Chúng tôi đã thấy

 

Chúng tôi đã thấy…

 

Chúng tôi đã thấyTheo lịch Phụng Vụ, hôm nay, chúng ta đang sống trong những ngày cuối của mùa Giáng Sinh. Nói tới mùa Giáng Sinh, là một Ki-tô hữu, có ai trong chúng ta lại không biết rằng, đó là mùa có một ngày lễ lớn, ngày lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thế nhưng, nếu ta chỉ dừng lại ở những “kỷ niệm” thì chưa đủ.

Thật vậy, mùa Giáng Sinh,  không là thời điểm chỉ nói tới kỷ niệm, kỷ niệm về “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra”, nhưng,  còn là  lúc để nói tới một số nhân vật, những nhân vật đó chính là mẫu mực của đức tin, đức cậy, đức mến, của sự khiêm nhường và cuối cùng là sự tìm kiếm và sự thờ lạy.

Tại sao có thể nói như thế? Thưa, nói như thế là do dựa vào những bài Tin Mừng được công bố qua phần Phụng Vụ Lời Chúa trong những ngày lễ của mùa Giáng Sinh.

Thật vậy, khởi đầu là lễ đêm vọng Giáng Sinh, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta đã được nhìn thấy “những người chăn chiên”, ở nơi họ, đức tin được tỏa sáng.

Hôm đó, hôm mùa Giáng Sinh đầu tiên, nếu được phép gọi như thế, “những người chăn chiên” đã được thiên sứ báo tin “một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân… một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người. Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả nằm trong máng cỏ”.

Nghe lời loan báo đó, họ tin và “họ hối hả ra đi” tìm kiếm. Cuối cùng, họ đã gặp “bà Maria, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Rồi đến ngày lễ Thánh Gia thất, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta  lại nhìn thấy những nhân đức đó được biểu lộ qua hai nhân vật: ông Si-mê-ôn và bà An-na.

Ông Si-mê-ôn được biết đến là một “người công chính và sùng đạo”, đức tin của ông đã cho ông “không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa”. Ông đã toại nguyện để rồi ông đã lớn tiếng vui mừng nói với Thiên Chúa, rằng “Muôn lạy Chúa… chính mắt con được thấy ơn cứu độ”.

Còn bà Anna ư!, Vâng, việc bà ta “không rời bỏ Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” đã cho chúng ta thấy hình ảnh một con người, con người mẫu mực của đức tin.

Và đến hôm nay, Chúa Nhật lễ Hiển Linh. Vâng, với Chúa Nhật hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được chiêm ngắm thêm dung nhan “mấy nhà chiêm tinh”, họ, tưởng như là những nhân vật của huyền thoại, nhưng, các ngài lại chính là những tấm gương mẫu mực của niềm tin, của kiên trì và của sự thờ phượng. Câu chuyện về các ngài đã được chép trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.(2, 1-12).

Vâng, hơn hai mươi thế kỷ trước, chuyện được kể lại rằng: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Belem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2, 1-2)

Lạ thật, không phải là dân tộc Do Thái, một dân tộc đang mong chờ một vị “Vua” đến để cứu con dân ra khỏi ách nô lệ của Roma, thế nhưng các ngài vẫn rời bỏ quê hương, cùng nhau dong duổi đường gió bụi, lần theo dấu vết “ngôi sao hiện bên phương Đông” tìm cho được Đức Vua để mà “bái lạy người”.

Vâng, rất có thể họ là con cháu Apraham thuộc dòng dõi của Itmaen và những người con của Apraham với Cơtura mà khi còn sống “ông Apraham đã cho họ đi xa ông Isaac, con ông, về hướng đông, về đất Phương Đông”(St 25, …6).

Cũng rất có thể họ đã nghe lời Bi-lơ-am, một người thuộc dân tộc Madian, cũng là một dân tộc thuộc dòng dõi Itmaen, đã nói “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacop, một vương trượng trổi dậy từ Israel”. (Ds 24, 17).

Vì thế, hôm đó, khi mà “vì sao” đó đã được các nhà chiêm tinh thấy “kề bên”, các ngài liền tức tốc lên đường “đến Giêrusalem”. Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh với những lời loan báo rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”… đã trở thành trái bom tấn đánh thức cả kinh thành Giê-ru-sa-lem.

Quả thật, cả thành Giêrusalem xôn xao, còn vua Hêrôđê thì “bối rối” về việc “Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”. Các thượng tế và các kinh sư thì… hỡi ơi! quý ông ấy vẫn điềm nhiên với lời phát ngôn rằng,“Tại Belem, miền Giuđê”.

Belem, miền Giu-đê ư! Không lẽ hôm nay lời ngôn sứ đã ứng nghiệm! Thật đáng tiếc! Có vẻ như các thượng tế và các kinh sư không mặn mà lắm cho việc truy tìm “vị lãnh tụ” mà các ngôn sứ đã loan báo rằng: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Không có hành động nào cho thấy nhóm thượng tế và kinh sư sẵn sàng làm người “hướng đạo” cho các nhà chiêm tinh.

“Niềm tin”… Vâng, chỉ nhờ niềm tin vào lời ngôn sứ; các nhà chiêm tinh đã  tiếp tục cuộc hành trình. Họ đi… đi theo hướng “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông”, bỏ mặc đàng sau sự hào nhoáng của Giêrusalem với những lời hứa hão huyền của bạo chúa Herode.

Họ lên đường trong sự tin tưởng rằng, “vì sao” chính là dấu chỉ dẫn đường. Và quả thật niềm tin của họ được đặt đúng chỗ. Hôm đó, “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”.

Chuyện kể rằng “Họ vào nhà , thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 11)

Vâng, nếu chúng ta dừng câu chuyện “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi” tại đây, e rằng, không ít người sẽ cho rằng, cuộc hành trình đi tìm “Đức Vua dân Do Thái” của các nhà chiêm tinh giản dị như là một chuyến du lịch về một địa danh lịch sử hoặc như một “trò chơi lớn” của các chú hướng đạo sinh.

Thực ra, trong cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh, đã có những cạm bẩy được giăng ra, đã có những âm mưu chờ chực phía trước. Con “cáo già” Herode dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng “để cũng đến bái lạy Người”…

Kinh Thánh có chép rằng: “Kẻ gian ác mưu hại người công chính, và hậm hực nghiến răng. Nhưng Chúa cười nhạo nó” (Tv 37(36), 12-13).

Lời Kinh Thánh trên, quả là đúng cho trường hợp Hê-rô-đê, Thiên Chúa đã “cười nhạo” cáo già Hêrôđê bằng việc báo mộng cho các nhà chiêm tinh “đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa”.

Còn các nhà chiêm tinh, có thể nói, nhờ đức tin, tin vào lời ngôn sứ, tin vào lời báo mộng, nó như là một “cây bút” vẽ ra một lộ trình, một lộ trình để các nhà chiêm tinh đi “đến bái lạy Người”, và một lộ trình để họ đi “về xứ của mình” bình an.

Như các nhà chiêm tinh xưa, hôm nay, chúng ta cũng là những kẻ đang trải qua một cuộc hành trình.

 Khác một điều, cuộc hành trình của chúng ta hôm nay, không phải là một cuộc hành trình “tìm để gặp Hài nhi Giêsu” nhưng là tìm để gặp “Giêsu Cứu Chúa của đời ta”. Cuộc hành trình tìm gặp Giê-su của chúng ta hôm nay, không là tại  Belem-miền-Giu-đê, nhưng là nơi “Belem Thiên Quốc”.

Và, giống một điều là, chúng ta cũng sẽ phải gặp những Herode-thời-@; những bạo chúa độc đảng vô thần, họ cũng làm ra vẻ  có một chút sự quan tâm đến tôn giáo, nhưng thâm tâm họ vẫn ra sức tiêu diệt niềm tin Ki-tô giáo bằng những “quỷ kế”, những quỷ kế đại loại như: biến ngày lễ  Giáng Sinh trở thành ngày lễ hội đậm tính cách trần tục, biến những thánh địa hành hương trở thành những nơi “buôn thần bán thánh”, tệ hại hơn, trở thành những nơi đầy dẫy sự mê tín dị đoan.

Vì thế cho nên, để có thể thoát ra khỏi những quỷ kế nêu trên, để có thể hoàn thành cuộc hành trình về Belem-Thiên-Quốc, không gì tốt hơn, chúng ta hãy nhìn các nhà chiêm tinh xưa, như là tấm gương mẫu mực, mẫu mực về niềm tin – tin vào lời “ngôn sứ”, về sự kiên trì – kiên trì đi theo “ngôi sao hiện bên phương Đông” và cuối cùng, đó là sự vâng phục – vâng phục lời báo mộng “đi lối khác” một lối đi đem lại sự bình an.

Nói một cách cụ thể, như mấy nhà chiêm tinh xưa, để tiến bước trên đường về Belem, họ đã có ánh sáng của “ngôi sao” đồng hành. Với chúng ta hôm nay, cũng vậy, chúng ta cũng cần có ánh sáng của “ngôi sao”, đừng bi quan mà nghĩ rằng, “ngôi sao” đó, sau hơn hai ngàn năm, giờ đây không còn “xuất hiện bên phương Đông” nữa. Không! Ngôi sao đó vẫn xuất hiện… xuất hiện “trong Đức-Giêsu-Kitô-và-nhờ-Tin-Mừng” (Ep 3, 6).

“Trong Đức Giê-su Ki-tô”… vâng, đó chính là “Thánh Thể”. Còn “nhờ Tin Mừng ư!” Thưa, chính là “Thánh Kinh”.

Đừng quên, Thánh Kinh chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (x.Tv 119, 105). Cũng đừng nghe những lời ngụy ngôn rằng thì-là-mà, cuốn Thánh Kinh đã lỗi thời… xưa rồi…

Đúng,  Thánh Kinh xưa như mặt trời, nhưng nếu không có mặt trời, loài người sẽ phải dò dẫm trong bóng đêm.  Thánh Kinh xưa như không khí, nhưng nếu không có không khí, loài người sẽ ngạt thở và giãy chết. Thánh Kinh xưa như nước, nhưng loài người sẽ phát điên nếu không có nước.

Các nhà chiêm tinh, qua Thánh Kinh, họ đã nghe lời Chúa. Họ đã đến được Belem và thờ lạy Người.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Chỉ khi chúng ta nghe lời Chúa, chúng ta mới có thể tìm thấy Ngài và chúng ta mới có thể thờ phượng Ngài “trong Thần Khí và sự thật”.

Thờ phượng Ngài “trong Thần Khí và sự thật” nào có gì xa lạ với một người Ki-tô hữu chân chính. Vâng, đó là hãy có lòng “bác ái”, hãy có sự “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (x.Gl 5, 22)

Chỉ khi chúng ta thờ phượng  Chúa như thế, chúng ta mới thật sự xứng đáng lãnh nhận ơn phước được “cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, …6).

“Điều Thiên Chúa hứa” là điều gì? Thưa,  đó chính là trở thành một thành viên nơi “Belem Thiên Quốc” mai sau.

Giờ đây, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi lòng mình rằng: đã qua  bao nhiêu “mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời” , thế nhưng, tôi đã thật sự thấy Người và thờ phượng Người trong Thần Khí và sự thật?  

Nếu chưa, tôi và bạn, chúng ta hãy cùng cất lên lời ca nguyện, nguyện rằng: “Lạy Mẹ từ bi ban ơn, người Việt cùng thương nhau hơn. Đất nước này đây, sáng đức tin Chúa trên trời cao”.

Vâng, xin cho lời nguyện này trở thành sự thật, bởi, chỉ có như thế Giáng Sinh mới thật sự có ý nghĩa, ý nghĩa nhất, đó là, chúng ta sẽ được nghe, không chỉ các nhà chiêm tinh, mà là rất nhiều người, cùng cất tiếng nói: “Chúng tôi đã thấy Chúa… nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Petrus.tran  

Trả lời