Chúng ta phải gìn giữ ngọn lửa đó

 

Chúng ta phải gìn giữ ngọn lửa đóKhi Đức Giê-su trạc ba mươi tuổi, Ngài khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng. Những lời rao giảng của Đức Giê-su đã khiến không ít người sửng sốt và kinh ngạc. Họ sửng sốt và kinh ngạc vì giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.  Tuy  nhiên, trong những điều mới mẻ của những bài giáo lý mà Đức Giê-su truyền dạy đã không ít lần đã  làm cho cử tọa phải bàn tán xôn xao. Không ít người không chỉ bàn tán xôn xao mà còn đưa ra những lời trách cứ…  nào là “Thế nghĩa là gì?”, hoặc là: “Lời này nghe chướng tai quá. Ai mà nghe nổi?”

Đức Giê-su có giảng dạy những lời “nghe chướng tai quá?” Ngài có giảng dạy những điều “ai mà nghe nổi?” Thưa có. Một trong những lời giảng dạy đó đã được thánh sử Luca ghi lại như sau.

**

Tin Mừng thánh Luca ghi lại rằng: một ngày nọ, Đức Giê-su đã nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

Sau đó, Đức Giê-su nói tiếp rằng: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (x.Lc 12, 51).

Ghê chưa! Ghê hơn nữa khi Đức Giê-su tuyên bố: “Từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

***

Vâng, chỉ chừng đó thôi, nghe qua, có lẽ không ít người đã nản lòng về những lời truyền dạy của Đức Giê-su.

Phải chăng những lời nói đó, mâu thuẫn với những gì Đức Giêsu đã giảng dạy? Phải chăng, những lời nói đó tố cáo Đức Giêsu là một con người hiếu chiến? Phải chăng những lời nói đó như là một lời tuyên chiến với thế giới con người?

Xin thưa, hiểu như thế chẳng khác nào mấy ông thầy bói mù xem voi. Mỗi ông nhận xét về con voi theo cảm xúc riêng của mình. Hiểu như thế là hiểu một cách lệch lạc về thông điệp mà Đức Giêsu muốn công bố.

Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn rao giảng một thứ Tin Mừng Cứu Độ. Tin Mừng rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3, 16)

Và thông điệp mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho nhân loại đó chính là thông điệp về tình yêu.  Tình yêu mà Đức Giêsu nói đến, đó là một thứ tình yêu thương “người liều mạng sống vì người mình yêu”. Tình yêu mà Ngài nói đến còn là một thứ tình “yêu thương kẻ thù nghịch”.

Không, Đức Giê-su không dạy mọi người hiếu chiến. Trái lại, Ngài đã truyền dạy, rằng: “Anh em đã nghe dạy rằng: ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em; đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38).

Đừng quên,  tại vườn Ghết-sê-ma-ni, sau khi Phê-rô rút gươm chém đứt tai hữu của người đầy tớ thầy thượng phẩm, Đức Giê-su đã ra lệnh, “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm.” (x.Mt 26, 52).

Cuối cùng, chính cái chết của Đức Giêsu trên đồi Golgotha, với lời cầu nguyện rằng “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” đã chứng thực cho những lời Ngài giảng dạy.

Thế thì tại sao Đức Giê-su lại tuyên bố, rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất…” và rằng: “đem sự chia rẽ”!?

Thưa, về điều này, tác giả bài suy niệm với tựa đề “Lửa tình yêu” có lời chia sẻ, rằng: “Hai đặc tính của lửa là tỏa nhiệt và phát ánh sáng. Lửa đem lại hơi ấm, xóa tan lạnh lẽo. Lửa đem lại ánh sáng, xóa tan bóng tối. Lửa đốt cháy, thanh luyện. Lửa sưởi ấm và an ủi.

Lửa Chúa ném trên mặt đất không phải là lửa án phạt hay hủy diệt, nhưng là lửa yêu thương, lửa đem đến cho con người an bình hạnh phúc. Nhưng ngọn lửa Chúa ném xuống trần gian là nguyên nhân gây cho con người chia rẽ và bất an như lời tiên báo của ông Simêon về Hài Nhi Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.” (Lc 2, 34).

Ngọn lửa ấy chính là sứ vụ của Đấng Cứu Thế xuống trần gian, là sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. Thay vì con người đón nhận Đấng Cứu Thế và Tin Mừng của Ngài để có sự bình an, hòa bình đích thực, thì con người lại vì đó mà trở nên chia rẽ, chống đối lẫn nhau, trở nên thù nghịch lại Thiên Chúa”. Ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy sáng lên khi Ngài trải qua phép rửa trên cây thập giá và ba ngày sau sống lại khải hoàn như lời Ngài đã nói: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất.”(nguồn: phaolomoi.net)

Như vậy, những điều Đức Giê-su đã tuyên bố, không phải là những lời gây chia rẽ, gây hận thù.

Con người, như lời thánh Phao-lô mô tả, luôn bị giằng co giữa thiện và ác. Với kinh nghiệm sống đức tin, ngài Phao-lô đã chia sẻ rằng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(x.Rm 7, 19)

Vì sao con người lại có sự giằng co như thế? Thưa, thánh nhân trả lời, đó là do: “tội vẫn ở trong tôi”.

Thế nên, Đức Giê-su khi nói “đem chia rẽ đến” thế gian, chính là để “rẽ” con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi, để nhờ đó, con người, như lời tác giả thư Do Thái nói, “cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”(x.Dt 12, ..1)

Nói tắt một lời, với những lời truyền dạy này, Đức Giê-su mời gọi những ai đến với Ngài, phải có một sự lựa chọn giữa “thiện và ác”, dù sự lựa chọn đó có phải rơi vào tình trạng “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

****

Vâng, như chúng ta được biết, bóng tối luôn đối nghịch với  ánh sáng, thù hận và ghen ghét không hoan nghênh bác ái và yêu thương. Và, nguy hiểm hơn hết, sự tự mãn kiêu căng đã phủ nhận thánh ý Thiên Chúa.

Đó… đó là những điều mà một Ki-tô hữu luôn phải đối diện và phải chiến đấu. Đó là những điều mà chúng ta không thể thỏa hiệp. Nói rõ hơn, đó là tội lỗi, chúng ta không thể “sống chung hòa bình” với tội lỗi. Và, đó là điều Đức Giê-su tuyên chiến.

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho thế gian sao?” Có ban chứ, Ngài là Vua của Bình An kia mà!

Thế nên, qua lời nói (nêu trên) của Đức Giê-su, chúng ta phải hiểu rằng, Ngài muốn nói với chúng ta rằng, đừng tìm kiếm hòa bình do thế gian tạo ra, bởi vì những thứ hòa bình đó chỉ là những thứ hòa bình giả tạo. Những thứ hòa bình đó phát xuất từ sức mạnh của họng súng, của bạo lực, chứ không phải phát xuất từ lòng nhân hậu và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Vì thế, điều mỗi người chúng ta hôm nay cần thực hiện, đó là làm thế nào tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương mà Đức Giê-su  “đã ném vào mặt đất”.

Đây là một cuộc chiến cần sự kiên trì, một sự kiên trì “mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”.

Bởi, khi chúng ta hướng về Đức Giê-su, chúng ta không đơn độc trong cuộc chiến, Ngài sẽ ban cho chúng ta “ngọn lửa của Thánh Thần”, mà khi có ngọn lửa ấy, có lẽ nào chúng ta không thể “thắp bùng lên”!

Vâng, không thừa thải khi chúng ta cùng nghe lại lời Đức Giê-su đã tuyên phán: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

Nghe xong, hãy ghi khắc lời này trong con tim của mình,. Ghi khắc để làm gì? Thưa, ghi khắc không phải để “mỗi sáng thức giấc vẫn thấy chỉ riêng mình ta”, nhưng là để… “để tôi thấy, đời đang sống”, một cuộc đời  mà mọi người đang sống rất cần… rất cần đến ngọn lửa tình yêu thương, rất cần đến ngọn lửa bình an và hạnh phúc mà Đức Giê-su đã ném xuống mặt  đất này, được cháy bùng lên.

Nghe xong, chính chúng ta phải làm cho những ước mong của Thầy Giê-su toại nguyện. Nói cách khác, chúng ta chính là người phải “giữ gìn ngọn lửa” đó, và  làm cho ngọn ấy lửa cháy bùng lên. Vâng, chúng ta phải gìn giữ ngọn lửa đó.

Petrus.tran

 

Trả lời