Cn 16 a : Chúng ta có niềm hy vọng

 

Chúng ta có niềm hy vọng
Mt 13: 24-30

Lm. Siciliano, OP.
Anh Em Học Viện Đaminh chuyển ngữ.

Cn 16 a : Chúng ta có niềm hy vọngThưa quý vị,

Khi đi du lịch tôi phải cẩn thận. Tôi không chỉ nói về việc lái xe cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng lịch bay, mang theo những thứ thuốc cần thiết cho một chuyến đi dài ngày… Tôi sẽ nói về các môn thể thao. Tôi thường có mặt tại các thành phố lớn của Mỹ như: Huston, New York, San Fransico, Philadelphia, Atlantic… Mỗi thành phố có các đội thể thao riêng của mình, và tôi phải cẩn thận nhớ tên các đội ấy, kẻo lỡ ra tôi lại quá vui sướng reo hò cho đội nhà trong khi đang trong địa hạt của đội đối phương.

Có một vài điều mà hầu hết chúng ta có chung với nhau khi xem các sự kiện thể thao, dù đó là giải theo mùa hay giải vô địch cuối mùa. Khi chúng ta đến nhập cuộc với những người đang xem thể thao và muốn nắm bắt tình hình thì thường chúng ta hỏi: “Ai đang thắng?” Nếu là đội của mình, chúng ta sẽ ngồi lại và vui vẻ theo dõi. Nếu đội của mình đang thua, hay đang gay go, chúng ta ngồi ra cuối hàng ghế và cảm thấy bực bội, chán nản. Và chúng ta hy vọng. Như có câu rằng: “Hy vọng làm nảy sinh những điều ra như không thể”.

Chúng ta làm được gì nếu không có niềm hy vọng? Khi có nhu cầu, niềm hy vọng lay động chúng ta để thực hiện điều đó tốt đẹp hơn. Những cặp vợ chồng có niềm hy vọng khi họ cùng nhau đến gặp nhà tư vấn hôn nhân gia đình để giải quyết mâu thuẫn, để vượt qua những khác biệt dường như không thể hàn gắn được. Thiếu niên có niềm hy vọng khi chúng ở lại sân bóng rổ sau khi cả đội đã ra về, để tập đi tập lại những cú đứng ném bóng tại chỗ. Những người đang giảm cân có hy vọng khi quyết tâm ăn kiêng hơn nữa và đi bộ 20 phút mỗi ngày. Cha mẹ nhìn thấy những băn khoăn trăn trở của con trẻ và lo lắng cho tương lai của chúng – và hy vọng. Niềm hy vọng giúp cho người ta kiên trì chịu đựng những tác dụng phụ của việc hóa trị.

Có những thứ trong cuộc sống của chúng ta và trên thề giới không đúng. Chính niềm hy vọng giúp chúng ta vượt lên trên những éo le đó, bỏ qua những phản đối, xắn tay áo và cố hết sức để sửa chữa những gì sai trái.Chắc chắn Kitô hữu không được phép tự mãn, chúng ta phải cố gắng để làm mọi sự tốt hơn cho chính chúng ta và cho tha nhân nữa. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm và nên sửa chữa. Chúng ta có niềm hy vọng.

Nhưng đôi khi, dù chúng ta đã cố hết sức nhưng cũng chẳng thay đổi được gì – và không thể thay đổi ngay tức khắc. Chúng ta đang sống trong một thế giới bất toàn và không phải lúc nào cũng làm được gì đó cho thế giới. Dụ ngôn này đã nói nên điều đó.

Chúng ta giống như người nông dân đã cố công gieo những hạt mầm tốt trong cánh đồng của cuộc đời mình. Chúng ta làm việc vất vả để nuôi một dưỡng gia đình tốt đẹp; tạo nên những tương quan tốt; giúp đỡ những người chúng ta yêu mến chiến đấu với bệnh tật; đấu tranh để có nền giáo dục tốt hơn, chế độ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hòa bình và môi trường sinh thái tốt hơn… Và nếu như thế giới này công bằng, những việc tốt chúng ta đã làm ắt phải sinh ra những kết quả tốt. Nhưng đôi khi, thậm chí nhiều khi, việc tốt chúng ta làm lại mang về những chán chường thất vọng.

Ở Trung Đông, có một loại hạt giống có tên cỏ lùng mà thoạt nhìn quý vị không thể phân biệt nó với cây lúa – cho đến khi cả hai đã trưởng thành. Rễ của cỏ lùng đan với rễ lúa. Nếu như nhổ cây cỏ lùng thì quý vị cũng nhổ luôn cây lúa lên. Giống như dụ ngôn mô tả. Kẻ xấu bị tiêu diệt, và lúa cũng bị tiêu diệt luôn một thể.

Ông chủ trong dụ ngôn đã nói đúng. Ông nói với người đầy tớ đang muốn nhổ ngay đám cỏ lùng lên để làm một việc “đúng”, “hãy để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt…” Thật nản lòng làm sao! Nhìn thấy cỏ mọc lên mà quý vị chẳng thể làm được gì với nó! Quý vị phải để mặc một vài sự việc trong một thời gian, dẫu cho quý vị có biết điều đúng, điều ích lợi có thể làm được. Đó là một thế giới bất toàn và chúng ta không thể làm bất cứ điều gì. Đó là cỏ lùng, những điều khó chịu.

Cỏ lùng là một hình ảnh hay để nói về sự dữ trong thế giới của chúng ta. Chúng lì lợm và khó loại trừ. Như cỏ lùng, sự dữ có vẻ như có cuộc sống riêng của nó. Dụ ngôn gợi lên một câu hỏi mà chúng ta thường hay thắc mắc khi chúng ta nỗ lực làm điều tốt lại gặp chống đối và kháng cự. Sự dữ ở đâu mà ra?

Quý vị có thể nghĩ rằng Kinh Thánh sẽ có câu trả lời cho một vấn nạn quan trọng như thế! Chúng ta cũng có thể có câu trả lời riêng, nhưng Kinh Thánh dường như im lặng về vấn đề này. Câu trả lời của Kinh Thánh là: “Kẻ thù đã làm điều đó”. Đó không phải là câu trả lời thỏa mãn cho vấn đề cấp thiết như thế. Một điều Kinh Thánh nói cho ta biết là: đừng đổ lỗi cho Thiên Chúa về những sự xấu xảy đến với chúng ta. Đừng nói: “Chúa thử thách tôi”. Hoặc “Tôi bị trừng phạt vì những gì tôi đã làm”. Đó không phải là những gì Kinh Thánh nói. “Kẻ thù đã làm điều đó”.

Ông chủ gieo giống tốt trong vườn của mình và ông không dửng dưng với những gì xảy ra. Cuối cùng, đó chính là vườn của ông. Điều đó giúp nhiều người hy vọng và được khích lệ vì biết rằng Thiên Chúa không hành động chống lại họ hay thử thách họ; chính Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta; chính Thiên Chúa nhiều lúc khiến cho sự việc ra tốt đẹp. Câu chuyện đã minh định điều này: sẽ có một mùa gặt và cái tốt sinh hoa trái. Chúng ta không thể chứng minh điều này với những kẻ hoài nghi – nhưng đó là điều chúng ta tin tưởng.

Trong khi đó, dụ ngôn cũng cho chúng ta một lời cảnh báo. Khi chúng ta liên đới với sự dữ, hoặc những gì mà quý vị nghĩ đó là sự dữ, đừng quá hăng hái để cố tránh né nó – sợ rằng quý vị sẽ làm điều có hại hơn là có lợi. Quý vị có thể nhổ luôn cả lúa lên đấy. Lịch sử còn đầy rẫy những tấm gương về việc quá nhiệt thành. Hãy nghĩ về tất cả các cuộc chiến tranh, Thập tự chinh và các vụ đốt sách để xua đuổi sự dữ. Phù thủy bị các tu sỹ thiêu ở Salem. Biết bao kẻ vô tội đã chịu khổ và chết dưới bàn tay của những kẻ cho rằng mình làm việc tốt nhân danh tôn giáo – cho đến ngày nay? Dụ ngôn cho hay rằng chúng ta không thể chắc chắn đâu là điều tốt để làm. Đừng vội vã như thế khi giải quyết các vấn đề.

Đây không phải tranh luận chống lại việc đổ lỗi cho những gì ma quỷ đã gây ra cho thế giới. Nhưng đây là một cảnh báo. Câu cuối cùng là chúng ta không chịu trách nhiệm; đó không phải cánh đồng của chúng ta. Ông chủ đã đầu tư rất nhiều vào cánh đồng này và sẽ có tính toán. Sau hết, chẳng phải tất cả chúng ta là những kẻ đón nhận sự nhẫn nại và tin tưởng của ông chủ đó sao? Chẳng phải chúng ta sẽ vui mừng vì mình còn thời gian để sửa chữa nhiều thứ trong cuộc đời mình đó sao? Chẳng phải chúng ta có phúc vì được ông chủ tin tưởng khi chúng ta không chắc sự thể sẽ kết thúc ra sao?

Chúng ta có thấy được ân huệ mà câu chuyện này đem lại không? Nó cho chúng ta biết rằng ngay cả bây giờ, khi cuộc sống của chúng ta còn lâu mới hoàn hảo, rằng chúng ta được cho một khoảng thời gian. Dụ ngôn cũng đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa không phải không thích thú gì với những việc tốt chúng ta làm: khi chúng ta gặp bế tắc hay khi những cố gắng ra như chẳng mang lại thay đổi nào; hay thậm chí khi chúng ta gặp thất bại.

Thiên Chúa không phải không quan tâm gì , nhưng Ngài đầu tư rất nặng tay cho thế giới này và luôn bên cạnh những cố gắng của chúng ta. Thiên Chúa nghiêm túc và liên đới như thế nào khi thắng vượt sự dữ? Mỗi lần nhìn lên thập giá sẽ cho chúng ta thấy sự dữ có vẻ chiến thắng sự thiện ra sao, nhưng cuối cùng, chính thập giá cho chúng ta biết tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và sự thiện hảo của Thiên Chúa sẽ mang lại một mùa gặt bội thu.

Ai đang thắng ? Sự thiện hay sự dữ ? Ngay lúc này thật khó mà nói. Nhưng rồi, khi chúng ta chờ đến mùa gặt, chúng ta sẽ vẫn luôn cố gắng làm điều tốt với niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa gieo những hạt giống đủ tốt trong cánh đồng thế giới để có một mùa bội thu. Chúng ta sống trong hy vọng.

 

Trả lời