Cn 04 C : Thân phận người ngôn sứ chân chính

 

Cn 4 C : Thân phận người ngôn sứ chân chính
(Lc 4, 21 – 30)

Fr. Jude Siciliano op.

Cn 04 C : Thân phận người ngôn sứ chân chínhThưa quý vị,

Có lẽ ít người trong chúng ta thấu triệt ý nghĩa của Lời Chúa trong bài đọc một hôm nay: “Ta sẽ đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân.” Vì thiếu thốn kinh nghiệm cụ thể về hậu quả cay đắng mà các ngôn sứ phải gánh chịu khi trung thành thi hành vai trò Chúa trao. Chúng ta thường được trọng vọng, biệt đãi, bợ đỡ, hoan hô, khen ngợi khi thi hành chức vụ. Ít ai bị thù ghét, trù dập, xua đuổi, đe doạ thanh toán như Giêrêmia và Chúa Giêsu. Nhưng làm ngôn sứ cho “muôn dân” đòi hỏi hy sinh, nhục nhã, khổ đau, gồm luôn cả cái chết chứ không “vẻ vang” như vua chúa và những người nổi tiếng: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường phẫn nộ, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi – họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực thẳm.”

Làm ngôn sứ không những bao gồm dân riêng, hàng xóm, láng giềng, bạn bè thân thích mà cả thù địch nữa. Cho nên gặp chống đối, bách hại, xiềng xích là lẽ đương nhiên, là điều chắc chắn. Giêrêmia được Thiên Chúa trao sứ mệnh giữa buổi giao thời của đất nước Dothái. Ach nô lệ Assyria chuyển sang ách nô lệ Babylon. Một thời nhiễu nhương đầy thống khổ. Tan hoang này thay thế bằng tàn phá khác. Giuđa trở nên miếng mồi cắn xé giữa hai đế quốc hùng mạnh Assyria và Babylon. Trong hoàn cảnh như vậy, ông được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ và ông đã can đảm đáp lại, phục vụ Lời Chúa cho dân riêng và cho chư dân: việc này sẽ đem đến cho ông số phận ghê sợ: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được.” Thiên Chúa nói trước với ông như vậy.

Thật tội nghiệp cho Giêrêmia. Thiên Chúa vĩ đại hơn ông. Chắc chắn ông sẽ gặp chống đối và cực khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Ông sẽ là ngôn sứ không chỉ cho dân ông mà còn cho cả Babylon nữa. Ông sẽ phải nói cho họ về Thiên Chúa công bằng, nhân từ, chậm giận và giàu tình thương. Nhưng ai sẽ lắng nghe ông? Thật tội nghiệp cho Giêrêmia (và những người rao giảng chính danh nữa). Thiên Chúa vĩ đại hơn người ta tưởng tượng. Ngài sẽ biến Giêrêmia đang run sợ nên “thành trì kiên cố, cột sắt, tường đồng chống lại cả xứ.” Dĩ nhiên người đọc thưà hiểu tương lai đang chờ đón Giêrêmia: Bị trói vào cột, cổ đeo gông, thả xuống giếng, ăn đòn nhừ tử giữa sân công đường… Nếu Giêrêmia chỉ nói lời an ủi mà thôi thì lại là chuyện khác. Đàng này ông thẳng thừng mạt sát tất cả vì băng hoại luân lý, từ vua quan, tư tế, kinh sư cho tới thứ dân. Làm thế nào thiên hạ không nổi giận? Làm thế nào ông không bị thù ghét? Làm thế nào ông không bị trù dập và đe doạ thanh toán? Đó là số phận của mỗi ngôn sứ chính danh.

Bài đọc bỏ qua khúc giữa (từ câu 6 đến 16) của đoạn tiên tri trả lời Thiên Chúa. Vì nó mang tính chất ấu trĩ, một thái độ đáng xấu hổ: “A, a, a, Lạy Đức Chúa, con chỉ là một đứa trẻ chưa biết nói.” Chúng ta là ai? Ở độ tuổi nào mà dám tự phụ xứng đáng với ơn Chúa gọi? Chúng ta cậy mình tài năng ở điểm nào để thi hành sứ mệnh Chúa trao? Đúng ra chúng ta nên cảm thấy bất xứng, không đủ khả năng trước mặt Chúa. Nhất là một khi vì sứ vụ Lời Chúa mà phải đối mặt với khó khăn, chống đối! Nhưng nếu như Chúa đi bước trước, sử dụng chúng ta, thì hẳn Người ban sức mạnh ngõ hầu chúng ta chiến thắng, chu toàn sứ mệnh. Ngài quá rõ làm ngôn sứ cho Ngài không phải là chuyện dễ. Ngài quá rõ chúng ta bất tài, vô lực và yếu đuối. Ngài sẽ ban cho chúng ta phương tiện cần thiết để thi hành sứ mệnh. Xin quan tâm đến điều này, vì thường xuyên chúng ta kiêu ngạo, đỏi hỏi trợ giúp vật chất, hoặc rơi vào nản chí, thất vọng. Sức mạnh và thành công của ngôn sứ là ở nơi Thiên Chúa.

Đúng vậy, xin nghe tiếp bài đọc: “Trước khi tạo thành ngươi trong dạ mẹ, ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã thánh hiến ngươi…” Đây là ngôn ngữ của sách Sáng Thế Ký, nói về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Thiên Chúa tạo thành Giêrêmia giống như xưa Ngài dùng bùn đất mà dựng nên Adam, Eva hoặc như thợ gốm nặn nên chíêc bình, hay nhà điêu khắc tạc ra bức tượng đá. Tất cả đều do bàn tay Thiên Chúa theo mẫu mực và mục tiêu Ngài muốn để phục vụ chương trình của Ngài, đâu cần “công sức cân xứng” của chúng ta? Giêrêmia chẳng phải lo lắng chi về tài năng hay thiếu thốn của mình? Khi chọn ông, Thiên Chúa đã biết rõ cả rồi: “Trước khi tạo thành ngươi trong dạ mẹ, ta đã biết ngươi.” Ta đã “thánh hiến” ngươi cho sứ mệnh của ta!

Thiên Chúa thấu rõ những hạn chế của vị tiên tri nên chẳng bao giờ bỏ mặc ông một mình: “Này, hôm nay, chính ta sẽ làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt, thành đồng chống lại cả xứ.” Ngài trợ giúp tối đa để tiên tri hoàn thành sứ mệnh. Trong Cựu ước, chẳng tiên tri nào phải trả giá đắt như Giêrêmia để làm theo ơn gọi của Đức Chúa! Sự trung thành của ông dẫn đưa ông đến nỗi khốn khổ suốt cả một đời. Cái nhọc nhằn của chúng ta so với ông chẳng thấm vào đâu. Vậy mà nhiều lần chúng ta lớn tiếng phàn nàn. Thật đáng xấu hổ. Cho nên, bất cứ ngôn sứ nào trung thành làm theo ơn gọi sẽ bị tẩy chay, hành xích. Đơn giản vì chẳng ai muốn nghe nói đến một Thiên Chúa bao la hơn các bận tâm hàng ngày của mình, gồm hơn là một dân tộc, một nhóm riêng rẽ. Chẳng lãnh đạo tôn giáo, chính trị nào muốn nghe tiếng gọi trở về với lương tâm và đường lối của Thiên Chúa, tránh xa lạm dụng quyền lực, tham nhũng, đồi bại, sao lãng nhiệm vụ, sao lãng người nghèo khó, bất hạnh. Xin cứ nhìn vào cục bộ Giáo Hội, để suy ra tình trạng thê thảm chung.

Ngôn sứ là những kẻ “thọc gậy bánh xe”, quấy rối đời sống phẳng lặng của tư tế, kinh sư, vua chúa, quan quyền, những kẻ hưởng đặc quyền đặc lợi xã hội cho nên họ chẳng muốn nghe. Những ai liều mạng rao giảng chống chiến tranh, hận thù, ghen ghét, xâm lược ắt sẽ bị người ta gọi là “gàn”, không thèm lưu ý đến, nhất là những người quyền cao chức trọng trong tôn giáo hay xã hội. Nói ngay như trong nội bộ Hội Thánh hôm nay, người ta cũng có khuynh hướng ưa xiểm nịnh hơn nói thẳng, ưa ngọt ngào hơn đòi hỏi minh bạch về kinh tế, quan hệ giới tính. Thiên Chúa đã gửi Giêrêmia rao giảng chống lại “cả xứ”, chống lại các vua Giuđa, các công hầu khanh tướng Dothái, chống lại tư tế, kinh sư, tiên tri giả. Lời Thiên Chúa không bao giờ trở thành già cỗi, lỗi thời. Ngài không chỉ phán một lần, ngày xửa ngày xưa ở mảnh đất xa xôi Palestine. Điều Ngài làm thời xưa, ngài vẫn làm hôm nay tại đây, qua nhiều hình thức khác nhau, từ đơn giản tới phức tạp, từ cụ thể đến nhiệm màu. Người ta phải biết lắng nghe. Khi lãnh bí tích Rửa tội, chúng ta được gọi làm “tư tế, tiên tri, vương đế”chẳng khác chi Giêrêmia. Cho nên chúng ta cũng có bổn phận lắng nghe tiếng Chúa gọi, rồi “đứng dậy, nói cho chúng tất cả những gì ta truyền cho ngươi trước mặt Israel, đừng sợ… vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.

Đó chính là điều Chúa Giêsu làm hôm nay trong bài đọc 3 trước mặt dân làng Nazareth. Ngài đứng giữa hội đường, nói lời Thiên Chúa. Giống như Giêrêmia và các ngôn sứ khác, Thiên Chúa đã gọi Đức Giêsu chu toàn sứ mệnh cho Ngài. Đức Giêsu nói rõ chương trình thiên sai của mình cho dân làng. Ngài đến để làm tròn lời các ngôn sứ trong Thánh Kinh, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành các bệnh nhân, giải phóng kẻ cầm tù, công bố năm hồng ân: “Hôm nay, ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” Dân làng tán thành và khâm phục. Họ hồ hởi chờ mong những hành động cụ thể tốt đẹp cho dân làng, dầu sao Đức Giêsu vẫn là đồng hương của họ. Ông “nợ” dân làng về điểm này. Vì ông là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, ai lại không biết điều này? Nhưng giống như Giêrêmia, Chúa Giêsu đã được chỉ định để làm ngôn sứ cho muôn dân, chứ không phải riêng cho dân Dothái hay làng Nazareth. Đây là mấu chốt gây nhiều rắc rối.

Vì sứ mệnh của Ngài không thu hẹp vào dân làng, hay một cộng đồng tôn giáo, ngay cả không thu hẹp vào đất nước Dothái, Ngài tuyên bố rõ như vậy khi kể ra Elia được sai đến cưú đói cho bà goá thành Sêrepta miền ngoại giáo Siđon và Elisa chữa phong cùi cho quan Naaman người xứ dân ngoại Syria. Xin tưởng tượng dân làng Nazareth tức giận biết bao khi nghe Chúa Giêsu tuyên bố như vậy. Thế ra ông này không phải là tiên tri cho Israel sao? Ong còn vươn tới kẻ thù của dân tộc nữa? Như Elia và Elisa xưa kia? Điều họ muốn là một Thiên Chúa riêng tư, nhỏ bé cho mình mà thôi. Truyền thống dân tộc xưa nay vẫn quan niệm như vậy. Thiên Chúa của ông Giêsu này lại muốn cứu vớt cả dân ngoại nữa, những kẻ thù của Israel, đồ chó má bẩn thỉu. Quá sức chịu đựng. Tiếp theo, thánh Luca còn tiết lộ cho chúng ta hay, Chúa Giêsu công bố lời Thiên Chúa cho bất cứ ai muốn đón nhận và tin theo, bất cứ người đó thuộc dòng giống nào, quốc gia, quốc tịch, tiếng nói, màu da, cấp bậc, nam phụ lão ấu, không phân biệt ai.

Nhưng giống như Giêrêmia, Chúa biết mình sẽ bị loại trừ và các tín hữu tiên khởi khi rao giảng Tin Mừng cũng biết như vậy. Nói chung, bất cứ ai thi hành vai trò ngôn sứ chân thật đều cảm nghiệm mình sẽ bị loại trừ. Tuy nhiên, chúng ta còn đang ở giai đoạn đầu của Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu chưa thể chết được, mặc dù Ngài làm cho dân làng Nazareth thất vọng về những đòi hỏi và mong đợi của họ. Dầu vậy, tình thế rất nghiêm trọng nếu chúng ta tận mắt quan sát vị trí họ tính ném Ngài xuống. Nó cao và thẳng đứng như bức tường. Ngày nay người ta gọi là “Mons Precipitationis” (ngọn núi của sự quăng xuống.) Những người muốn giết hại Ngài lại là thân nhân, bà con dân làng, từng chơi đùa ăn uống với Ngài, thì hẳn nỗi tức giận của họ mạnh mẽ biết chừng nào.

Chẳng lẽ chúng ta chỉ là khách bàng quan đứng nhìn sự kiện mà không cảm thấy liên hệ? Kinh Thánh không được đọc cho người đã chết, trái lại cho kẻ còn sống. Vậy Giêrêmia và Chúa Giêsu nói gì với chúng ta hôm nay? Chúng ta nghe thấy gì? Phải trả lời ra sao, trả lời cho ai? Chẳng lúc nào, nơi nào mà chúng ta không có trách nhiệm đối với phép rửa của mình! Mỗi chúng ta đã nghe Lời Chúa. Mỗi chúng ta là một “chư dân”! Các ngôn sứ đã phải gánh chịu số phận khốn khổ vì rao giảng Lời Chúa, thì chúng ta cũng vậy. Sống ngay chính như bài đọc 2, nhất định sẽ mang đến đau khổ, bách hại và chống đối. Cho nên chúng ta hãy can đảm như Thiên Chúa nói với Giêrêmia: “Chỗi dậy, nói với chúng tất cả những gì ta truyền cho ngươi. Này ta sẽ làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt thành đồng chống lại cả xứ”.

Thánh thể là sức mạnh của chúng ta, nuôi dưỡng bổ sức để chúng ta phục vụ Lời Chúa. Thánh Thể không chỉ là bữa tiệc cá nhân, an ủi và thêm sức riêng, nhưng còn liên kết mọi người với Đấng là ánh sáng muôn dân, để chúng ta chiếu toả công lý, hoà bình khắp nơi. Thế giới này luôn là nơi tối tăm của quyền lực satan. Nhưng mỗi tín hữu đều mang ánh sáng Chúa trong mình, phải phát tán ánh sáng ấy cho thế giới và Giáo Hội, lúc này hơn bao giờ hết đang bị che phủ bởi gương mù, thói xấu.

Thật không may, Phúc âm hôm nay phải gián đoạn với Phúc âm tuần trước. Cho nên nhiều tín hữu không liên hệ được với ý nghĩa toàn bộ câu truyện về sứ mệnh của Chúa và của mỗi chúng ta. Tuần trước Chúa Giêsu tuyên bố rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Ngài sức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành các bệnh tật, trả tự do cho kẻ bị cầm tù, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.” Phải chăng đây cũng là sứ mệnh của mỗi tín hữu dù là giáo dân, linh mục hay tu sĩ ? Liệu chúng ta có dám đảm nhận và thi hành ? Bằng phương thế nào ? Ước chi Lời Chúa hôm nay soi sáng cho mỗi người. Amen.

 

Trả lời