Cn 14 B : Tình Yêu…. sao nỡ chối từ !!!


Chúa nhật XIV năm B

Tình Yêu…. sao nỡ chối từ !!!

petrus.tran

Cn 14 B : Tình Yêu.... sao nỡ chối từ !!!Sau những ngày tháng đi lại hết sức gian truân trên Biển Hồ Galilê; “Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người” (Mc 6 : 1).

Phải chăng sau nhiều ngày “dong-duỗi-đường-gió-bụi”  rao giảng Tin Mừng, giờ đây Đức Giêsu “trở về mái nhà xưa”  để nghỉ ngơi thư giãn !! Hay có phải Ngài về quê quán để khoe khoang những điều kỳ diệu là những phép lạ và quyền năng mà Ngài đã thực hiện trước đó ít hôm !!! Chẳng hạn như Ngài đã dẹp-tan-sóng-gió-trên-biển trong chuyến hải trình với nhóm mười hai vài hôm trước. Rồi quyền năng trừ quỷ của Ngài đã cứu “một người bị quỷ ám ở Ghêrasa” . Ngài cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước lòng tin của “một bà bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác” (Mc 5 : 25-27). Vâng, trước lòng tin mãnh liệt chỉ cần “sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu “ của bà ta  – Đức Giêsu đã chữa cho bà “khỏi hẳn bệnh” (Mc 5 : …34). Thêm một sự kiện hết sức bi thương đó là “có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia … con gái ông chết”, và trước sự “khẩn khoản nài xin” của ông ta – Đức Giêsu đã đến nhà ông và chỉ một lời nói : “Ta-li-tha-kum.. Thầy truyền cho con trỗi dậy. Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được” (Mc 5 : 42)…

Thưa không ! Đức Giêsu trở về quê quán không phải là để nghỉ ngơi dưỡng sức hay là để “tổng-kết-thành-tích”của mình trước thân bằng quyến thuộc, bà con hàng xóm. Ngài trở về với một mục đích rõ rệt, đó là loan báo Tin Mừng Cứu Độ.

Sau khi “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày trong hoang địa” (Mt 4 : 1), rồi được “quyền năng Thần Khí thúc đẩy”  – Đức Giêsu “hạ sơn”; nhưng vì  “nghe tin ông Gioan đã bị nộp. Người lánh qua miền Galilê.. .bỏ Nazareth , đến ở Caphanaum” (Mt 4 : 12). Tại nơi đây “tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy và được mọi người tôn vinh” (Lc 4 : 15).

Thế nhưng Người vẫn không quên quê quán của mình. Vì thế cho nên, hôm nay  Đức Giêsu trở về Nazareth “là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường… và đứng lên đọc Sách Thánh” . Một việc mà “Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát” (Lc 4 : 16). Sau khi đọc xong một đoạn trong sách ngôn sứ Isai-a; Người bắt đầu giảng dạy ; “nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên” (Mc). Không những họ “tán thành” mà còn “thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.(Lc 4 : 22).

Than ôi ! khi nhìn “bản sơ yếu lý lịch” của Đức Giêsu “chỉ-là-con-bác-thợ” nhiều người thắc mắc tự hỏi : ông ta chỉ là “bác thợ mộc” vậy mà chẳng hiểu vì sao “ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ?”. “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ… Họ kéo Người lên đỉnh núi, để xô Người xuống vực”.(Mc 4 : 12). Thánh sử Matthew kết thúc sự cố này bằng một câu ngắn ngủi nhưng đầy bi ai : “Họ vấp ngã vì Người” (Mt 13 : 57).

một chút tâm tình…

“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Sau khi đọc xong đoạn Kinh Thánh được trích trong sách ngôn sứ Isai-a; Đức Giêsu – với ánh mắt đầy trìu mến nhìn khắp mọi người trong hội đường –  Ngài ân cần nói : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Mc 4 : 21).

Có thể nói đây là lời mở đề cho một “bản-tình-ca-cứu-độ”. Bản tình ca mà sau này Đức Giêsu – trên khắp nẻo đường rao giảng Tin Mừng – vẫn luôn cất cao giọng hát : “Hãy đến cùng Ta. Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng”.(Mt). Một điệp khúc Ngài vẫn luôn “replay” khiến ai nghe cũng phải nhức nhối trong tâm hồn : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gn 3 : 16). Có xúc động không kia chứ !!! Đức Giêsu đã dùng chính cái chết của Ngài như một nốt “Đồ”  để kết thúc bản tình ca với lời lẽ thiết tha : “Mọi sự đã hoàn tất”…

một phút suy tư…

Buồn thay, có vẻ như hôm nay có một số người muốn sửa lời bản tình ca này !!! Bản tình ca mà Đức Giêsu đã phải dùng chính giá máu của Ngài để phổ lên một tuyệt tác – tuyệt tác của tình yêu.

Thay vì là những lời ca; ca ngợi tình yêu thương, lòng tha thứ và bao dung, tính hiền hòa và khiêm nhường, lòng bác ái và nhân hậu.

Tệ thật, dường như “họ” muốn sửa bản tình ca này bằng những lời lẽ dung tục, những lời lẽ kích động hận thù, những lời cổ xúy cho lối sống thác loạn dâm ô, bằng những lời tôn vinh văn hóa sự chết, bằng những lời phỉ báng “thượng-đế-đã-chết-rồi…”

Hai mươi thế kỷ trôi qua – Đức Giêsu Kitô – qua Hội thánh – vẫn tiếp tục cất tiếng ca “Bản-tình-ca-cứu- độ” đến khắp muôn dân; đến tận cùng trái đất.

Hơn hai ngàn năm trôi qua – Đức Giêsu – vẫn hiện diện trên Con-Thuyền-Giáo-Hội – vẫn tiếp tục chuyển tải đến chúng ta về một hình ảnh “Thiên Chúa là tình yêu”.  Chỉ vì tình yêu; nên : “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người, mà được cứu độ”.(Gn 3 : 17).

Hôm nay, từ “ngôi nhà tạm thân thương” – Đức Giêsu vẫn lên-danh-sách từng ngôi làng; “ngôi-làng-tâm-hồn” của mỗi chúng ta. Ngài sẽ “đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng (Ngài) và mở cửa, thì (Ngài) sẽ vào nhà người ấy.” (Kh 3 : 20).

Không, Đức Giêsu – Ngài không “xồng xộc” vào nhà vì theo phép lịch sự… Ngài đứng ngoài… chờ và gõ.. gõ…

Nếu chúng ta “nghe và mở”. Vâng, Đức Giêsu “sẽ vào nhà và sẽ dùng bữa” với chúng ta. Và hơn thế nữa; Ngài sẽ “đặt tay trên (chúng ta) và chữa lành (cho chúng ta)” cả tâm hồn lẫn thể xác.(Mc 6 : …5).

 

Trả lời