Cn 03 Tn : Hãy sống hòa thuận một lòng một ý

“HÃY SỐNG HÒA THUẬN, MỘT LÒNG MỘT Ý VỚI NHAU”
Mt 4: 12-23

Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà học Đaminh chuyển ngữ.

Cn 03 Tn : Hãy sống hòa thuận một lòng một ýThưa quý vị,

Gần đây, tôi nghe chương trình ra-đi-ô địa phương khi đang lái xe qua thị trấn. Chủ đề nói về việc những người con chăm sóc cha mẹ ốm đau và lớn tuổi. Khách mời là một thanh niên đã và đang chăm sóc mẹ trong suốt 5 năm qua. Bà ta bị chứng mất trí. Trong khi làm việc, anh luôn để tâm đến mẹ; còn khi trở về nhà, anh dành hết thời gian chăm sóc mẹ. Anh đã làm việc này suốt 5 năm qua. Anh nói: “Đó là công việc vất vả nhất tôi từng làm”. Nhưng anh cũng nói thêm: “Tôi cảm thấy vinh dự khi làm việc này, đây là một trong những việc tốt nhất tôi từng làm”.

Anh cho biết công của anh cũng đã khiến anh mệt mỏi, và rồi khi trở về nhà sau một ngày dài làm việc ở văn phòng anh còn phải chăm sóc mẹ. Nhiều đêm anh thức trắng vì sợ mẹ tỉnh giấc và đi loanh quanh trong nhà.  Anh nói: “Việc đó làm tôi kiệt sức, và khi tình trạng của mẹ ngày càng xấu hơn và cần sự chăm sóc vượt quá khả năng của tôi, cuối cùng thì tôi đành phải đưa bà vào nhà dưỡng lão”. Người dẫn chương trình hỏi anh: “Anh nghĩ mình làm đúng chứ?”. Anh trả lời: “Vâng, nhưng tôi thấy bất an vì đã ủy thác việc chăm sóc mẹ cho người khác”.

Người dẫn chương trình hỏi anh: “Điều gì đã giúp anh trong suốt những ngày tăm tối của 5 năm qua”. Anh nói là đã học cách trân trọng Hiện tại. Chẳng hạn như, anh yêu quý những giờ phút ngắn ngủi khi, ngồi bên cạnh mẹ xem ti vi, thì mẹ sẽ cười. Anh nói với giọng cảm động: “Đây là những món quà thật quý giá”.

Bạn bè cũng giúp đỡ anh trong những lúc khó khăn: Họ ghé thăm để quản lý công ty giúp anh; một người anh họ ngồi với mẹ anh để cho anh được nghỉ ngơi đôi chút; một người bạn thường xuyên lo bữa ăn; nữ y tá kinh nghiệm và những người khác am hiểu y khoa không phải lúc nào cũng có những giải đáp cho anh, nhưng họ cho anh sự tự tin và những chỉ dẫn. “Tất cả những người thân thương ấy là những tia sáng trong đêm tối, là những sự hiện diện dễ chịu trong những lúc nghi nan và bối rối”.

Ngôn sứ Isaia đã viết bản văn 800 năm trước thời Chúa Giêsu. Ông nói với Israel và Giuđa (hai nước phía Bắc và Nam), những người dương dương tự đắc với thế lực và nền độc lập của mình. Vị ngôn sứ tố cáo họ chỉ tin vào ánh sáng soi dẫn của chính mình mà không quan tâm đến ánh sáng của Giao ước với Thiên Chúa. Họ đã cố gắng liên minh với các thế lực ngoại bang để bảo vệ họ khỏi tay kẻ thù. Isaia đã cảnh báo họ về sự liên minh đó, nhưng họ đã không nghe ông. Những ngày tháng tăm tối phía trước dành cho Dơ-vu-lun và Náp-ta-li (câu 23) – đây là 2 nước đầu tiên rơi vào tay những người At-xi-ri hùng mạnh.

Với một Giu-đa đã hoàn toàn sụp đổ, Isaia cảnh báo rằng Israel cũng sẽ sụp đổ do bất trung và không tin cậy vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông hứa rằng Thiên Chúa sẽ cứu giúp dân nếu họ biết ăn năn và quay về với Thiên Chúa. “Sợ hãi tan biến thì bóng tối cũng bị xua tan: vì ở đâu có sự u ám thì ở đó có sự buồn phiền. Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng…”.

Isaia nói đơn giản rằng: Bóng tối bị xua tan thì u ám sẽ tan biến và niềm vui sẽ đến ngự trị. Nghe có vẻ như quá khứ của dân thật khủng khiếp, còn hiện tại thì lạc quan hơn. Thực ra hiện tại của họ thật đáng thương. Họ sống trong “vùng đất u ám”. Tuy nhiên, Isaia nói ở thì hiện tại, như thể là mọi sự đã trôi qua và hoàn tất. Ông đang nhấn mạnh đến lời hứa cho tương lai, như thể đó là một thực tại hiện hữu. “Sợ hãi đã tan biến” chứ không phải “Sợ hãi sẽ tan tiến”.

Isaia hứa hẹn một ánh sáng ở cuối đường hầm, qua việc hình dung nó như một thực tại hiện hữu. Rồi ông ngỏ lời xin Thiên Chúa thực hiện những việc Người đã làm – ngay cả khi không có những dấu hiệu hiện tại về hoạt động của Thiên Chúa. Isaia tin tưởng Thiên Chúa sẽ mang lại sự giải thoát cho dân đến nỗi hiện tại ông đã dâng lời ca ngợi Chúa. Thật can cảm! Hết sức tin tưởng! Ông muốn ám chỉ cách thức mà ông Ghít-ôn đã đánh bại dân Ma-đi-an cách phi thường, nhằm khuyến khích những người dân của ông đang bị chèn ép. Ông hoàn toàn tin tưởng vào những gì Thiên Chúa có thể và sẽ thực hiện.

Chúng ta có thể nhận ra trong cuộc sống của mình những lời hứa mà Thiên Chúa đã hoàn trọn trong quá khứ không? Ký ức đó có cho chúng ta niềm hy vọng, bởi vì, khi lâm cảnh khốn quẫn, làm những điều hời hợt trong đời sống hàng ngày, chúng ta tìm thấy sự giải thoát? Chàng thanh niên chăm sóc người mẹ bệnh tật của mình thì có thể.

Ngay trong thánh lễ này chúng ta nói lời “tạ ơn” khi chúng ta nhắc lại những thời điểm trong quá khứ và cả hiện tại mà ánh sáng đã xua tan đêm tối, khi gia đình và bạn bè thấy: chúng ta bị quấy rầy và giúp chăm sóc bọn trẻ cả ngày; giúp ta mua sắm; cho ta mượn tiền; cho ta tựa vào vai để khóc, một bàn tay rắn chắc cho ta thêm sức mạnh; đồng hành với ta trong suốt cuộc hành trình khi mọi người rời bỏ ta. Cách này hay cách khác, chúng ta vượt qua đêm tối và Isaia nhắc chúng ta cách thức thực hiện: Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong những tia sáng rất cụ thể; hôm nay chúng ta nhớ lại tên gọi của chúng và tỏ lòng biết ơn.

Nhưng ngay ở đây, chúng ta quy tụ trong một cộng đoàn phụng vụ, nơi đây vài người trong chúng ta hiện đang trong tình trạng tăm tối, khốn quẫn và bất định. Sợ hãi vẫn còn chưa “tan biến” hay đêm tối vẫn chưa xua tan. Làm gì đây? Chúng ta hãy trung thành với lời của ngôn sứ, người mà đã bày tỏ niềm tin mạnh mẽ hơn cảm nhận của chúng ta hiện nay; hy vọng hơn chúng ta có thể gắng sức. Chúng ta dựa vào những lời của Isaia và cùng với cộng đoàn tín hữu cầu nguyện để xin sự trợ giúp, để một ngày nào đó chúng ta cũng có thể nói rằng: “Tôi đang ở giữa tối tăm, nhưng “sợ hãi đã tan biến và bóng tối đã xua tan: vì ở đâu có sự u ám thì ở đó có sự buồn phiền”, cho dù lúc này chúng ta chưa hề chắc chắn.

Hãy để cho Thánh Thể trở thành lời kinh tạ ơn của chúng ta, một lời cầu xin trong ánh sáng và sự giải thoát mà chúng ta đang hy vọng nhận được. Chúng ta tạ ơn vì niềm khích lệ và sự hỗ trợ chúng ta đón nhận từ những tâm hồn quảng đại, những người đang giúp đỡ chúng ta vượt qua bất cứ nỗi buồn phiền hiện tại nào mà chúng ta đang trải qua: những người đặc biệt đoan chắc với chúng ta: “Đừng lo lắng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua”. Chúng ta biết chắc rằng họ sẽ giữ lời. Qua họ, chúng ta cũng có thể thấy được bàn tay Thiên Chúa đang hoàn trọn những lời hứa khi xưa được thực hiện qua ngôn sứ Isaia: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.

Chúng ta có thể nhận ra chính mình trong lời mời gọi của tin mừng dành cho các môn đệ đầu tiên hay không? Lời mời gọi này không dành cho những tông đồ thuộc giới thượng lưu, nhưng chỉ dành riêng cho vài người được chọn. Tất cả chúng ta được mời gọi làm môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu. Trong tâm tưởng của Isaia, Đức Giêsu mời gọi chúng ta trở thành ánh sáng cho những ai đang ở trong tăm tối và trong tình trạng khốn quẫn. Như Isaia đã mường tượng, chúng ta cũng sẽ thấy Đức Giêsu xuất hiện như một “ánh sáng huy hoàng”. Nếu chúng ta trở về với Đức Giêsu như lời Ngài mời gọi chúng ta hôm nay, thì chúng ta sẽ trở thành những tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài – chúng ta là những người mang ánh sáng. Chúng ta đã trở thành ánh sáng cho những người chúng ta gặp gỡ trong tuần hay chưa? Chúng ta có sẵn sàng gác sang một bên những mối ưu tư và những định kiến của mình, bỏ lại tất cả, để phục vụ Đức Kitô trong một thế giới đầy đau khổ hay không?

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở thành một phần trong việc hoàn trọn về lời hứa của Isaia: Mang ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui cho những ai sầu khổ. Chúng ta là những người được mời gọi để phá tan “cái ách đang đè nặng trên vai họ”

Có thể trong số những người chúng ta biết có người đang trải qua một cuộc ly hôn nghiệt ngã; mất đi người mình yêu thương; đang tìm việc làm; bị đuổi ra khỏi nhà; có đứa con đi hoang; ở tù; bị giam hãm trong nhà; thất bại trong cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư… Chúng ta có nghe thấy lời Đức Giêsu mời gọi “hãy theo Ta…” hay không? Chúng ta đáp trả bằng cách nào đây? Chúng ta có thể chiếu một tia sáng hy vọng cho những ai “đang ở trong bóng đêm tử thần” hay không?

Các Giáo hội Kitô giáo của chúng ta đang cử hành tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu và ước mong có được nhiều dấu hiệu xác thực hơn về sự hiệp nhất. Chúng ta rất khác biệt trong niềm tin, trong việc thực hành tôn giáo và sống đạo. Có chăng một sự hiệp nhất thực sự đằng sau tính đa dạng này; lòng bao dung và sự trân trọng những tặng phẩm khác nhau chúng ta nhận được? Hay chúng ta cũng vẫn còn để tâm đến những dị biệt, những thiếu sót trong chúng ta? Hôm nay, thánh Phaolô khích lệ chúng ta rằng: “Đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau”. Đó là điều chúng ta cầu xin và phấn đấu cho năm mới này.

 

Trả lời