Chúa Phục sinh : Đêm chờ sáng …

 

Chúa Phục sinh : Đêm chờ sáng …


Chúa Phục sinh : Đêm chờ sáng …Bốn mươi tám tiếng đồng hồ trôi qua. Bốn mươi tám tiếng của máu và nước mắt. Bốn mươi tám tiếng của kinh hoàng và sợ hãi. Nhóm mười hai chỉ còn mười một. Nhóm mười một chạy tán loạn. Giờ đây, chỉ còn hai người ngồi bên nhau than thở !!!

Hai người đó chính là  Phêrô và Gioan. Hai ông nhớ lại khung cảnh vườn Ghếtsimani hôm đó. Giuđa cùng với một nhóm người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến bắt Thầy Giêsu.

Ngồi đây, Phêrô vẫn ấm ức với những câu hỏi tại sao ! Tại sao lại có thể xảy ra như thế được ! Tại sao với sức mạnh quyền năng, có thể  “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,30)… thế mà Thầy Giêsu vẫn không phản ứng, vẫn an nhiên tự tại để cho họ bắt và điệu đến thượng tế Caipha !

Tại sao có thể xin cấp ngay “hơn mười hai đạo binh thiên thần” đến để giải vây, thế mà Thầy Giêsu vẫn cứ “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu… không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Còn Gioan. Ông đang trầm tư mặc tưởng về những gì ông đã chứng kiến dưới chân thập giá, nơi Thầy Giêsu bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Thầy của mình. Hai đêm nay, Gioan vẫn ám ảnh về hình ảnh Thầy Giêsu chết thảm thiết trên đồi máu Golgotha !

Đêm nay, đã là hai đêm Phêrô và Gioan thấp thỏm, lo lắng và đợi chờ. Đã hai đêm chờ sáng !!! Chẳng lẽ lời phán hứa của Thầy Giêsu rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) là lời phán hứa “cuội” hay sao !?

…..

Hôm nay bước vào ngày thứ nhất trong tuần rồi. Nếu Thầy Giêsu không sống lại, chắc hẳn thế quyền Roma lẫn thần quyền Do Thái “phấn khởi hồ hởi” lắm đây !!!

Khi Phêrô và Gioan đang miên man chìm theo những dòng suy nghĩ trên thì có những tiếng chân chạy cùng những tiếng lao xao thức tỉnh hai ông.

Một người phụ nữ xuất hiện. Bà Maria Macdala. Bà ta chính là người đã theo chân Thầy Giêsu suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Golgotha . Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài.

Làm sao quên được ngôi mộ mà ông Giosep, người Arimathe, liệm xác Thầy Giêsu. Bà đã thấy ông Nicôđêmô “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” ra mộ.

Bà còn thấy họ “lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn” thi hài Đức Giêsu, đúng “theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,38-40).

Vậy mà hôm nay !!! Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà đã đi đến mộ. Hỡi ơi ! Tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Đứng trước mặt Phêrô và Gioan. Bà quả quyết rằng : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”(Ga 20,…2).

Mặc dù thực hư thế nào, hai ông chưa biết. Nhưng nguồn tin của Maria Macdala như một cài đòn bẩy, “bẩy” các ông ra khỏi căn nhà đang bị phủ trùm đầy những khắc khoải sầu thương.

Câu chuyện được kể lại rằng : “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai ông cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giêsu đã được mai táng. Một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Các ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuồn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,..7).

Đúng là có sự  khác thường. Khác thường khi những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…

Sự khác thường đó có thể ví như dấu chỉ về một nguồn ánh sáng. Ánh sáng Phục Sinh của Thầy Giêsu. Hai đêm chờ sáng của Phêrô và Gioan đã tràn ngập nguồn ánh sáng Phục Sinh đó.

Để rồi khi bước vào mộ “các ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

Một chút tâm tình…

“Các ông đã thấy và đã tin”.

Các ông đã thấy gì để rồi các ông tin !?

Thưa, các ông chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy Đức Giêsu Phục Sinh…

Có chăng, các ông chỉ thấy khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và ngôi mộ trống.

Vâng, chính ngôi mộ trống đã tác động lên niềm tin các ông. Nó đã hé mở cho các ông hiểu rõ hơn về những điều Kinh Thánh đã chép rằng “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(Ga 20, 9).

Và hơn nữa, chính Đức Giêsu, “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong suốt bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3)

Chính vì thế, mà sau này, dù đang phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, ông Phêrô và Gioan vẫn không sợ hãi mà tuyên tín rằng “Đức Giêsu Kitô , người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 4,10).

Trong một lần khác. Hôm đó, có dịp giảng tại nhà ông Cornelio. Ông Phêrô cũng đã lớn tiếng làm chứng về Đức Giêsu rằng : “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40-41).

Một phút suy tư…

“Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy”.

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội theo gương thánh Phêrô tiếp tục tuyên xưng rằng : “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Nếu xưa kia các thượng tế và kỳ mục dùng thủ đoạn hối lộ : “cho lính một số tiền lớn” (Mt 28,12) để họ vu khống lên rằng : “các môn đệ của (Giêsu) đã đến lấy trộm xác” hòng xuyên tạc niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Thì hôm nay – Satan – qua một vài cá nhân hoặc một vài  tập-thể-tà-quyền; vẫn kiên trì dùng  những thủ đoạn đó. Họ đưa ra những sự lừa dối rất thâm độc để tấn công Hội Thánh Chúa; đả phá sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Hẳn chúng ta không quên quyển sách “the Da Vinci code”.  Và một “the Gospel of Judas Iscariot” v.v… là những ví dụ điển hình.

Và còn đó những thế quyền, qua những phương tiện truyền thông, lớn tiếng cho rằng, tôn giáo là thuộc phiện của nhân dân.

Những triết lý cho rằng Thiên Chúa đã chết có khác nào những tảng đá hoài nghi, che lấp chân lý và sự thật.

Những lời tuyên bố rằng con người “thay trời làm mưa” có khác nào những tảng đá kiêu ngạo đè bẹp niềm tin vào Thiên Chúa.

Là một Kitô hữu, làm thế nào để những tảng đá hoài nghi, những tảng đá kiêu ngạo không thể che lấp ngôi mộ tâm hồn của chúng ta !?

Thưa rằng : chính Lời Chúa qua Kinh Thánh.  Tông đồ Gioan đã nói rằng: “những điều đã được chép ở đây là để anh em tin” (Ga 20, 31).

Và đừng quên chạy đến bàn Tiệc Thánh Thể. Nơi đó, với niềm tin, chúng ta sẽ thấy Giêsu Phục Sinh. Một Giêsu đã chiến thắng sự chết. Một Giêsu đã phán rằng : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Trở lại câu chuyện Phêrô và Gioan. Ra tới mộ, hai ông chỉ thấy ngôi mộ trống. Không thấy “Vinh quang Phục Sinh” của Thầy Giêsu. Nhưng hai ông đã tin.

Nhắc lại điều này để chúng ta thấy rằng, niềm tin vào Chúa Phục Sinh không phải là “thấy mới tin” nhưng là nhờ “tin mà thấy”.

Và đó cũng là điều mà sau này Đức Giêsu đã nói với tông đồ Toma rằng : “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,…29).

Petrus.tran

 

Trả lời