ, giống như chú bé, để họ chia sẻ những gì mình đem theo cho người khác. Kết quả là dư dùng cho tất cả những người có mặt ở đó.

Thật khó lòng biết được điều gì đã thực sự xáy ra, nhưng chẳng phải ít ra quý vị cũng thấy lối chú giải đó hấp dẫn đó sao? Người có chia sẻ cho người không có. Cách hành động như thế là trọng tâm trong giáo huấn của Đức Giêsu. Chúng ta phải thay đổi điều gì để ít là người khác cũng có một chút? Đất nước chúng ta phải thay đổi những gì – trong sự tiêu thụ cách mất cân đối nguồn tài nguyên thế giới – để rồi những gì tốt đẹp và nguồn tài nguyên có thể được chia sẻ đồng đều?

Khó có thể tưởng tượng ra cảnh một đám đông như thế không nói gì và trao đổi thức ăn khi ăn. Chẳng phải đó là điều chúng ta làm khi đi picnic đó sao? “Này thử ăn món cá xem, ngon lắm đấy. Còn bánh thì sao?” Họ còn có thể chia sẻ gì nữa: chuyện gia đình, những cảm nhận khác nhau về Đức Kitô, những ốm đau bệnh tật hiện nay, những người bạn chung, truyện vui về con trẻ, lo lắng về đất nước của họ,…?

Giống như một giáo hội đang tụ họp, đúng không? Chúng ta gặp nhau trước và sau Thánh Lễ, nắm bắt tin tức, tự giới thiệu mình với những người mới tới, gặp gỡ bạn bè, trao đổi về những chuyện xảy ra trong nước và thế giới, về thiên tai, về những người thân đau bệnh,… tất cả là vì Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta họp lại với nhau. Chúng ta khác nhau, nhưng Người mời gọi tất cả chúng ta thành trong một cộng đoàn. Ở đây, chúng ta lắng nghe cùng một câu truyện gia đình trong Sách Thánh cũng như chia sẻ cùng một bữa ăn gia đình – cùng một bữa ăn như nhau cho mỗi người, không kể chúng ta là ai và từ đâu đến – và lúc nào cũng còn dư.




Trả lời