Cn 01 mùa vọng B : Hãy Tỉnh Thức

 


Cn 1 Vọng B : Hãy Tỉnh Thức
Mc 13: 33-37

Lm. Jude Siciliano, OP.
Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp.

Cn 01 mùa vọng B : Hãy Tỉnh Thức“Đồng xu rơi” (thành ngữ này có nghĩa là chợt hiểu ra). Đó là cụm từ một phụ nữ ở Maine trong đợt tĩnh tâm của giáo xứ đã dùng để tóm kết bài Tin Mừng hôm nay. Tôi chưa nghe thành ngữ này bao giờ mà cũng chẳng biết nguồn gốc của nó xuất phát từ đâu. Dường như thành ngữ này đã có từ “xa xưa” khi những đồng xu được sử dụng trong những thiết bị như cái cân nơi công cộng. Những đồng xu có thể đã được sử dụng. Sau khi thả đồng xu vào máy, người ta phải chờ một chút cho đến khi “đồng xu rơi xuống” và rồi cái cân cho biết mình nặng bao nhiêu.

Vì thế, thuật ngữ trên ám chỉ việc nhận ra điều gì đó sau một một lúc băn khoăn và chờ đợi. Có một sự liên hệ trong tiểu thuyết của Nigel Balchin, trong đó nhân vật thủ vai chính nói rằng, “Tôi ngồi suy nghĩ một lúc sau đó mới chợt hiểu ra”. Chúng ta hãy trở lại Mùa Vọng và bài Tin mừng hôm nay để xem “chợt hiểu” như thế nào.

Với năm phụng vụ mới này, chúng ta bắt đầu những bài đọc Chúa Nhật trong Tin Mừng của thánh Máccô. Đây có thể là sự khởi đầu của năm phụng vụ, nhưng Tin mừng Máccô bắt đầu từ đâu? Bài đọc hôm nay không bắt đầu năm phụng vụ của chúng ta với chương thứ nhất, câu một, nhưng đoạn văn hôm nay là phần kế cuối của Tin Mừng Máccô.

Bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu vào Giêrusalem (11,1), nơi đó Người sắp kết thúc sứ vụ công khai của mình. Người khép lại cuộc sống phụng tự trong Đền thờ (11,15) và bước vào cuộc tranh luận với các thầy dạy truyền thống đức tin (12,12). Sau đó, từ trên núi Ôliu, Người tiên báo sự sụp đổ của thành Giêrusalem và ngày tận cùng của thế giới (13,1).

Bài Tin mừng được chọn đọc hôm nay kết thúc lời giảng dạy của Chúa Giêsu với các môn đệ. Vì vâng lời Chúa Cha và trao hiến chính mình trên thập giá, Chúa Giêsu sắp rời xa các môn đệ. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu liên hệ sự ra đi của Ngài với “người trẩy đi phương xa”. Ông chủ đang rời xa, nhưng chắc chắn ông sẽ trở lại; dù những người đầy tớ được trao trách nhiệm trông coi nhà cửa không biết khi nào ông chủ về. Có một điều chắc chắn là khi ông chủ trở về ông muốn thấy nhà mình ngăn nắp và đầy tớ của ông còn tỉnh thức. Họ phải luôn luôn tỉnh thức.

Mùa vọng đã bắt đầu và chúng ta cần được điều này nhắc nhở rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại, vì ai trong chúng ta đã không từng có lúc ngủ quên trong việc phục sự Chúa? Dụ ngôn này nhắc chúng ta ý thức đầy đủ về sự sẵn sàng của người môn đệ. Đồng xu sẽ rơi xuống và chúng ta cần phải tỉnh thức cho đến giây phút chắc chắn đó trong cuộc đời mình.

Có vẻ như thánh Máccô đang nói về một biến cố tương lai. Nhưng ngài lại không lưu tâm đến tương lai vì ngài đang muốn nói và nhấn mạnh với cộng đoàn của ngài về thái độ của một Kitô hữu đối với hiện tại. Thánh Máccô nhắc lại một dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã kể để giúp thính giả không những chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa Giêsu; mà còn đáp lại sứ điệp của Người ngay lúc đó.

Nếu dụ ngôn chỉ đơn thuần muốn cảnh giác các Kitô hữu hãy tỉnh thức, thì hóa ra sự nhấn mạnh đó chỉ tập trung vào người giữ cửa, vì anh ta là người đón ông chủ vào. Vậy, mục đích và nhiệm vụ của những người đầy tớ khác là gì? Chẳng lẽ họ chỉ là những nhân vật phụ trong bối cảnh của câu chuyện này sao? Thánh Máccô có lẽ đang nghĩ đến cộng đoàn rộng lớn hơn của ngài – tất cả những người “đầy tớ” trong Giáo hội lãnh trách nhiệm của mình và họ phải được động viên để luôn cảnh giác. Vì thế, những hàng cuối của dụ ngôn là, “điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” Những lời kết thúc của Chúa Giêsu như nói với tất cả những người tin sau này rằng hãy tỉnh thức.

Tin mừng của thánh Máccô dẫn đến trình thuật cuộc Khổ nạn. Sau khi ở Caesarea Philippi, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình với Chúa Giêsu về Giêrusalem, nơi đó Người hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Với dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay, thánh Máccô tóm kết diễn từ khải huyền dành cho cộng đoàn của ngài. Bây giờ thánh sử sẵn sàng thuật lại những sự kiện dẫn đến Cuộc Khổ Nạn. Vì vậy, lời khuyên sau cùng của đoạn Tin mừng ngày hôm nay thật ý nghĩa đối với chúng ta. Chúng ta được cảnh báo “hãy tỉnh thức”. Tất nhiên, đó là sự nhấn mạnh về việc tỉnh thức và sự chuẩn bị đón ông chủ trở về.

Nhưng có lẽ thánh Máccô cũng đang nhấn mạnh ý nghĩa về những gì đang xảy ra. Ngài kêu gọi chúng ta “hãy tỉnh thức”. Những sự kiện lớn lao diễn ra đều có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người chúng ta. Hôm nay đã bắt đầu mùa Vọng, nhưng cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu được liên hệ với mùa này nhằm giữ chúng ta trong tư thế sẵn sàng và lưu tâm đến những gì mà Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ: sự tỉnh thức, lòng trung thành và phục vụ hy sinh vì danh Người.

Nhiều người mới hoán cải trong các giáo xứ sẵn sàng chia sẻ niềm phấn khởi của cuộc trở lại của mình. Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn là một tiến trình mà ở đó không chỉ dẫn họ vào trong Giáo hội mà còn thắp lên trong cuộc đời của họ một ngọn lửa niềm tin nồng ấm. Khi nghe các câu chuyện của những người mới trở lại, người ta hy vọng rằng niềm tin của họ sẽ giữ được niềm phấn khởi và sự sống động mãi như hiện nay. Nhưng họ và chúng ta dễ dàng bị cuốn vào nếp thường ngày và những phỏng đoán trong lời nguyện cũng như các thực hành đức tin.

Mùa Vọng bắt đầu với lời kêu gọi tỉnh thức, mời gọi và thôi thúc chúng ta tự vấn: “Tôi phải nhạy bén thế nào với Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày?” Chúng ta biết rằng mình đang mong chờ cuộc quang lâm của Thiên Chúa trong tương lai, trong khi đó, tôi tỉnh thức ra sao với sự hiện diện của Người ngay ở đây và lúc này trong cuộc đời tôi? Chúng ta tin Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện ở giữa chúng ta. Chính niềm tin đó hôm nay đã qui tụ chúng ta quanh bàn thờ để nghe lời của Người và lãnh nhận Mình và Máu của Người để giúp chúng ta luôn cảnh giác và thức tỉnh chúng ta nếu chúng ta đang ngủ quên. Một lần nữa, chúng ta được nhắc nhở, “đồng xu sẽ rơi”.

Một người khác trong đợt tĩnh tâm đó đã thuật lại về những gì mà người mẹ 85 tuổi của chị mới nói với chị: “Cuộc đời của mẹ qua đi quá nhanh!” Ngẫm nghĩ về câu nói của mẹ, chị chia sẻ rằng, “Một ngày nào đó tôi cũng sẽ nói như vậy, vì thế, bây giờ tôi cần làm những gì phải làm, vì tôi đang còn có thời gian.” Đó là một quyết tâm Mùa Vọng mà tôi từng được nghe.

Trong ánh sáng của bài Tin mừng hôm nay, người phụ nữ mô tả sự “chờ đợi chủ động”. Tựa như lau nhà khi tôi chuẩn bị đón khách đến. Điều đó khác với sự “chờ đợi thụ động”, nghĩa là chỉ để cho thời gian trôi qua mà không tập trung và cũng chẳng tỉnh thức như Tin mừng đòi chúng ta. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy ý thức trách nhiệm khi chúng ta sống trong “thời gian sẵn sàng và sắp tới”. Người Dothái chờ đợi với lòng khao khát sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Chúng ta tin rằng Người đã đến, nhưng bây giờ chúng ta đang chờ đợi tích cực, sự chờ đợi đó được duy trì bởi niềm tin và hy vọng của chúng ta rằng Chúa Giêsu, Người đã đến và sẽ lại đến.

Hãy để ý cách Chúa Giêsu lặp lại yêu cầu “hãy tỉnh thức”. Nếu chúng ta đang cố gắng sẵn sàng mọi lúc, chúng ta sẽ gặp được Đức Kitô khi Người đến mỗi ngày. Đó là vì giây phút hiện tại là cơ hội. Thời gian trong Kinh thánh có thể được diễn tả theo cách mà chúng ta thường nói đến. Chúng ta nhìn vào đồng hồ và nói, “11 giờ sáng”. Đó là giờ “chronos” trong tiếng Hylạp, nó chỉ phút, giờ, ngày, v.v… Nhưng trong Kinh thánh còn có giờ “kairos” – một thời cơ đặc biệt; một khoảnh khắc mà một điều không mong đợi lại xảy ra và làm thay đổi những công việc hằng ngày của chúng ta, hoặc thời khắc đó đưa chúng ta đến một thời cơ. Tin mừng đang nói về thời gian “kairos” và khiến chúng ta ngẫm nghĩ: có phải tôi chỉ đang chỉ giờ, bận rộn chờ đợi thứ tương lai xa rời với hiện thực. Hoặc tôi có cảm giác rằng hiện tại có những thời cơ, và vì thế, tôi cứ đưa mắt nhìn để đáp lại những khả năng đó khi nó đến?

Trong thời gian giao mùa này tôi có thực sự đang đi tìm những phương thế để thức tỉnh và giữ cho mình biết ý thức để tôi có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu khi Người đi vào trong cuộc đời tôi – vào một khoảnh khắc kairos nào đó hay không? Những người trong đợt tĩnh tâm ở Maine đã nhận thấy tĩnh tâm là một cách để tự mình cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc đời của họ. Những người khác lại dành thời gian cho việc đọc bài chia sẻ, suy niệm hoặc dành thời gian nghe giảng trong nhà thờ, thực hành một nghi thức sám hối mùa Vọng, hoặc tìm nơi ăn chốn ở và áo quần cho những người vô gia cư, hay dạy thêm cho những trẻ em trong thành phố và những khoảnh khắc khác với những khả năng thời cơ kairos. Một cách nào đó những người này đang tỉnh thức và sẵn sàng cho đến khi “đồng xu rơi”. 

 

Trả lời