Cn 03 TN C : Giêsu … niềm vui giải thoát.

Chúa nhật III Thường Niên C

Giêsu … niềm vui giải thoát.

 

Cn 03 TN C : Giêsu ... niềm vui giải thoát.Sau khi xuất hiện ở sông Giodan để chịu phép rửa. “Đức Giêsu trở về miền Galilê” trong sự tràn đầy “quyền năng Thần Khí” (Lc 4,14). Và tại nơi đây; Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Những lời giảng dạy của Ngài không chỉ  “được mọi người tôn vinh” mà hơn thế nữa  “tiếng tăm Ngài (còn được) đồn ra khắp vùng lân cận” (Lc 4, …14).

Chính những lời đồn đó đã làm cho cư dân ở Nazareth là : “nơi Người sinh trưởng” ai nấy đều phải ; “chăm chú nhìn Người” (Lc 4, …20) khi Người xuất hiện tại đó trong một ngày sabát.

Sa-bát là ngày cuối cùng trong một tuần lễ bảy ngày. Một ngày mà xưa kia đã được : “Thiên Chúa ban phúc lành … và thánh hóa” (Stk 2, 3). Và đến thời Mô-sê – trong cuộc hành trình dẫn đưa dân Do-Thái về miền đất hứa – trên núi Sinai – một lần nữa Thiên Chúa đã đóng ấn ngày Sa-bát bằng một điều luật trong mười điều Ngài đã phán cùng Mô-sê rằng : “ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20,8-10). Ngày sa-bát trở thành ngày toàn dân Israel: “dành cho Đức Chúa” kể từ đó..

Hôm đó, Đức Giêsu – “Người vào hội đường” (Lc 4, 16). Ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, chắc hẳn đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu đi-nhà-thờ !  Và chắc hẳn Đức Giêsu đã hiện diện ở nơi đây nhiều đến nỗi người ta đã phải mô tả rằng đó là một sự việc mà : “Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát”…  Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chàng trai Giêsu – một chàng trai siêng năng  “đi lễ” như thế, được diễm phúc thực hiện một công việc rất danh dự, một công việc dành riêng cho Rabbi. Đó là được : “Đứng lên đọc Sách Thánh”(Lc).

Toàn thể cử tọa trong hội đường mỗi người mang một ưu tư khi Đức Giêsu long trọng đọc lên lời Kinh Thánh trong sách ngôn sứ I-sai-a. Một lời tiên tri ngắn gọn, nhưng đủ khơi dậy trong tâm hồn mỗi người niềm ao ước và hy vọng. Ao ước về một ngày sẽ được giải thoát khỏi “sự nghèo hèn, sự tù đày, sự áp bức”. Hy vọng về một ngày sẽ được lãnh nhận “hồng ân của Chúa” . Hồng ân đem đến niềm-vui-cứu-độ cho khắp mọi người.

Bầu khí thinh lặng trong hội đường bị phá vỡ bởi những lời “thán phục” khi Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).

Một chút tâm tình.

Có gì là mâu thuẫn không khi Đức Giêsu khẳng định như thế !!!

“Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha” chẳng thấy đâu !

“Trả lại tự do cho người bị áp bức” đâu chẳng thấy !!!

Ngược lại, chỉ thấy bạo quyền Hêrôđê mỗi lúc một gia tăng bạo lực …

Có phải vì thế mà dù “đang ngồi tù” – ông Gioan cũng đã gửi một phái đoàn đến chất vấn Đức Giêsu. “Thưa Thầy ! Thầy  có thật là Đấng phải đến không, hay  là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”.(Mt 11, 3). Một câu hỏi mang đậm tính chất nghi ngờ !!!

Hỏi là cho có hỏi. Chứ khắp toàn miền Galilê ai mà không biết  “tiếng tăm Ngài (đã) đồn ra khắp vùng lận cận” (Lc 4,14). Ai mà không thấy : “Thiên hạ đem đến cho Ngài mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền ; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt; và Ngài đã chữa họ” (Mt 4,24).

Sẽ là ngớ ngẩn khi nghĩ rằng không ai thấy Đức Giêsu đã làm phép lạ cho : “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại…”(Mt 11, 5).

Vậy thì chẳng có gì để mà nghi ngờ rằng Đức Giêsu chính là : “Đấng phải đến”. Đấng : “Chúa đã sức dầu tấn phong… để (sai đi) loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc).

Một phút suy tư.

Hôm nay – trước một thực tại rằng : vẫn còn biết bao người khiếm thị, khiếm thính, vẫn còn đó những trại tập trung bệnh nhân phong, vẫn còn đó những kẻ bị áp bức tù đày… Phải chăng, chính những thực tại này; lời tiên tri I-sai-a mà Đức Giêsu đã khẳng định rằng : hôm-nay-đã-ứng-nghiệm; nó đã trở nên một lời nói vu vơ, ru ngủ !!!

Câu trả lời là : Hãy nhớ lại cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Chính Ngài đã bị bắt, bị giam cầm, bị áp bức…chính Ngài đã bị đánh đập dã man, bị vác thập giá, và kết thúc là cuộc hành hình đóng đinh Ngài vào thập giá trên đồi Golgotha.

Không… Giêsu – Đấng phải đến – không phải đến để giải thoát chúng ta khỏi những bệnh tật thể lý; khỏi những áp bức giam cầm thuộc thể.

Giêsu – Đấng phải đến – là đến để cứu chữa những ai nhìn-rõ-thế-giới-vật-chất-này-nhưng-không nhận-ra-rằng-giữa-thế-giới- vật-chất-này-có-một mối-tương-quan-mật-thiết-với-Đấng-tạo-dựng-nên-nó.

Giêsu đến là để chữa lành đôi mắt tâm linh để chúng ta có thể nhìn thấy “kỳ-công-của-Ngài”. Ngài đến là để mở đôi tai tâm linh; để chúng ta có thể : “nghe Lời hằng ban sức sống” (nhạc phẩm Ephata – LM Thành Tâm).  …

Giêsu đến là để giải thoát chúng ta khỏi những ngục tù đam mê và ham muốn trần tục. Giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của những bè phái quyền lực trần gian, của những ngục tù hận thù và ích kỷ.

Và như thế – có gì để mà nghi ngờ lời khẳng định của Đức Giêsu năm xưa.  Thật vây, hôm nay – qua các Linh Mục –  Đức Giêsu vẫn tiếp tục bước vào nhà thờ – một kiểu hội đường mới. Hiện diện nơi nhà tạm – Đức Giêsu vẫn tái khẳng định lời ngôn sứ I-sai-a bằng lời mời gọi : “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng. Hãy đến cùng Ta.. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”(Mt 11,28). Đức Giêsu không chỉ bồi dưỡng chúng ta bằng chính Lời-của-Ngài mà hơn thế nữa bằng chính  Mình-Máu-Thánh-Ngài.

Một bằng chứng đích thật để chúng ta tin lời ngôn sứ I-sai-a đã ứng nghiệm rằng : “Hồng ân của Chúa” đã đến.

Petrus.tran

Trả lời