CN 13 TNB: Đừng sợ! Chỉ cần tin thôi



Đừng sợ! Chỉ cần tin thôi

Mc 5,21-43

Lm. Jude Siciliano, OP.

Học viện Đaminh chuyển ngữ

 

Kính thưa quý vị,

CN 13 TNB: Đừng sợ! Chỉ cần tin thôiCác trình thuật của thánh Máccô thường ngắn gọn, sinh động và có cảm giác vội vã. Đức Giêsu đang vội vã hoàn tất công việc rao giảng Tin mừng; trong khi các môn đệ thì chậm chạm theo sau Người. Nhưng câu chuyện hôm nay lại dài bất thường. Câu chuyện mang đặc trưng “chèn” hai câu chuyện thành một. Một câu chuyện bắt đầu và bị chen ngang bởi một câu chuyện khác; câu chuyện này kết thúc, trước khi thánh Máccô trở lại câu chuyện chính.

Kỹ thuật kết nối kiểu “chèn vào” của hai nhân vật khác nhau trong cùng một trình thuật sẽ tạo ra sự so sánh giữa hai nhân vật. Chúng ta bắt đầu bằng việc so sánh hai nhân vật trong câu chuyện, những điểm tương đồng và dị biệt của họ. Những người có quyền hành và sức mạnh đã không thể giúp cả hai con người này. Các bác sỹ không thể chữa căn bệnh của người đàn bà này, còn những người đồng sự trong hội đường với Giaia cũng chẳng thể giúp gì cho ông. Vậy họ làm gì? Họ chủ động tìm đến Đức Giêsu, nhưng theo những cách thức khác nhau.

Giaia là một người cha đã tuyệt vọng và, dù ông là trưởng hội đường, ông đã vất bỏ mọi nghi thức, chuẩn mực để chạy đến với Đức Giêsu, sấp mình dưới chân và “khẩn khoản nài xin Người”. Ta thấy uy danh của Đức Giêsu trước bạn hữu của ông và những trưởng hội đường khác! Hãy thử tưởng tượng xem một chức sắc tôn giáo khiêm nhường sấp mình trước một nhà giảng thuyết lưu động.

Nhưng rồi ông phải chờ. Chẳng phải quý vị ghét chờ đợi ư? Chẳng hạn khi xếp hàng chờ thanh toán tại quầy trong siêu thị hay tại hí trường; một đoạn đường kẹt dài sau đèn đỏ; chờ nước sôi trong khi đói cồn cào; hay phải điền toa thuốc tại quầy thuốc. Nhưng đó cũng chỉ là những bất tiện nho nhỏ, phải không?

Còn có một sự chờ đợi khác với đầy sự căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và vô vọng. Chờ đợi khi một người mình yêu thương đang phải phẫu thuật; chờ đợi đứa con đi đâu mãi khuya không về; chờ người lính trở về từ chiến trường. Đó là những chờ đợi rất bấp bênh. Chúng ta bắt tay vào làm tất cả những gì có thể để giải quyết những tình huống và khó khăn. Nhưng những hình thức chờ đợi trên hoàn toàn khác, chúng ta chẳng thể làm gì, chúng ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vì thế chúng ta chẳng có chọn lựa nào ngoài chờ đợi và cầu nguyện cho một giải pháp tốt nhất.

Thánh Máccô quả là một người kể chuyện tài tình khi ngài chen câu chuyện này vào câu chuyện kia. Ngài xây dựng được kịch tính và sự háo hức và chúng ta phải chờ để khám phá ra kết quả. Nhưng Giaia không ở đó để mà thưởng thức một câu chuyện hay và ông đang phải chờ vì Đức Giêsu quay qua câu chuyện của người đàn bà. Giaia phải chờ. Thử nghĩ xem ông ta phải trải qua cảm giác này như thế nào. Ông đã phải chạy đến Đức Giêsu trong khi hết sức nguy kịch. Ông mô tả điều đó rất ngắn gọn và khẩn cấp: “Con bé nhà tôi gần chết rồi”. Ông ấy và cả bạn bè có thế lực của ông cũng chẳng thể làm gì được. Đức Giêsu chính là hy vọng cuối cùng của ông. Ông đề nghị thẳng thắn “Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. Khi chúng ta đang cần gấp thì chẳng cần phải cầu nguyện với lời lẽ rườm rà. Đức Giêsu đáp lại tức thì “Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người”.

Đức Giêsu vội vã. Nhưng có lẽ đối với ông thì Đức Giêsu không có vẻ gì gấp gáp, vì Người dừng lại nói chuyện với người đàn bà bị băng huyết đã chạm vào Người và được lành bệnh. Chính việc bị chảy máu đã khiến bà bị xem như ô uế suốt cả 12 năm (Lv 15,25-30). Cộng với sự khổ sở này, bà còn bị loại khỏi gia đình, bạn bè và cả việc tham dự vào cộng đoàn cầu nguyện.

Đức Giêsu dừng lại nói chuyện với người đàn bà cho thấy Người xem nhu cầu của bà cũng quan trọng và khẩn thiết không kém nhu cầu của người lãnh đạo tôn giáo danh tiếng Giaia. Một lần nữa Đức Giêsu cho thấy những kẻ bị gạt ra bên lề cũng quan trọng trong sứ vụ và lời mời gọi vào Nước Chúa của Người.

Bối cảnh địa lý của câu chuyện cũng đưa ra một thông điệp tương tự. Đức Giêsu mới trở về từ “bên kia hồ”, xứ Dân Ngoại, nơi Người trừ các quỷ thuộc đạo binh Gherasa. Giờ Người trở lại phía tây, bờ biển của dân Dothái. Chi tiết địa lý này cho thấy rằng Đức Giêsu chữa bệnh ở cả hai “bờ”. Ơn lành của Người không thiên vị bên nào giữa Dothái và Dân Ngoại, giữa kẻ xa lạ và dân riêng của Người. Cả những người được tổ chức tôn giáo đón nhận hay những kẻ bị xem là “ngoài rìa” cũng đều được Đức Giêsu chữa lành và rộng ban ân sủng.

Chúng ta để cho Giaia chờ đợi và, trong những tình huống khủng hoảng, chờ đợi Thiên Chúa ra tay cứu giúp có thể là một thử thách nghiêm trọng. Khi chúng ta chờ đợi, như trong hoàn cảnh của con gái ông Giaia, thì sự việc từ xấu trở nên tồi tệ. Khi điều đó xảy ra thì đức tin của chúng ta dễ đổ vỡ. Chúng ta băn khoăn không biết liệu Thiên Chúa có hề yêu thương chúng ta chút nào; chúng ta nghi ngờ giá trị của chính mình; chúng ta cầu nguyện như thế đã thích hợp chưa; liệu chúng ta có đáng để Chúa quan tâm hay không,… Giaia có lẽ cũng đã có những tâm tình như thế, cộng thêm sự thất vọng, sợ hãi, tuyệt vọng và có thể còn tức giận nữa.

Đức Giêsu mời gọi ông Giaia tin vào quyền năng của Người. Tiếng gọi của thần chết gào thét trong thế giới chúng ta – nghèo đói, nghiện ngập, chiến tranh, chủng tộc, và cả cái chết nữa. Cả chúng ta lẫn Giáo hội không tự mình đối diện với chúng. Khi chúng ta đương đầu với bất kỳ hình thức nào của sự chết, chúng ta được mời gọi lắng nghe lời Đức Giêsu nói hôm nay “đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Và chúng ta làm như ông Giaia và các môn đệ là đi theo Đức Giêsu, thậm chí đến chính nơi của cái chết và “có lòng tin”. Đám đông khi nghe Đức Giêsu nói “đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy” thì họ chế nhạo Người. Liệu có môn đệ nào trong đám đông những người chế nhạo ấy hay không? Thậm chí ngay khi đối diện với một điều không thể, Đức Giêsu vẫn mời gọi chúng ta đừng nghe theo lời kẻ hoài nghi và luôn phủ nhận. Thay vì thế, Người khích lệ chúng ta hãy đừng sợ.

Đừng quên người đàn bà. Bà có lẽ đã một thời từng khỏe mạnh và có địa vị cao trong xã hội (5,26). Nhưng bà đã “tán gia bại sản”. Bà phải một mình giữa nơi công cộng, điều này hiếm xảy ra thời bấy giờ. Bà là người phụ nữ không được bảo vệ và dễ bị tấn công. Không có người đàn ông thân thích nào bảo vệ cho bà. Và, tình trạng còn bi đát hơn, khi bà được xem như kẻ bị ô uế. Vì tình trạng của bà, bất cứ ai chạm đến bà đều nhiễm và lây tình trạng ô uế như bà. Nhưng vì bà tuyệt vọng nên mới liều thế. Hay chính niềm tin đã khiến bà liều lĩnh.

Có hai cái chết trong câu chuyện này và chúng đều liên quan đến con số mười hai. Người đàn bà đã xem như chết về mặt xã hội đến mười hai năm, vì bị loại khỏi gia đình và cộng đồng của mình. Đứa trẻ mười hai tuổi đã chết thật. Đức Giêsu đã có thể làm cho cả hai sống lại và đưa họ tái nhập vào cộng đồng của gia đình và đức tin của họ.

Việc người đàn bà được chữa lành là do chính bà liều đi bước trước. Thêm vào đó, Đức Giêsu không chủ động làm gì, điều này được khẳng định qua lời Người nói với bà “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Nhiều người đã xô đẩy và chen lấn Đức Giêsu nhưng cái chạm của người đàn bà này quả có khác; bà có lòng tin và đã hành động vì tin.

Lời Đức Giêsu nói với bà sau khi bà được chữa lành được nhấn mạnh, vì Người gọi bà “Này con”. Việc được chữa lành không chỉ khiến bà đón nhận vào trong cộng xã hội mà còn được trở nên thành viên trong gia đình của Đức Giêsu. Người đã quy tụ một gia đình mới cho chính Người, không dựa trên quan hệ huyết tộc, nhưng dựa trên niềm tin và việc thi hành ý Thiên Chúa (3,31-35). Chúng ta không biết người đàn bà này có người đàn ông nào là người thân hay không, nhưng nay bà được bảo vệ bởi một “người cha” mới là Đức Giêsu – Đấng đã gọi bà “Này con”. Chúng ta cũng là con trai con gái của Người khi chúng ta tin tưởng Người cho đủ “đừng sợ”


Trả lời