Chúng tôi không lạc lối về…

 

Chúng tôi không lạc lối về…Hiển Linh là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt do viện ngôn ngữ học xuất bản, định nghĩa là: “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng”.

Lại có cuốn tự điển khác, tác giả là ông Thanh Nghị, ghi rằng, hiển linh nghĩa là “linh thiêng rõ ràng”. Với danh từ gốc Hy Lạp “Epiphania” thì nó có nghĩa là “hiện ra, bày tỏ”

Kinh Thánh Tân Ước thường dùng hai chữ “hiển linh” để nói tới việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Thế nên, khi cử hành thánh lễ Hiển Linh, Giáo Hội muốn nói lên việc Thiên Chúa đã tỏ mình ra, qua Hài Nhi Giê-su, cho mọi người.

Với lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa đã tỏ mình, qua Hài Nhi Giê-su, một cách âm thầm lặng lẽ tại Belem. Trái lại, với lễ Hiển Linh,  sự tỏ mình của Người, qua Hài Nhi Giê-su, đã gây chấn động lớn. Tin Mừng thánh Mát-thêu đã ghi lại sự kiện này rất chi tiết. (x.Mt 2, 1-12)

Vâng, câu chuyện được thuật lại rằng: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem”.

Họ đến Giêrusalem, phải chăng là để chiêm ngắm Đền Thờ, nơi được mô tả là “Cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh”? Thưa không phải vậy. Họ đến với một sứ mạng đặc biệt, đó là để tìm vua dân Do Thái mới sinh.

Giêrusalem là thủ đô Do Thái, thế nên, họ đến đó và nghĩ rằng mình đã đến đúng địa chỉ. Hôm ấy, khi đến nơi, họ hỏi cư dân ở đó, rằng “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?”

Tiếp theo câu hỏi gây không ít người bàng hoàng là lời loan báo đầy chấn động: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Khi nguồn tin ấy được loan ra, thánh sử Mát-thêu kể rằng: “vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành cũng xôn xao”. Trong cơn bối rối đó, vua Hêrôđê triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, để hỏi cho ra lẽ. Ông ta hỏi rằng: “Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?”

Không một phút chần chờ, các thượng tế và kinh sư khẳng định: “Tại Belem miền Giu-đa”. Vâng, là chức sắc của Đền Thờ, họ quá am tường những gì được ghi trong Kinh Thánh, họ cho biết có lời ngôn sứ chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Qua sự chỉ dẫn của các thượng tế và kinh sư, những nhà chiêm tinh đã biết được nơi mình sẽ phải đến. Thế là họ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm. Đó là Belem miền Giu-đa.

Từ Giê-ru-sa-lem đến Belem đi hướng nào đây? Vâng, rất kỳ diệu… kỳ diệu không thể tin được, “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ”… dẫn họ…  “đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”.

Vâng, ngôi sao đó, rất kỳ diệu,  kỳ diệu ở chỗ, (mà không ai có thể phủ nhận), đó là: cùng thời điểm trên, tại Belem, cũng có rất nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… kỳ diệu  thay! Ngôi-sao lại chỉ dừng chính nơi “Lãnh tụ chăn dắt Israel ra đời”.

Chuyện kể tiếp rằng “Họ vào nhà , thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”, đồng thời, họ “mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”.

Các nhà chiêm tinh, theo những gì được tường thuật nêu trên, đã “đi đến nơi”. Thế họ có “về đến chốn”? Thưa có. Nhưng, để có thể về-đến-chốn, các nhà chiêm tinh cũng đã phải trải qua nhiều phút giây nghẹt thở.

Hê-rô-đê, như mọi người đều biết, là một tay cáo già, một “cáo già” đầy tham vọng. Hôm ấy, y đã “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.” Hỏi xong, ông ta “giả nai” nói với những nhà chiêm tinh rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.

Nghe những lời “đưa đẩy” như thế, những nhà chiêm tinh quả là tiến thoái lưỡng nan. Đã đi đến nơi, vậy có nên quay về “báo lại cho Hê-rô-đê”! Kỳ diệu thay! Vâng, lại một điều kỳ diệu nữa xảy ra cho những nhà chiêm tinh. Các ông đã được “báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”.

Trên thế gian này, từ cổ chí kim, có nhà vua nào “vui mừng” khi nghe tin có người vừa mới sinh ra sẽ trở thành lãnh tụ, sẽ là vua, một nguy cơ soán ngôi của mình, thế mà mình vẫn muốn đến “bái lạy” sao! Đúng là chuyện khó xảy ra.

Không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì, nhưng ai cấm rằng những nhà chiêm tinh đã có sự suy nghĩ như thế! Chính vì thế, hôm ấy, vâng theo lời báo mộng, những nhà chiêm tinh đã “đi lối khác mà về xứ mình”.

Có lẽ, chúng ta nên tưởng tượng thêm rằng, những nhà chiêm tinh, khi về tới nhà, các vị sẽ cất cao giọng hát: “Tôi đã thấy mặt trời lên, sau đêm dài tăm tối triền miên”. Vâng, “mặt trời công chính Giê-su” đã đến thế gian, cớ sao không cất tiếng hát nhảy mừng, nhỉ?

Trên đây là câu chuyện về những nhà chiêm tinh đã thực hiện cuộc hành trình tìm đến “bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”. Là một Ki-tô hữu, có lẽ, không ai trong chúng ta lại không nghe câu chuyện này, không dưới một lần, trong cuộc đời của ta.

Nghe, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, tôi đã xem nó như là một câu chuyện thuộc về lịch sử của một thời xa xưa, hay tôi coi đó như là chính câu chuyện của tôi, hôm nay! Mà, tại sao lại không coi đó như là chính câu chuyện của mình, nhỉ! Bởi, thời đại của những nhà chiêm tinh xưa, có khác mấy thời đại của chúng ta, hôm nay.

Chúng ta thử nhìn xem. Xưa, các nhà chiêm tinh, đã lạc lõng giữa một Giêrusalem, với nỗi khắc khoải “Đức Vua mới sinh, hiện ở đâu”, thì nay, phải chăng chúng ta cũng đang lạc lõng giữa một “chợ đời”, một chợ đời đầy bất công và bạo lực, với nỗi khắc khoải “Chúa ơi! Chúa đâu rồi!”.

Chúng ta thử nhìn xem. Xưa, các nhà chiêm tinh, lạc lõng giữa một Giê-ru-sa-lem, với một Hê-rô-đê bạo tàn và giả dối. thì nay, phải chăng, chúng ta cũng đang loay hoay giữa một xã hội đầy sự dối trá, dối trá từ những tên bạo chúa độc tài thời nay, dối trá từ nơi học đường lẫn trong giáo đường… để rồi chúng ta phải nức nở thốt lên: “Giê-su ơi! Chẳng biết Ngài đang ở đâu!”

Vâng, đó là một sự thật. Sự thật là, những bạo chúa độc tài đó, tạm gọi chung là Herode-thời-đại, chúng cũng làm ra vẻ cởi mở, cũng ra vẻ lịch lãm trong những bộ veston, tuyên bố vung vít rằng thì-là-mà chúng tôi tôn trọng tự do tôn giáo. Thế nhưng, lợi dụng sự độc quyền truyền thông, chúng ra rả chửi bới Ki-tô giáo.

Sự thật là, những tên bạo chúa độc tài đó cảm thấy bất an (như sự bất an của Hê-rô-đê xưa), khi nhìn thấy chúng ta (là những nhà chiêm tinh thời nay), tìm kiếm và viếng thăm những người già cô đơn, những trẻ em cơ nhỡ, những kẻ thân cô thế cô, những người nghèo khó, ốm đau, bệnh hoạn, những người chúng ta coi là “Hài Nhi Giê-su” của thời đại.

Chưa hết, trong khuôn mặt là những tên đồ tể, chúng ra vẻ đạo đức giả, tuyên bố: “Ở đâu có người Công Giáo, ở đó tệ nạn ít xảy ra”, thế nhưng, thâm tâm họ, chính sách của họ vẫn là  chính sách cổ võ, tiêu diệt những mầm sống chưa kịp thành người, bằng những đạo luật đại loại như: tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, đi ngược với đức tin Kitô giáo, chống lại “Mười giới răn của Đức Chúa Trời”.

Đấy! Xin nhắc lại một lần nữa, thời của những nhà chiêm tinh và thời của chúng ta, thế sự có gì khác biệt mấy! Chúng ta phải làm gì… làm gì để có thể biết Giê-su Cứu Chúa của ta đang ở đâu và đang làm gì cho chúng ta?

Phải chăng là, hãy theo gương các nhà chiêm tinh xưa! Phải chăng là, dựa vào lời ngôn sứ (Thánh Kinh), như những nhà chiêm tinh xưa, đã lắng nghe và thi hành!

Thưa đúng vậy. Ngày nay, chúng ta không chỉ có Thánh Kinh, có Thánh Thể, mà còn có một người dẫn đường tuyệt vời đó là Giáo Hội. Với Thánh Kinh, đó chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (x.Tv 119, 105). Đừng nghe những lời ngụy ngôn rằng thì-là-mà, Thánh Kinh đã lỗi thời… xưa rồi…

Đúng,  Thánh Kinh xưa như mặt trời, nhưng nếu không có mặt trời, loài người sẽ phải dò dẫm trong bóng đêm.  Thánh Kinh xưa như không khí, nhưng nếu không có không khí, loài người sẽ ngạt thở và giãy chết. Thánh Kinh xưa như nước, nhưng loài người sẽ phát điên nếu không có nước.

Với Thánh Thể. Vâng, Thánh Thể chính là bảo chứng về sự hiện diện của Đức Giê-su, một sự hiện diện bên chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”.

Còn với Giáo Hội thì sao? Thưa, tại đây, Giáo Hội như một “ngôi sao” mới, với ơn Chúa Thánh Thần, Giáo Hội dẫn chúng ta tiến bước về Belem – Belem Thiên Quốc, mà chúng ta không sợ lạc lối.

Chúa Nhật hôm nay (06/01/2019) toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Lễ Chúa Hiển Linh. Nói về lễ Chúa Hiển Linh, Lm. Jude Siciliano, OP chia sẻ: “Lễ Chúa Hiển Linh chính là Tin Mừng thu nhỏ và bao hàm cả cuộc tìm kiếm và một đời sống mới, cũng như sự thay đổi hay sự chết, mà các môn đệ của Đức Giêsu sẽ phải nhận. Việc cởi bỏ cái cũ và mang lấy một lối sống mới được gợi ý ở dòng cuối của bài Tin Mừng. Các vị Đạo sĩ đã-đi-lối-khác-mà-về-xứ-mình”.

Ngài Lm. chia sẻ tiếp: “Sau Mùa Giáng Sinh, nhiều người trở lại cuộc sống thường nhật của họ, ‘mọi việc đâu sẽ vào đấy’. Họ để lại phía sau cảnh tượng êm đềm, luyến tiếc về hình ảnh máng cỏ. Nhưng ở đây trong việc thờ phượng, chúng ta không thể để câu chuyện về Đức Kitô lại phía sau ngôi thánh đường của chúng ta. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta sẽ quy tụ và lắng nghe Tin Mừng mở ra khi Đức Kitô trưởng thành, loan báo tin vui và hy vọng cho toàn nhân loại (hãy nhớ rằng ba vị Đạo sĩ là những nhà chiêm tinh ngoại giáo) và đương đầu với sức mạnh tôn giáo và xã hội trong thời đại của Người.”

Đức Giê-su, vào thời của Ngài, cũng đâu khác gì thời đại chúng ta hôm nay! Thế nên, chúng ta cũng đừng để câu chuyện “các nhà chiêm tinh” ở lại trong cuốn Thánh Kinh. Câu chuyện này phải là hành trang cho cuộc hành trình về Belem Thiên Quốc của mỗi chúng ta. Bởi vì, nhờ đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui rằng: nếu xưa kia Thiên Chúa đã “tỏ mình ra” cho các nhà chiêm tinh xưa, thì hôm nay, Người cũng sẽ tỏ-mình-ra cho cả chính chúng ta.

Vâng, Ngài sẽ tỏ mình ra cho chúng ta. Chúng ta sẽ lại thấy Chúa, chúng ta sẽ có Chúa ở cùng, và rồi chúng ta có thể tự tin mà nói rằng: “Chúng tôi không lạc lối về Thiên Quốc.”

Petrus.tran

 

 

Trả lời